Thursday, June 18, 2009

Quan điểm Pháp Lý của các Luật sư cố vấn Hoa Kỳ




THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM THEO CÁC LUẬT SƯ COVINGTON VÀ BURLING

Luật sư Nguyễn Hữu Thống

· Quan Điểm Pháp Lý Vững Chắc của các Luật Sư Cố Vấn Hoa Kỳ
· Hà Nội Dung Túng cho Bắc Kinh Tác Yêu Tác Quái tại Vùng Biển Trường Sa

Trong tạp chí Asian Wall Street Journal ngày 19-6-1995, các Luật Sư Covington và Burling tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đã đưa ra những quan điểm pháp lý để chứng minh rằng vùng biển Thanh Long và Tứ Chính phía đông nam Cà Mâu thuộc Thềm Lục Địa Việt Nam. Và sự xâm lấn của Trung Quốc tại vùng biển này đi trái với những nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Luật Tục Lệ Quốc Tế của Tòa Án Quốc Tế (The Hague).

Để trả lời câu hỏi của Nhà Cầm Quyền Hà Nội về quan điểm của Tòa Án Quốc Tế trong việc phân ranh hải phận và thềm lục địa tại khu vực đông nam Cà Mâu nơi tọa lạc 2 bãi dầu khí Thanh Long, Tứ Chính, các Luật Sư Covington và Burling đã lập tờ trình phúc đáp như sau:

Trước hết căn cứ vào việc Trung Quốc đã xâm chiếm một số đá nổi tại quần đảo Trường Sa từ 1988 như Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) Đá Gaven, Đá Ladd…, các Luật Sư Cố Vấn Covington và Burling trình bày rằng vấn đề chủ quyền các tiểu đảo và các đá nổi nhỏ bé này không ảnh hưởng đến việc phân định Thềm Lục Địa của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Luật Tục Lệ Quốc Tế xây dựng bởi các án lệ cố định của Tòa Án Quốc Tế, các Luật Sư khẳng định rằng Việt Nam có 3 điểm cơ sở để xác dịnh chủ quyền lãnh thổ tại các Bãi Thanh Long và Tứ Chính phía đông nam Cà Mâu:

Thứ nhất, Việt Nam có chủ quyền hải phận tối thiểu 200 hải lý (chiếu các Điều 57 và 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển) . Đây là vùng Đặc Quyền Kinh Tế Đánh Cá 200 hải lý đồng thời là Thềm Lục Địa pháp định 200 hải lý. Vùng biển này bao gồm toàn thể bãi Thanh Long và gần như toàn bộ bãi Tứ Chính.

Thứ hai, (chiếu Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển), Việt Nam còn có quyền yêu cầu Ủy Ban Định Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc cho mở rộng Thềm Lục Địa Việt Nam ra ngoài khu vực 200 hải lý (đến mức 350 hải lý), do sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền kéo rất xa ra ngoài biển khơi. Trong trường hợp này toàn thể hai vùng biển Thanh Long, Tứ Chính đều nằm trong Thềm Lục Địa Mở Rộng của Việt Nam (Extended Continental Shelf).

Thứ ba, áp dụng các nguyên tắc Cách Đều và Tương Xứng của Tòa Án Quốc Tế, Ủy Ban Định Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc sẽ quyết định đặt toàn vùng Thanh Long, Tứ Chính trong Thềm Lục Địa Việt Nam tại Biển Đông Nam Á.

Trong khi đó lập trường của Trung Quốc về vấn đề hải phận và thềm lục địa đã hiển nhiên đi trái những nguyên tắc cơ sở của Luật Pháp Quốc Tế. (Tạp Chí Asian Wall Street Journal ngày 19-6-1995)

Điều đáng ngạc nhiên là, ngày 7-5-2009 vừa qua, trong bản Báo Cáo về Thềm Lục Địa Mở Rộng (Submission) đệ trình Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc, Chính Phủ Hà Nội đã gạt bỏ quan điểm hữu lý nói trên của các Luật Sư Covington và Burling tại Hoa Kỳ. Thay vào đó, Việt Nam đã nhờ một Văn Phòng Luật Sư tại Anh Quốc vẽ Họa Đồ (Figure) và Bản Tọa Độ (Table) theo đó Thềm Lục Địa Mở Rộng của Việt Nam chỉ chạy từ Vỹ Tuyến 15.06 Bắc (Quảng Ngãi) xuống Vỹ Tuyến 10.75 Bắc (Phan Thiết).

Như vậy không có Thềm Lục Địa Mở Rộng của Việt Nam tại vùng biển từ Vỹ Tuyến 10.75 Bắc Phan Thiết tới Vỹ Tuyến 7.30 Bắc Bãi Tứ Chính (Vanguard Bank). Trong trường hợp này Chính Phủ Hà Nội đã mặc nhiên khước từ chủ quyền thềm lục địa mở rộng tại quần đảo Trường Sa từ Vỹ Tuyến 10 Bắc (Phan Thiết) đến Vỹ Tuyến 7 Bắc (Cà Mâu). Đây chính là nơi tọa lạc hai bãi dầu khí đang khai thác của Việt Nam là Thanh Long và Tứ Chính.

Đây cũng là nơi diễn ra những vụ tranh chấp và lấn chiếm của Trung Quốc từ năm 1992, mặc dầu vùng biển này nằm cách Hoa Lục hơn 800 hải lý nên không thuộc thềm lục địa và hải phận của Trung Quốc.

Chúng tôi yêu cầu Nhà Cầm Quyền Hà Nội giải thích cho quốc dân biết tại sao Việt Nam không đòi Thềm Lục Địa Mở Rộng từ Phan Thiết xuống Cà Mâu nơi tọa lạc các Bãi Thanh Long, Tứ Chính, cũng như hầu hết các hải đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa?

Thái độ không minh bạch của Chính Phủ Hà Nội đã cho phép Trung Quốc tác yêu tác quái tại vùng Biển Trường Sa từ hơn 20 năm nay.

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
Trong Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền
(Ngày 3-6-2009)