Thursday, July 25, 2013

Về Trung Quốc Sử & Hoàng Sa Trường Sa

 


BÌNH GIẢI VỚI ÔNG TẬP CẬN BÌNH

 

VỀ TRUNG QUỐC SỬ

 

LIÊN QUAN ĐẾN HOÀNG SA TRƯỜNG SA

 

                                                                     Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

 

 

Theo cuốn Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, trong bài "Nghiên Cứu về Lịch Sử và Địa Lý" học giả Hsieh Chiao-Min nhận định về cuộc Thám Hiểm của  Trung Hoa tại Đại Dương như sau: "Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết đến đại dương. Thản hoặc nhà cầm quyền Trung Quốc cũng gửi những đoàn thám hiểm đại dương đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ 3 và thứ 2 Trước Công Nguyên, cũng như tại Đông Nam Á, Ấn Độ và Phi Châu trong thế kỷ 15. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Quốc" suốt chiều dài lịch sử (từ nhà Tần thế kỷ thứ 3 Trước C. N. đến nhà Thanh từ  thế kỷ 17 đến thế kỷ 20). Chiao-Min Hsieh. Chinese History Middle Ages: China Academy, Taipei, 1978, p. 287).

 

Dưới đời nhà Tần, cuốn Tần Chí tường thuật rằng năm 211 Trước C.N. Tần Thủy Hoàng sai một phái bộ gồm hàng ngàn đồng nam đồng nữ (trai gái tân) đi kiếm những dược phẩm có tác dụng đem lại trường sinh bất tử cho nhà vua tại đảo Đại Châu Bất Tử trong Đông Trung Quốc Hải. Mặc dầu vậy, Tần Thủy Hoàng không bất tử mà đã chết một năm sau đó. Và chế độ quân phiệt nhà Tần đã cáo chung sau 15 năm thống trị (221-206 Trước C.N).

 Trong thời Đế Quốc Thứ Nhất đời Tần Hán (First Empire), những cuộc thám hiểm đại dương tại Đông Trung Quốc Hải và Biển Nhật Bản không phải để chinh phục vùng Biển Nam Hoa nơi tọa lạc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

 Đặc biệt trong thế kỷ 15, từ đời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc), Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa đã 7 lần thám hiểm Tây Dương (Ấn Độ Dương). Và trong 28 năm, từ 1405 đến 1433, đã viếng thăm 37 quốc gia duyên hải đến Ba Tư, Biển Hồng Hải phía tây bắc, Đông Phi Châu phía cực tây và Đài Loan phía cực đông. Những cuộc thám hiểm này chỉ đi ngang qua Biển Nam Hoa nhằm khai phá Ấn Độ Dương. Lịch sử Trung Quốc cũng phê phán những cuộc thám hiểm đại dương đời nhà Minh vì đã làm kiệt quệ kinh tế đất nước. (The large  exploring expeditions that were to cross the South China Sea and explore the Indian Ocean were criticized by the court as poor to (an impoverishment of) the country. Chiao-Min Hsieh, Ibid, p. 290-291).

 

Những tài liệu lịch sử nêu trên đã được phổ biến tại Đại Hội Quốc Tế về Sử Địa Trung Quốc Kỳ I tại Đài Bắc năm 1968 và đã được đăng trong cuốn Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ năm 1978.    

        

Như vậy theo chính sử Trung Quốc suốt từ thế kỷ thứ 3 Trước C.N. đến thế kỷ 15, dưới 3 triều đại Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế và Minh Thành Tổ không có tài liệu nào cho biết có các lực lượng hải quân Trung Quốc đi tuần thám để hành sử và công bố chủ quyền tại Biển Đông Hải, Biển Nam Hoa hay Biển Đông Nam Á.    

                                                                                                                                                                                                                                                                       

Đối chiếu lịch sử Việt Nam và Trung Quốc, sử sách ghi chép rằng năm 214 Trước C.N., sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư đem quân thôn tính các nước Bách Việt để chia thành 3 quận: Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bắc và Trung Việt). (Nước Việt ta thời đó có nhiều voi: Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi khởi nghĩa đánh nhà Hán, nhà Ngô; Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên, Quang Trung đuổi quân Thanh cũng ngồi trên mình voi đánh giặc).

 

Tuy nhiên các dân tộc Bách Việt không chịu ách đô hộ tàn bạo của nhà Tần. Họ trốn vào rừng chiến đấu và giết được Đồ Thư.

 

Năm 207 Trước C. N. Triệu Đà đánh thắng An Dương Vương, rồi sát nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải để thành lập một quốc gia độc lập đóng đô tại Phiên Ngung (Quảng Châu) lấy quốc hiệu là Nam Việt (207-111 Trước C.N.). Qua năm sau Lưu Bang cũng đánh thắng Hạng Võ và thành lập nhà Hán.

Chữ "hải" trong quận Nam Hải không có nghĩa là biển mà là vùng đất xa xôi (hải biểu là vùng đất cực xa). Và quận Nam Hải là vùng đất phía cực Nam Trung Quốc (far-south). Từ nguyên thủy, Biển Nam Hải có tên là Trướng Hải là vùng biển của tỉnh Quảng Đông, cách huyện Hải Phong 50 dậm ta (lý) về phía nam (khoảng  25km).

 

Theo Tân Từ Điển Thực Dụng Hán Anh xuất bản tại Hồng Kông  năm 1971 "Biển Nam Hải là vùng biển ven bờ chạy từ Eo Biển Đài Loan tới Quảng Đông" (The Southern Sea stretches from the Taiwan Strait to Kwantung.  A New Practical Chinese-English Dictionary, Hongkong 1971, p. 121)

Theo Từ Điển Từ Hải xuất bản năm 1948 thì "Biển Nam Hoa thuộc chủ quyền chung của 5 quốc gia là Trung Hoa, Pháp (Việt Nam),

Anh(Mã Lai), Mỹ (Phi Luật Tân) và Nhật ( Đài Loan). Do đó  Biển Nam Hải (Southern Sea) không phải là Biển Nam Hoa (South China Sea).

 

Sau này Trung Quốc lợi dụng danh xưng để mạo nhận rằng Biển Nam Hải của tỉnh Quảng Đông chính là Biển Nam Hoa của Trung Quốc.

 

Từ thế kỷ 15, các nhà thám hiểm đại dương và các nhà doanh thương Âu, Á như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Anh, Pháp, Ả Rập khi vượt Đại Tây Dương đến vùng biển tiếp giáp Ấn Độ, muốn cho tiện họ gọi vùng biển này là Ấn Độ Dương. Và khi qua Eo Biển Mã Lai đến vùng biển tiếp giáp Trung Hoa họ cũng tiện thể gọi vùng biển này là Biển Nam Hoa (ngoại nhân xưng Nam Trung Quốc Hải).

 

Sự trùng điệp danh xưng này của các nhà địa lý Tây Phương chỉ là sự ghi nhận một tập quán về ngôn ngữ hàng hải. Như vậy tên Biển Nam Hoa cũng như Ấn Độ Dương không có tác dụng công nhận chủ quyền của Trung Hoa và Ấn Độ tại các vùng  biển này. Nó chỉ ghi nhận vị trí của Ấn Độ Dương là vùng tiếp giáp Ấn Độ, cũng như Biển Nam Hoa là vùng tiếp giáp miền  Nam Trung Hoa. Vả lại, về diện tích, Biển Nam Hải (hay Biển Nam) chỉ rộng chừng 25km, trong khi Biển Nam Hoa chạy từ bờ biển Quảng Đông tới bờ biển Nam Dương và rộng tới 2000 km.

 

Trong những chuyến hải hành Trịnh Hòa chỉ dừng chân tại hải cảng Chaban (Trà Bàn hay Đồ Bàn) thủ phủ Chiêm Thành. Theo Giáo Sư  John King Fairbank tại Đại Học Harvard, mục đích những chuyến công du này không phải để cướp bóc hay thôn tính lãnh thổ mà chỉ nhằm thiết lập bang giao với hàng chục quốc gia duyên hải tại Ấn Độ Dương. (The Chinese expeditions were diplomatic not commercial, much less piratical or colonizing ventures. John King Fairbank, China, a New History, Harvard University Press 1992, p. 138).

 

Như vậy, theo chính sử Trung Quốc, từ các đời Tần Hán,Tam Quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc Triều, Tùy Đường, Ngũ Đại, Tống Nguyên, Minh Thanh, sử sách không ghi chép việc hải quân Trung Quốc đi tuần thám Biển Đông Hải để chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đồng thời công bố và hành sử chủ quyền tại các quần đảo này.

 

 

          Suốt chiều dài  lịch sử Trung Quốc trong hơn 20 thế kỷ về đời các Đế Quốc Tần Hán, Tùy Đường, Tống Nguyên, Minh Thanh cũng như trong các thời Đại Phân Hóa như đời Lưỡng Tấn, trở ngại chính yếu cho việc ổn định chính trị và phát triển kinh tế là hiểm họa Hung Nô.

 

Danh xưng Hung Nô tự nó đã hàm chứa ý nghĩa nhục mạ và phỉ báng, man di mọi rợ, dã man hung dữ chỉ đáng làm lệ cho Hán tộc.

Không phải bao giờ Hán binh cũng thắng thế. Vì các kỵ binh Hung Nô là những thiện xạ có tài bắn cun từ trên lưng ngựa huyết hãn mã (mồ hôi đỏ như máu).

 

Đời  nhà Hán hiểm họa Hung Nô là mối lo gan ruột của Hán Vũ Đế 5 lần mang quân đi chinh chiến tại các mặt trận tây bắc. Các phong hỏa đài dọc theo Vạn Lý Trường Thành là những trại tiếp liên báo động tại quan ải:

Gió lửa động sa mạc

Chiếu rực mây Cam Tuyền

Vua Hán chống kiếm dậy

Lại vời Lý Tướng Quân.

(Lý Bạch, Tái Hạ Khúc)

 

Lý Tướng Quân ở đây là Lý Quảng, vị tướng lãnh nổi tiếng nhất trong Chiến Tranh Hung Hán.  Nhưng không phải bao giờ ông cũng đem lại chiến thắng cho Hán Vũ Đế (140-87 Trước C.N.). Năm 119 Trước C. N. Lý Quảng ở tuổi lục tuần, vì trái quân lệnh đã thất trận và phải tự sát để khỏi bị xử trảm với nhục hình. Như vậy tướng quân họ Lý không đem lại vinh quang cho nhà Hán.

 

Năm 100 Trước C. N. Hán Vũ Đế sai sứ giả Tô Vũ qua Hung Nô để can thiệp vào chính sự một nước lân bang phía bắc.  Cơ mưu bại lộ, Tô Vũ bị bắt giam và quản thúc trong 19 năm, phải chịu nhục đi chăn dê tại vùng sa mạc nóng cháy và miền núi tuyết giá băng.

 

Và năm 33 Trước C. N., Hán Nguyên Đế phải đem Chiêu Quân cống Hồ, dầu rằng Vương Tường  là một trong bốn đại mỹ nhân Trung Quốc, cùng với Tây Thi, Hằng Nga và Dương Quý Phi. Trong năm này Hán Nguyên Đế đã từ trần vài tháng sau khi Chiêu Quân xuất giá.

 

Đến đời Nhà Tấn (265-420) có loạn Nhung Địch từ phía tây bắc lũ lượt nổi lên chiếm giữ cả vùng Bắc Trường Giang để xưng vương, xưng đế tại 16 nước gọi là loạn Ngũ Hồ. Sau 50 năm trị vì tại miền tây bắc, nhà Tấn phải lui về phía đông nam để dựng nghiệp Đông Tấn tại Nam Kinh.

 

Kế tiếp là đời Đế Quốc Tùy Đường. Đây là thời thịnh trị cả về kinh doanh thương mại lẫn văn học nghệ thuật. Tuy nhiên trong giai đoạn thoái trào vào thế kỷ thứ 8 có loạn An Lộc Sơn với các binh sĩ Ngũ Hồ từ miền bắc xâm chiếm thủ đô Tràng An. Trên đường rút quân về Tây Thục, dưới áp lực của các tướng sĩ, Đường Minh Hoàng phải bức tử Dương Quý Phi tại Mã Ngôi.

Sau đời Đế Quốc Tùy Đường là Đế Quốc Lưỡng Tống kéo dài hơn 300 năm từ thế kỷ thứ 10 tới thế kỷ 13 (960-1280). Qua thế kỷ 12 nhà Tống bị bao vây bởi Bắc Liêu (Mông Cổ) về phía bắc và Tây Hạ (Mãn Châu) về phía tây. Từ đầu thế kỷ 11 vua nhà Tống phải hàng năm triều cống Bắc Liêu 10 vạn lạng bạc và 20 vạn tấm lụa. Tới đầu thế kỷ 12 (năm 1127) nước Kim (Mãn Châu) lấn chiếm toàn cõi Bắc Trung Hoa khiến Vua Tống phải bỏ miền Bắc dời đô về Hàng Châu (Chiết Giang) gọi là Nam Tống. Đây là một thời đại suy vi với sự phân hóa lãnh thổ, suy thoái kinh tế và thất bại quân sự (Nhà Tống bị Việt Nam đánh bại 3 lần trong những năm 981, 1075 và 1076).

 

Cũng vì vậy trong hai thế kỷ 13 và 14, Trung Quốc bị Hung Nô Mông Cổ thôn tính trong gần 90 năm (1280-1368). Đó là kỷ nguyên của Đế Quốc Đại Nguyên hay Đế Quốc Nguyên Mông.

 

Và để kết thúc giai đoạn lịch sử Trung Quốc thời Trung Cổ, trong ba thế kỷ từ 17 đến 20 (1644-1911) đời  Đế Quốc Đại Thanh, Hung Nô Mãn Châu làm chủ Trung Quốc.

 

Để có cái nhìn khách quan trung thực, chúng ta hãy kiểm điểm khái quát những điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị của các triều đại Trung Hoa từ đời nhà Tần đến đời nhà Thanh. Từ đó chúng ta có thể nhận định rằng Trung Quốc không có điều kiện khách quan và chủ quan để thôn tính Biển Đông Hải và giành giật chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Từ Đế Quốc Tần Hán đến Đế Quốc Đại Thanh

 

Năm 221 Trước C.N., Nhà Tần thống nhất đất nước, tập trung quyền lực trong chế độ độc tài quân phiệt, bãi bỏ chính sách phân chia ruộng đất (tỉnh điền) và chế độ tư tưởng phóng khoáng thời Bách Gia Chư Tử. Mặt khác huy động toàn dân vào việc xây đắp trường thành chống Hung Nô và xây dựng cung điện nguy nga như Cung A Phòng với những hy sinh khủng khiếp: 1 triệu viên đá xây thành là 1 triệu người dân hy sinh thân sống. Lịch sử Trung Hoa kết án Tần Thủy Hoàng là một bạo chúa đã từ bỏ quan niệm hòa bình nhân ái của Khổng Mạnh lấy dân làm trọng, và coi nhẹ chính quyền (dân vi quý, quân vi khinh). Vì quá lao tâm lao lực, Tần Thủy Hoàng chỉ trị vì được 11 năm. Từ đó với những âm mưu tranh giành quyền lực, cà thái tử lẫn tể tướng đã phải hoặc tự sát, hoặc bị giết. Vua Tần Nhị Thế cũng bị một viên quan hoạn giết sau 4 năm trị vì. Dân 6 nước bị nhà Tần sát hại thời Chiến Quốc cùng những dân công khổ sai đã vùng đứng lên tiêu diệt chế độ nhà Tần năm 206 Trước C.N.

 

Lúc này tại miền Hoa Nam, hải quân Trung Quốc không lai vãng đến vùng Biển Đông Hải.

 

Kế nghiệp Nhà Tần là Nhà Hán kéo dài hơn 4 thế kỷ (từ 206 trước C. N. đến 220 Tây Lịch) trong đó có 14 năm Vương Mãng tiếm vị.

Trong cuộc Hán Sở tranh hùng, Hán Vương Lưu Bang thắng Sở Vương Hạng Võ. Họ Lưu khởi nghiệp từ miền Hán Giang (một chi nhánh của Dương Tử Giang) đã trừ được nhà Tần, diệt được nhà Sở và thống nhất Trung Hoa lên ngôi lấy hiệu là Hán Cao Tổ (206-195 trước C. N).

 

Trước đó một năm, năm 207 Trước C. N., Triệu Đà cũng đã lên ngôi hiệu là Triệu Vũ Vương sau khi đánh thắng An Dương Vương và sát nhập Âu Lạc với quận Nam Hải để thành lập nước Nam Việt độc lập, đặt thủ đô tại Phiên Ngung (Quảng Châu).

 

Trong khi tại miền Bắc Hán Cao Tổ chỉ trị vì được 11 năm, thì tại miền Nam Triệu Vũ Vương đã chấn chỉnh và mở rộng bờ cõi trong suốt 70 năm (207-137 Trước C. N.). Năm 196 Trước C. N. Hán Cao Tổ sai Lục Giả sang phong tước cho Triệu Vũ Vương.

 

Sau khi Hán Cao Tổ mất bà Lữ Hậu lâm triều lộng hành không cho người Việt mua các đồ sắt, điền khí và trâu bò nái. Triệu Vũ Vương xưng là Nam Việt Hoàng Đế (Triệu Vũ Đế) rồi cử binh đánh bại quân nhà Hán tại Trường Sa (Hồ Nam). Sau khi Lữ Hậu mất Hán Văn Đế lại sai Lục Giả sang thương thuyết, yêu cầu Triệu Vũ Đế bỏ đế hiệu. Hán Văn Đế cam kết rằng: "Tại miền Hồ Quảng, từ phía nam Ngũ Lĩnh và Động Đình Hồ, Triệu Vũ Vương được toàn quyền cai trị".

 

Đến năm 111 Trước C. N., khai thác mâu thuẫn giữa ba nước Mân Việt, Đông Việt và Nam Việt, Hán Vũ Đế đã thôn tính Nam Việt trái với lời cam kết của các tổ phụ và tiên vương Hán Cao Tổ và Hán Văn Đế.

Tuy nhiên, sau cái chết của Hán Vũ Đế (năm 87 Trước C.N.), Nhà Hán bắt đầu suy thoái. Trong đời Hán Nguyên Đế (48-33 Trước C.N.), quân Nhà Hán đã phải rút khỏi Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam) cho đến cuối thế kỷ thứ 6 đời Lương, Tùy mới đặt lại nền cai trị.  Nếu nhà Hán đã bỏ đảo Hải Nam thì cũng không lý vấn đến các đảo Hoàng Sa Trường Sa tại Đông Hải. (Hải Nam cách Hoàng Sa 150 hải lý hay 275 km)

Tiếp theo thời Đế Quốc Tần Hán là Thời Đại Phân Hóa Thứ Nhất (First Partition) với các đời Tam Quốc, Lưỡng Tấn và Nam Bắc Triều.

 

Thời Đại Phân Hóa Thứ Nhất

 

Trong đời Tam Quốc (220-265), với thế chân vạc Ngụy, Thục, Ngô, không nước nào dám mạo hiểm và có thực lực đi thôn tính biển Đông Hải. Thời Hán mạt Tào Tháo mượn lệnh Hán Đế đem 10 vạn quân (phóng đại là 80 vạn) đi xâm chiếm Đông Ngô và đã bị Chu Du và Gia Cát Lượng đánh tan trong trận Xích Bích năm 207.

 

Đến đời Nhà Tấn (265-420) có loạn Nhung Địch từ phía tây bắc lũ lượt nổi lên chiếm giữ cả vùng Bắc Trường Giang để xưng vương, xưng đế tại cả thảy 16 nước gọi là loạn Ngũ Hồ. Sau 50 năm trị vì tại miền tây bắc, nhà Tấn đã phải lui về phía đông nam để dựng nghiệp Đông Tấn tại Nam Kinh.

Sau khi nhà Tấn mất ngôi có nạn phân hóa Nam Bắc Triều với 7 nước là Ngụy, Tề, Chu phía bắc và Tống, Tề, Lương, Trần phía nam.

Do sự phân hóa này Trung Quốc không còn sinh khí. Đến đời nhà Lương, tại Giao Châu, Lý Bôn phất cờ khởi nghĩa xưng là Lý Nam Đế lấy quốc hiệu là Vạn Xuân. Sau đó Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử kế nghiệp Nhà Tiền Lý trong gần 60 năm (từ năm 544 đến 602).

 

Thời Đế Quốc Tùy Đường

 

Kế tiếp đời Nam Bắc Triều, Nhà Tùy trị vì được 30 năm, và cùng với Nhà Đường khởi sự Thời Đế Quốc Thứ II (Second Empire). Đây là thời thịnh trị cả về kinh doanh thương mại lẫn văn học nghệ thuật. Đường Minh Hoàng làm thơ ca tụng Khổng Tử. Các đại sư Huyền Trang và Nghĩa Tĩnh sang Ấn Độ thỉnh kinh Phật. Các thi sĩ nổi tiếng đời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tư tưởng Lão Trang, Khổng Mạnh và Phật Giáo.

 

Tuy nhiên trong giai đoạn thoái trào vào thế kỷ thứ 8 có loạn An Lộc Sơn với các binh sĩ Ngũ Hồ từ miền bắc xâm chiếm thủ đô Tràng An.

Sự suy đồi của Nhà Đường dẫn tới đời Ngũ Đại kéo dài hơn 50 năm với 5 triều đại đã có từ trước như các nhà Hậu Đường, Hậu Lương, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu. Vận dụng cơ hội lịch sử này Ngô Quyền kết tập binh mã phá tan quân Nam Hán năm 938 trong trận hải chiến Bạch Đằng Giang. Do đó, từ năm 939, Việt Nam được giải phóng khỏi nạn Bắc Thuộc một ngàn năm, mở đường cho kỷ nguyên độc lập với các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê và Nguyễn, từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 19.  

 

Thời Đế Quốc Lưỡng Tống .

 

Trong thế kỷ thứ 10 quân Nhà Tống kéo sang xâm chiếm nước Nam. Để chống ngoại xâm các tướng sĩ tôn Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn lên làm vua. Và năm 981 Lê Đại Hành đánh thắng lục quân nhà Tống với Hầu Nhân Bảo và thủy quân với Lưu Trừng tại Bạch Đằng Giang.

 

Năm 1075, dưới đời vua Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân vượt biên vây đánh Châu Khâm, Châu Liêm tại Quảng Đông và Châu Ung tại Quảng Tây. Qua năm sau nhà Tống đem quân sang báo thù. Nhưng một lần nữa lại bị Lý Thường Kiệt đánh bại trên sông Như Nguyệt hay Sông Cầu (Bắc Ninh).

 

Sau 3 lần dụng võ thất bại, do trình tấu của Hoàng Thân Triệu Nhữ  Quát, vua Tống Thần Tông phải theo chính sách "Trọng Võ Ái Nhân" (thận trọng việc võ bị, thương xót mạng người, không phơi binh nơi lam chướng), và đã thừa nhận nền độc lập của Đại Việt.

 

Nhà Tống kéo dài từ thế kỷ thứ 10 tới thế kỷ 13 (960-1280). Qua thế kỷ 12 nhà Tống bị bao vây bởi Bắc Liêu và Tây Hạ. Ngay từ đầu thế kỷ 11 vua nhà Tống đã phải hàng năm triều cống Bắc Liêu 10 vạn lạng bạc và 20 vạn tấm lụa. Tới đầu thế kỷ 12 (năm 1127) nước Kim lấn chiếm toàn cõi phía bắc Trung Hoa khiến Vua Tống phải bỏ miền bắc thiên đô về Hàng Châu (Chiết Giang) gọi là Nam Tống. Đây là một thời đại suy vi kéo dài 150 năm. Với sự phân hóa lãnh thổ, suy thoái kinh tế, và nhất là sau 3 lần thất trận tại Việt Nam, Nhà Tống không còn dòm ngó đến Biển Đông Hải với Hoàng Sa và Trường Sa.

 

          Thời Đế Quốc Nguyên Mông.

 

Qua thế kỷ 13 Trung Quốc bị Mông Cổ thôn tính trong gần 90 năm (1280-1368). Trước đó trong chiến dịch Tây Tiến, Thành Cát Tư Hãn đã chiếm giữ vùng Trung Á 6 ngàn dặm đến Hung Gia Lợi và nước Nga tại Bắc Âu và Ba Tư tại Nam Á. Rồi quay về chiếm nước Tây Hạ, nước Kim và Triều Tiên. Trước đó, năm 1257 quân Mông Cổ đánh Vân Nam và tràn sang Việt Nam. Tuy nhiên, với quân dân một lòng, nhà Trần đã đánh tan quân Mông Cổ tại Đông Bộ Đầu. Đây là chiến thắng đầu tiên của Việt Nam đối với nhà Nguyên.

27 năm sau, năm 1284, con Nguyên Chủ Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan kéo 50 vạn quân sang báo thù.

 

Trong Hội Nghị Diên Hồng các bô lão đồng thanh xin đánh. Dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, chỉ trong vòng 6 tháng, từ tháng 12-1284 đến tháng 6-1285, quân Đại Việt đã đánh đuổi quân Nguyên ra ngoài bờ cõi. Toa Đô bị bắn chết, Ô Mã Nhi bị đuổi quá gấp phải một mình lẻn xuống thuyền con chạy trốn, và Thoát Hoan phải chui ống đồng lên xe chạy thoát về Tầu.

Thời gian này Hốt Tất Liệt đã có kế hoạch thôn tính Quần Đảo Phù Tang. Nay quân Thoát Hoan đại bại kéo về, Nguyên Chủ phải đình chỉ kế hoạch Đông Tiến. Và hai năm sau, đầu năm 1287, Thoát Hoan lại tập trung lực lượng kéo 30 vạn quân sang Đại Việt để báo thù lần thứ hai.

 

Tuy nhiên, cũng như lần trước, chỉ trong vòng một năm quân Mông Cổ đã mua lấy thất bại. Ô Mã Nhi lần này bị bắt sống tại Bạch Đằng Giang. Sau đó quân Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên khiến Thoát Hoan phải thu tàn binh tháo chạy về Yên  Kinh. Và tại Thăng Long, vua Trần Nhân Tông đem các tướng nhà  Nguyên bị bắt như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp làm lễ hiến phù tại Chiêu Lăng. Đây là một vinh dự cho Đại Việt đã 3 lần đơn độc phá vỡ kế hoạch Nam Tiến (tại Việt Nam), đồng thời ngăn cản cuộc Đông Tiến (tại Nhật Bản) của đoàn quân mệnh danh là "bách chiến bách thắng" từ đời Thành Cát Tư Hãn.

 

Và sau ba phen thất bại, Nhà Nguyên không còn dòm ngó đến Việt Nam cả trên lục địa lẫn ngoài hải phận. Trong cuốn "Tranh Chấp tại Biển Nam Hoa" Marwyn S. Samuels cũng xác nhận rằng: "Trong suốt thế kỷ 14, các đội hải thuyền hùng mạnh của Nhà Nguyên có đi tuần tiễu, nhưng tại Biển Nam Hoa, các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa không bị chiếm đóng và

cũng không thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc" (Marwyn S. Samuels: Contest for the South China Sea, Methuen, London, 1982).

 

Như  đã trình bày, trong bài "Thám Hiểm Đại Dương", học giả Hsieh Chiao-Min nhận định rằng: "Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Trung Hoa không tha thiết đến đại dương". Thuyết bế quan tỏa cảng được áp dụng từ đời nhà Tần, Vạn Lý Trường Thành không chỉ là một kiến trúc mà còn là một nhân sinh quan. Miền bờ biển được coi là nơi hoang vu man rợ, đảo Hải Nam là chốn lưu đày các tù nhân biệt xứ. Trong giả thuyết "Cổ Tẩu sát nhân" của Mạnh Tử (thế kỷ thứ IV Trước C.N.), vua Thuấn vào ngục thất cứu cha là Cổ Tẩu (phạm tội cố sát) rồi cõng cha chạy  trốn về vùng bờ biển để mai danh ẩn tích đến trọn đời.    Sau khi chôn sống 460 nho sĩ tại Hàm Dương, Tần Thủy Hoàng lưu đầy tất cả các nho sĩ đối kháng tại miền bờ biển. Trung Hoa là một đại lục bao la, cả miền Tây và miền Bắc đất rộng mênh mông còn chưa khai phá. Vậy mà từ đời nhà Tần, Trung Hoa đã tự cô lập từ trong đất liền đến ngoài đại dương. Cho đến đời nhà Thanh vào thế kỷ 19, chính sách bế quan tỏa cảng vẫn được thi hành.

 

Với tâm lý tự cô lập, không thể có 100 ngàn quân nhà Hán đi khai phá các tiểu đảo san hô tại Đông Hải. Rất có thể, như đã trình bầy, đó là 10 vạn thủy quân của Tào Tháo mượn lệnh Hán Đế đi xâm chiếm Đông Ngô và đã bị Chu Du và Gia Cát Lượng đánh tan trong trận Xích Bích.


"Trung Hoa không bao giờ là một cường quốc đại dương. Dân tộc Trung Hoa trong 4 ngàn năm chỉ sống về ruộng đất với những tập tục và quan niệm sống của nhà nông" (James Fairgrieve, Geography and World Power,  London, 1921).

"Với các đặc tính của một dân tộc lục địa, Trung Hoa không phải là một cường quốc đại dương. Chú tâm của họ hướng về đất liền tại miền Trung Á hơn là ra hải ngoại. Do đó các kiến thức của họ về biển cả và duyên hải thật quá thô sơ". (E. B. Elridge, The Background of  Eastern  Sea Power, Melbourne, 1948).

 

Đời Nhà Minh

 

Trong cuốn "Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ" ghi trên, học giả Hsieh Chiao-Min ghi nhận rằng, theo chính sử, từ các thế kỷ thứ 3 và thứ 2 Trước C. N., người Trung Hoa chỉ đi tới Biển Nhật Bản và Đông Trung Quốc Hải. Họ không nghĩ có đất liền bên kia Thái Bình Dương. Do đó mọi cuộc thám hiểm đều hướng về Tây Dương.

Mãi đến thế kỷ 15 dưới đời Minh Thành Tổ (1403-1424) mới có những vụ thám hiểm đại dương từ Đông Nam Á đến Ấn Độ và Đông Phi .

Đồng thời với 5 cuộc Bắc Chinh chống Hung Nô, Minh Thành Tổ cử Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy những cuộc hành trình tại Ấn Độ Dương mệnh danh là "Thất Hạ Tây Dương" (Tây hay Tây Trúc chỉ Ấn Độ và Tây Dương là Ấn Độ Dương).

Điều đáng lưu ý là về 7 chuyến công du tại trên 30 quốc gia trong 28 năm (từ 1405 đến 1433), chính sử Trung Hoa cũng ghi rõ phái bộ Trịnh Hòa chỉ đi qua Biển Nam Hoa nhằm thám hiểm Ấn Độ Dương. Như vậy không có chuyện phái bộ Trịnh Hòa đến các đảo Hoàng Sa và Trường Sa để chiếm hữu và hành sử chủ quyền.

Theo chính sử do các sử gia Trung Quốc trên thế giới hội nghị tại Đài Bắc năm 1968 và biên soạn năm 1978 thì trong các đời Tần Hán, Tùy Đường, Tống Nguyên và Minh Thanh, không thấy một dòng chữ nào đề cập việc Trung Quốc đem quân chiếm cứ các hải đảo tại Biển Đông Hải. Các chuyến hải hành chỉ vụ vào việc bành trướng thế lực ngoại giao và phát triển giao thương giữa Trung Hoa với các quốc gia Á Phi tại Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập.

Tuy nhiên những chuyến hải hành chỉ nhằm phô trương thanh thế cho Minh Thành Tổ chứ không thực sự đem lại kết quả cụ thể nào về mặt ngoại giao. Do đó dư luận trong nước đã phê phán những chuyến đi phô trương nặng phần trình diễn làm hao mòn công quỹ khiến kinh tế quốc gia bị suy thoái.

Riêng tại Đại Việt, Giáo Sư J.K. Fairbank cũng nói về cuộc xâm lăng khởi sự năm 1407 và kết thúc năm 1427. Kết cuộc, với những tổn thất đáng kể, nhà Minh phải trả chủ quyền độc lập cho Việt Nam năm 1428.

 












Hoàng Sa Trường Sa theo Trung Quốc Sử

 

              Trong Trung Quốc sử có rất nhiều tài liệu lịch sử do nhà cầm quyền phổ biến và nhiều tác phẩm của các học giả Trung Hoa thừa nhận chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại  Hoàng Sa Trường Sa.

          Dưới đời Nhà Thanh, trong ba thế kỷ từ 17 đến 20:

a)     Theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Tổng Đồ năm 1894 đời vua Quang Tự thì đến cuối  thế kỷ 19 "lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết" (Hải Nam cách Hoàng Sa 150 hải lý (275 km) về phía đông nam).

b)    Qua thế kỷ  20 sự kiện này được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư  xuất bản năm 1906 (cũng đời vua  Quang Tự) với đoạn như sau: "Điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại Vĩ Tuyến 18".

c)     Trong bản đồ Đại Thanh Đế Quốc do Chính Phủ ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, và không thấy ghi các danh xưng Hán hóa Tây Sa, Nam Sa.

d)    Trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) viết: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là giải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam". Như vậy có sự nhìn nhận rằng quần đảo này là biên thùy hải phận của Việt Nam.

e)      Theo học giả Marwyn  S. Samuels  trong cuốn Tranh Chấp tại Biển Nam Hoa nói ở trên"không có bằng chứng nào cho thấy nhà Thanh đã chiếm hữu và sát nhập Hoàng Sa Trường Sa vào lãnh thổ Trung Quốc".

f)      Trong tập Địa Dư  Chí  Tỉnh Quảng Đông được vua Ung Chính duyệt phê năm 1731, không thấy ghi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc.

g)      Trong bộ "Đại Thanh Nhất Thống Chí" do Quốc Sử Quán Trung Hoa biên soạn năm 1842 với lời tựa của vua Đạo Quang không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa) thuộc hải phận tỉnh Quảng Đông.

h)      Đặc biệt là trong cuốn Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (năm 1744), vùng hải phận của Việt Nam tại Biển Đông Hải được ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương.

i)       Ngoài ra cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự của Hòa Thượng Thích Đại Sán xuất bản năm 1695 đời Khang Hi cũng ghi nhận Đại Việt đã chiếm hữu, và khai thác Biển Đông với Hoàng Sa Trường Sa.

          Đời nhà Minh

a)     Bản Đồ Mao Khôn trong cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi gọi vùng biển Việt Nam là Giao Chỉ Dương.

b)    Trên các bản đồ Trịnh Hòa Hạ Tây Dương và Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ không thấy ghi các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa với các danh xưng Hán hóa Tây Sa, Nam Sa, Tuyên Đức, Vĩnh Lạc trong các lộ trình của Trịnh Hòa 7 lần đi ngang qua Biển Nam Hoa để khai phá Ấn Độ Dương.

c)     Trong hai thế kỷ 14 và 15 có sự giao chiến trường kỳ 100 năm

giữa Việt Nam và Chiêm Thành: Với Chế Bồng Nga đời vua Trần Nghệ Tông (năm 1370), và với hai anh em Trà Toàn, Trà Toại đời vua Lê Thánh Tông (năm 1470). Nếu quả thật nhà Minh đã chiếm đất Chiêm Thành trong chuyến đi thứ tư của Trịnh Hòa năm 1413, thì lẽ tất nhiên sử sách của Trung Hoa, Chiêm Thành và Việt Nam đã phải ghi chép việc đó.

Mà nếu Trịnh Hòa đã chiếm Chiêm Thành năm 1413 thì lẽ tất nhiên Nhà Minh đã phải đem quân chống lại vua Lê Thánh Tông là người đã phát động Chiến Dịch Nam Tiến năm 1470 để mở rộng lãnh thổ đến Bình Định Phú Yên.

d)    Theo sách Dư Địa Chí đời Hồng Đức lưu trữ tại Đông Dương Văn Khố Tokyo, tới hậu bán thế kỷ 15 dưới triều vua Lê Thánh Tông năm Hồng Đức nguyên niên (1470), Chiêm Thành đã là lãnh thổ của Đại Việt gồm có lục địa, hải phận và các hải đảo.

e)     Về việc này cuốn Minh Sử ghi chép như sau: "Sứ thần Chiêm Thành nói: Cổ lai đất nước Chiêm có 27 xứ, 4 phủ, 7 châu, 22 huyện, nay vua An Nam lấy đi chỉ còn 5 xứ, từ Bang Đô Lang đến Chân Lạp". Lúc này vua Nhà Minh yêu cầu vua Lê Thánh Tông trả đất cho Chiêm Thành nhưng Ngài không chịu. Lý do là vì Minh Chủ không chịu trả đất Nam Việt thời Triệu Vũ Đế cho Đại Việt. Tài liệu lịch sử này cho biết từ thế kỷ 15, vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ Đại Việt.

Đời nhà Nguyên

a)     Trong thế kỷ 13 Mông Cổ  bị Đại Việt 3 lần đánh bại trong 3 thập niên,vào những năm 1257, 1285 và 1287. Sau ba phen thất bại, Nhà Nguyên không còn dòm ngó Việt Nam từ trên lục địa đến ngoài hải phận. Và trong các thế kỷ 13 và 14, theo chính sử, quân Mông Cổ không xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

b)     Theo cuốn Tranh Chấp tại Biển Nam Hoa của Marwyn Samuels  "trong thế kỷ 14 các đội hải thuyền hùng mạnh của nhà Nguyên có đi tuần tiễu, nhưng tại Biển Nam Hoa các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa  không bị chiếm đóng và không thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc" (sách đã dẫn, trang 20).

c)     Cũng như các sách sử địa đời Nhà Thanh, cuốn Nguyên Sử Địa Lý Chí đã viết như sau: "Cương vực Trung Quốc đời Nhà Nguyên về phía Nam chỉ đến Đảo Hải Nam, và về phía Bắc không quá Sa Mạc Gobi".

Đời Nhà Tống

a)     Như trong thế kỷ 13 đời Nhà Nguyên, trong hai thế kỷ thứ 10 và 11 Việt Nam cũng đã 3 lần đánh thắng Nhà Tống trong những năm 981, 1075 và 1076.

b)    Sau 3 phen thất trận, theo trình tấu của Hoàng Thân Triệu Nhữ Quát, vua Tống Thần Tông đã phải theo chính sách Trọng Võ Ái Nhân (thận trọng việc võ bị, thương xót mạng người, không phơi binh nơi lam chướng). Và đã thừa nhận nền độc lập của Đại Việt.

c)     Sách Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát nhìn nhận rằng quần đảo Hoàng Sa mà tác giả gọi là Thiên Lý Trường Sa (Bãi Cát Dài Ngàn Dặm) là đất của nước phiên thuộc An Nam,

d)    Trong đời Nam Tống cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi cũng xác nhận: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương".

          Đời Nhà Đường

a)  Sách Đường Thư Nghệ Văn Chí đề cập đến cuốn Giao Châu Dị Vật Chí của Dương Phu trong đó tác giả tường thuật  những việc kỳ dị và những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Như tại Thất Châu Dương (Nhóm An Vĩnh, Hoàng Sa) là nơi có nhiêu từ thạch hay đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt không đi qua được. Đây có sự thừa nhận các đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam.

b)  Ngoài ra sách Tứ Di Lộ Trình của Giã Đàm đời Đường có vẽ hải đạo Hồng Kông-Tân Gia Ba nhưng không ghi các hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay các danh xưng Tây Sa, Nam Sa.

 

 

Đời Nhà Hán

a) Trong cuốn Chư Phiên Chí, sử gia Triệu Nhữ Quát đời Nhà Tống đã xác nhận sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ như sau: Năm 111 Trước C. N., sau khi thôn tính Nam Việt "Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân  (Nam Việt) và đặt ra hai quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (Đảo Hải Nam). Trong thế kỷ thứ nhất Trước C.N. Hán Nguyên Đế  đã rút quân khỏi đảo Hải Nam, mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy vào cuối thế kỷ thứ 6 và đầu thế kỷ thứ  7 mới đặt  lại quyền cai trị".

b)  Như đã trình bày, đến cuối đời Nhà Thanh vào đầu thế kỷ 20, biên cương của Trung Quốc về phía Nam chỉ chạy tới đảo Hải Nam tại vĩ tuyến 18.

Tổng kết lại, về mặt chính sử, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Hán thế kỷ thứ 3 Trước C.N.  đến thế kỷ 20 đời Nhà Thanh, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu nào ghi rằng Biển Đông Hải với Hoàng Sa Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

 

Mãi tới năm 1951 nhân kỳ Hội Nghị Hòa Bình San Francisco 1951, lần đầu tiên Chính Phủ Bắc Kinh mới đưa ra Công Bố ngày 1-9-1951 đòi chủ quyền lãnh thổ tại các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là Bản Chú Giải về Đảo Nam Uy và Quần Đảo Tây Sa  theo đó "đảo Nam Uy cùng toàn thể các quần đảo Nam Sa và Tây Sa đều là lãnh thổ của Trung Quốc, các tài liệu lịch sử liên quan đến các quần đảo này có từ đời nhà Tống".

Tuy nhiên lịch sử Trung Quốc đã không xác nhận như vậy. Cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi đời Nhà Tống gọi vùng biển Hoàng Sa Trường Sa là Giao Chỉ Dương

          Qua năm 1956 khi Phi Luật Tân đòi chủ quyền các hải đảo Thái Bình (Itu Aba) và Trường Sa (Spratly), ngày 29-5-1956 Chính Phủ Đài Bắc cũng

lên tiếng phản kháng, chủ trương rằng các hải đảo này đã thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc từ đời nhà Minh.

          Dầu sao, cũng như Bản Công Bố Chủ Quyền của Bắc Kinh năm 1951, Bản Phản Kháng Phi Luật Tân của Đài Bắc năm 1956 không viện dẫn được bằng chứng cụ thể nào về pháp lý, địa lý hay lịch sử để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai  Chính Phủ Quốc Cộng Trung Hoa chỉ quả quyết suông rằng Biển Nam Hoa là Biển Lịch Sử của Trung Quốc từ các đời Tống Thần Tông hay Minh Thành Tổ. Đây chỉ là sách lược của Bắc Kinh nhằm phục hồi Đế Quốc Đại Hán do Mao Trạch Đông phát động từ thập niên 1950. Để thi đua tranh thủ nhân tâm, Đài Loan cũng đã phải phụ họa.

Ngày nay, với "tứ hiện đại hóa", Trung Quốc đã biểu lộ tính hiếu chiến trong chính sách bành trướng cả về kinh tế lẫn chủ quyền lãnh thổ. Quân đội Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh để hy vọng có ngày đủ phương tiện nhằm lọai trừ hay phòng ngừa sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Á Châu Thái Bình Dương. Sau đó, theo truyền thống và tự hào lịch sử, họ sẽ bước vào giai đoạn đối đầu với phe Dân Chủ Tây Phương. Họ kỳ vọng rằng với quyết tâm và phát triển kinh tế, hệ thống Trung Quốc sẽ nổi bật trên thế giới khiến các quốc gia khác phải khâm phục và mặc nhiên chấp thuận để họ thôn tính các vùng lãnh thổ và hải đảo tại Á Châu Thái Bình Dương.


Những nhận định của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Hoa Kỳ  cũng là nhận định của Tiến Sĩ Lỗ Chi-Kin từ Hồng Kông trong Luận Án Tiến Sĩ đệ trình Đại Học Kinh Tế Chính Trị Luân Đôn năm 1986. Theo Mao Trạch Đông "những lãnh thổ phụ dung trước kia đã được Trung Quốc chinh phục và khai hóa, nay phải trả lại (Trung Quốc) văn minh chứ không thể thuộc về phe (Đế Quốc) dã man". (Chi-Kin Lo, Doctor of Laws Thesis London 1986) 

Từ sau Chiến Tranh Biên Giới Hoa-Ấn năm 1962, mọi người nhìn rõ tham vọng không bao giờ thỏa mãn của Trung Quốc muốn đòi những lãnh thổ mà họ đã thôn tính trong lịch sử.  Chính sách này được phổ biến năm 1954 trong cuốn "Lược Sử Tân Trung Quốc" có kèm theo bản đồ, nhắc lại  lời Mao Trạch Đông: "Tất cả các lãnh thổ và hải đảo thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc đã từng bị phe Đế Quốc Tây Phương và Nhật Bản chiếm đoạt từ giữa thế kỷ 19 đến sau Thế Chiến I, như  Ngoại Mông, Triều Tiên, "An Nam", Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện, Bhutan, Nepal, Ladakh, Hồng Kông, Macao, cùng những hải đảo Thái Bình Dương như  Đài Loan, Bành Hồ, Ryukyu, Sakhalin, phải được giao hoàn cho Trung Quốc".

Đây là khát vọng bá quyền của Trung Quốc không bao giờ thỏa mãn. Đế Quốc Ngai Rồng phát hiện từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tống Thánh Tông, Minh Thành Tổ đã được Mao Trạch Đông chủ trương phục hồi từ 1955.

Nếu quả thật muốn trung thành với chủ trương phải giao hoàn các lãnh thổ bị xâm chiếm do chiến tranh võ trang, thì trước hết Trung Quốc phải giao hoàn cho Việt Nam lãnh thổ nước Nam Việt do Triệu Vũ Vương thiết lập năm 207 Trước C. N. (gồm vùng trung nguyên Trung Quốc với các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, đảo Hải Nam và Bắc Việt Nam). Tuy nhiên năm 111 Trước C. N. Hán Vũ Đế  đã đem quân thôn tính Nam Việt nhằm Hán hóa vùng lãnh thổ này, mặc dầu Nam Việt có nền văn hóa đặc thù khác với các dân tộc du mục Miền Bắc. Đó cũng là nhận định của Giáo Sư C. P. Fitzgerald tại Đại Học Oxford: "Trong trường hợp nước Nam Việt giữ vững chủ quyền độc lập với nền văn hóa đặc thù của Miền Nam, thì dầu nhà Hán có chiếm được miền Quảng Châu và Vân Nam, họ cũng sẽ không thành công trong việc thiết lập ảnh hưởng tại vùng châu thổ Sông Tây Giang phía đông nam Trung Quốc". (C. P. Fitzgerald, China, A Short Cultural History, p 184).

Theo quan niệm truyền thống của Đạo Nho văn hóa nông nghiệp Phương Nam tôn trọng hòa bình, bao dung và nhân ái, trong khi các sắc dân du mục Phương Bắc đặt nặng vấn đề đấu tranh sống chết, một mất một còn. Diễn giải quan niệm về Sức Mạnh trong bài "Tử Lộ Vấn Cường" (Trung Dung), Khổng Tử đối chiếu tác phong hiếu chiến tại Phương Bắc với quan niệm hiếu hòa tại Phương Nam:


 "Lấy khoan nhân nhu hòa mà giáo hóa, không chủ trương báo thù kẻ vô đạo, đó là Sức Mạnh của Phương Nam, và cũng là nơi người quân tử cư ngụ". (Khoan  nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, Nam Phương chi Cường, quân tử khả cư).

"Ngồi trên lưng ngựa, mặc áo giáp, đeo gươm giáo, xông pha nơi chiến địa, trước cái chết không sờn lòng, đó là Sức Mạnh của Phương Bắc và cũng là nơi người  hiếu chiến cư ngụ". 


Trở lại chính sách bá quyền, Trung Quốc vẫn giữ thái độ tiền hậu bất nhất trong những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Nam Hoa. Vì một mặt Bắc Kinh vẫn mạnh miệng quả quyết nắm chắc phần thắng trong tay, nhưng mặt khác, họ vẫn không dám đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền hải đảo và hải phận tại Biển Nam Hoa hay Biển Đông Nam Á ra trước các cơ quan trọng tài quốc tế.

Ngày nay,  cùng với người Việt  trong và ngoài nước, chúng ta thách thức Bắc Kinh công khai đưa vụ tranh chấp chủ quyền các hải đảo và hải phận tại Biển Đông Hải, Biển Nam Hoa hay Biển Đông Nam Á ra  trước các cơ quan tài phán, trọng tài hay tham vấn theo thủ tục quốc tế. (Judicial litigation, arbitration or consultation)


Tại vùng Biển Đông Nam Á, rập theo tham vọng của Đế Quốc La Mã hồi thế kỷ thứ nhất coi Địa Trung Hải là Biển Lịch Sử La Mã, Bắc Kinh cũng đưa ra thuyết Biển Lịch Sử hay Lưỡi Rồng Trung Quốc (mà dân gian gọi là Lưỡi Bò). Họ coi đó là mục tiêu chiến lược từ sau 1951. Nhất là từ 1982 khi Trung Quốc ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tuy nhiên thuyết Biển Lịch Sử ngày nay đã lỗi thời. Nó đi trái Điều 8 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và đi trái Luật Tục Lệ Quốc Tế của Tòa Án Quốc Tế The Hague. 


Trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tống Thần Tông, Minh Thành Tổ đến giữa thế kỷ 20 (năm 1951), Trung Quốc không bao giờ lên tiếng yêu sách đòi chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa). Họ khẳng định đó là một vấn đề "bất khả tranh nghị". Để tránh né mọi cuộc tranh luận công khai trước các cơ quan tham vấn, trọng tài hay tố tụng. Lý do là vì họ  không đưa ra được quan điểm pháp lý hay một bằng chứng lịch sử khả tín nào cho thấy họ có chủ quyền tại các quần đảo này.


          Năm 1982, sau khi ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Bắc Kinh tập hợp 400 học giả, ngày đêm nghiên cứu, thảo luận trong suốt 10 năm để kết luận rằng "Biển Nam Hoa là Biển Lịch Sử của Trung Quốc từ hàng ngàn năm nay". Rồi họ hội nghị với 100 nhà trí thức Đài Loan để xác định chủ trương này.

          Tuy nhiên về mặt Công Pháp Quốc Tế, chiếu án lệ của Tòa Án Quốc Tế The Hague, muốn có Biển Lịch Sử phải hội đủ 3 điều kiện:

1.     Phải có sự hành sử chủ quyền;

2.     Một cách liên tục và trường kỳ;

3.     Được sự thừa nhận của các quốc gia duyên hải, đặc biệt là các quốc gia tiếp cận và đối diện. 

Dầu sao Tòa Án Quốc Tế đã định nghĩa "biển lịch sử là nội hải".

Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 đã kết thúc mọi cuộc tranh luận khi quy định trong Điều 8 như sau:

"Ngoại trừ trường hợp các quốc gia quần đảo [như Phi Luật Tân hay Nhật Bản] Biển Lịch Sử hay nội hải của một quốc gia nằm bên trong đất liền, về phía bên trong đường cơ sở của biển lãnh thổ. The International Court of Justice has defined historic waters as "internal waters";  "Waters on the landward side of the baseline of the territorial sea form part of the internal waters of the State" (Art. 8 UNCLOS 1982).

Thủ Đắc do Chiếm Cứ

Theo công pháp quốc tế, muốn thủ đắc chủ quyền các đất vô chủ  sự chiếm cứ phải có những đặc tính sau đây:


a) Chiếm cứ hòa bình.

Không có sự chối cãi rằng trong năm 1956 hải quân Trung Quốc đã chiếm cứ võ trang 7 đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm An Vĩnh phía đông bắc.

Năm 1974 Trung Quốc lại dùng võ lực xâm chiếm 6 đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm Lưỡi Liềm phía tây nam.

Năm 1988, lần đầu tiên hải quân Trung Quốc tấn công võ trang các đảo Trường Sa, và đã chiếm Đá Chữ Thập và Đá Gaven cùng một số đá chìm và bãi ngầm.

Năm 1992, Trung Quốc lại dùng võ lực xâm chiếm Bãi Vạn An trên Thềm Lục Địa Việt Nam phía đông nam các bãi dầu khí Thanh Long và Tứ Chính.

Những vụ chiếm cứ này không có tính hòa bình mà do xâm lăng võ trang nên không được luật pháp và tòa án bảo vệ. Vì nó đi trái Điều 2 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Cũng như thời Thế Chiến II, Nhật Bản đã chiếm cứ Hoàng Sa và Trường Sa bằng võ lực nên không có tư cách chủ quyền hợp pháp.

2)  Chiếm cứ liên tục và trường kỳ

Cho đến ngày 1-9-1951 Trung Quốc mới lên tiếng đòi "chủ quyền lịch sử " tại Hoàng Sa và Trường Sa.

          Tuy nhiên, theo cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư  xuất bản năm 1906 đời vua Quang Tự Nhà Thanh "Điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại Vĩ Tuyến 18".

          Theo Minh Sử, đời vua Lê Thánh Tông từ thế kỷ 15 (năm 1470), các đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt.

          Theo Nguyên Sử "Cương vực Trung Quốc đời Nhà Nguyên về phía Nam chỉ đến Đảo Hải Nam, và về phía Bắc không quá Sa Mạc Gobi".

Lịch sử Trung Quốc không mang lại bằng chứng khách quan vô tư nào cho biết họ đã liên tục chiếm cứ, công bố và hành sự chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa từ các đời Hán Vũ Đế, Tống Thần Tông, Minh Thành Tổ hay Quang Tự. Nếu chỉ có một số ngư dân lẻ tẻ từ đảo Hải Nam đến đánh cá theo mùa thì cũng không có sự công bố và hành sử chủ quyền của Quốc Gia.


3) Hơn nữa sự chiếm cứ phải được sự thừa nhận của các quốc gia liên hệ.

Đầu tháng 9, 1951, 51 quốc gia đồng minh họp Hội Nghị Hòa Bình Cựu Kim Sơn để ký Hiệp Ước Hòa Bình Nhật Bản, trong đó Nhật Bản từ bỏ quyền đòi Hoàng Sa Trường Sa nhưng không nói để trả cho nước nào. Ngoại Trưởng Liên Sô Gromyko nạp tu chính án yêu cầu Hội Nghị biểu quyết trao Hoàng Sa Trường Sa cho Trung Quốc. Nhưng Hội Nghị đã bác bỏ thỉnh cầu này với 46 phiếu chống và 3 phiếu thuận. Sau đó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Quốc Gia Việt Nam Trần Văn Hửu lên diễn đàn công bố chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa Trường Sa và không gặp sự phản kháng nào.

4)  Sự thừa nhận chủ quyền hải đảo chỉ có ý nghĩa nếu xuất phát từ các quốc gia duyên hải đối diện và tiếp cận. Vì các đảo này tọa lạc tại Biển Đông Nam Á, nên chỉ các quốc gia Đông Nam Á mới có thẩm quyền thừa nhận. Mà cho đến nay trong tất cả các quốc gia Đông Nam Á không một nước nào thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.

5) Điều đáng lưu ý là, cho đến những năm 1956, 1974, 1988 và 1992 các đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã do Việt Nam chiếm cứ công  khai, hòa bình, trường kỳ và liên tục  nên không thể coi đó là đất vô chủ. (terra nullius)

Do đó, về công pháp quốc tế, thuyết Biển Lịch Sử không còn là một vấn đề tranh nghị tại các Tòa Án Trọng Tài hay các Tòa Án Luật Biển. Vì thuyết này đi trái với Luật Tục Lệ Quốc Tế của Tòa Án Quốc Tế The Hague, đã bị Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển bác bỏ trong Điều 8.


Vì biết rõ điều đó nên Trung Quốc không dám đưa vụ tranh chấp hải phận và các hải đảo tại Biển Đông Nam Á ra trước Tòa Án Quốc Tế, Tòa Án Luật Biển hay Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc.

 

 

*

                                                     *     *

 

 

 

 

Bài Đọc Thêm

 

HAI CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG CỦA BẮC KINH:

 

TRỊNH HÒA KHÁM PHÁ MỸ CHÂU NĂM 1421

 

VÀ CHIẾM CỨ HOÀNG SA TRƯỜNG SA NĂM 1413

 

 

         

Khám phá Mỹ Châu là nói cho vui; thôn tính Biển Đông là mục tiêu chiến lược.

Mới đây Trung Quốc phát động hai chiến dịch phô trương, tuyên truyền rằng:

1.     Năm 1421, trong Chuyến Đi Thứ Sáu (1421-1422) của Chiến Dịch Thất Hạ Tây Dương, Trịnh Hòa đã khám phá Mỹ Châu, trước Christopher Columbus 71 năm (năm 1492).  So với Vasco Da Gama là người đã khám phá Mũi Hảo Vọng và đi xuyên 3 đại dương, từ Đại Tây Dương qua Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương (năm 1498), Trịnh Hòa đã thực hiện cuộc hành trình xuyên dương 77 năm về trước.

          2. Và trong Chuyền Đi Thứ Tư (1413-1415) Trịnh Hòa đã chiếm cứ Chiêm Thành cả trên lục địa lẫn ngoài hải phận trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là hai chiến dịch truyền thông, mạo nhận thành tích để phô trương thanh thế và bóp méo sự thật.

Dầu sao sự mạo nhận này đã bị lịch sử phủ nhận.

 

 

TRỊNH HÒA KHÁM PHÁ MỸ CHÂU NĂM 1421?

 

Trước hết, theo chính sử Trung Quốc, suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Trung Hoa không tha thiết đến đại dương. Thản hoặc, trong các thế kỷ thứ ba và thứ hai Trước Công Nguyên (thời Đế Quốc Tần Hán), Trung Hoa đã gửi những đoàn thám hiểm đến Biển Nhật Bản. Và trong thế kỷ 15, Minh Thành Tổ đã cử những phái đoàn thám hiểm Tây Dương đến Đông Nam Á, Ấn Độ và Phi Châu và đã viếng thăm 37 quốc gia duyên hải tại Ấn Độ Dương. Đó là những chuyến đi về ngoại giao và thương mại (tribute and trade). Những sự kiện này đã được ghi chép trong 3 loại tài liệu lịch sử:

a. Cuốn Minh Sử là chính sử.

b.     Các bia kỷ niệm và các đồ bản tuyên dương thành thích được tồn trữ tại Phúc Kiến là địa điểm xuất phát Chiến Dịch.

c.     Các sách sử địa trước tác bởi các thành viên  tham gia Chiến Dịch như Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Hoan và Tinh Tra Thắng Lãm của Phi Tín. Trong Chuyến Đi Thứ Tư (1413-1415) Trịnh Hòa đi quá Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải đến đông Phi Châu phía cực tây Ấn Độ Dương. 

Về Chuyến Đi Thứ Sáu (1421-1422) Bắc Kinh đại ngôn rằng  Trịnh Hòa đã đi xuyên qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương để khám phá Mỹ Châu năm 1421.


Tuy nhiên, theo chính sử, Chuyến Đi Thứ Sáu của Trịnh Hòa là chuyến đi ngắn nhất chỉ kéo dài 7 tháng,  từ tháng 2-1421 đến tháng 9-1421. Trong chuyền đi này Trịnh Hòa chỉ đi từ Phúc Kiến đến Sumatra (Nam Dương). Kế tiếp,  hai sĩ quan tùy viên Yang Ching và Hung Pao đã điều khiển cuộc hải trình. (Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ (1978), trang 290-292).


Trong 7 chuyến công du, Trịnh Hòa không đến Đại Tây Dương, mà chỉ đi qua Biển Nam Hoa đến Ấn Độ Dương. Và như vậy không có việc, trong thế kỷ 15, Trịnh Hòa đã đi xuyên qua 3 đại dương là Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, và qua 3 châu Á, Phi và Âu để khám phá Mỹ Châu năm 1421.


Trong cuốn Trung Hoa Thao Túng Đại Dương học giả Louise Levathes, bỉnh bút tờ Nữu Ước Thời Báo và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Nam Kinh, cũng xác nhận điều đó:  "Trong thời gian từ 1405-1433   các  đoàn bảo thuyền (treasure ships) do Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy đã thực hiện 7 cuộc hành trình vượt qua Biển Nam Hoa đến Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư và bờ biển Đông Phi [chứ không sang Đại Tây Dương]. Trong những cuộc tiếp xúc với các thương gia Ả Rập người Trung Hoa cũng nghe nói về Âu Châu. Tuy nhiên họ đã không đến miền "cực tây" đó, vì Âu Châu chỉ sản xuất len dạ và rượu vang là những sản phẩm không được thị trường Trung Quốc ưa chuộng". (Louise Levathes: When China Ruled the Seas, Simon & Schuster, New York, 1994, p. 20).

          Mục đích những chuyến công du là thiết lập quan hệ ngoại giao và giao lưu thương mại. Nếu quả thật hồi đó Trịnh Hòa đến Đại Tây Dương thì lẽ tất nhiên đã phải ghé đến các cường quốc Âu Châu hồi thế kỷ 15 như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hòa Lan trước khi đi xuống Mỹ Châu là vùng đất hoang vu với các sắc dân da đỏ bán khai không thành quốc gia mà cũng không có những tài nguyên hay thổ sản để giao lưu thương mại với Trung Quốc.

          Và chiến dịch truyền thông của Đế Quốc Đại Hán chỉ là chuyện bịa đặt vụng về, bất khả tín.

          Như vậy, theo các sử liệu của Trung Quốc và trên thế giới, Trịnh Hòa không lai vãng đến Đại Tây Dương và cũng  không khám phá Mỹ Châu. Đây chỉ là một chiến dịch tuyên truyền, bịa đặt thành tích để phô trương thanh thế. Tuyên truyền dối trá là võ khí chiến lược số 1 của Cộng Sản.

          Trung thành với sách lược này, Bắc Kinh còn dựng đứng câu chuyện, từ thế kỷ 15 Trịnh Hòa đã chiếm cứ Chiêm Thành với Hoàng Sa Trường Sa.

 

TRỊNH HÒA CHIẾM HOÀNG SA TRƯỜNG SA NĂM 1413?

 

Sau vụ đảo chánh cướp ngôi của cháu ruột Minh Huệ Đế năm 1402, để làm lạc hướng dư luận, về mặt quốc tế, năm 1405 Minh Thành Tổ phát động chiến dịch Thất Hạ Tây Dương. Về mặt quốc nội, huy động hàng trăm học giả Trung Quốc soạn thảo cuốn Vĩnh Lạc Đại Toàn để đề cao cá nhân Minh Thành Tổ. Điều mỉa mai là, viện cớ khôi phục nhà Trần, Minh Thành Tổ, kẻ soán đoạt ngôi vua Nhà Minh, đã đem quân trừng phạt Hồ Quí Ly là  kẻ soán đoạt ngôi vua Nhà Trần. Trương Phụ, Mộc Thạnh truyền hịch loan báo quân Tầu chỉ sang Việt Nam để tái lập ngôi vua nhà Trần, một triều đại vinh quang được toàn dân quý mến sau 3 trận đại thắng quân Mông Cổ. Với chiêu bài "cứu dân phạt tội" nhằm thu phục nhân tâm, quân nhà Minh đánh đâu được đó, quân nhà Hồ phần giã ngũ, phần qui hàng. Chủ yếu Minh Thành Tổ đã lợi dụng thời cơ để đem quân thôn tính Đại Việt trong suốt 20 năm (1407-1427).

          Về Chiến Dịch Thất Hạ Tây Dương, trong Chuyến Đi Thứ Nhất (1405-1407), với một hạm đội hùng mạnh trên 27 ngàn sĩ tốt và hơn 300 hải thuyền, trong đó có 62 bảo thuyền lớn (large treasure ships), Trịnh Hòa đã không đổ bộ Việt Nam, chỉ ghé bến Đồ Bàn hay Trà Bàn (Chaban). Lúc này, nếu quả thật có kế hoạch thôn tính Chiêm Thành, Minh Thành Tổ chỉ cần điều động đội thủy binh hùng mạnh của Trịnh Hòa trong Chuyến Đi Thứ Nhất, chứ không cần phải đợi đến Chuyến Đi Thứ Tư (năm 1413) mới dùng thủ đoạn đồng minh giả hiệu để xâm chiếm Chiêm Thành cả trên lục địa lẫn ngoài hải phận.


          Vả lại, theo chính sử, về Chuyến Đi  Thứ Tư (1413- 1415), Minh Sử chỉ ghi Trịnh Hòa có đến Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải và Đông Phi Châu, chứ không ghi việc Trịnh Hòa đã chiếm Chiêm Thành với Hoàng Sa Trường Sa. Đặc biệt Trịnh Hòa đã ra huấn thị cho các đội hải thuyền: "phải tránh xa các vùng đá ngầm và các đảo nguy hiểm tại Biển Nam Hoa" [Thất Châu Dương phía tây bắc Hoàng Sa]. Trong những chuyến đi sau này, nhiều bảo thuyền đã bị mất tích vì bão tố.(Louise Levathes: When China Ruled the Seas, p. 93).


Điều đáng lưu ý là, lập luận của Chính Phủ Bắc Kinh cho rằng Trịnh Hòa đã chiếm Hoàng Sa Trường Sa từ đời Nhà Minh (thế kỷ 15) hoàn toàn mâu thuẫn với lập trường của chính họ trong Bản Chú Giải về các Đảo Nam Uy (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) ngày 1-9-1951, theo đó Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa Trường Sa từ đời Nhà Tống (thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 13). (Notes on the Nanwei and Sisha Islands of 9-1-1951: People's China Foreign Language Press) (1).


Đây chỉ là những quyết đoán hồ đồ và những khẩu thuyết vô bằng.


Vì nếu Bắc Kinh dám tuyên bố Trịnh Hòa đã khám phá Mỹ Châu năm 1421, thì họ cũng không ngần ngại bịa đặt rằng Trịnh Hòa đã thôn tính Hoàng Sa Trường Sa năm 1413.


Nói tóm lại, về hai chiến dịch truyền thông cho rằng Trịnh Hòa đã khám phá Mỹ Châu năm 1421, và đã chiếm cứ Hoàng Sa Trường Sa năm 1413, chúng ta chỉ có thể kết luận: Phải là người Đại Hán đảm lược (to gan lớn mật) mới dám lấy những chuyện hoang đường võng tưởng làm sự thật lịch sử.

Trên đây là những sự thật lịch sử do các học giả Trung Quốc biên soạn. Đó cũng là những lời bình giải mà ngýời viết chuyển ðến ông Tập Cận Bình nhân chuyến công du mới đây của ông tại Hoa Kỳ.

 

                                                          Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG

                                                                 Chủ Tịch Ủy Ban Luật Gia

                                                                       Bảo Vệ Dân Quyền 

 

(1)             Đọc lại lịch sử Chiêm Thành chúng ta không thấy điều khoản nào ghi rằng trong thế kỷ 15 đời Minh Thành Tổ, Trung Quốc đã chiếm cứ  nước Chiêm gồm cả lục địa và hải phận trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo cuốn Bách Khoa Toàn Thư Anh Quốc (Encyclopedia Britannica 1973, Champa trang 723), Chiêm Thành là một quốc gia phân hóa thành bốn tiểu bang hay "phủ" là: Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Bình Định), Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Bình Thuận hay Phan Rang). Tới thế kỷ thứ 6 Chiêm Thành thoát khỏi sự thống trị của Trung Quốc để trở thành một nước độc lập đặt thủ đô tại Amaravati (Quảng Nam). Trong thế kỷ thứ 9 quân Chiêm tấn công tại mấy tỉnh Giao Châu về phía bắc đồng thời đẩy lui Chân Lạp về phía tây.


Đến thế kỷ thứ 10 Việt Nam giành được độc lập. Và trong thế kỷ 11 khi vua Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu là Đại Việt (năm 1054) phát động cuộc Nam Chinh trừng phạt Chiêm Thành, Chế Củ đã dâng ba châu thuộc địa phận Quảng Bình Quảng Trị để chuộc tội (năm 1069).


Qua thế kỷ 14, sau khi 3 lần đại thắng quân Mông Cổ, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông trong cuộc thắng cảnh Chiêm Thành hứa sẽ gả Công Chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Với vinh dự được làm rể Đại Việt, Chế Mân dâng hai châu thuộc địa phận Thuận Hóa để làm lễ cưới (năm 1306). Cuộc hôn nhân chưa được một năm thì Chế Mân chết, và theo tục lệ Chiêm Thành, Hoàng Hâu Huyền Trân phải hỏa thiêu để chết theo. Mặc dầu vậy vua Nhà Trần đã tìm cách giải thoát cho Công Chúa. Cũng vì mâu thuẫn này mà các vua Chiêm Thành từ Chế Chỉ và Chế Bồng Nga đã lấy cớ đem quân tàn phá Đại Việt trong  30 năm. Và sau này cuộc chiến tranh kéo dài trong suốt một thế kỷ từ đời vua Trần Nghệ Tông (1370) đến vua Lê Thánh Tông (1470). Kết cuộc năm 1471 dưới triều Hồng Đức Nguyên Niên, trong Chiến Dịch Bình Định, Đại Việt đã thôn tính lãnh thổ Chiêm Thành cả trên lục địa lẫn ngoài hải phận trong đó tọa lạc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuốn "Early Civilizations of Southeast Asia" của Sử Gia Dougald JW O'Reilly (Altamira Press U.S.A., 2007, trang 139) cũng xác nhận điều đó: "The Cham polity finally collapsed in 1471 with the capture of the capital Vijaya by the Viet".

 

Saturday, October 22, 2011

Ác giả ác báo

ÁC GIẢ ÁC BÁO

 

Năm 1988 Moammar Gadhafi đã tự kết án tử hình khi chủ xướng bắn giết các hành khách vô tội trong chiếc máy bay Pan Am  trrên không phận Tô Cách Lan. Tội trạng của y là Tội Chống Nhân Loại.

 

Ngày nay những kẻ chủ xướng đàn áp, bắt giữ, đánh đập, bắn giết các sinh viên và đồng bào trong những cuộc biểu tình tuần hành ôn hòa nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, rồi đây cũng sẽ bị truy tố và kết án về Tội Chống Nhân Loại.

 

Đó là bài học Nhân Quả ngày 20 tháng 10 năm 2011.

 

Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền

 

 

Sunday, October 9, 2011

Tản mạn về Phạm Hồng Sơn


 








Bác sĩ Phạm Hồng Sơn

 

  

TẢN MẠN VỀ PHẠM HỒNG SƠN

                               Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
 

Từ đầu Thế Kỷ 21 Bác  Sĩ  Phạm Hồng Sơn tự trao hai sứ mạng lịch sử:

I.      Với tư cách dịch giả, anh Truyền Bá Dân Chủ và phổ biến các kiến thúc dân chủ.
II.   Trong cương vị ký giả, anh đứng lên Đòi Dân Chủ và Nhân Quyền.

 
PHẦN I. TRUYỀN BÁ DÂN CHỦ

Cách đây 8 năm, năm 2003 Bác  Sĩ  Phạm Hồng Sơn bị Tòa Hà Nội kết án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội  "gián điệp". Chỉ vì đã phổ biến tài liệu "Dân Chủ Là Gì?" dịch từ cuốn "What is Democracy?" trên mạng lưới thông tin của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

 Cách đây hơn 50 năm, Cộng sản cũng đã viện dẫn tội gián điệp để khủng bố Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

 Năm 1960, để đàn áp phong trào đòi tự do văn hóa của giới trí thức văn nghệ sĩ, Đảng CS đã bắt giữ và truy tố Nguyễn Hữu Đang và Thụy An về tội gián điệp.

          Năm 1956, nhân chiến dịch Trăm Hoa Đua Nở, các trí thức văn nghệ sĩ đứng lên đấu tranh đòi tự do tư tưởng, tự do phát biểu và tự do sáng tác. Phong trào phản kháng kết hợp trong Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm với Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Thụy An v...v...

           Đây là vụ phản kháng qui mô và đồng loạt của trí thức Hà Nội tiếp nối  cuộc khởi nghĩa của nông dân Quỳnh Lưu chống  chính sách đấu tố cải cách ruộng đất.

          Để dập tắt phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, năm 1958 Đảng CS bắt hơn 300 nhà văn học nghệ thuật phải đi học tập chỉnh huấn.

          Tuy nhiên một số trí thức văn nghệ sĩ như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, và Thụy An vẫn kiên định lập trường và khước từ học tập.

          Phan Khôi là một nho sĩ  bất khuất  có tầm vóc quốc tế và đã từng đại diện Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm văn hào Lỗ Tấn tại Trung Quốc. Hơn nữa Cụ Phan là một sĩ phu  Miền Nam. Với sách lược giải phóng Miền Nam phát động năm 1959, Đảng CS  không dám thẳng tay đàn áp. Họ huy động các văn công để triệt hạ uy tín của Cụ. Thế Lữ tố cáo Cụ là phần tử  "phản cách mạng", có những hành vi và tư tưởng chống lại sự lãnh đạo của Đảng CS từ thời kháng chiến. Tố Hữu phỉ báng Cụ là "tên mật thám của thực dân Pháp".

          Viện cớ nữ sĩ Thụy An có những quan hệ (văn hóa) với nhà văn học Pháp Maurice Durand, Giám Đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, nhà cầm quyền Hà Nội đã truy tố Thụy An và Nguyễn Hữu Đang về tội làm gián điệp cho Pháp!

          Thụy An là một nhà văn nữ theo Thiên Chúa Giáo.  Trong các tác phẩm văn nghệ bà dựng lên những nhân vật trung thành với niềm tin nơi Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Ki Tô, chịu khổ hạnh hy sinh để cứu nhân độ thế.

          Nguyễn Hữu Đang từng cộng tác với Cụ Nguyễn Văn Tố trong Hội Truyền Bá Quốc Ngữ. Ông là trưởng ban tổ chức Lễ Độc Lập tại Công Trường Ba Đình năm 1945. Tiếp theo bài tham luận năm 1956 của Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường phê phán chính sách cải cách ruộng đất và lên án chế độ độc tài đảng trị, Nguyễn Hữu Đang viết bài "Vấn Đề Pháp Trị", tố cáo tòa án phán xử tùy tiện, pháp luật không công minh để đòi cho người dân quyền bình đẳng trước pháp luật.

           Tháng giêng 1960, Tòa Án Nhân Dân Hà Nội tuyên phạt Thụy An và Nguyễn Hữu Đang mỗi người 15 năm tù về tội gián điệp.

          Đây là một bản án quái đản về một tội trạng quái đản.  Vì các bị cáo không có những hành vi gián điệp như cung cấp tin tức tài liệu về an ninh quốc phòng cho Pháp để nước này sử dụng chống lại Việt Nam.

           Qua thế kỷ 21, sau vụ Đại Khủng Bố  ngày 11-9-2001 tại Nữu Ước,  Đảng Cộng Sản VN đã lợi dụng thời cơ leo thang khủng bố.

          Và trong hai năm 2002 và 2003, Tòa Hà Nội mắc bệnh "Dịch Gián Điệp", đã truy tố và tuyên phạt Nguyễn Khắc Toàn 12 năm tù, Nguyễn Vũ Bình 7 năm tù  và Phạm Hồng Sơn 5 năm tù  về tội (lố bịch) gián điệp.

          Lố bịch là vì Nguyễn Khắc Toàn chỉ phổ biến ra nước ngoài những tin tức về phong trào khiếu kiện của các dân oan hai miền Nam Bắc đứng lên đòi lại ruộng đất đã bị nhà cầm quyền tước đoạt.

           Vì Nguyễn Vũ Bình chỉ gửi bản điều trần đến Quốc Hội Hoa Kỳ tố giác nhà cầm quyền Hà Nội không tôn trọng nhân quyền.

          Và vì Phạm Hồng Sơn chỉ phiên dịch cuốn "What is Democracy?" trên mạng truyền thông của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 2002.

          Từ đó "Dân Chủ Là Gì?" là đầu mối của tai họa, bẽ bàng, tủi hổ và sỉ nhục.

Tai họa cho người dịch, cho các trí thức văn nghệ sĩ và cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam.

 Bẽ bàng, tủi hổ cho người Hoa Kỳ.
Và sỉ nhục cho người Cộng Sản.

Kết án hành vi truyền bá dân chủ là một sỉ nhục. Tuyên phạt dịch giả 5 năm tù cũng là một sỉ nhục. Để người dịch bị giam giữ trái phép trong 5 năm là một tủi hổ cho người Hoa Kỳ, từ tác giả cuốn sách đến cơ quan truyền thông của một cường quốc có công khai sáng chế độ cộng hòa dân chủ từ thế kỷ 18.
Trước khi Tòa Sơ Thẩm khai mạc, Ủy ban Bảo Vệ Ký Giả tại Âu Châu nhận định rằng, trong vụ Phạm Hồng Sơn, nhà cầm quyền Hà Nội đã vi phạm quyền tự do phát biểu, ngăn cản việc sử dụng internet, không quan tâm đến vai trò thiết yếu của báo chí khiến cho uy tín quốc gia bị thương tổn. Đây còn là một thảm họa cho các nhà văn, nhà báo tại Việt Nam.

 Trước Tòa Phúc Thẩm, vị đại diện Hội Ân Xá Quốc Tế cũng khuyến cáo tòa án sửa chữa các sai lầm nghiêm trọng để phục hồi Công Lý, và hy vọng rằng tù nhân lương tâm Phạm Hồng Sơn sẽ được phóng thích trong ngày hôm sau (cuối tháng 8-2003). Vậy mà, mãi 3 năm sau, cuối tháng 8-2006, Phạm Hồng Sơn mới được trả tự do. Nhưng hết hạn 5 năm tù trong, lại bị 3 năm tù ngoài (quản chế hành chánh). Bản án Phạm Hồng Sơn đem lại kinh ngạc và phẫn nộ cho các tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền trên thế giới.
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa

Nếu Phạm Hồng Sơn dịch "Dân Chủ Là Gì?", thì Nguyễn Hữu Đang cũng viết "Vấn Đề Pháp Trị".

Tháng giêng 1960, như đã trình bầy, Tòa Hà Nội đã kết án Thụy An và Nguyễn Hữu Đang mỗi người 15 năm tù về tội gián điệp.

Tháng 8-2003, Tòa Hà Nội lại kết án Phạm Hồng Sơn 5 năm tù và 3 năm quản chế cũng về tội gián điệp. Đó là "công lý nhất quán" của nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa kế thừa nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

           Trong khi đó, cũng trong năm 1960, tại nước Việt Nam Cộng Hòa (không có chữ Dân Chủ). Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã phổ biến cho các công chức và cán bộ hàng trăm cuốn "Nền Dân Chủ trong các Tân Quốc Gia" do người viết bài này soạn thảo và ấn hành.

Đó là chỗ khác biệt trong quan niệm về nghĩa vụ truyền bá dân chủ của các nhà cầm quyền tại hai miền Nam, Bắc

                           *
"Trân trọng kính  chuyển đến các độc giả trong và ngoài nước để cùng tham khảo và phổ biến rộng rãi bằng mọi phương tiện truyền thông.  Toàn dân hoan nghênh, thán phục và  tri ân Bác Sĩ  yêu nước PHẠM HỒNG SƠN đã dũng cảm viết bài tuyệt vời này, nói lên tội bán nước hại dân của CSVN, để đánh thức những ai từng bị CS  ru ngủ, bịp bợp, lường gạt, ngõ hầu sớm rời bỏ hàng ngũ tà quyền CS để trở về phục vụ chính nghĩa quốc gia dân tộc và bảo vệ đất nước".
--(Bác Sĩ  Lê thị Lễ)

                            *
 

TỪ TRUYỀN BÁ DÂN CHỦ
ĐẾN ĐẤU TRANH ĐÒI TỰ DO DÂN CHỦ

PHẦN II. LỘNG GIẢ THÀNH CHÂN

                                           Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn

          Phạm Hồng Sơn (danlambao) – "Hồi còn học phổ thông và cả khi học đại học, khi học về giai đoạn lịch sử của Việt Nam từ 1956-1975, chúng tôi luôn được dạy rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là của những kẻ "ngụy quyền bán nước", hoặc "quân tay sai, bán nước" cho "kẻ xâm lược Mỹ".

"Nhiều hình ảnh và phim ảnh minh họa cho các bài học đó bao giờ cũng có những cuộc biểu tình, tuần hành nườm nượp người đi ngay giữa các đường phố của thủ đô Hà Nội mến yêu, với những khẩu hiệu, băng-đơ-rôn rất to: "Đả đảo bè lũ tay sai bán nước", "Đả đảo quân xâm lược".

 "Nhưng sau này khi tự tìm hiểu thêm thì chúng tôi không thấy một tư liệu hay một nguồn tin nào cho thấy Việt Nam Cộng Hòa "quân tay sai bán nước" đã ký hiệp định hay đàm phán với Mỹ hay với bất kỳ quốc gia nào dẫn đến sự mất lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.

 [Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 minh thị quy định sự toàn vẹn lãnh thổ của Quốc Gia: "Lãnh thổ Việt Nam bất khả phân nhượng". Theo tinh thần và bản văn Hiến Pháp, các chính phủ quốc gia không được ký kết bất cứ sự chuyển nhượng căn cứ quân sự nào cho Hoa Kỳ , điển hình là Vịnh Cam Ranh: Diễn giải của người viết Phần I.]

 "Ngược lại, các tư liệu còn cho thấy chính quyền Việt Nam Cộng Hòa còn thể hiện một lập trường dứt khoát, cương quyết phản đối và bảo vệ Hoàng Sa khi Trung Quốc Cộng Sản của Mao Trạch Đông tấn công chiếm Hoàng Sa năm 1974. [Về Quốc Tế Công Pháp, chiếu Điều 4 Hiệp Định Geneva ngày 20-7-1954, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  tọa lạc từ Vĩ Tuyến 17 trở vào Nam đều thuộc chủ  quyền lãnh thổ của Quốc Gia Việt Nam hay Việt Nam Cộng Hòa. "Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (Bắc Việt) phải rút khỏi tất cả các hải đảo tọa lạc về phía Nam Vĩ Tuyến 17". Hơn nữa chiếu Điều 12 Bản Tuyên Bố Sau Cùng của Hội Nghị Geneva ngày 21- 7-1954, với tư cách là quốc gia tham dự Hội Nghị, Trung Quốc "cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, sự thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam" (Trung Quốc là một trong 9 quốc gia tham dự Hội Nghị Geneva với Anh Quốc và Liên Sô là đồng chủ tịch. Chu Ân Lai, lúc này là ngoại trưởng, đã đích thân tham dự Hội Nghị: Diễn giải của người viết Phần I.]

 "Thời còn sinh viên non nớt đó nhiều đứa chúng tôi, những người có bà con sống ở miền Nam trước 1975, cũng thấy một điều rất lạ là "ngụy quyền bán nước" không bao giờ để ảnh của Tổng Thống Mỹ được treo cạnh ảnh của tổng thống "ngụy quyền" trong các công sở.  Đó là vài chuyện vụn vặt của khoảng vài chục và nhiều năm về trước.

 [Trong thập niên 1960 Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm yêu cầu Hoa Kỳ rút hết các cố vấn Mỹ ra khỏi miền đồng bằng Sông Cửu Long từ cấp quận.  Cụ Diệm giải thích rằng sự hiện diện thường trực của người Mỹ tại miền nông thôn có tác dụng cung cấp cho phe Cộng Sản mục tiêu tuyên truyền xuyên tạc rằng người Mỹ đã thực sự đến Việt Nam để thay thế thực dân Pháp. Sau khi người Mỹ thi hành kế hoạch "thay đổi nhân sự  năm 1963" (bằng cách cho sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm), Chính Phủ Dân Sự chuyển tiếp do Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu lãnh đạo cũng đã khước từ lời yêu cầu của Hoa Kỳ và không cho quân lực Mỹ đồn trú và trực tiếp chiến đấu tại Việt Nam. Cũng vì vậy Chính Phủ Dân Sự đã bị phe quân đội giải thể để thiết lập Chính Phủ Quân Nhân. Sau cuộc tổng tuyển cử tự do năm 1966, cụ Phan Khắc Sửu được bầu làm Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến. Trong thời gian  thảo hiến, người viết bài này đã phụ tá cho Cụ trong chức vụ Đệ Nhất Phó Chủ Tịch.]

 "Từ đầu tháng Sáu năm 2011 đến nay, ở giữa thủ đô Hà Nội cũng có các cuộc biểu tình với nhiều khẩu hiệu, băng-đơ-rôn rất to, với thiết kế, màu sắc rất bắt mắt, ấn tượng để phản đối, đả đảo quân xâm lược Trung Quốc, nhưng tuyệt không có một chữ nào nói đến từ "bán nước" hay "đả đảo bè lũ tay sai bán nước". Thậm chí còn có nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ ca ngợi, trích dẫn lời nói, hình ảnh của các vị lãnh tụ, lãnh đạo của nhà nước, của chế độ hiện nay- một nhà nước, một chế độ đã có những công hàm đặc biệt như Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, có những hiệp định đặc biệt với Trung Quốc như Hiệp Ước Biên giới năm 1999 và Hiệp Định Phân Định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, có những so sánh hình tượng bất hủ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là "Mối tình thắm thiết đơm hoa vừa là đồng chí, vừa là anh em" và biết bao những thỏa thuận đặc biệt khác với Trung Quốc mà nhiều lão thành cách mạng cũng đã phải lên tiếng đòi bạch hóa hay phản đối.

[Như đã trình bầy, theo Hiệp Định Geneva 1954, Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Do đó chiếu nguyên tắc pháp lý "không ai có thể cho người khác những gì mà mình không có" "Nemo dat quod non habet" (No man can give what he does not have). Vì vậy Chính Phủ Bắc Việt không có tư cách để chuyển nhượng cho Trung Quốc  Hoàng Sa và Trường Sa vì những quần đảo này thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa. Hơn nữa vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền quốc hội (đại diện quốc dân) chứ không thuộc thẩm quyền của chính phủ là cơ quan thừa hành hiến pháp và luật pháp quốc gia do quốc hội biểu quyết và ban hành. Vì những lý do nêu trên, Phạm Văn Đồng không có tư cách ký công hàm năm 1958 để giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Để tránh sự tái diễn thảm họa này Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 đã minh thị quy định: "lãnh thổ Việt Nam bất khả phân nhượng": Diễn giải của người viết Phần I.]

"Chúng tôi thầm nghĩ phải chăng những người biểu tình chống quân xâm lược Trung Quốc vừa qua lại mắc sai lầm, ấu trĩ như thời trước, chỉ có khác là ngày trước nhiều người đã đả đảo lầm người yêu nước là kẻ bán nước, còn nay thì ngược lại, quên mất kẻ bán nước?

"Đó là điều rất có thể vì con người là một thực thể có khả năng mắc sai lầm (fallible creature).  Nhưng cũng rất có thể chính chúng tôi lại mới là kẻ sai lầm, cứ đinh ninh rằng những người cầm quyền rất yêu nước của chế độ này là kẻ bán nước hoặc là kẻ đồng lõa với quân Trung Quốc xâm lược.  Nhưng liệu những người tham gia, trợ giúp biểu tình chống Trung Quốc xâm lược vào ngày hôm qua (21/08/2011) vẫn đang bị giam cầm ở Hỏa Lò (hay ở Mỹ Đình) và những gia đình của họ, những người ủng hộ, yêu mến, kính trọng họ có đồng ý rằng chúng tôi là kẻ sai lầm như vậy hay không? Chắc phải chờ đến lúc tất cả những người biểu tình yêu nước đó bước chân ra khỏi nhà tù thì mới biết được.

Hai năm trước, vào những ngày này, cũng vậy.  Nắng chói chang, mây trời xanh ngăn ngắt, mà tôi chỉ thấy mệt mỏi và trống rỗng tận cùng.  Lúc ấy, tôi mới thực hiểu tâm trạng của người viết câu thơ (Trần Dần):


                              Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà
                              Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ

 

"Chưa bao giờ tôi cảm nhận điều ấy rõ như thế: Thành phố quê hương tôi, bây giờ không còn là của tôi nữa. Nó giống như là cõi riêng của những kẻ vô học tay đeo băng đỏ, miệng chỉ chực phồng lên thổi còi "quen quét"; của những nhân viên an ninh, công an, đồng phục và thường phục, ngút ngàn tự tin; của những nhân vật mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, mặt trơ trán bóng, bụng tích dần lớp mỡ dày …

 "Trong cái cõi ấy, họ có toàn quyền làm điều gì họ thích.  Họ có thể bỏ vài chục tấm biển "cấm tụ tập đông người" vào trong thùng xe, lượn phố, rồi thích thì thả biển xuống vườn hoa, công viên, hồ nước, chân tượng đài Lý Thái Tổ.  Họ có thể thộp ngực, xốc nách, xách tay những thanh niên không tấc sắt lên xe buýt, "hốt về bóp", mà miệng vẫn leo lẻo: "Đây là chúng tôi mời, không phải bắt".  Trời đất ạ, trong chúng ta, có ai mời người khác đi đâu bằng cách ấy bao giờ chưa?
 "Với chiếc mũ bảo hiểm to rộng mang tên "an ninh quốc gia", họ có thể nghe điện thoại, bẫy email, bẫy chat… của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào họ quan tâm.  Những việc ấy, ở nước khác, để được làm còn cần phải có tòa án, viện kiểm sát v.v.  cho phép, nhưng ở cõi riêng của họ, nhiều khi chỉ cần cái thẻ ngành là đủ.

"Còn nhiều, họ có thể làm rất nhiều việc, nếu họ thích.  Thời điểm này, dường như chỉ có mỗi việc chống lạm phát, nâng cao mức sống người dân, là họ không thèm làm hoặc không làm được thôi.

"Đoàn người biểu tình đã dâng cao biểu ngữ chống Trung Quốc xâm lược, Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, "Xin đừng vô cảm, sơn hà nguy biến".

"Đất nước lâm nguy thất phu hữu trách", giặc Tầu xâm lấn biển đảo của ta lẽ ra chính quyền phải huy động nhân dân làm tròn trách nhiệm là bảo vệ sơn hà, tăng thêm khí thế và đề phòng mọi bất trắc mới đúng chứ! Thế mà nhà nước lại thờ ơ vô cảm, khi nhân dân đứng lên biểu tình phản đối TQ thì bị CA đánh đập, khủng bố và bắt bớ! Như vậy thì "chính quyền" này là của ai? Của VN hay của Tầu?

 "Tại các góc phố, từng đám công an, dân phòng, những người mặc đồng phục ngồi, đứng có vẻ mệt mỏi, thậm chí có người đang ngồi bó gối trên hè nhà ai đó ngủ gật.

Quen sống bằng thủ đoạn "lập lờ đánh lận con đen, hoặc ném đá dấu tay, đám "quan nha" Hà Nội, theo lệnh, còn thuê một đám lưu manh, bụi đời, tay mang băng đỏ, đứng chửi bới, hò hét và rêu rao "Như có bác Hồ"…để đánh đập.  trấn át tiếng hô đả đảo bọn cướp nước của nhửng người yêu nước xuống đường lên án kẻ bán nước.

"Một người mang sắc phục công an dừng lại nghe tiếng hô của đoàn biểu tình lẩm bẩm: "Bọn dở hơi".  Một thanh niên nghe tiếng, lại gần anh ta, nhìn thẳng vào mặt hỏi: "Anh bảo họ hô Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam là dở hơi à? Vậy theo anh, nên hô là của Trung Quốc thì không dở hơi, đúng không?" nhiều cặp mắt nhìn xoáy vào mặt anh ta, tên công an không dám nhìn thẳng, mặt tái mét, cúi đầu quay mặt lủi thủi vừa đi vừa chạy… (như chó cụp đuôi). Tuy không có khả năng thấu thị, nhưng với nét mặt và điệu bộ anh công an lúc đó, mọi người thấy sự hèn mạt đáng kinh tởm biết chừng nào ở nhân cách đó, không biết gia đình nào lại bất hạnh sinh ra đám cẩu tử này.

"Từ quán internet, anh Nguyễn Chí Đức gửi thông tin vào mục phản hồi của  DanLamBao để tường trình lại sự việc biểu tình sáng nay như sau: Tại hồ Hoàn Kiếm đối diện với Bưu điện Hà Nội công an, thanh niên đeo băng đỏ trấn áp, lùa hết đoàn biểu tình lên xe bus.  Cuộc biểu tình diễn ra chưa đầy 5-10 phút.  Tôi tả xung hữu đột, rất nhiều thanh niên đeo băng đỏ vây quanh cưỡng chế nhưng họ không thể khống chế được tôi.  Sau đó tôi phóng xe máy đi lên DOI 3 - Công an huyện Từ Liêm.  Đến đó, công an đã được huy động tối đa (rất đông), một số đang ở nhà cũng phải đến để trực.  Nội bất xuất, ngoại bất nhập! Tại đồn công an Mỹ Đình, chị Hồng Phi dẫn lời cán bộ (đã được học tập, nhuần nhuyễn) hỏi cung chị nói: "Việc đó đã có nhà nước lo, các chị xuống đường có giết được thằng Tàu nào không?"

"Chính phủ nói rằng các cuộc biểu tình đã gây rối loạn công cộng và bế tắc giao thông và đã do các "thế lực thù địch" lưu vong chỉ đạo.

"Tướng Vĩnh không loại trừ khả năng có một sức ép nào đó từ phía Trung Quốc đặt lên chính quyền Việt Nam, vốn có thể dẫn tới các hành động can thiệp cứng rắn với các cuộc biểu tình, như các sự kiện đã thấy trong ngày Chủ Nhật 21/8

"Tôi đã từng nói: con run xéo lắm phải quằn.  Càng đàn áp thì phẫn nộ càng tăng và càng lan rộng.  Có thể đến một lúc là không kiểm soát được."

Theo lời kể của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, một trong các trí thức đã tham gia phong trào chính trị - xã hội vì Trường Sa và Hoàng Sa trong hai tháng rưỡi qua, ông Diện, trong vai trò người quan sát, nói những gì ông chứng kiến được cho thấy "cuộc cưỡng chế là thô bạo," "trái pháp luật và không có lý do gì" để biện minh, ông Diện ghi nhận "cuộc biểu tình được xem như là gay cấn."

Tripoli : người yêu nước 'hốt' nhóm độc tài

Hà Nội : nhóm độc tài 'hốt' người yêu nước

"Ai hốt ai ? rồi cuối cùng ai hốt ai ? Những sự kiện đang diễn ra ở Tripoli và Hà Nội, tuy rất xa nhau, nhưng lại rất gần nhau về bản chất và nội dung sự việc, đáng làm cho bà con ta và giới nắm chính quyền độc đảng nghiền ngẫm.  Về sức mạnh của tự do, của dân chủ, về thời đại.

"Những người yêu nước đang bị mất tự do như Ls Hà Vũ, nhà báo Điếu Cày, cô Phạm Thanh Nghiên, em Đỗ thị Minh Hạnh, cô Bùi thị Minh Hằng, cô Phương Bích … hãy chung vui với nhân dân Libya đang dành lại được tự do, từ trong tay của nhóm độc đoán hét ra lửa một thời

"Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi hãy "dứt khoát từ bỏ quyền lực", và nói rằng đà tiến của các lực lượng chống đối ông đã tiến đến điểm quyết định, không đảo ngược được nữa.

"Chính phủ Libya đàn áp người biểu tình dẫn tới các biện pháp chế tài mới của quốc tế đối với Libya.  Hậu quả là chế độ độc tài man rợ phải sụp đổ.  Khi dân Libya nổi giận. [Rồi đây những kẻ chủ xướng bắn giết  đoàn người biểu tình bất bạo động, ôn hòa và hợp pháp sẽ bị trừng trị tại Tòa Án Hình Sự Quốc Tế về tội chống nhân loại: Diễn giải của người viết Phần I.]

"Việc dùng mọi biện pháp cấm biểu tình, là hành động trắng trợn thô bạo xé bỏ hiến pháp CHXHCN Việt Nam của tập đoàn Hà-Nội.  Đây là một hành động hạ cấp của lảnh đạo nhà nước CSVN chỉ vì họ muốn giữ vững địa vị độc đảng và độc tài tại VN.

"Họ đã đánh giá sai lầm về sự cộng tác của những quốc gia Á Châu nói riêng và đồng minh nói chung trong sự ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.  Và như thế thì giờ cáo biệt của chế độ CSVN đã đi vào đoạn cuối. "Nhìn máu đổ thịt rơi ở Tripoli (Libya) báo hiệu ngày tàn của Gadhafi đã gần kề!   Gadhafi và đám bô hạ sẽ xa chạy cao bay (?)

"Còn tại VN, những tướng lãnh, bộ đội và Công An "ngoan cố", tay sai Tàu cộng sẽ phải đối mặt với nhân dân ra sao? Trên đây là câu hỏi mà các tướng lãnh, cán bộ, đảng viên, và Công An cũng nên suy nghĩ để tránh hậu quả sau này trước khi quá muộn!

CÒN ĐẢNG, CÒN MÌNH

" Trong tài liệu tối mật của Tổng cục Hoa Nam và Tổng cục II (TÌNH BÁO QUÂN ĐỘI) Việt Nam đã tiết lộ âm mưu giữa hai cục Tình báo Trung Cộng và CSVN về các hình thức tiếp quản Việt Nam.

"Theo lời phát biểu của Lương tư Lệnh trong cuộc liên hoan giữa hai Tổng cục, ta thấy được những vần đề mà tạm tóm lược như sau:

"1.- Tổng Cục Hoa Nam kêu gọi Việt Nam,- được coi là một quận huyện cũ của Trung quốc – trở về với Tổ quốc Trung Hoa để Trung Hoa xuất vốn cho mà khai thác tài nguyên, cho nước được giàu mạnh, khi có thêm Việt Nam thì Trung quốc sẽ thêm vĩ đại, hơn là đi với cọp giấy Mỹ. Lương Tư Lệnh đoan quyết trước sau gì cũng tới giai đoạn VN phải trở về !

[Đây chỉ là hù dọa và tháu cáy! Chẳng lẽ Triều Tiên rồi cũng phải trở về với Tổ Quốc Trung Hoa? Tại Việt Nam từ thế kỷ thứ 10 khi Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán cho đến ngày nay, Việt Nam đã giành được chủ quyền độc lập từ tay người Tàu năm 939, và từ tay người Pháp (theo Hiệp Định Elysee năm 1949). Từ thế kỷ thứ l0 Việt Nam đã 3 lần đánh thắng quân Nhà Tống: Lê Đại Hành năm 981; Lý Thường Kiệt và Tôn Đản trong những năm 1075 và 1076. Qua thể kỷ 13 Trần Hưng Đạo cũng đã 3 lần đánh thắng quân Mông Cổ trong những năm 1257, 1284 và 1287. Trong thời gian này dân số Trung Hoa đông gấp hàng chục lần dân số Việt Nam. Điều đáng lưu ý là Việt Nam đã chiến thắng Trung Hoa mà không có sự trợ giúp của bất cứ đồng minh nào. Từ hai thiên niên kỷ thứ II và thứ III không có vấn đề Việt Nam trở thành quân huyện của Đế Quốc Bắc Phương. Và từ sau Thế Chiến II nhân loại chỉ chứng kiến những vụ giải thể các Đế Quốc Tây Phương. Chứ không thấy trào lưu đổi ngược trong việc thôn tính đất đai dù của một quốc gia nhỏ bé đến đâu do một đế quốc dù to lớn và gian tham đến đâu như Đế Quốc Đại Hán: Diễn giải của người viết Phần I.]

          "2.- Những bài học của Trung Nam Hải chỉ dạy cho Cộng Sản Việt Nam các phương thức tiêu diệt tinh thần độc lâp, tinh thần Dân tộc, kể cả những đảng viên CSVN chống Trung Cộng, thành phần trí thức, thành phần biểu tình chống Bắc Kinh, chống Hà Nội và những thành phần đang vận động cho phong trào dân chủ, đa đảng, đa nguyên hay nhân quyền…

"3.- Hồ Cẩm Đào lập lại những cam kết với Nông Đức Mạnh, nay là Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng sẽ giúp những phương tiện với vũ trang hiện đại để tiêu diệt các phe chống đối, khiếu kiện hay phản biện… như Trung Cộng đã thực hiện với Thiên An môn, Pháp luân công, kiểm soát các bloggers trên mạng,

4.- Vấn đề còn lại là mô hình quản trị Việt Nam : Tự trị hay một Tỉnh của Trung Quốc.

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn