Saturday, September 5, 2009

GTCDCS: Hợp tác và Thương nghị & Ấn Độ 1914

(tiếp theo)

                     Sách biên khảo

Giải Thể Chế Độ Cộng Sản

Luật sư Nguyễn Hữu Thống       

 

 

7. HỢP TÁC VÀ THƯƠNG NGHỊ

 

            Sau Thế Chiến Thứ Nhất, năm 1919 tại Paris dưới bút hiệu Nguyễn Ái Quốc, bộ ba Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành nhân danh Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước đã đệ trình các Chính Phủ Đồng Minh và Chính Phủ Pháp Thỉnh nguyện Thư của Dân Tộc Việt Nam trong tinh thần hợp tác và thương nghị, nguyên văn như sau:

 

            "Từ sau cuộc chiến thắng của Đồng Minh, các dân tộc bị trị vô cùng xúc động trước những triển vọng tương lai căn cứ vào những cam kết minh thị và trân trọng của các cường quốc Đồng Minh trước dư luận thế giới trong cuộc đấu tranh vừa qua để bảo vệ Văn Minh chống lại Dã Man.


            Chiếu theo các cam kết này, một Kỷ Nguyên mới của Luật Pháp và Công Lý sẽ khai mở đem lại hy vọng chứa chan cho các dân tộc bị trị.


            Trong khi chờ đợi Nguyên Tắc Chủ Quyền Quốc Gia được chấp thuận trong lý tưởng cũng như trên thực tế do sự thừa nhận và thực thi Quyền Dân Tộc Tự Quyết thiêng liêng, Dân Tộc Việt Nam trân trọng đệ trình các Chính Phủ Đồng Minh cao quý, cũng như Chính Phủ Pháp khả kính, những thỉnh nguyện khiêm tốn sau đây:


            1) Ban hành Đại Xá cho tất cả các chính trị phạm bản xứ.

            2) Cải thiện chế độ tư pháp Đông Dương bằng cách ban hành những bảo đảm về quyền bình đẳng trước pháp luật giữa người bản xứ và người Âu Châu. Bãi bỏ tòan bộ và vĩnh viễn hệ thống tòa án đặc biệt được dùng làm công cụ khủng bố và đàn áp các thành phần lương thiện nhất của dân tộc Việt Nam.


            3) Ban hành Tự Do Báo Chí, Tự Do Ngôn Luận

            4) Ban hành Tự Do Lập Hội và Tự Do Hội Họp.

            5) Ban hành Tự Do Di Trú và Xuất Ngoại

            6) Ban hành Tự Do Giáo Dục và thiết lập tại các tỉnh những trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ.

            7) Thay thế chế độ cai trị bằng nghị định bằng chế độ pháp trị.

            8) Thành lập Phái Bộ Thường Trực dân cử của người bản xứ bên cạnh Quốc Hội Pháp để đạo đạt tới Quốc Hội những nguyện vọng của người bản xứ.


            Khi đệ trình những thỉnh nguyện nêu trên, Dân Tộc Việt Nam kỳ vọng vào nền Công Lý Thế Giới của các Cường Quốc và đặc biệt tin tưởng vào sự hào hiệp của Dân Tộc Pháp Cao Quý hiện đang nắm giữ vận mệnh của Dân Tộc Việt Nam bằng cách đứng ra bảo hộ Dân Tộc Việt Nam nhân danh Cộng Hòa Pháp. Dân Tộc Việt Nam không hổ thẹn được sự bảo trợ của Dân Tộc Pháp, trái lại còn cảm thấy vinh hạnh. Vì họ biết rằng Dân Tộc Pháp biểu tượng cho Tự Do và Công Lý, và sẽ không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của Nghĩa Bác Ái tòan cầu. Vì những lý do đó, trong khi lắng nghe tiếng nói của kẻ bị trị, Dân Tộc Pháp sẽ hòan thành nghĩa vụ của mình đối với nước Pháp cũng như đối với nhân loại". 

 

            Thay mặt HỘI NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM YÊU NƯỚC: Nguyễn Ái Quốc

 

            Luật Sư Phan Văn Trường, tiến sĩ luật khoa, Chủ Tịch Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước tại Paris là người soạn tài liệu này.

             

8. ẤN ĐỘ 1914: MỘT KINH NGHIỆM HỢP TÁC

 

            Năm 1914 khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, Gandhi hô hào người Ấn hãy tình nguyện gia nhập quân đội Hoàng Gia Anh để chống Đức. Đây không phải là nghĩa vụ cưỡng bách của những kẻ nô lệ đối với chủ nhân ông phong kiến. Trong cuốn Gandhi Tự Truyện (The Story of my Experiments with Truth), ông viết:

 

             "Tôi không cho rằng người Ấn bị coi như những người nô lệ. Sự kỳ thị không phải do chính sách thuộc địa, mà do những viên chức thực dân bản xứ. Chúng tôi hy vọng có thể sửa đổi họ bằng tình thương. Nếu chúng tôi muốn người Anh hợp tác và giúp đỡ chúng tôi, thì chúng tôi cũng có nghĩa vụ phải giúp đỡ họ trong những giờ phút khẩn trương. Chúng tôi sẽ không lợi dụng tình trạng chiến tranh để đòi những yêu cầu cải thiện quy chế thuộc địa. Trong tinh thần đó cá nhân tôi tình nguyện xung vào ban cứu thương.

 

            "Ý thức trọn vẹn trách nhiệm của mình, tôi công khai ủng hộ việc tuyển mộ binh sĩ Ấn Độ để phục vụ Quân Đội Hoàng Gia Anh. Đây là sự trợ giúp vô điều kiện và không tính toán. Chúng tôi kỳ vọng rằng với thiện chí này, trong tương lai, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thân hữu nhất của Đế Quốc Anh. Nhờ tình thân hữu chúng tôi hy vọng sẽ đạt được mục tiêu mau chóng hơn. Do đó trong thời chiến, chúng tôi sẽ không nhắc đến ''tự trị hay chủ quyền''. Tôi sẽ để Ấn Độ hiến dâng những đứa con trai tráng của mình hy sinh cho Đế Quốc Anh. Ngày nay chúng tôi ý thức rằng nguyện vọng tự trị đã phổ cập trong dân chúng. Và trong khoảng thời gian không xa - được ấn định bởi một đạo luật - chính quyền hữu trách sẽ được trao cho người Ấn Độ. Chúng tôi đem hết quyết tâm phục vụ mục tiêu cứu nguy Đế Quốc Anh. Và trong sự hợp tác đó, chúng tôi đã tìm ra con đường tự trị.''

 

            Tới năm l918, l triệu binh sĩ và công binh chiến đấu Ấn Độ đã phục vụ trong quân đội Hoàng Gia Anh. 100 ngàn người bị thương vong trong số đó có 36 ngàn tử thương. Vì vậy khi chiến tranh kết thúc, chính phủ Anh đã ban hành "Luật Tổ Chức Chính Quyền Ấn Độ năm 1919''. Luật này mở rộng quyền tham gia của người Ấn Độ vào các cơ quan lập pháp và hành pháp tại trung ương và địa phương. Tại Punjab, Luật Sư Pandit Nehru (cha) được bầu làm chủ tịch quốc hội. Mục tiêu tranh đấu của ông là Tự Trị (Self- Rule)

 

Xem tiếp ---->            9-- Việt Nam 1919: Một cơ hội bỏ lỡ



Giải Thể Chế Độ Cộng Sản

Luật sư Nguyễn Hữu Thống

 

B. Vinh Danh Cuộc Đấu Tranh Chính Trị và Ngoại Giao

              1 -- Bài Học Nhật Bản: Canh Tân và Giáo Dục

             2-- Tư Tưởng Chính Trị.

              3-- Đấu tranh bất bạo động

              4-- Giáo dục bạo động đồng thi hành

             5-- Phan Bội Châu tự phán

             6-- Đấu tranh pháp lý

             7-- Hợp tác và thương nghị

             8-- Ấn Độ 1914: Một kinh nghiệm hợp tác

             9-- Việt Nam 1919: Một cơ hội bỏ lỡ

             10-- Đấu tranh chính trị và ngoại giao