Friday, June 19, 2009

Giải toả huyền thoại Hồ Chí Minh

bh

Giải Tỏa Huyền Thoại Hồ Chí Minh

Ls. Nguyễn Hữu Thống


Để xây dựng uy tín và thần thánh hóa Hồ Chí Minh, Đảng Cộng Sản đã sử dụng nhiều chiêu bài và ngụy tạo nhiều huyền thoại:

1) Huyền thoại gia đình cách mạng.

2) Huyền thoại lên đường cứu nước.

3) Tiếm danh Nguyễn Ái Quốc.

4) Giả danh Trần Dân Tiên.

5) Giả đoàn kết quốc gia.

6) Giả hiệp ước quốc tế.

7) Ngụy tạo tư tưởng Hồ Chí Minh.


1. HUYỀN THOẠI GIA ĐÌNH CÁCH MẠNG.


Các nhà sử học Cộng Sản trình bày rằng Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình cách mạng. Thân phụ là phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hay Nguyễn Sinh Huy là bạn đồng khoa với Phan Chu Trinh và thường giao kết với Phan Bội Châu là người đồng hương. Sau khi được bổ nhiệm tri huyện Bình Khê, Nguyễn Sinh Sắc đã tự ý từ quan để phản kháng chế độ thực dân phong kiến.


Sự thật không phải như vậy. Dầu là một sĩ phu đỗ đại khoa, Nguyễn Sinh Sắc đã không có một đời sống cá nhân đứng đắn. Ông thường say rượu và trong những lúc nóng giận đã có thái độ thô lỗ và đánh đập con cái. Năm 1910, cũng vì say sưa, Nguyễn Sinh Sắc đã quá tay đánh chết một nghi can là Tạ Đức Quang. Cũng vì vậy ông bị triều đình tuyên phạt 100 trượng, giáng 4 cấp, cách chức tri huyện và sa thải khỏi quan trường. Sau này ông được miễn phạt trượng hình. Dầu sao ông đã làm nhục giới nho sĩ vì không biết tu thân trước khi trị quốc. Do sự sỉ nhục này đối với sĩ lâm và bà con lối xóm, ông đã dắt các con rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, đi tha phương cầu thực làm nghề bốc thuốc tại miền Nam.


Sự thật lịch sử này đã được chứng minh bằng một văn thư do Hồ Chí Minh dưới tên Paul Tất Thành viết từ Nữu Ước ngày 15-12-1912 gửi Khâm Sứ Trung Kỳ, xin cho cha được phục chức và được làm thừa biện, giáo thụ hay huấn đạo để có phương tiện mưu sinh.

Và truyền thống gia đình cách mạng của Hồ Chí Minh chỉ là một huyền thoại (Chính Đạo: Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại).


2. HUYỀN THOẠI LÊN ĐƯỜNG CỨU NƯỚC.

Các nhà sử học CS còn trình bày rằng năm 21 tuổi Hồ Chí Minh rời Bến Nhà Rồng Saigon xuất dương lên đường cứu nước. Thời gian này, phong trào kháng thuế tại Quảng Nam và các tỉnh miền Trung đã bị dập tắt. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội đã bị thâu hồi giấy phép, và tại Nhật Bản, Phan Bội Châu, Cường Để cùng 200 sinh viên Việt Nam du học đã bị trục xuất. Theo gương Phan Chu Trinh, năm 1911 Hồ Chí Minh tìm đường qua Pháp để học hỏi tinh thần tự do dân chủ, hy vọng có ngày trở về giải phóng đồng bào khỏi ách đế quốc tư bản.


Đây cũng chỉ là một huyền thoại. Do đơn ngày 15-9-1911, Nguyễn Tất Thành xin Bộ Thuộc Địa Pháp đặc cách cho theo học Trường Thuộc Địa "để trở nên người hữu ích cho nước Pháp" (utile à la France). Trường Thuộc Địa là trung tâm đào tạo các cán bộ hành chánh và giáo dục của chế độ thuộc địa. Theo quy chế, các sinh viên phải được sự giới thiệu của nhà chức trách Đông Dương. Nhiều vị khoa bảng và trí thức nổi tiếng đã theo học trường này như Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Thân Trọng Huề, Bùi Quang Chiêu, Bùi Bằng Đòan v.v... Vì không đúng thủ tục, đơn của Nguyễn Tất Thành đã bị bác bỏ.


Và huyền thoại Hồ Chí Minh từ Bến Nhà Rồng xuất dương lên đường cứu nước đã bị giải tỏa.


3. TIẾM DANH NGUYỄN ÁI QUỐC.


Từ 1911 đến 1914, Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp tại các tầu buôn của hãng Les Chargeurs Réunis chạy quanh các nước Âu Châu, Phi Châu và Mỹ Châu. Khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, Nguyễn Tất Thành sang Anh làm phụ bếp tại nhà hàng Carlton và trở về Paris năm 1917. Trong thời gian này LS Phan Văn Trường đã thành lập Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước để đấu tranh công khai đòi tự trị và độc lập cho Việt Nam.


Do lời mời của lãnh tụ Đảng Xã Hội Pháp Jean Jaurès (người đã can thiệp với Thủ Tướng Pháp để ân xá cho Phan Chu Trinh), cùng với cụ Phan, LS Phan Văn Trường đã nhiều lần đến điều trần tại Quốc Hội Pháp để trình bày quan điểm về chính sách bảo hộ của Pháp tại Việt Nam và đạo đạt nguyện vọng của người dân Việt Nam lên Quốc Hội.


Sau Thế Chiến Thứ Nhất, năm 1919 tại Paris, dưới bút hiệu chung Nguyễn Ái Quốc, bộ ba Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành, nhân danh Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước đã đệ trình các Chính Phủ Đồng Minh và Chính Phủ Pháp Thỉnh Nguyện Thư của Dân Tộc Việt Nam trong tinh thần hợp tác và thương nghị, nguyên văn như sau:


"Từ sau cuộc chiến thắng của Đồng Minh, các dân tộc bị trị vô cùng xúc động trước những triển vọng tương lai, căn cứ vào những cam kết minh thị và trân trọng của các cường quốc Đồng Minh trước dư luận thế giới trong cuộc đấu tranh vừa qua để bảo vệ Văn Minh chống Dã Man.


Chiếu theo các cam kết này, một Kỷ Nguyên mới của Luật Pháp và Công Lý sẽ khai mở đem lại hy vọng chứa chan cho các dân tộc bị trị.


Trong khi chờ đợi Nguyên Tắc Chủ Quyền Quốc Gia được chấp thuận, trong lý tưởng cũng như trên thực tế, do sự thừa nhận và thực thi Quyền Dân Tộc Tự Quyết thiêng liêng, Dân Tộc Việt Nam trân trọng đệ trình các Chính Phủ Đồng Minh cao quý, cũng như Chính Phủ Pháp khả kính, những thỉnh nguyện khiêm tốn sau đây:


1) Ban hành Đại Xá cho tất cả các chính trị phạm bản xứ.

2) Cải thiện chế độ tư pháp Đông Dương bằng cách ban hành những bảo đảm về quyền bình đẳng trước pháp luật giữa người bản xứ và người Âu Châu. Bãi bỏ toàn bộ và vĩnh viễn hệ thống tòa án đặc biệt được dùng làm công cụ khủng bố và đàn áp các thành phần lương thiện nhất của dân tộc Việt Nam.

3) Ban hành Tự Do Báo Chí và Tự Do Ngôn Luận

4) Ban hành Tự Do Lập Hội và Tự Do Hội Họp.

5) Ban hành Tự Do Di Trú và Xuất Ngoại

6) Ban hành Tự Do Giáo Dục và thiết lập tại các tỉnh những trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ.

7) Thay thế chế độ cai trị bằng nghị định bằng chế độ pháp trị.

8) Thành lập Phái Bộ Thường Trực dân cử của người bản xứ bên cạnh Quốc Hội Pháp để đạo đạt tới Quốc Hội những nguyện vọng của người bản xứ.


Khi đệ trình những thỉnh nguyện nêu trên, Dân Tộc Việt Nam kỳ vọng vào nền Công Lý Thế Giới của các Cường Quốc và đặc biệt tin tưởng vào sự hào hiệp của Dân Tộc Pháp cao quý hiện đang nắm giữ vận mệnh của Dân Tộc Việt Nam bằng cách đứng ra bảo hộ Dân Tộc Việt Nam nhân danh Cộng Hòa Pháp. Dân Tộc Việt Nam không hổ thẹn được sự bảo trợ của Dân Tộc Pháp, trái lại còn cảm thấy vinh hạnh.


Vì họ biết rằng Dân Tộc Pháp biểu tượng cho Tự Do và Công Lý, và sẽ không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của Nghĩa Bác Ái toàn cầu. Vì những lý do đó, trong khi lắng nghe tiếng nói của kẻ bị trị, Dân Tộc Pháp sẽ hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với nước Pháp cũng như đối với nhân loại.


Thay mặt Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước: Nguyễn Ái Quốc".


Luật Sư Phan Văn Trường, tiến sĩ luật, Chủ Tịch Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước là người soạn tài liệu này.


Nguyễn Ái Quốc (Nguyen le Patriote) là bút hiệu chung của bộ ba Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành. Nguyễn là dòng họ đa số tại Việt Nam và Ái Quốc là phỏng theo tên Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước (Groupe des Patriotes Annamites). Với bút hiệu này, họ đã viết những bài bình luận trên các báo của Đảng Xã Hội như Nhân Loại (L'Humanité), Dân Chúng (Le Populaire) v..v...

Mặc dầu vậy, Hồ Chí Minh đã tự nhận mình là Nguyễn Ái Quốc. Dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, trong cuốn "Những Mẩu Chuyện về Đời Hoạt Động của Hồ Chủ Tịch". Hồ Chí Minh viết: "Khi chiến tranh chấm dứt, tại Hội Nghị Hoà Bình Véc-Xây, Tổng Thống Mỹ Wilson nói về 14 điều. Các đại biểu các dân tộc bị áp bức đến để yêu cầu độc lập và tự do. Trong số đó, có Nguyễn Ái Quốc (tức là Anh Ba hay Hồ Chí Minh). Ông Nguyễn tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước tại Paris và ở các tỉnh khác. Với danh nghĩa của tổ chức này, ông đã đưa yêu cầu 8 điều ra trước Hội Nghị Véc-Xây".


Đây chỉ là một sự mạo nhận. Vì những lý do sau đây:


a) Thỉnh Nguyện Thư được soạn thảo nhân danh Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước, một tổ chức do Phan Văn Trường thành lập năm 1914 tại Paris, khi Nguyễn Tất Thành còn ở Luân Đôn.

b) Thỉnh Nguyện Thư đề cập đến những nguyên tắc pháp lý mà trong thời gian đó (1919) chỉ các luật gia và chính trị gia mới thấu hiểu như quyền bình đẳng trước pháp luật, chế độ pháp trị, chế độ tòa án đặc biệt, quyền dân tộc tự quyết v.v...

c) Đề nghị thành lập Phái Bộ Thường Trực Dân Cử Việt Nam tại Quốc Hội Pháp là do sáng kiến của Phan Văn Trường. Từ năm 1911, cùng với Phan Chu Trinh, theo lời mời của Jean Jaurès, ông đã nhiều lần đến điều trần tại Quốc Hội Pháp để đạo đạt những nguyện vọng của nhân dân Việt Nam lên Quốc Hội.

d) Nguyễn Tất Thành chỉ là một học sinh vừa qua bậc tiểu học và không có kiến thức chính trị. "Ông rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là công hội, thế nào là bãi công, và thế nào là chính đảng... Ông không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay... Ông lắng nghe những buổi thảo luận, nhưng không hiểu rõ về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, giai cấp vô sản v.v... ông nhức đầu vì khó hiểu". Vả lại vốn liếng tiếng Pháp của ông chỉ gồm những chữ thông dụng trong đời sống hằng ngày học từ những cô sen trong giới bình dân (Trần Dân Tiên, sđd).

e) Trần Dân Tiên còn nêu lên yêu cầu bãi bỏ chế độ sưu dịch, thuế đinh, thuế muối và việc bắt ép dân mua muối và thuốc phiện. Các điều khoản này không thấy trong bản Thỉnh Nguyện Thư tiếng Pháp đăng trên báo L'Humanité ngày 18-6-1919. (Chính Đạo: Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại).

Nói tóm lại, trái với lời Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh không phải là tác giả Thỉnh Nguyện Thư của Dân Tộc Việt Nam. Và năm 1919 Hồ Chí Minh cũng chưa phải là Nguyễn Ái Quốc. Đây chỉ là một sự mạo nhận tư cách của Nguyễn Tất Thành, một người ít học nhưng nhiều tham vọng.


Năm 1917, khi từ Luân Đôn trở về Paris, Nguyễn Tất Thành tá túc tại nhà Luật sư Phan Văn Trường số 6 Villa des Gobelins. Năm 1914, Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường bị bắt giam về tội phản nghịch (tình nghi liên lạc với Cường Để tại Berlin). Sau 9 tháng điều tra, hai nhà chí sĩ họ Phan đã được miễn tố (Phan Chu Trinh chủ trương hợp tác với Pháp đánh Đức, cũng như Gandhi hô hào thanh niên Ấn Độ tình nguyện gia nhập quân đội Hoàng Gia Anh).


Mặc dầu vậy, hai vị vẫn bị cảnh sát điều tra theo rõi. Mỗi khi có trát đòi Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành đứng ra nhận trát, tự xưng là Nguyễn Ái Quốc. Ông nói: "Nguyễn Ái Quốc chính là tôi, các ông cứ đưa trát cho tôi, đừng làm phiền chú/bác tôi (ý nói Phan Văn Trường hay Phan Chu Trinh)". Năm 1921, Nguyễn Tất Thành bỏ Đảng Xã Hội để gia nhập Đảng CS dưới tên Nguyễn Ái Quốc.



4. GIẢ DANH TRẦN DÂN TIÊN


Các nhà sử học cho rằng Hồ Chí Minh là người thông minh, nhưng là sự thông minh ngoài phố. Sự khôn ngoan giảo quyệt này đã được biểu lộ rõ nét nhất trong cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" của Trần Dân Tiên xuất bản và tái bản nhiều lần từ 1948 đến 1976. Ngày nay ai cũng biết Trần Dân Tiên là Hồ Chí Minh. Trong lịch sử văn học thế giới, không thấy một nhà văn tự trọng nào lại giả danh bằng một bút hiệu để tự đề cao mình. Dùng bút hiệu thật để nói về mình cũng là vạn bất đắc dĩ, vì cái tôi thường đáng ghét. Dùng bút hiệu giả để thần thánh hóa mình thì quả là đáng khinh!


Chúng ta thử đánh giá sự "khiêm tốn" của tác giả:


"Nhiều nhà văn nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhưng mãi đến nay chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất đơn giản: Chủ Tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình (...). Hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn, rất nhiều đồng bào đang đói khổ. Sau 80 năm nô lệ, nước ta bị tàn phá, bây giờ chúng ta phải xây dựng lại. Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đi đã (...). Với đức tính khiêm tốn nhường ấy, và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc làm sao Hồ Chủ Tịch có thể kể lại bình sinh của Người được".


Thế nhưng Hồ Chủ Tịch đã đại ngôn:


"Khi còn là một thiếu niên 15 tuổi, người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh khâm phục các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của 3 người, vì:


- Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương.

- Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, chẳng khác gì đưa hổ cửa trước rước beo cửa sau.

- Cụ Hoàng Hoa Thám còn nặng cốt cách phong kiến".


Năm 1905, khi Hồ Chí Minh 15 tuổi, cụ Phan Chu Trinh chưa viết Đầu Pháp Chính Phủ Thư (l906), chưa phát động phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục (l907). Vậy mà Hồ Chí Minh đã phê phán chính sách canh tân và giáo dục của cụ là cải lương (mà cải lương thì đã sao?).


Chưa thấy cụ Phan Bội Châu rước cọp vào nhà, chỉ thấy Hồ Chí Minh cõng rắn CS về cắn gà nhà, gây tai hại vô lường cho đất nước và dân tộc.


Năm 1945, khi mới 55 tuổi, Hồ Chí Minh tự phong mình là "cha già của dân tộc". Ông còn tự thần thánh hóa mình, kể rằng "chân dung Hồ Chủ Tịch được treo trên bàn thờ giữa những bình hương hoa đèn nến".


"Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng hy sinh và lòng nhân từ của Người. Chủ Tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân (...). Đối với nhi đồng, tên Bác Hồ là như một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn".


Vậy mà người cha già (67 tuổi) đã nhẫn tâm để đàn em hạ sát người vợ trẻ đã sinh cho mình đứa con trai là Nguyễn Tất Trung. Năm l957, khi cô Nguyễn Thị Xuân yêu cầu công khai hoá cuộc hôn phối đã kéo dài trên 2 năm, Hồ Chí Minh vẫn ngọt ngào giả lả: "Cô xin như vậy là hợp tình hợp lý, nhưng phải được Bộ Chính Trị đồng ý, nhất là mấy ông Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt đồng ý mới được". Do đó, cô đành phải chờ một thời gian. Trong thời gian này, cô đã biến thành chướng ngại vật làm mất uy tín của lãnh tụ. Theo đúng phương châm hành động, tất cả những chướng ngại vật làm cản trở con đường của lãnh tụ sẽ bị thanh toán và vô hiệu hóa.


Thanh toán trước hết bằng cách hạ nhục đối phương, cho viên tướng công an Trần Quốc Hoàn mặc sức hãm hiếp. Rồi cho thủ hạ chùm chăn lên đầu và dùng búa đánh vỡ sọ nạn nhân (như vụ Staline hạ sát Trotsky tại Mexico).


Một người có những thủ đoạn bất nhân như vậy, mà bộ máy tuyên truyền của CS còn đề cao như một vị anh minh kết tinh "đức tính từ bi của Đức Phật, tính công bằng bác ái của Chúa Ki-Tô, sự minh triết của Khổng Tử, sự siêu thoát của Lão Trang".


Ngoài ra, Trần Dân Tiên còn tự sánh mình với Mặc Tử là người đã mòn trán lỏng gót bôn ba khắp nơi để lo cho thiên hạ. Điều đáng nói là, trong khi Mặc Tử chủ trương hòa bình, thì Hồ Chí Minh cổ võ chiến tranh. Trong khi Mặc Tử theo thuyết kiêm ái, yêu dân tộc, yêu nhân loại, thì Hồ Chí Minh gieo rắc căm hờn, thúc dục thú tính để phát động đấu tranh giai cấp và thủ tiêu những lương dân vô tội và những người quốc gia yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc.


5. GIẢ ĐOÀN KẾT QUỐC GIA.


Khi hay biết phe Thế Giới Dân Chủ không chịu trao Đông Dương cho Đảng Cộng Sản Đông Dương vì họ không muốn Staline mở rộng Bức Màn Sắt từ Đông Âu qua Đông Á, ngày 11-11-1945 Hồ Chí Minh giả bộ giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương để thành lập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Các-Mác. Để có chính nghĩa đoàn kết quốc gia, Hồ Chí Minh mời Nguyễn Hải Thần thuộc Cách Mạng Đồng Minh Hội và Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng tham gia chính phủ liên hiệp.


Trong Tuyên Cáo Đoàn Kết ngày 24-12-1945, Hồ Chí Minh cam kết tôn trọng sự đoàn kết của các đảng phái quốc gia để tranh thủ độc lập, "Vì độc lập quốc gia là cứu cánh tối hậu cần phải tranh thủ và chỉ có sự hợp tác và hữu nghị chân thành giữa những người Việt Nam mới có thể đạt được độc lập quốc gia". Ông còn lên án mọi hành vi phá hoại tình đoàn kết quốc gia cũng như việc dùng võ lực để tiêu diệt các đảng phái quốc gia.


Vậy mà sau đó Trần Dân Tiên đã vu oan giá họa "bọn phản động Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam được Trung Hoa Quốc Dân Đảng giúp đỡ đã có âm mưu phá hoại và Hồ Chủ Tịch đã phải nhường cho họ 70 ghế quốc hội".


Ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh ký Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny công nhận Việt Nam là một quốc gia tự trị trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp. 15 ngàn quân Pháp được thay thế quân Trung Hoa, đổ bộ Hải Phòng và đồn trú tại Bắc Việt trong 5 năm.


Tháng 5-1946, Hồ Chí Minh qua Paris thương nghị. Phái đoàn Việt Nam đáng lẽ do ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam lãnh đạo, nhưng trước đó: "Bộ Trưởng Tam đã bỏ trốn". Và mùa hè năm đó, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh cũng bỏ trốn sang Tàu để khỏi bị sát hại như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm v.v...


Sau khi tống xuất quân đội Trung Hoa, CS thẳng tay đàn áp và thủ tiêu các cán binh Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội. Như vậy, Tuyên Cáo Đoàn Kết 1945 chỉ nhằm thành lập chính phủ liên hiệp để làm bình phong thương nghị với Pháp. Rồi nhờ Pháp tống xuất Tàu cho Đảng CS rảnh tay tiêu diệt các đảng phái quốc gia để được độc quyền lãnh đạo.


Trong Thế Chiến Thứ Hai, để được Đồng Minh yểm trợ, Staline đưa ra chính sách thân thiện với Anh Pháp. Đảng CS Pháp phối hợp với Đảng Xã Hội trong Mặt Trận Bình Dân. Phe CS Việt Nam cũng hợp tác với phe Tân Tả Phái của Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch để thành lập Mặt Trận Dân Chủ và xuất bản tờ La Lutte (Tranh Đấu).


Trong những cuộc bầu cử Hội Đồng Đô Thành Saigon và Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ, liên danh Tranh Đấu của Tạ Thu Thâu toàn thắng. Đây là giai đoạn đấu tranh công khai, ôn hòa, hợp pháp và bất bạo động. Chiêu bài đoàn kết quốc gia một lần nữa được áp dụng. Nguyễn An Ninh thuộc phe Trung Hoà, Tạ Thu Thâu thuộc phe Tân Tả Phái và Nguyễn Phan Long thuộc phe Lập Hiến, đã đứng ra tổ chức Đông Dương Đại Hội để đạo đạt thỉnh nguyện của nhân dân Việt Nam tới phái đoàn Quốc Hội từ Paris sang.


Vậy mà ngay sau khi cướp được chính quyền, Đảng CS đã phản bội lời giao ước đoàn kết và đã thủ tiêu Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Văn Ngà, Dương Văn Giáo v.v... là những người quốc gia yêu nước thuộc các nhóm Tân Tả Phái và Lập Hiến.


Về việc hạ sát Tạ Thu Thâu, Hồ Chí Minh còn giả nhân nghĩa tiếc Tạ Thu Thâu là người yêu nước. Nhưng ông lại thêm rằng những ai chống lại chính sách của ông đều sẽ bị vô hiệu hoá. Sau khi Staline thủ tiêu người chiến hữu đàn anh của mình là Trotsky năm 1940, tất cả phe tân tả phái Trotskit đều phải bị thanh toán và triệt hạ uy tín.


Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn cho hạ sát Đức Giáo Chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ và các lãnh tụ các đảng phái quốc gia yêu nước như Trương Tử Anh (Đại Việt), Lý Đông A (Duy Dân), Khái Hưng, Nhượng Tống (Quốc Dân Đảng) v...v...


6. GIẢ HIỆP ƯỚC QUỐC TẾ.


Theo sách lược CS ký hiệp ước không phải để thi hành hiệp ước. Vì các hiệp ước ngoại giao chỉ là những phương tiện để thực thi những mục tiêu chính trị:


a. Ký Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny ngày 6-3-1946 nhờ Pháp tống xuất Tàu để rảnh tay thanh toán các đảng phái quốc gia nhằm giữ độc quyền yêu nước, độc quyền lãnh đạo. Sau đó lại phát động chiến tranh ngày 19-12-1946.

b. Ký Hiệp Định Đình Chiến Genève 1954 để tống xuất Pháp và cướp chính quyền tại Miền Bắc. Sau đó lại tái phát động chiến tranh.

c. Ký Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 để tống xuất Mỹ. Sau đó lại tái phát động chiến tranh để thôn tính Miền Nam.


7. NGỤY TẠO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH.


Sau cuộc Cách Mạng giải thể CS tại Đông Âu, chủ nghĩa CS đã bị nhân dân thế giới vứt vào thùng rác lịch sử. Tại Đức, quê hương của Các-Mác, chủ nghĩa Mác đã bị phủ định và được thay thế bằng chủ nghĩa Dân Chủ Tự Do và Dân Chủ Xã Hội. Tại Nga, quê hương của Lênin, chủ nghĩa Lênin cũng đã bị phủ định để thay thế bằng chủ nghĩa Dân Chủ Tự Do và Dân Chủ Xã Hội.


Trước sự phá sản của chủ nghĩa Mác Lê, Đảng CS ngụy tạo cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh", một điều mà chính Hồ Chí Minh thời sinh tiền cũng không bao giờ đề cập đến. Ông chỉ nói đến chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng Mao Trạch Đông, và tác phong Hồ Chí Minh. Ông nhìn nhận rằng, về phần tư tưởng, "Bác Mao đã viết cả rồi, tôi không còn gì để viết nữa".


Do đó ông chỉ thực thi trung thành những nguyên lý Mác Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông. Ông hết sức tán tụng Staline và Mao Trạch Đông. Ông viết: "Mao Trạch Đông đã đông phương hóa chủ nghĩa Mác Lê và đã đưa cách mạng Trung Quốc đến thành công. Cách mạng Việt Nam phải học tập và thực sự đã học hỏi rất nhiều từ cuộc cách mạng Trung Quốc. Các nhà cách mạng (CS) Việt Nam phải ghi nhớ điều này và phải biết ơn Mao Trạch Đông về sự đóng góp to lớn này".


Thật vậy, Hồ Chí Minh không có tư tưởng gì đặc sắc. Ông chỉ là người sao chép lại.


Những mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc ghi trong các tiêu đề chánh thức của nhà nước chỉ là phỏng theo 3 cương lĩnh của chủ nghĩa Tam Dân do Tôn Dật Tiên đề xướng trong Cách Mạng 1911: "Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do và Dân Sinh Hạnh Phúc".


Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945 cũng là sự sao chép Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ theo đó: "mọi người sinh ra bình đẳng và được Tạo Hóa ban cho những quyền bất khả xâm phạm như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Thêm vào đó là lời mở đầu Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp 1789: "mọi người sinh ra tự do và bình đẳng và luôn luôn được tự do và bình đẳng".



Dùng giả nhân nghĩa là ngụy quân tử. Nhưng khéo ngụy trang Hồ Chí Minh đã viện dẫn các tư tưởng minh triết của Nho Gia trong việc giáo hóa, trị dân và dựng nước như: "Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân; không lo nghèo mà lo không đều; mười năm trồng cây, trăm năm trồng người" v.v....


Về mặt kiến thức, Hồ Chí Minh thú nhận ông không am tường chính trị và nhức đầu khi nghe nói về những vấn đề lý thuyết chủ nghĩa. Ông chỉ là người cán bộ thừa hành trung thành và tận tụy của Staline và Mao Trạch Đông. Nhờ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền, ông nổi danh vì bút hiệu chung Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, ông được giới thiệu với các lãnh tụ Xã Hội và CS Pháp như Léon Blum, Marcel Cachin v..v... Từ một tiểu trí thức, ông đã bước lên địa vị một cán bộ CS quốc tế, phụ trách vùng Đông Nam Á.


Trong khi các lãnh tụ CS Á Châu khác như Roy tại Ấn Độ hay Malaka tại Nam Dương đều bị thất sủng dưới bàn tay sắt của Staline vì họ có những tư tưởng hướng về chủ nghĩa Dân Tộc và chủ thuyết Hồi Giáo, thì Hồ Chí Minh vẫn một lòng một dạ chung thủy với Quốc Tế CS.

Dầu không có tư tưởng chính trị đặc sắc nhưng Hồ Chí Minh đã thành công trong việc:


Dùng ngụy trang dối trá (ngụy chủ nghĩa Dân Tộc);

Lấy giả nhân giả nghĩa (bằng các chiêu bài độc lập, tự do, hạnh phúc, đoàn kết, hòa giải, hòa hợp);

Để giành chính nghĩa (giải phóng dân tộc, giải phóng lao động);

Và cướp chính quyền (để không chia quyền với bất cứ ai).


L.S. Nguyễn Hữu Thống


Hội thảo Hoàng Sa Trường Sa 25.1.2008

January 25, 2008

Hội Thảo Hoàng Sa – Trường Sa

Chi Nam
Vào 2 giờ chiều thứ Bảy 19/1/08 Lương Tâm Công Giáo đã phối hợp với các Hội Ái hữu Gia đình Người Nhái, Biệt Hải, Hội Luật Gia đã tổ chức một buổi hội thảo tại Trung tâm VIVO nhân dịp tưởng niệm 34 năm ngày Hoàng Sa thất thủ 19/1/74.

Ngoài các hội đoàn người Việt Quốc gia, các hội Cựu Quân Nhân người ta còn thấy có sự tham dự của LS Nguyễn Hữu Thống và Thẩm Phán Phan Quang Tuệ.
Bà Cao Thị Tình thay mặt BTC tuyên bố lý do cuộc hội thảo, sau đó ông Đặng Đình Hiền, Biệt đoàn trưởng Hải Kích – người tham dự trận đánh năm 1974 trình bày chi tiết diễn tiến trận chiến.

Buổi Hội thảo Hoàng Sa-Trường Sa tại trung tâm VIVO (Lê Bình)

Mở đầu phần trình bày chi tiết lịch sử và luật pháp về quần đảo Hoàng Sa, LS Nguyễn Hữu Thống nói "Hôm nay chúng ta tập hợp nơi đây để kỷ niệm trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Trước đó một năm, tháng 1-1973, hai nước Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký Hiệp Định Hòa Bình Paris với sự tham dự và bảo lãnh của 14 quốc gia trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các quốc gia kết ước và bảo lãnh cam kết tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam và không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Việt Nam. Vậy mà, một năm sau, khi Hiệp Định Paris còn chưa ráo mực, bỗng dưng vô cớ, ngày 19-1-1974 Trung Quốc đem quân xâm chiếm 6 đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm Lưỡi Liềm (Nguyệt Thiềm) phía Tây Nam." …

Ông đưa ra 4 sự kiện:
-Năm 1999, Việt Nam đã ký Hiệp Định Biên Giới Việt Trung để nhượng 800 km2 đất biên giới cho Trung Quốc.
-Năm 2000, Việt Nam đã ký Hiệp Định Vịnh Bắc Bộ để hiến dâng một vùng lãnh hải 12,000 km2 nước Biển Đông cho Trung Quốc.
-Cũng trong năm này, Việt Nam còn ký Hiệp Định Hợp Tác Nghề Cá để dâng cá dâng dầu cho Trung Quốc.
-Và, để có sự yểm trợ của Bắc Kinh trong kế hoạch thôn tính Miền Nam bằng võ lực, năm 1958, do văn thư của Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Đảng và Chủ Tịch Nước, đã tự ý chuyển nhượng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Theo ông, những hành vi này cấu thành 4 tội phản bội tổ quốc bằng cách cấu kết với nước ngoài nhằm xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc và xâm phạm quyền của nhân dân được sử dụng đầy đủ những tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của đất nước. Kể từ tháng 6-2004, khi Hiệp Định Hợp Tác Đánh Cá có hiệu lực chấp hành do sự phê duyệt của Chính Phủ (thay vì phải có sự phê chuẩn của Quốc Hội), Trung Quốc đã lấn chiếm các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa tại Trung Việt (Đà Nẵng, Khánh Hòa) trong chính sách Vết Dầu Loang.

Đặc biệt là ngày 8-1-2005 tại Vịnh Bắc Việt, lính tuần duyên Trung Quốc đã dùng đại liên hạ sát 9 ngư dân, gây thương tích 7 người và bắt giữ 8 người tại một vùng biển của Việt Nam. Nạn nhân là những ngư dân Thanh Hóa đi đánh bắt tôm cá tại miền duyên hải Biển Đông là môi trường sinh sống đời đời.

Theo LS Thống, đây "không phải là những hành động tự phát của một số binh sĩ vô trách nhiệm, mà là cả một chính sách khủng bố 'sát nhất nhân, vạn nhân cụ' (giết một người khiến hàng vạn người khác phải sợ). Mục đích để ngăn cấm ngư dân Việt Nam không được đến đánh cá tại vùng biển sâu, dành cho Trung Quốc độc quyền đánh cá, thăm dò và khai thác dầu khí tại Vịnh Bắc Việt và miền duyên hải Trung Việt. Do những hành động này Trung Quốc đã phạm tội cố sát có dự mưu…"

Cuộc hội thảo tiếp tục sau đó với nhiều ý kiến được nêu lên.

4 tội phản bội Tổ Quốc của Đảng Cộng Sản Việt Nam


Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

"… Bằng kế hoạch thôn tính 4 bước, đế quốc Bắc Kinh buộc Hà Nội hiến dâng toàn thể hải phận Việt Nam từ Vịnh Bắc Việt đến vùng biển Hoàng Sa Trường Sa …"

- Năm 1999 Đảng Cộng Sản Việt Nam ký Hiệp Định Biên Giới Việt Trung để nhượng đất biên giới cho Trung Quốc.
- Năm 2000, Đảng Cộng Sản Việt Nam ký Hiệp Định Phân Định Vịnh BắcBộ để bán nước Biển Đông cho Trung Quốc.
- Cũng trong năm này Đảng Cộng Sản Việt Nam ký Hiệp Định Hợp Tác Nghề Cá để dâng cá dâng dầu cho Trung Quốc.
- Và năm 1958, bằng văn thư của Phạm Văn Đồng, Đảng Cộng Sản Việt Nam đồng ý chuyển nhượng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
cho Trung Quốc.


Những hành vi này cấu thành 4 tội phản bội tổ quốc bằng cách "cấu kết với nước ngoài nhằm xâm phạm chủ quyền của quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc và xâm phạm quyền của quốc dân được sử dụng đầy đủ những tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của đất nước".

Bandochingach.jpg image by photinh


I. TỘI NHƯỢNG ĐẤT BIÊN GIỚI CHO NƯỚC NGOÀI

Năm 1949, sau khi thôn tính lục địa Trung Hoa, mục tiêu chiến lược của Quốc Tế Cộng Sản là nhuộm đỏ hai bán đảo Đông Dương và Triều Tiên.

Qua năm sau, 1950, với sự yểm trợ của các chiến xa Liên Xô và đại pháoTrung Quốc, Bắc Hàn kéo quân xâm lăng Nam Hàn. Mục đích để giành yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên âm mưu thôn tính không thành do sự phản kích của quân lực Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.

Từ 1951 cuộc chiến bất phân thắng bại đưa đến hòa đàm. Hai năm sau Chiến Tranh Triều Tiên kết thúc bởi Hiệp Định Đình Chiến Bàn Môn Điếm tháng 7, 1953.

Thất bại trong chiến tranh Triều Tiên, Trung Cộng tập trung hỏa lực và kéo các đại pháo từ mặt trận Bắc Hàn xuống mặt trận Bắc Việt.

Để tiếp tế võ khí, quân trang, quân dụng, cung cấp cố vấn và cán bộ huấn luyện cho Bắc Việt, các xe vận tải và xe lửa Trung Cộng đã chạy sâu vào nội địa Việt Nam để lập các căn cứ chỉ huy, trung tâm huấn luyện, tiếp viện và chôn giấu võ khí. Thừa dịp này một số dân công và sắc dân thiểu số Trung Quốc kéo sang Việt Nam định cư lập bản bất hợp pháp để lấn chiếm đất đai.

Trong Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai khởi sự từ 1956, với các chiến dịch Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân (1968) và Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), Bắc Việt huy động toàn bộ các sư đoàn chính quy vào chiến trường Miền Nam. Thời gian này để bảo vệ an ninh quốc ngoại chống sự phản kích của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ (như trong Chiến Tranh Triều Tiên), Bắc Việt nhờ 300 ngàn binh sĩ Trung Quốc mặc quân phục Việt Nam đến trú đóng tại 6 tỉnh biên giới Bắc Việt. Trong dịp này các binh sĩ, dân công và sắc dân thiểu số Trung Hoa đã di chuyển những cột ranh mốc về phía nam dọc theo lằn biên giới để lấn chiếm đất đai.

Trong Chiến Tranh Đông Dương Thứ Ba khởi sự từ 1979, để giành giật ngôi vị bá quyền, Trung Quốc đem quân tàn phá 6 tỉnh biên giới Bắc Việt. Và khi rút lui đã gài mìn tại nhiều khu vực rộng tới vài chục cây số vuông để lấn chiếm đất đai.

Ngày nay, dưới áp lực của Bắc Kinh, Hà Nội xin hợp thức hóa tình trạng đã rồi, nói là thể theo lời yêu cầu của các sắc dân thiểu số Trung Hoa đã định cư lập bản tại Việt Nam.

Năm 1999 họ đã ký Hiệp Ước Biên Giới Việt Trung để nhượng cho Trung Quốc khoảng 800 km2 dọc theo lằn biên giới, trong đó có các quặng mỏ và các địa danh như Ải Nam Quan, Suối Phi Khanh tại Lạng Sơn và Thác Bản Giốc tại Cao Bằng...

II. TỘI BÁN BIỂN ĐÔNG CHO NƯỚC NGOÀI


Kinh nghiệm cho biết các quốc gia láng giềng chỉ ký hiệp ước
phân định lãnh thổ hay lãnh hải sau khi có chiến tranh võ trang, xung đột biên giới hay tranh chấp hải phận.

Trong cuốn Biên Thùy Việt Nam (Les Frontières du Vietnam), sử gia Pierre Bernard Lafont có viết bài "Ranh Giới Hải Phận của Việt Nam" (La Frontière Maritime du Vietnam). Theo tác giả, năm 1887, Việt Nam và Trung Hoa đã ký Hiệp Ước Bắc Kinh để phân chia hải phận Vịnh Bắc Việt theo đường kinh tuyến 108 Đông, chạy từ Trà Cổ Móng Cáy xuống vùng Cửa Vịnh (Quảng Bình, Quảng Trị). Đó là đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa tại Vịnh Bắc Việt. Vì đã có sự phân định Vịnh Bắc Việt theo Hiệp Ước Bắc Kinh, nên "từ đó hai bên không cần ký kết một hiệp ước nào khác." Do những yếu tố địa lý đặc thù về mật độ dân số, số hải đảo, và chiều dài bờ biểnViệt Nam được 63% và Trung Hoa được 37% hải phận.

Năm 2000, mặc dầu không có chiến tranh võ trang, không có xung đột hải phận, bỗng dưng vô cớ, phe Cộng Sản đã ký Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ để hủy bãi Hiệp Ước Bắc Kinh 1887.

Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ là một hiệp ước bất công, vi phạm pháp lý và vi phạm đạo lý.

Bất công và vi phạm pháp lý vì nó không tuân theo những tiêu chuẩn của Tòa Án Quốc Tế, theo đó sự phân ranh hải phận phải căn cứ vào các yếu tố địa lý, như số các hải đảo, mật độ dân số và chiều dài bờ biển. Ngày nay dân số Bắc Việt đông gấp 6 lần dân số đảo Hải Nam, và bờ biển Bắc Việt dài gấp 3 lần bờ đảo Hải Nam phía đối diện Việt Nam. Ngoài ra Việt Nam có hàng ngàn hòn đảo trong khi Hải Nam chỉ có 5 hay 6 hòn. Tại miền bờ biển hễ đã có đất thì phải có nước; có nhiều đất hơn thì được nhiều nước hơn; có nhiều dân hơn thì cần nhiều nước hơn. Vì vậy hải phận Việt Nam phải lớn hơn hải phận Trung Hoa (63% và 37% theo Hiệp Ước Bắc Kinh). Và cũng vì vậy vùng biển này có tên là Vịnh Bắc Việt.

Ngày nay phe Cộng Sản viện dẫn đường trung tuyến để phân ranh hải phận với tỉ lệ lý thuyết 53% cho Việt Nam. Như vậy Việt Nam đã mất ít nhất 10% hải phận, khoảng 12.000 km2. Tuy nhiên trên thực tế phe Cộng Sản đã không áp dụng nghiêm chỉnh đường trung tuyến. Họ đưa ra 21 điểm tiêu chuẩn phân định Vịnh Bắc Việt theo đó Việt Nam chỉ còn 45% hải phận so với 55% của Trung Quốc. Và Việt Nam đã mất 21.000 km2.

Bất công hơn nữa là vì nó không căn cứ vào những điều kiện đặc thù để phân định Vịnh Bắc Việt. Tại vĩ tuyến 20 (Ninh Bình, Thanh Hóa), biển rộng chừng 170 hải lý, theo đường trung tuyến Việt Nam được 85 hải lý để đánh cá và khai thác dầu khí (thay vì 200 hải lý theo Công Ước về Luật Biển). Trong khi đó, ngoài 85 hải lý về phía tây, đảo Hải Nam còn được thêm 200 hải lý về phía đông thông sang Thái Bình Dương. Theo án lệ của Tòa Án Quốc Tế, hải đảo không thể đồng hóa hay được coi trọng như lục địa. Vậy mà với số dân chừng 7 triệu người, đảo Hải Nam, một tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc, đã được hưởng 285 hải lý để đánh cá và khai thác dầu khí. Trong khi đó 42 triệu dân Bắc Việt chỉ được 85 hải lý. Đây rõ rệt là bất công quá đáng. Bị án ngữ bởi một hải đảo (Hải Nam) người dân Bắc Việt bỗng dưng mất đi 115 hải lý vùng đặc quyền kinh tế để đánh cá và thềm lục địa để khai thác dầu khí. .

Hơn nữa, Hiệp Ước này còn vi phạm đạo lý vì nó đi trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền như Công Lý, Bình Đẳng, Hữu Nghị, không cưỡng ép, không thôn tính và không lấn chiếm.

III. TỘI DÂNG CÁC TÀI NGUYÊN VÀ NGUỒN LỢI THIÊN NHIÊN CHO NƯỚC NGOÀI


Cùng ngày với Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ, Đảng Cộng Sản Việt Nam còn ký Hiệp Ước Hợp Tác Nghề Cá.

Ngày 15-6-2004, Quốc Hội phê chuẩn Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, trái với Điều 84 Hiến Pháp, Hiệp Ước Đánh Cá không được Quồc Hội phê chuẩn, chỉ được Chính Phủ "phê duyệt".

Theo Hiệp Ước sau này, hai bên sẽ thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 60 hải lý, mỗi bên 30 hải lý, từ đường trung tuyến biển sâu nhiều cá, khởi sự từ vĩ tuyến 20 (Ninh Bình, Thanh Hóa) đến vùng Cửa Vịnh tại vĩ tuyến 17 (Quảng Bình, Quảng Trị).

Tại Quảng Bình biển rộng chừng 120 hải lý, theo đường trung tuyến Việt Nam được 60 hải lý. Trừ 30 hải lý cho vùng đánh cá chung, ngư dân chỉ còn 30 hải lý gần bờ. Trong khi đó Hải Nam được 290 hải lý để đánh cá.

Tại Ninh Bình, Thanh Hóa, biển rộng chừng 170 hải lý, theo đường trung tuyến, Việt Nam được 85 hải lý. Trừ 30 hải lý cho vùng đánh cá chung, ngư dân chỉ còn 55 hải lý gần bờ. Trong khi đó Hải Nam được 315 hải lý.

Hơn nữa, theo nguyên tắc hùn hiệp, căn cứ vào số vốn, số tàu, số chuyên viên kỹ thuật gia và ngư dân chuyên nghiệp, Trung Quốc sẽ là chủ nhân ông được toàn quyền đánh cá ở cả hai vùng, vùng đánh cá chung và vùng hải phận Trung Hoa.

Ngày nay Trung Quốc là quốc gia ngư nghiệp phát triển nhất thế giới. Trên mặt đại dương, trong số 10 tàu đánh cá xuyên dương trọng tải trên 100 tấn, ít nhất có 4 tàu mang hiệu kỳ Trung Quốc. Như vậy trong cuộc hợp tác đánh cá với Trung Quốc, Việt Nam chỉ là cá rô, cá riếc sánh với cá mập, cá kình:

a) Trong số 17 quốc gia ngư nghiệp phát triển trên thế giới có tàu đánh cá lớn trọng tải trên 100 tấn, một mình Trung Quốc chiếm hơn 40 % số tàu, so với 5% của Hoa Kỳ, 3% của Nhật Bản và 2% của Đại Hàn, (Việt Nam không có mặt trong số 17 quốc gia này).

b) Các tàu đánh cá lớn này có trang bị các lưới cá dài với tầm hoạt
động 60 dặm hay 50 hải lý. Do đó đoàn ngư thuyền Trung Quốc không cần ra khỏi khu vực đánh cá chung cũng vẫn có thể chăng lưới về phía tây sát bờ biển Việt Nam để đánh bắt hết tôm cá, hải sản, từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tới Quảng Bình, Quảng Trị. Chăng lưới đánh cá tại khu vực Việt Nam là vi phạm hiệp ước. Tuy nhiên các đội tuần cảnh duyên hải Việt Nam sẽ ngoảnh mặt làm ngơ. Là cơ quan kinh tài của Đảng, họ sẽ triệt để thi hành chính sách thực dụng làm giàu với bất cứ giá nào, kể cả bằng sự cấu kết với ngoại bang vi phạm luật pháp và hiệp ước.

Trong cuộc hùn hiệp hợp tác này không có bình đẳng và đồng đẳng. Việt Nam chỉ là kẻ đánh ké, môi giới mại bản, giúp cho Trung Quốc mặc sức vơ vét tôm cá hải sản Biển Đông, để xin hoa hồng (giỏi lắm là 10%, vì Trung Quốc có 100% tàu, 100% lưới và 95% công nhân viên).

c) Rồi đây Trung Quốc sẽ công nhiên vi phạm Hiệp Ước Hợp Tác Đánh Cá cũng như họ đã thường xuyên vi phạm Công Ước về Luật Biển. Chiếu Công Ước này các quốc gia duyên hải có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý để đánh cá. Nhưng cũng có nghĩa vụ phải bảo toàn và dinh dưỡng ngư sinh để dành hải sản cho biển cả và các thế hệ tương lai. Trung Quốc đã trắng trợn và thường xuyên vi phạm Công Ước về Luật Biển trong chính sách "tận thâu, vét sạch và cạn tàu ráo máng" áp dụng từ thời Đặng Tiểu Bình. Đó là chính sách thực dụng mèo đen mèo trắng, làm giàu là vinh quang, làm giàu với bất cứ giá nào.

Từ hơn 1/4 thế kỷ theo kinh tế thị trường, với sự phát triển công kỹ nghệ, thương mại, đánh cá và khai thác dầu khí, ngày nay tại vùng duyên hải Trung Hoa, các tài nguyên, hải sản và nguồn lợi thiên nhiên như tôm cá, dầu khí đã cạn kiệt. Trong khi đó nhu cầu canh tân kỹ nghệ hóa và nạn nhân mãn (của 1 tỉ 380 triệu người) đòi hỏi Trung Quốc phải mở rộng khu vực đánh cá và khai thác dầu khí xuống Miền Nam.

d) Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghề cá, Trung Quốc đã huấn luyện được một đội ngũ công nhân viên đông đảo gồm các kỹ thuật gia, chuyên viên điện tử, và ngư dân có tay nghề. Trong khi đó về phía Việt Nam chỉ có một số công nhân không chuyên môn để sai phái trong các công tác tạp dịch hay công tác vệ sinh như rửa cá, rửa tàu v...v... Và rồi đây, bên cạnh các lao động nô lệ xuất khẩu tại Đông Nam Á , chúng ta sẽ có thêm một số lao động nô lệ tại Biển Đông trên các tàu đánh cá xuyên dương Trung Quốc.

IV. TỘI CHUYỂN NHƯỢNG CÁC QUẦN ĐẢO HOÀNG SA TRƯỜNG SA CHO NƯỚC NGOÀI


Với đà này Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ nhượng nốt các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng. Họ đã nhiều lần công bố ý định này:

1) Ngày 15-6-1956, ngoại trưởng Ung Văn Khiêm minh thị tuyên bố: "Hà Nội nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa".

2) Ngày 14-9-1958 qua lời Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Đảng, Chủ Tịch Nước, xác nhận chủ quyền hải phận của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

3) Để biện minh cho lập trường của Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng, sau khi Trung Cộng tiến chiếm Trường Sa hồi tháng 3-1988, báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của Đảng Cộng Sản trong số ra ngày 26-4-1988 đã viết: "Trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược thì Việt Nam phải tranh thủ sự gắn bó của Trung Quốc, và ngăn chặn Hoa Kỳ sử dụng 2 quần đảo nói trên". Đây chỉ là lời ngụy biện. Vì tại Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có Đệ Thất Hạm Đội nên không cần đến các hải đảo Trường Sa và Hoàng Sa để làm căn cứ xuất phát hay địa điểm chỉ huy.

4) Và hồi tháng 5-1976, báo Saigon Giải Phóng trong bài bình luận việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng võ lực đầu năm 1974, đã viết: "Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Quốc cũng vậy thôi".

Từ 1956, mục tiêu chiến lược của Đảng Cộng Sản Việt Nam là "giải phóng Miền Nam" bằng võ lực. Để chống lại Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và Đồng Minh, Hà Nội hoàn toàn trông cậy vào sự cưu mang nhiệt tình của người thầy phương Bắc. Vì sau cái chết của Stalin năm 1953, Lien Xô chủ trương chung sống hòa bình với Tây Phương, trong khi Mao Trạch Đông vẫn tuyên bố "sẽ giải phóng một ngàn triệu con người Á Châu khỏi ách Đế Quốc Tư Bản".

Mà muốn được cưu mang phải cam kết đền ơn trả nghĩa. Ngày 14-9-1958, qua Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Đảng, Chủ Tịch Nước cam kết chuyển nhượng cho Trung Quốc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua năm 1959, Đảng Cộng Sản phát động chiến tranh Giải Phóng Miền Nam.

Có 3 lý do được viện dẫn trong cam kết này:

a) Vì Hoàng Sa, Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 17-7 (Quảng Trị-
Cà Mâu) nên thuộc hải phận Việt Nam Cộng Hòa. Đối với Hà Nội nhượng Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc trong thời điểm này chỉ là bán da gấu! (không phải tài sản của mình).

b) Sau này do những tình cờ lịch sử, nếu Bắc Việt thôn tính được Miền Nam thì mấy hòn đảo san hô tại Biển Đông đâu có ăn nhằm gì so với toàn thể lãnh thổ Việt Nam?

c) Giả sử cuộc "giải phóng Miền Nam" không thành, thì việc Trung
Cộng chiếm Hoàng Sa Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa cũng có tác dụng làm suy yếu phe quốc gia về kinh tế, chính trị, chiến lược và an ninh quốc phòng.


Bản đồ "chín gạch" về "biển lưỡi rồng"
do Trung quốc áo đặt từ 1949


KẾ HOẠCH THÔN TÍNH BIỂN ĐÔNG CỦA TRUNG CỘNG

Năm 1982, với tư cách ngũ cường thuộc Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết, Trung Cộng hoan hỷ ký Công Ước về Luật Biển. Ký xong Công Ước, Bắc Kinh mới thấy lo! Theo Công Ước các quốc gia duyên hải chỉ có 200 hải lý, vừa là vùng đặc quyền kinh tế để đánh cá, vừa là thềm lục địa để khai thác dầu khí. Trong khi đó Hoàng Sa tọa lạc ngoài lục địa Trung Hoa 270 hải lý, và Trường Sa cách Hoa Lục 750 hải lý, nên không thuộc hải phận (thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đánh cá) của Trung Quốc.

Vì vậy, cuối năm 1982, Bắc Kinh tập hợp 400 học giả Trung Hoa ngày đêm nghiên cứu thảo luận ròng rã trong suốt 10 năm, để kết luận rằng "Nam Hải là Biển Lịch Sử của Trung Quốc từ thời Hán Vũ Đế ".

Đây là thái độ trịch thượng võ đoán của phe đế quốc, cũng như Đế Quốc La Mã thời xưa coi Địa Trung Hải là "biển lịch sử của chúng tôi!"

Biển Lịch Sử hay Lưỡi Rồng Trung Quốc nằm sát bờ biển, cách Quảng Ngãi 40 hải lý, cách Nam Dương 30 hải lý, cách Mã Lai và Phi Luật Tân 25 hải lý. Nó bao gồm toàn thể vùng biển Hoàng Sa Trường Sa và chiếm trọn 3 túi dầu khí đang khai thác là Tứ Chính (Vanguard) của Việt Nam, Natuna của Nam Dương và Cỏ Rong (Reed Bank) của Phi Luật Tân.

Tuy nhiên về mặt pháp lý, nếu Ấn Độ Dương không phải là đại dương của Ấn Độ, thì Nam Hải cũng không phải là biển của Trung Hoa về phía Nam.

Vả lại theo Tòa Án Quốc Tế La Haye, biển lịch sử chỉ là nội hải. Hơn nữa Thuyết Biển Lịch Sử của Trung Quốc cũng bị Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển bác bỏ trong Điều 8: "Biển lịch sử hay nội hải của một quốc gia tọa lạc trong lục địa hay đất liền, bên trong bờ biển hay đường căn bản" (đường căn bản là lằn mực thủy triều xuống thấp).

Do đó Biển Nam Hoa hay Nam Hải không phải là Biển Lịch Sử của Trung Quốc vì nó là ngoại hải và cách lục địa Trung Hoa hơn 2000 cây số.

Và công trình 10 năm nghiên cứu của 400 học giả Trung Hoa chỉ là công "dã tràng xe cát Biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì"!

Thất bại trong thuyết Biển Lịch Sử, Trung Cộng đề ra kế hoạch 4 bước để xâm chiếm Biển Đông về kinh tế:

1) Ký kết Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ năm 2000 để hủy bãi Hiệp Ước Bắc Kinh 1887 (theo đó Việt Nam được 63% và Trung Hoa được 37%. Nếu theo đường trung tuyến, hai bên được chia đều 50%. Tuy nhiên trên thực tế, Trung Cộng không theo đường trung tuyến và đã đề ra 21 điểm tiêu chuẩn phân định theo đó Việt Nam chỉ còn 45% so với 55% của Trung Hoa.

2) Ký kết Hiệp Ước Hợp Tác Nghề Cá năm 2000 để thiết lập Vùng
Đánh Cá Chung 60 hải lý. Và Việt Nam chỉ còn 25% tại vĩ tuyến 17, và 32% tại vĩ tuyến 20. Với các tàu đánh cá viễn duyên, với các lưới cá dài 50 hải lý, và nhất là với sự cấu kết đồng lõa của đội tuần cảnh duyên hải Việt Nam, toàn thể Vịnh Bắc Việt sẽ biến thành khu đánh cá tự do cho đội kình ngư Trung Quốc mặc sức tận thu, vét sạch, và cạn tàu ráo máng.

3) Từ đánh cá chung đến hợp tác khai thác dầu khí chỉ còn một bước. Trong Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt có điều khoản quy định rằng, khi dầu khí được phát hiện, hai bên sẽ khởi sự hợp tác khai thác dầu khí. Dầu khí là do các chất hữu cơ kết tụ trong các thủy tra thạch kết tầng dưới đáy biển. Các chất hữu cơ này được nước phù sa Sông Hồng Hà từ Vân Nam và Sông Cửu Long, con sông dài nhất Đông Nam Á, từ cao nguyên Tây Tạng đổ ra Biển Đông từ cả triệu năm nay. Do đó dầu khí nếu có, là do các chất hữu cơ từ lục địa Việt Nam, chứ không phải từ Hoa Lục. Mặc dầu vậy, tại Vịnh Bắc Việt, Trung Quốc đã đề ra nhiều dự án thăm dò và khai thác dầu khí, như "Dự Án Quỳnh Hải" bên bờ đảo Hải Nam và "Dự Án Vịnh Bắc Bộ" phía Bắc vĩ tuyến 20. (Khi dùng danh xưng "Vịnh Bắc Bộ", Trung Quốc mặc nhiên nhìn nhận rằng đó là Vịnh của Việt Nam về phía Bắc. Vì nếu là củaTrung Hoa thì phải gọi là Vịnh Nam Bộ mới đúng địa lý).

4) Với chính sách vết dầu loang, sau khi thành tựu kế hoạch đánh cá
và khai thác dầu khí chung tại Bắc Việt, hai bên sẽ tiến tới việc hợp tác đánh cá và khai thác dầu khí chung tại miền duyên hải Trung và Nam Việt. Điều đáng lưu ý là vùng lãnh hải này thuộc thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế đánh cá 200 hải lý của Việt Nam nên thuộc chủ quyền tuyệt đối của Việt Nam. Ở đây không có sự trùng điệp hay chồng lấn hải phận như trường hợp Vịnh Bắc Việt.

Không ai ngu dại gì cho người nước ngoài đến đánh cá và khai thác dầu khí chung tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế riêng của nước mình. Chiếu Điều 77 Luật Biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền tuyệt đối của quốc gia duyên hải. Mọi sự chiếm cứ bất cứ từ đâu tới cũng đều vô hiệu, nhất là chiếm cứ võ trang (trường hợp Trung Cộng dùng võ trang chiếm Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa từ năm 1988).

Bằng kế hoạch thôn tính 4 bước, đế quốc Bắc Kinh buộc Hà Nội hiến dâng toàn thể hải phận Việt Nam từ Vịnh Bắc Việt đến vùng biển Hoàng Sa Trường Sa theo lời cam kết của Hồ Chí Minh (Phạm Văn Đồng chỉ là kẻ thừa sai, bất lực, vô quyền, không có cả quyền bổ nhiệm một thứ trưởng theo lời tự thú của đương sự).

Như vậy, Thuyết Biển Lịch Sử hay Lưỡi Rồng Trung Quốc từng bị Công Ước về Luật Biển và Tòa Án Quốc Tế bác bỏ, nay sẽ trở thành hiện thực do kế hoạch 4 bước thôn tính Biển Đông của Trung Cộng. Vì quyền lợi riêng tư, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã táng tận lương tâm nhượng đất, bán nước, dâng cá dâng dầu và dâng các hải đảo cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.

Hành động như vậy Đảng Cộng Sản Việt Nam đã 4 lần phản bội Tổ Quốc.

Vì những lý do nêu trên:
Thay mặt đồng bào trong nước không còn quyền được nói
Trước Tòa Án Quốc Dân và Tòa Án Lịch Sử
ỦY BAN LUẬT GIA BẢO VỆ DÂN QUYỀN
KẾT ÁN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ
4 TỘI PHẢN BỘI TỔ QUỐC

Luật sư Nguyễn Hữu Thống

Hội Luận Đặc Biệt về Hoàng Sa-Trường Sa

December 05, 2008

Lê Bình -Việt Tribune

Ủy Ban Người Việt Tỵ Nạn Hải Ngoại đã tổ chức cuộc Hội Luận Đặc Biệt về Hoàng Sa-Trường Sa và lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật 30/11/08 tại TTSHCĐ Bắc Cali 2129 S. 10th St.

Sau nghi thức chào cờ khai mạc do Hội Ái Hữu TQLC đảm trách, ông Đặng Thiên Sơn người điều hợp chương trình đã giới thiệu thành phần diễn giả gồm LS Nguyễn Hữu Thống, LS Nguyễn Thành và GS Nguyễn Châu. Ban điều hợp có các ông Đỗ Như Điện, Lê Duy San và BS Phạm Đức Vượng.


LS Nguyễn Hữu Thống thuyết trình đề tài Đấu Lý Đấu Pháp

với Trung Quốc tại biển Đông. Lê Bình/Việt Tribune


Mở đầu, LS Nguyễn H. Thống thuyết trình đề tài Đấu Lý Đấu Pháp với Trung Quốc tại biển Đông. Luật Pháp và Địa Lý là 2 kẻ thù của TQ. Trong khoảng hơn ½ giờ đồng hồ, trước một bản đồ lớn vùng biển Đông, LS Nguyễn H. Thống đã dẫn chứng về địa lý và luật pháp quốc tế đã là 2 kẻ thù của TQ vì trong 2 lãnh vực đó vùng Hoàng Sa, Trường Sa đều không thuộc lãnh thổ TQ như TQ vẫn thường tranh chấp. LS Thống dẫn chứng các hiệp ước quốc tế, các cuộc hội nghị của các quốc gia sau thế chiến thứ 2, tất cả đều cho thấy TQ không có chủ quyền trên vùng lãnh hải biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế vùng biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa.

Sau đó LS Nguyễn Thành thuyết trình đề tài Đề Nghị Cấp Thiết để BảoVệ Chủ Quyền Lãnh Thổ và Lãnh Hải. Qua những dẫn chứng cụ thể về các cuộc hội thảo, những phương thức đấu tranh từ lâu nay, LS Thành đề nghị tất cả các cộng đồng người Việt phối hợp xuống đường đồng loạt.


Ông cũng cho biết vào tháng 1/09 ông sẽ tham dự cuộc hội thảo tại Âu Châu về cùng một đề tài Hoàng Sa-Trường Sa. Trong Nghị Hội Âu Châu lần này có LS Trần Thanh Hiệp và Đô Đốc Hải Quân Hồ Văn Kỳ Thoại. Các tổ chức người Việt tại Âu Châu sẽ phối hợp với các cộng đồng người Việt cùng trong một mục tiêu chung.


LS Thành cho biết các tổ chức người Việt cùng đồng loạt tham dự một cuộc xuống đường. Ngày 19/1/2009 sẽ là ngày tất cả các cộng đồng người Việt khắp nơi cùng xuống đường biểu tình trước sứ quán của TQ và VC.


Ủy Ban Người Việt Tỵ Nạn Hải Ngoại chủ trương 4 điểm:


1/ Công bố bạch thư và Lãnh Hải, Lãnh Thổ VN,

2/ Gửi bạch Thư đến các hội viên LHQ và HĐBA, Tòa Án QT La Hague, Ủy Ban Luật Biển…,

3/ Sẽ công bố Bạch Thư vào ngày 19/1/2009 (Tưởng niệm 35 năm Trung Cộng xấm chiến Hoàng Sa),

4/ Thu thập dữ kiện đưa tập đoàn CSVN ra trước Tòa án Hình Sự Quốc tế.


Ủy Ban này gồm nhiều thành phần hội đoàn và cá nhân tại Cali và Đức quốc.


Ông Nguyễn Ngọc Tiên, Chủ tịch CĐVN Bắc Cali cho biết sẽ có sự phối hợp giữa các CĐVN trên toàn quốc Hoa Kỳ cùng xuống đường biểu tình trong ngày 19/1/2009. Tại Bắc Cali sẽ do CĐVN tổ chức và điều hợp.


Sau phần thuyết trình là phần thảo luận và nêu ý kiến. Có các phần phát biểu của nhà văn Nguyễn Thiếu Nhẫn, LS Đỗ Doãn Quế…Sau cùng GS Nguyễn Châu tuyên đọc bản lên tiếng và kêu gọi mọi người ký tên.


Thursday, June 18, 2009

Quan điểm Pháp Lý của các Luật sư cố vấn Hoa Kỳ




THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM THEO CÁC LUẬT SƯ COVINGTON VÀ BURLING

Luật sư Nguyễn Hữu Thống

· Quan Điểm Pháp Lý Vững Chắc của các Luật Sư Cố Vấn Hoa Kỳ
· Hà Nội Dung Túng cho Bắc Kinh Tác Yêu Tác Quái tại Vùng Biển Trường Sa

Trong tạp chí Asian Wall Street Journal ngày 19-6-1995, các Luật Sư Covington và Burling tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đã đưa ra những quan điểm pháp lý để chứng minh rằng vùng biển Thanh Long và Tứ Chính phía đông nam Cà Mâu thuộc Thềm Lục Địa Việt Nam. Và sự xâm lấn của Trung Quốc tại vùng biển này đi trái với những nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Luật Tục Lệ Quốc Tế của Tòa Án Quốc Tế (The Hague).

Để trả lời câu hỏi của Nhà Cầm Quyền Hà Nội về quan điểm của Tòa Án Quốc Tế trong việc phân ranh hải phận và thềm lục địa tại khu vực đông nam Cà Mâu nơi tọa lạc 2 bãi dầu khí Thanh Long, Tứ Chính, các Luật Sư Covington và Burling đã lập tờ trình phúc đáp như sau:

Trước hết căn cứ vào việc Trung Quốc đã xâm chiếm một số đá nổi tại quần đảo Trường Sa từ 1988 như Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) Đá Gaven, Đá Ladd…, các Luật Sư Cố Vấn Covington và Burling trình bày rằng vấn đề chủ quyền các tiểu đảo và các đá nổi nhỏ bé này không ảnh hưởng đến việc phân định Thềm Lục Địa của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Luật Tục Lệ Quốc Tế xây dựng bởi các án lệ cố định của Tòa Án Quốc Tế, các Luật Sư khẳng định rằng Việt Nam có 3 điểm cơ sở để xác dịnh chủ quyền lãnh thổ tại các Bãi Thanh Long và Tứ Chính phía đông nam Cà Mâu:

Thứ nhất, Việt Nam có chủ quyền hải phận tối thiểu 200 hải lý (chiếu các Điều 57 và 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển) . Đây là vùng Đặc Quyền Kinh Tế Đánh Cá 200 hải lý đồng thời là Thềm Lục Địa pháp định 200 hải lý. Vùng biển này bao gồm toàn thể bãi Thanh Long và gần như toàn bộ bãi Tứ Chính.

Thứ hai, (chiếu Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển), Việt Nam còn có quyền yêu cầu Ủy Ban Định Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc cho mở rộng Thềm Lục Địa Việt Nam ra ngoài khu vực 200 hải lý (đến mức 350 hải lý), do sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền kéo rất xa ra ngoài biển khơi. Trong trường hợp này toàn thể hai vùng biển Thanh Long, Tứ Chính đều nằm trong Thềm Lục Địa Mở Rộng của Việt Nam (Extended Continental Shelf).

Thứ ba, áp dụng các nguyên tắc Cách Đều và Tương Xứng của Tòa Án Quốc Tế, Ủy Ban Định Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc sẽ quyết định đặt toàn vùng Thanh Long, Tứ Chính trong Thềm Lục Địa Việt Nam tại Biển Đông Nam Á.

Trong khi đó lập trường của Trung Quốc về vấn đề hải phận và thềm lục địa đã hiển nhiên đi trái những nguyên tắc cơ sở của Luật Pháp Quốc Tế. (Tạp Chí Asian Wall Street Journal ngày 19-6-1995)

Điều đáng ngạc nhiên là, ngày 7-5-2009 vừa qua, trong bản Báo Cáo về Thềm Lục Địa Mở Rộng (Submission) đệ trình Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc, Chính Phủ Hà Nội đã gạt bỏ quan điểm hữu lý nói trên của các Luật Sư Covington và Burling tại Hoa Kỳ. Thay vào đó, Việt Nam đã nhờ một Văn Phòng Luật Sư tại Anh Quốc vẽ Họa Đồ (Figure) và Bản Tọa Độ (Table) theo đó Thềm Lục Địa Mở Rộng của Việt Nam chỉ chạy từ Vỹ Tuyến 15.06 Bắc (Quảng Ngãi) xuống Vỹ Tuyến 10.75 Bắc (Phan Thiết).

Như vậy không có Thềm Lục Địa Mở Rộng của Việt Nam tại vùng biển từ Vỹ Tuyến 10.75 Bắc Phan Thiết tới Vỹ Tuyến 7.30 Bắc Bãi Tứ Chính (Vanguard Bank). Trong trường hợp này Chính Phủ Hà Nội đã mặc nhiên khước từ chủ quyền thềm lục địa mở rộng tại quần đảo Trường Sa từ Vỹ Tuyến 10 Bắc (Phan Thiết) đến Vỹ Tuyến 7 Bắc (Cà Mâu). Đây chính là nơi tọa lạc hai bãi dầu khí đang khai thác của Việt Nam là Thanh Long và Tứ Chính.

Đây cũng là nơi diễn ra những vụ tranh chấp và lấn chiếm của Trung Quốc từ năm 1992, mặc dầu vùng biển này nằm cách Hoa Lục hơn 800 hải lý nên không thuộc thềm lục địa và hải phận của Trung Quốc.

Chúng tôi yêu cầu Nhà Cầm Quyền Hà Nội giải thích cho quốc dân biết tại sao Việt Nam không đòi Thềm Lục Địa Mở Rộng từ Phan Thiết xuống Cà Mâu nơi tọa lạc các Bãi Thanh Long, Tứ Chính, cũng như hầu hết các hải đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa?

Thái độ không minh bạch của Chính Phủ Hà Nội đã cho phép Trung Quốc tác yêu tác quái tại vùng Biển Trường Sa từ hơn 20 năm nay.

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
Trong Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền
(Ngày 3-6-2009)



Tổ Hợp Luật Sư Covington & Burling (Asian Wall Street 1995)




Covington & Burling

Home ] [ Up ] [ Covington&Burling ] [ Nguyen Huu Thong

The entire Blue Dragon and Vanguard Bank areas within Vietnam's continental shelf.
After Covington & Burling Law Firm


...Without fanfare, Vietnam last year took the highly unusual step of retaining Washington- based law firm Covington & Burling. For an undisclosed fee. Hanoi asked the firm to assess how the International Court of Justice (often called the World Court) would settle boundaries in hotly contested areas off the southern coast of Vietnam known as Blue Dragon and Vanguard Bank.

Covington & Burling


...Covington & Burling doesn't pass judgment on competing sovereignty claims in the Spratlys, arguing that they have the characteristics of "small, insignificant islets or rocks". Whether applying the Law of the Sea Convention or customary international law, a court would hold that ownership of the islands wouldn't affect "entitlement to broad maritime areas or continental shelf," the firm says.


The opinion deals with "seabed and subsoil resources," such as sedentary fish, oysters and manganese nodules on the ocean floor, and hydrocarbon deposits beneath it.


The firm adds that a combination of the Law of the Sea Convention and case law has established generally accepted legal principles. They make it possible to predict "with confidence" how courts will "delimit between states where maritime areas potentially overlap."


According to the opinion, Vietnam has three different bases, each independent of the others, on which to claim Blue Dragon and all or most of Vanguard Bank.


First, Vietnam at a minimum is entitled to the maritime area within 200 nautical miles of its territory under the Law of the Sea Convention. All of the Blue Dragon block and the "great majority" of the Vanguard Bank area is within this Exclusive Economic Zone.


Second, under the Law of the Sea Convention again, Vietnam is entitled to claim more because the "natural prolongation of the Vietnamese mainland extends considerably farther seaward than 200 miles." The most conservative expert interpretation places the entire Vanguard Bank area, as well as Blue Dragon, "well within Vietnam's legal shelf entitlement."


Third, under the principle of equidistance and proportionality, a court with jurisdiction to delimit continental-shelf boundaries throughout the South China Sea would "leave the entire Blue Dragon and Vanguard Bank areas within Vietnam's continental shelf."


For its part, China is "radically in conflict with the most fundamental principles of international law," the Covington & Burling opinion says.

(Asian Wall Street Journal, June 19, 1995.)