January 25, 2008
Hội Thảo Hoàng Sa – Trường Sa
Ngoài các hội đoàn người Việt Quốc gia, các hội Cựu Quân Nhân người ta còn thấy có sự tham dự của LS Nguyễn Hữu Thống và Thẩm Phán Phan Quang Tuệ.
Bà Cao Thị Tình thay mặt BTC tuyên bố lý do cuộc hội thảo, sau đó ông Đặng Đình Hiền, Biệt đoàn trưởng Hải Kích – người tham dự trận đánh năm 1974 trình bày chi tiết diễn tiến trận chiến.
Buổi Hội thảo Hoàng Sa-Trường Sa tại trung tâm VIVO (Lê Bình)
Mở đầu phần trình bày chi tiết lịch sử và luật pháp về quần đảo Hoàng Sa, LS Nguyễn Hữu Thống nói "Hôm nay chúng ta tập hợp nơi đây để kỷ niệm trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Trước đó một năm, tháng 1-1973, hai nước Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký Hiệp Định Hòa Bình Paris với sự tham dự và bảo lãnh của 14 quốc gia trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các quốc gia kết ước và bảo lãnh cam kết tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam và không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Việt Nam. Vậy mà, một năm sau, khi Hiệp Định Paris còn chưa ráo mực, bỗng dưng vô cớ, ngày 19-1-1974 Trung Quốc đem quân xâm chiếm 6 đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm Lưỡi Liềm (Nguyệt Thiềm) phía Tây Nam." …
Ông đưa ra 4 sự kiện:
-Năm 1999, Việt Nam đã ký Hiệp Định Biên Giới Việt Trung để nhượng 800 km2 đất biên giới cho Trung Quốc.
-Năm 2000, Việt Nam đã ký Hiệp Định Vịnh Bắc Bộ để hiến dâng một vùng lãnh hải 12,000 km2 nước Biển Đông cho Trung Quốc.
-Cũng trong năm này, Việt Nam còn ký Hiệp Định Hợp Tác Nghề Cá để dâng cá dâng dầu cho Trung Quốc.
-Và, để có sự yểm trợ của Bắc Kinh trong kế hoạch thôn tính Miền Nam bằng võ lực, năm 1958, do văn thư của Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Đảng và Chủ Tịch Nước, đã tự ý chuyển nhượng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
Theo ông, những hành vi này cấu thành 4 tội phản bội tổ quốc bằng cách cấu kết với nước ngoài nhằm xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc và xâm phạm quyền của nhân dân được sử dụng đầy đủ những tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của đất nước. Kể từ tháng 6-2004, khi Hiệp Định Hợp Tác Đánh Cá có hiệu lực chấp hành do sự phê duyệt của Chính Phủ (thay vì phải có sự phê chuẩn của Quốc Hội), Trung Quốc đã lấn chiếm các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa tại Trung Việt (Đà Nẵng, Khánh Hòa) trong chính sách Vết Dầu Loang.
Đặc biệt là ngày 8-1-2005 tại Vịnh Bắc Việt, lính tuần duyên Trung Quốc đã dùng đại liên hạ sát 9 ngư dân, gây thương tích 7 người và bắt giữ 8 người tại một vùng biển của Việt Nam. Nạn nhân là những ngư dân Thanh Hóa đi đánh bắt tôm cá tại miền duyên hải Biển Đông là môi trường sinh sống đời đời.
Cuộc hội thảo tiếp tục sau đó với nhiều ý kiến được nêu lên.