Monday, March 28, 2011

Giải thể cộng sản và Xây dựng dân chủ

Trích tác phẩm "Giải Thể Chế Độ Cộng Sản", 2002

bản Anh ngữ: "Restoring The Historic Truth"

 

Tài liệu thảo luận tháng 3

 

GIẢI THỂ CỘNG SẢN VÀ XÂY DỰNG DÂN CHỦ

 

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

 

Ngày nay vấn đề sinh tử của đồng bào trong nước là làm sao quang phục quê hương, giải thể chế độ Cộng Sản và xây dựng chế độ Dân Chủ.

          Mọi người đồng ý rằng muốn đưa Cách Mạng Dân Chủ đến thành công phải có sự đấu tranh kiên cường của đồng bào trong nước và sự yểm trợ tích cực của đồng bào hải ngoại. 

 

          Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc chống đế quốc và chuyên chế, chưa thấy một quốc gia nào lại có cơ may như Việt Nam ngày nay.  Đó là sự hậu thuẫn của khối đông đảo người Việt hải ngoại, ba triệu người như một, đồng lòng hướng về quê hương, mong cho dân tộc và đất nước tiến lên.

          Chưa nói về sức mạnh tài chánh, đủ khả năng tiếp viện mỗi năm dăm mười tỷ mỹ kim cho quốc nội khi đất nước có tự do.

 

Chưa nói về sức mạnh phát triển, với hàng trăm ngàn chuyên viên kỹ thuật gia thượng thặng, đủ mọi ngành, mọi nghề, sẵn sàng trở về kiến thiết quốc gia khi đất nước có dân chủ.

Chỉ nói về mặt nhân tâm, với hàng triệu tấm lòng, ngày đêm hướng về quê hương yêu dấu, mong cho đồng bào được hạnh phúc, cho dân tộc được tự do thì đó cũng là một sức mạnh tinh thần vô giá.

Một khi được vận dụng, sức mạnh này sẽ tạo thành động lực để thúc đẩy cuộc vận động lịch sử của người Việt trong nước đứng lên đòi quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

 

Đầu năm 2002, thay mặt đồng bào trong nước không còn quyền được nói, người Việt hải ngoại phát động phong trào tố cáo phe lãnh đạo Cộng Sản đã phản bội Tổ Quốc bằng cách nhượng đất biên giới và bán nước Biển Đông cho Trung Quốc. Tiếp theo là phong trào tố cáo Đảng Cộng Sản đã phản bội đồng bào trong các mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc và công bằng xã hội; đồng thời kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh quang phục quê hương, đòi dân tộc tự quyết, giải thể chế độ CS để giành lại quyền làm chủ quốc gia, làm chủ đất nước.

 

          Hai phong trào này đã được sự hưởng ứng của đồng bào các giới.

Từ trong nước các anh em dân chủ nhắn ra rằng:  "Chúng tôi rất cảm kích khi thấy các anh còn nhớ quê hương sau 27 năm bỏ nước ra đi."

          Một số anh chị em ở hải ngoại cũng nói: "Các anh đã cho chúng tôi một hy vọng."

 

          Ngày nay, bằng sự vận động và tổ chức quần chúng, bằng sức mạnh của ngòi bút, sức mạnh của lời nói, sức mạnh của tư tưởng, chúng ta sẽ biến hy vọng thành Niềm Tin. Vì có Niềm Tin mới có quyết tâm dấn thân hành động.  Trên bình diện dân tộc Niềm Tin là võ khí lớn nhất.  Nó đem lại những hy vọng mới, những chân trời mới, hướng dẫn con người đi tới tự do. 

          Dầu sao chúng ta ý thức rằng giải thể CS là một cuộc đấu tranh trường kỳ và cam go.  Đây là một việc thiên nan vạn nan.

 

          Kinh nghiệm cho biết CS không bị giải thể vì những tấn công từ bên ngoài.  Nó chỉ giải thể khi người dân trong nước không ai còn muốn bảo vệ chế độ nữa.  Do đó, muốn đưa Cách Mạng Dân Chủ đến thành công, chúng ta phải trông vào nội lực của chính mình.

          Mà ngày nay ở trong nước, dân trí bị bưng bít bởi bộ máy tuyên truyền vĩ đại của Đảng CS.  Theo Hà Sĩ Phu, "từ 50 năm nay, người dân nông thôn không biết có gì tồn tại ngoài đảng CS."

 

          Dân khí suy vi, vì người dân thấy mình bị lường gạt và phản bội trong 2 cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm.

          Dân quyền bị chà đạp trong một chế độ công an trị hà khắc. 26 nhân quyền căn bản bị vi phạm thường xuyên và thô bạo. Nhân phẩm bị hạ thấp: người dân chỉ  được coi là "con",  mà không được đối xử như "người."

          Hơn nữa, dân tình đói khổ với những bất công và bất bình đẳng trầm trọng.  Bằng tham nhũng và lạm quyền với một chính sách kinh tế lạc hậu, phe lãnh đạo CS đã đưa đất nước và dân tộc đến lầm than đói khổ.

 

Trong khi đó, vì không có sự kiểm soát và chế tài, phe lãnh đạo CS đã sang đoạt tất cả tài sản quốc gia, kể cả các ngân khoản viện trợ tái thiết và viện trợ nhân đạo.  Bằng dĩ công vi tư, biển thủ công quỹ, hối mại quyền thế, sưu cao thuế nặng, họ đã làm giàu bất chính để trở thành những triệu phú và tỉ phú trong khi người vô sản vẫn hoàn là vô sản và không có một đồng xu dính túi.  Do sự chênh lệch giàu nghèo quá đáng, lợi tức thực sự của người dân trung bình tại nông thôn chỉ được hơn 1 mỹ kim một ngày. 

 

Chính quyền này coi dân như cỏ rác.  Họ đánh giá quá thấp mạng sống con người.  Trong vụ lính tuần dương Trung Quốc hạ sát 9 ngư dân Thanh Hóa, nhà nước chỉ bồi thường thiệt hại cho mỗi gia đình nạn nhân từ 30 đến 60 mỹ kim.  Nếu ai đứng ra phản đối Trung Quốc sẽ lập tức bị bắt giữ và có thể bị truy tố về tội "phá hoại chính sách đoàn kết quốc tế."  Trước tình trạng oan khiên tủi nhục này chúng ta phải tự nhủ rằng, chúng ta sẽ góp phần vào việc giải phóng đồng bào khỏi sự bất công, khỏi sự nghèo đói, khỏi sự sợ hãi, khỏi nạn chuyên chế, khỏi nạn CS.

 

 Cách đây hơn 70 năm, sau vụ Sô Viết Nghệ Tĩnh, Phạm Quỳnh đã cảnh giác chúng ta về nạn "dịch hạch CS".  Ngày nay, với kinh nghiệm bản thân, chúng ta ý thức rằng CS còn nguy hại hơn dịch hạch.  Nó là bệnh ung thư.  Mà ung thư thì không thể trị liệu được.  Ung thư chỉ có thể cắt bỏ đi.  CS cũng vậy.  Chế độ CS không thể sửa chữa được.  Nó phải bị giải thể!

 

ĐƯỜNG HƯỚNG ĐẤU TRANH

 

Vì thiếu ý thức và kinh nghiệm Cộng Sản, một số người cho rằng, tại Việt Nam ngày nay, chế độ CS đã giải thể rồi.  Trong khi đó một số người khác lại quả quyết rằng CS không thể nào giải thể được!

          Đó là hai quan niệm cực đoan và sai lầm.

 

KHÔNG CẦN GIẢI THỂ CỘNG SẢN NỮA?

 

Ngày nay một số người nhận định rằng trên thực tế chế độ CS đã giải thể rồi, và đảng CS đã biến thành một đảng Mafia, hay băng đảng. Do đó chúng ta chỉ cần chống tham nhũng chứ không cần đấu tranh giải thể CS nữa.

          Nhận định như vậy là chủ quan và không hiểu rõ bản chất CS.

          Trên thực tế, bằng tham nhũng và lạm quyền, phe lãnh đạo CS đã tập trung và sang đoạt tất cả các tài sản quốc gia, để thủ lợi riêng và làm giàu bất chánh. Theo các tài liệu đáng tin cậy, thì hiện nay có  hàng trăm cán bộ CS cao cấp đã tích lũy những tài sản khổng lồ hàng tỉ hay hàng trăm triệu mỹ kim.  Những tài sản này bao gồm những trương mục ngân hàng tại ngoại quốc, những bất động sản và những cơ sở kinh doanh thương mại ở trong nước. 

 

Vì không có sự kiểm soát và chế tài của quốc dân, của đối lập, của báo chí, của tòa án, của quốc hội, những kẻ tham nhũng bất lương này đã không bị truy tố, không bị kết án và không bị tịch thu tài sản. Đồng bào vô cùng phẫn uất về sự bao che này.  Họ công khai miệt thị phe lãnh đạo CS, và đã tố cáo đích danh "con thằng Kiệt, con thằng Khải, cháu thằng Đỗ Mười" v...v... Gần đây cựu Tổng Bí Thư Đỗ Mười, với đồng lương chết đói, đã dám tặng dữ một lần một triệu mỹ kim. Hành vi này cho biết rất có thể ông ta đã tích lũy được hàng chục hay hàng trăm triệu mỹ kim.

 

Điều đáng lưu ý là trong khi Mafia chỉ là một đảng cướp thường thì Đảng CS ngày này là một đảng cướp đã cướp được chính quyền.

 Cũng vì vậy, họ có chính phủ tay sai để thi hành đường lối chính sách của Đảng và đã dĩ công vi tư sử dụng ngân sách quốc gia vào việc nuôi dưỡng các cán bộ đảng viên.

 

          Họ còn có quốc hội bù nhìn để hợp thức hóa những nghị quyết của Đảng, và đã ghi Điều 4 Hiến Pháp giành độc quyền lãnh đạo cho Đảng CS.

Họ còn có tòa án công cụ để một mặt bao che những hành vi tham nhũng của những kẻ bất lương, mặt khác lại bắt giam độc đoán những công dân lương thiện đã dám đứng lên tố cáo bạo quyền, đòi tự do, công lý, dân chủ và nhân quyền.

Hơn nữa, sau khi cướp được chính quyền, Đảng CS đã thiết lập một chế độ độc tài toàn trị. 

 

Do đó ngày nào Đảng CS còn giữ độc quyền lãnh đạo, vi phạm quyền dân tộc tự quyết, quyền tham gia chính quyền và quyền tự do tuyển cử, thì chúng ta còn phải đấu tranh để giải thể CS.

 

Ngày nào họ còn giữ độc quyền tư tưởng để phổ biến chủ thuyết Mác-Lê phản dân tộc và phản nhân loại, thì chúng ta còn phải đấu tranh để giải thể CS.

 

Ngày nào họ còn chủ trương tiêu diệt tôn giáo trong chủ thuyết và đàn áp tôn giáo trong chính sách, thì chúng ta còn phải đấu tranh để giải thể CS.

 Ngày nào họ còn giữ độc quyền thông tin, độc quyền báo chí và không cho tư nhân ra báo, thì chúng ta còn phải đấu tranh để giải thể CS.

Và ngày nào họ còn tước đoạt của người dân quyền tự do hội họp, tự do lập hội và tự do lập đảng, thì chúng ta còn phải đấu tranh để giải thể CS.

          Ngày nay Đảng CS là một con rắn hai đầu, đầu kinh tế Mafia với tham nhũng bóc lột, và đầu chính trị độc tài với đàn áp khủng bố.  Nạn nhân trực tiếp của chế độ lại là những người đã tích cực góp phần xây dựng chế độ, như các cựu chiến binh, thương phế binh, gia đình liệt sĩ v...v...

 

          Do đó muốn cho đất nước và dân tộc tiến lên, chúng ta phải kết  hợp đấu tranh quang phục quê hương, giải thể CS bằng cách chém đứt 2 đầu con rắn.

 

CỘNG SẢN KHÔNG THỂ GIẢI THỂ ĐƯỢC?

 

          Bên cạnh  quan niệm cho rằng chế độ CS đã tự giải thể và Đảng CS đã biến thành một đảng Mafia hay băng đảng, một số dư luận lại cho rằng CS không thể nào giải thể được. 

          Đây là một quan niệm bi quan và phản biện chứng.

Vì chỉ trên bình diện tôn giáo đạo lý, những nguyên lý chủ thuyết mới có giá trị là những chân lý tuyệt đối, như đức từ bi của Nhà Phật, đức bác ái của Chúa Kitô, hay đức nhân nghĩa của Khổng Phu Tử.  Trên bình diện dân sinh xã hội, các nguyên lý chủ thuyết chỉ có giá trị tương đối theo thời gian và không gian. Về mặt chính trị xã hội, các chế độ chỉ quy định những tương quan giữa người dân và quốc gia. Do đó nó phải thay đổi theo trình độ ý thức của người dân, điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia và trào lưu tiến hóa của lịch sử.

Trong lịch sử cổ kim, những chế độ tàn bạo nhất như của Kiệt Trụ, Tần Thủy Hoàng, Thành Cát Tư Hãn, Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông v...v...  đã lần lượt tiêu vong với thời gian.

 

A. 1989-1991:  ĐẾ QUỐC SÔ VIẾT TAN RÃ VÀ 22 QUỐC GIA

                     LẦN LƯỢT GIẢI THỂ CỘNG SẢN.

 

Cũng vì vậy tại Âu Châu, chỉ trong vòng hai năm (từ 1989 đến 1991), 22 quốc gia đã lần lượt giải thể CS: 7 nước thuộc Bức Màn Sắt Đông Âu là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Albanie, Bulgarie, Roumanie, và 15 nước thuộc Liên Bang Sô Viết.

 

  Yếu tố giải thể CS thay đổi tùy theo những điều kiện đặc thù của từng quốc gia.

Tựu chung có 3 yếu tố giải thể CS là:

1)    Sức mạnh của quốc dân biểu dương bằng những cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành, đình công v...v...

2)    Một tổ chức đối kháng mạnh mẽ như  Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan.

3) Ý thức phản tỉnh và tinh thần thể thao phục thiện của nhà cầm quyền.  Sau những cuộc tổng tuyển cử tự do, khi thấy người dân không còn ủng hộ chế độ nữa, phe lãnh đạo CS đã lặng lẽ rút lui.

Trên thực tế không phải cuộc giải thể CS nào cũng hội đủ 3 yếu tố  nói trên.

Tại Hung Gia Lợi, chúng ta không thấy có sự nổi dậy của quần chúng.  "Diễn Đàn Dân Chủ" chỉ là một câu lạc bộ để thảo luận về những vấn đề dân chủ và nhân quyền.  Yếu tố giải thể CS là ý thức phản tỉnh và tinh thần thể thao phục thiện của nhà cầm quyền.  Khi thấy người dân không theo chế độ nữa, phe lãnh đạo CS đã lặng lẽ rút lui.

 

          Tại Tiệp Khắc cũng vậy.  Tới tháng 10, 1989 không thấy những cuộc biểu dương lực lượng quy mô của quần chúng.  "Hiến Chương 77" chỉ là một tổ chức lỏng lẻo, không có nội qui, điều lệ, không có ban chấp hành và không có danh sách hội viên chính thức.  Mục tiêu của Hội là đối thoại với nhà cầm quyền về những vấn đề nhân quyền và vi phạm nhân quyền.

 

          Tại Đông Đức, vấn đề chủ yếu là tự do di chuyển và tự do lựa chọn nơi cư trú. Tháng 10, 1989, trong ngày kỷ niệm 40 năm thành lập Đông Đức, Tổng Bí Thư Honecker còn mạnh miệng khẳng định "chế độ CS sẽ tồn tại 100 năm".  Vậy mà chỉ 2 tuần sau, ngày 9-11-1989, bức tường ô nhục Bá Linh bị phá vỡ, kéo theo sự sụp đổ của chế độ CS.

 

          Sự giải thể CS tại 7 nước Đông Âu năm 1989 đã đưa đến sự tan rã của Liên Bang Sô Viết năm 1991, và 15 quốc gia trong Liên Bang đã lần lượt giải thể CS.

          Như vậy yếu tố giải thể CS thay đổi tùy theo điều kiện đặc thù của từng quốc gia.

          Dầu sao chúng ta thấy có 2 yếu tố chung: CHÍNH NGHĨA VÀ THỜI CƠ.

           Chính Nghĩa ở đây là Chính Nghĩa Tự Do Dân Chủ. Và Thời Cơ là  sự kiệt quệ của Liên Xô, kiệt quệ về Niềm Tin và kiệt quệ về kinh tế.

 Từ sau cái chết của Stalin nhân dân Liên Xô đã ý thức sự sai lầm của chủ thuyết cách mạng vô sản, và muốn sống chung hòa bình với các nước tư bản Tây Phương.

 

 Hơn nữa từ thập niên 1980, kinh tế Liên Xô lâm vào tình trạng suy kiệt  sau cuộc thi đua võ trang với Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Tinh Cầu (Star Wars).  Ngoài ra Liên Xô còn bị sa lầy nặng nề trong Chiến Tranh A Phú Hãn.

          Để diễn tả sự kiệt quệ kinh tế tại Liên Xô, người dân thường nói: "nhà nước giả đò trả lương cho công nhân viên, và công nhân viên cũng giả đò làm việc cho nhà nước".

          Để cứu nguy đất nước, năm 1985, Gorbachev phải thay đổi chính sách bằng tái cấu trúc về kinh tế và cởi mở về chính trị. Với sự triệt thoái quân đội khỏi A Phú Hãn, từ nay Liên Xô chủ trương không can thiệp vào việc nội bộ của các quốc gia trong Minh Ước Warsaw (nghĩa là Liên Xô sẽ không đem chiến xa để dập tắt những cuộc khởi nghĩa như tại Ba Lan và Hung Gia Lợi năm 1956, hay tại Tiệp Khắc năm 1968).

 

          Vận dụng cơ hội lịch sử này, 7 nước Đông Âu đã đứng lên đấu tranh giải thể CS năm 1989.  Và hai năm sau, năm 1991, Liên Bang Sô Viết đã tan rã, và 15 quốc gia trong Liên Bang đã giải thể CS.

          Hậu quả dây chuyền của sự giải thể CS Âu Châu là sự tiêu vong của một số chế độ CS Á Phi như tại Angola, Mozambique, Ethiopie, A Phú Hãn, Mông Cổ, Cao Miên v...v...

 

B. 1946-1949:  CÁC ĐẾ QUỐC TÂY PHƯƠNG TỰ GIẢI THỂ. 

 

          Nếu 1989 là năm đánh dấu sự suy tàn của Đế Quốc Sô Viết thì 40 năm trước, năm 1949, tất cả các Đế Quốc Tây Phương như Mỹ, Anh, Pháp, Hòa Lan đã lần lượt tự giải thể để trả độc lập cho 12 thuộc địa Á Châu:

-        5 nước thuộc Anh là Ấn Độ, Đại Hồi, Miến Điện, Tích Lan và Palestine (trong những năm 1947-1948).

-        5 nước thuộc Pháp là Syrie, Liban, Việt Nam, Ai Lao và Cao Miên (trong những năm 1946 và 1949).

-        Cùng với Phi Luật Tân thuộc Hoa Kỳ (năm 1946), và Nam Dương thuộc Hòa Lan (năm 1949).

-         

          Đây là kết quả cuộc đấu tranh bằng đường lối chính trị và ngoại giao của các nhà cách mạng quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc, đấu tranh không bạo động, không đổ máu và không liên kết với Quốc Tế Cộng Sản.

Hai yếu tố giải thể thuộc địa vẫn là Chính Nghĩa và Thời Cơ:

Chính Nghĩa ở đây là Chính Nghĩa Giải Phóng Dân Tộc.

Thời Cơ ở đây là trào lưu tiến hóa của lịch sử và sự kiệt quệ kinh tế của các đế quốc Âu Châu.

 

Sau Thế Chiến I, Tổng Thống Hoa Kỳ Wilson đề xướng quyền dân tộc tự quyết tại Hội Quốc Liên (tổ chức tiền thân của Liên Hiệp Quốc).  Và năm 1919 Anh Quốc đã trả độc lập cho Canada và A Phú Hãn. 

 

Năm 1941 khi chiến tranh còn đáng tiếp diễn, theo lời đề nghị của Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt, các quốc gia Đồng Minh Tây Phương đã ký Hiến Chương Đại Tây Dương theo đó khi Chiến Tranh kết thúc, các đế quốc Tây Phương sẽ lần lượt trao trả độc lập cho các thuộc địa Á Phi.  Tháng 4, 1945, 50 quốc gia Đồng Minh họp Hội Nghị San Francisco để thành lập Liên Hiệp Quốc và ban hành quyền dân tộc tự quyết trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

 

Về mặt kinh tế xã hội, sau Thế Chiến II, hai nước Anh Pháp đã bị tàn phá nặng nề, kinh tế suy kiệt, dân chúng túng thiếu, nạn thất nghiệp trầm trọng, và hàng triệu cựu chiến binh giải ngũ không có công ăn việc làm.

 

Tháng 5, 1945 Đức đầu hàng Đồng Minh.  Hai tháng sau, tháng 7, 1945, chính phủ Anh tổ chức tổng tuyển cử.  Người anh hùng dân tộc Winston Churchill, lãnh tụ Đảng Bảo Thủ vẫn chủ trương duy trì thuộc địa để lấy lại vinh quang cho đất nước.  Trong khi đó Đảng Lao Động của Clement Attlee đưa ra đường lối đối lập, chủ trương tái thiết quốc gia, xây dựng kinh tế, cải tiến dân sinh, giải phóng lao động và giải phóng thuộc địa.  Khai phóng thuộc địa vốn là chính sách cố hữu của Đảng Lao Động Anh và Đảng Xã Hội Pháp từ thập niên 1930.

 

Phỏng theo mô hình của Liên Hiệp Quốc, các Đảng Lao Động Anh và Xã Hội Pháp chủ trương thành lập Liên Hiệp Anh và Liên Hiệp Pháp trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.  Các cựu thuộc địa sẽ trở thành các quốc gia liên kết, với chính sách ngoại giao chung và phòng thủ chung.  Những tương quan kinh tế và văn hóa sẽ được phát triển.  Tuy nhiên về mặt chính trị, các thuộc địa sẽ được giải phóng và hoàn toàn độc lập.

 

          Đường lối này đã được đa số cử tri Anh chấp thuận.  Và tháng 7, 1945, Đảng Lao Động của Clement Attlee đã thắng Đảng Bảo Thủ của Winston Churchill. Hai tháng sau khi hòa bình vãn hồi, người anh hùng dân tộc Churchill đã ngã ngựa.

          Trung thành với ý nguyện của quốc dân, trong hai năm 1947 và 1948, Chính Phủ Lao Động Anh đã trả độc lập cho 5 thuộc địa và giám hộ  Á Châu là Ấn Độ, Đại Hồi, Miến Điện, Tích Lan và Palestine.

 

          Tại Pháp cũng vậy. Tháng 10, 1945 Tướng De Gaulle, người anh hùng giải phóng dân tộc tổ chức trưng cầu dân ý, và đề nghị một chính thể tập trung quyền lực (với ngụ ý duy trì thuộc địa).  Tuy nhiên, 2/3 cử tri Pháp đã bác bỏ đề nghị này để ủng hộ lập trường của Đảng Xã Hội Pháp  tương tự như Đảng Lao Động Anh nghĩa là: tái thiết quốc gia, xây dựng kinh tế, cải tiến dân sinh, giải phóng lao động và giải phóng thuộc địa.

          Như vậy là từ sau Thế Chiến II, tại Á Châu, kỷ nguyên đế quốc đã cáo chung để nhường chỗ cho kỷ nguyên liên hiệp theo tinh thần Hiến Chương Đại Tây Dương và Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

 

Năm 1946, sau khi De Gaulle từ nhiệm, Chính Phủ Xã Hội Léon Blum đã ký hiệp ước với Syrie và Liban để trả độc lập cho 2 quốc gia này.  Vì thời gian này, tại Trung Đông không có hiểm họa CS nên quân đội Liên Hiệp Pháp đã triệt thoái.

 

Cũng trong năm 1946, Pháp thương nghị với Hồ Chí Minh, sau khi ông này tuyên bố giải tán Đảng CS Đông Dương và thành lập chính phủ liên hiệp quốc gia với Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội.  Hai bên đã ký hai hiệp ước:  Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny (tháng 3/1946) và Hiệp Ước Tạm Thời Moutet (tháng 9/1946). Tuy nhiên ba tháng sau, tháng 12/1946, Hồ Chí Minh trở mặt phát động chiến tranh võ trang, và đã trắng trợn vi phạm các hiệp ước quốc tế.

 

Lúc này chính phủ liên hiệp quốc gia đã giải tán.  Sau khi quân đội Trung Hoa triệt thoái, Cộng Sản thẳng tay tàn sát các cán binh Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội. Như vậy đoàn kết quốc gia chỉ là một chiêu bài và chính phủ liên hiệp chỉ là bức bình phong để thương nghị với Pháp.

Và sự giải tán Đảng CS Đông Dương cũng chỉ là một chiến thuật  ngụy trang và dối trá. 

 

Coi thường danh dự quốc gia, Đảng CS ký hiệp ước không phải để thi hành hiệp ước mà để đạt được những mục tiêu chính trị trong một giai đoạn.  Do đó theo đề nghị của Bộ Trưởng Moutet (thuộc Đảng Xã Hội) chính phủ Pháp quyết định sẽ không thương nghị với Hồ Chí Minh nữa. Và năm 1947, Tổng Thống Xã Hội Vincent Auriol chủ trương thương thuyết với phe Quốc Gia Việt Nam để trả độc lập cho Việt Nam. Hai bên đã ký 3 hiệp ước: Hiệp Ước Sơ Bộ Vịnh Hạ Long (tháng 12/1947), Thông Cáo Chung Vịnh Hạ Long (tháng 6/1948) và Hiệp Định Élysée ký kết giữa Tổng Thống Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại ngày  8-3-1949.

 

Qua tháng sau, ngày 23-4-1949, với 45 phiếu thuận (của 40 dân biểu Việt và 5 dân biểu Pháp) và 6 phiếu chống. Chiếu nguyên tắc Dân Tộc Tự Quyết, Quốc Hội Nam Kỳ biểu quyết giải tán chế độ Nam Kỳ tự trị để sáp nhập Nam Phần vào lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam, độc lập và thống nhất từ Nam Quan đến Cà Mâu: Nguyễn Khắc Ngữ:  Bảo Đại và các Đảng Phái Quốc Gia.

Một tháng rưỡi sau, ngày 6-6-1949, theo thủ tục khẩn cấp, Quốc Hội Pháp phê chuẩn Hiệp Định Élysée về khoản trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam.  Và ngày 2-2-1950, Quốc Hội Pháp phê chuẩn tòan bộ Hiệp Định Elysée với 12 phụ ước và 30 đính ước bổ túc.

 

Thông thường các hiệp ước quốc tế đều do các ngoại trưởng ký kết. Riêng Hiệp Định Élysée đã được chính Tổng Thống Vincent Auriol ký, với sự chứng kiến của Thủ Tướng Queille, của Ngoại Trưởng Schuman, của Bộ Trưởng Quốc Phòng Ramadier và của Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Coste-Floret. Đại diện Cộng Hòa Pháp, Tổng Thống Vincent Auriol long trọng trao trả độc lập cho Việt Nam trước quốc dân Việt Nam, trước quốc dân Pháp và trước cộng đồng quốc tế. Và với tư cách Chủ Tịch Liên Hiệp Pháp, Tổng Thống Vincent Auriol yêu cầu Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Pháp trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị. Do đó không thể chấp nhận luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của Đảng CS cho rằng Pháp ký Hiệp Định Élysée chỉ là "giả đò". 

 

Với Hiệp Định Élysée, chiếu công pháp quốc tế, Việt Nam được hoàn toàn độc lập, các hiệp ước thuộc địa và bảo hộ ký kết với Pháp hồi cuối thế kỷ 19 như Hiệp Ước Bonard (1862), Hiệp Ước Dupre (1874) và Hiệp Ước Patenotre (1884) đều đã bị Hiệp Định Élysée bãi bỏ.

 

Mặc dầu vậy, Đảng CS đã phủ nhận nền độc lập này và đã phá hoại nền thống nhất này.  Vì Hiệp Định Elysée không cho họ độc quyền lãnh đạo quốc gia.  Và họ đã tiếp tục chiến đấu võ trang, với sự yểm trợ của Quốc Tế CS, để cướp chính quyền tại Miền Bắc năm 1954, và cướp chính quyền tại Miền Nam năm 1975.

 

Ngày nay lịch sử đã chứng minh rằng Đảng CS không có công giành độc lập, và không có công thống nhất đất nước. Hơn nữa sau 60 năm cướp chính quyền, Đảng CS đã không đem lại tự do dân chủ và ấm no hạnh phúc cho người dân.  Như vậy Đảng CS đã phản bội đồng bào trong các mục tiêu độc lập, tự do và hạnh phúc.  Mới đây, họ còn phản bội Tổ Quốc bằng cách nhượng đất biên giới và bán nước Biển Đông cho Trung Quốc. 

     

 Ngày nay Đảng CS đã mất chính nghĩa, mất hậu thuẫn quần chúng và hậu thuẫn quốc tế. Và phe Dân Chủ chúng ta đã giành lại được chính nghĩa:  Chính Nghĩa Tự Do Dân Chủ. Với Chính Nghĩa, chúng ta sẽ tạo Thời Cơ để đấu tranh quang phục quê hương và giải thể CS.

 

 

                                                 

NHỮNG KHÓ KHĂN PHẢI KHẮC PHỤC

 

Dầu sao chúng ta ý thức rằng con đường quang phục quê hương còn lắm chông gai và giải thể CS là một việc thiên nan vạn nan. Hơn nữa chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các dân tộc Đông Âu.

          Vì người dân Âu Châu thường có tinh thần thể thao phục thiện, trong khi phe lãnh đạo CS Việt Nam lại bất phục ngoan cố.

          Người dân Âu Châu thường ngay thẳng bộc trực, trong khi phe lãnh đạo CS Việt Nam lại ngụy trang dối trá.

 

          Người dân Âu Châu thường có tinh thần công bằng trọng pháp, trong khi phe lãnh đạo CS Việt Nam lại bao che tham nhũng.

          Đó là chỗ khó khăn của chúng ta.

          Trong cuộc chiến đấu này chúng ta phải tìm hiểu những nhược điểm của đối phương để khai thác, và những võ khí của đối phương để hóa giải.

          Những nhược điểm của CS là:  độc tài, tham nhũng, bất công, bất lực, thường xuyên vi phạm nhân quyền và trắng trợn vi phạm nhân quyền.

          Hai võ khí chiến lược của CS là: tuyên truyền dối trá và đàn áp khủng bố.

Tuyên truyền dối trá và đàn áp khủng bố là hai võ khí chiến lược của Đảng CS để cướp chính quyền và củng cố chính quyền.  Đây là một cặp song cổ kiếm phải sử dụng đồng thời, mất một là mất tất cả.  Nếu chỉ có tuyên truyền đối trá, mà không có đàn áp khủng bố, thì CS sẽ tiêu vong.  Trái lại nếu chỉ có đàn áp khủng bố, mà không thể tuyên truyền dối trá được nữa, thì CS cũng sẽ bị giải thể.

 

I.  TUYÊN TRUYỀN DỐI TRÁ.

 

1)  Về mục tiêu độc lập thống nhất

  Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, Đảng CS đã lồng cách mạng CS trong chiêu bài giải phóng dân tộc chống chế độ thuộc địa.  Họ đã dùng ngụy chủ nghĩa dân tộc để khai thác lòng yêu nước của hàng triệu thanh niên nam nữ Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương.

 

          Về mặt chủ thuyết, trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản, Đảng CS phủ nhận chủ nghĩa dân tộc.  Họ không quan niệm độc lập quốc gia là một mục tiêu chiến lược, một cứu cánh tối hậu phải tranh thủ với bất cứ giá nào, với bất cứ hy sinh nào, kể cả việc hy sinh những quyền lợi riêng tư của đảng phái.  Đảng CS chỉ quan niệm độc lập quốc gia như một chiêu bài, một phương tiện, hay một sách lược để đạt được mục tiêu chiến lược là cướp chính quyền.  Họ phủ nhận bất cứ nền độc lập nào không cho họ độc quyền lãnh đạo quốc gia.  Do đó, họ đã phủ nhận nền độc lập và thống nhất quốc gia do Hiệp Định Élysée trao trả cho Việt Nam năm 1949.  Và họ tiếp tục phát động chiến tranh võ trang trong 40 năm – từ 1949 đến 1989 – để cướp chính quyền và bành trướng chủ nghĩa bá quyền.

 

Từ 1949 Chiến tranh Việt Nam không còn là chiến tranh giải phóng dân tộc, mà là chiến tranh ý thức hệ giữa Quốc Tế CS và Thế Giới Dân Chủ (như Chiến Tranh Triều Tiên).

 

Sau khi thôn tính lục địa Trung Hoa năm 1949, mục tiêu chiến lược của Quốc Tế CS là nhuộm đỏ 2 bán đảo Đông Dương và Triều Tiên. Tháng 6, 1950 với sự yểm trợ của Liên Xô và Trung Quốc, Bắc Hàn đem quân xâm lăng Nam Hàn. Từ đó chiến tranh ý thức hệ bộc phát giữa Quốc Tế CS và Thế Giới Dân Chủ.

  Kinh nghiệm dân gian cho biết nơi nào trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết:  3 triệu người đã hy sinh thân sống tại Triều Tiên, 3 triệu thanh niên nam nữ đã hy sinh thân sống tại Việt Nam, và 2 triệu người Cao Miên đã bị tàn sát, không phải để giành độc lập cho quốc gia mà để cho Đảng CS có cơ hội cướp chính quyền.

 Vì Đảng CS Đông Dương phủ nhận nền độc lập do Pháp trao trả cho 3 quốc gia Đông Dương Việt, Miên, Lào năm 1949, nên 3 cuộc chiến tranh Đông Dương đã xẩy ra, và Đảng CS Đông Dương phải chịu trách nhiệm về cái chết của 5 triệu người tại Đông Dương.

 Bằng giả nhân giả nghĩa, ngụy trang và dối trá, Đảng CS đã dùng ngụy chủ nghĩa dân tộc để giành chính nghĩa và cướp chính quyền.

Ngụy trang đi liền với dối trá.

 

Đảng CS tuyên truyền rằng Pháp đem quân sang Việt Nam để tái lập chế độ thuộc địa. Đây chỉ là một luận điệu tuyên truyền xuyên tạc.  Vì từ sau Thế Chiến II, Pháp không chủ trương tái lập các thuộc địa tại Á Châu.  Và năm 1946 Pháp đã ký hai hiệp ước với Syrie và Liban để trả độc lập cho 2 quốc gia này.  (Cũng nên ghi nhận rằng Hồ Chí Minh đã ký Hiệp Ước Sainteny tháng 3-1946 cho 15 ngàn quân Pháp sang đồn trú tại Việt Nam).

 

Tuy nhiên Pháp và phe Dân Chủ Tây Phương không chịu trao Đông Dương cho Đảng CS Đông Dương, vì họ không muốn Stalin mở rộng Bức Màn Sắt từ Đông Âu qua Đông Á. Do đó từ 1947, Pháp đã thương nghị với phe Quốc Gia Việt Nam để trả độc lập cho Việt Nam. Năm 1947 Pháp đã chính thức đăng ký 3 nước Việt, Miên, Lào là những quốc gia độc lập tại Liên Hiệp Quốc (xin coi Everyone's  United Nations 1986, trang 332). Tuy nhiên Liên Xô đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ sự đăng ký này.

 Và ngày 8-3-1949 tại Paris, Tổng Thống Vincent Auriol đã ký HIỆP ĐỊNH ÉLYSÉE với Quốc Trưởng Bảo Đại để trả độc lập cho Việt Nam.  4 tháng sau, tháng 7, 1949, Tổng Thống Auriol lại ký Hiệp Ước với Quốc Vương Sisavangvong để trả độc lập cho Ai Lao.  Và 4 tháng sau nữa, tháng 11,1949 Tổng Thống Auriol lại ký Hiệp Ước với Quốc Vương Sihanouk để trả độc lập cho Cao Miên "theo tinh thần Hiệp Định Élysée".

 

 Như vậy, sự thật lịch sử đã chứng minh rằng, từ sau Thế Chiến II  tại Á Châu, chế độ thuộc địa đã cáo chung để nhường chỗ cho Chế Độ Liên Hiệp.

Chiếu Hiệp Định Élysée 1949, Việt Nam và Pháp có nghĩa vụ an ninh hỗ tương.  Từ 1949, quân đội Pháp chiến đấu tại Việt Nam với tư cách quân đội Liên Hiệp Pháp, để bảo vệ biên thùy của Việt Nam đồng thời là biên thùy của Liên Hiệp Pháp và của Thế Giới Dân Chủ.  Trong bài diễn văn nhậm chức tại Quốc Hội Hoa Kỳ tháng giêng 1953, Tổng Thống Eisenhower có nói: "Người Pháp chiến đấu tại Việt Nam và người Mỹ chiến đấu tại Triều Tiên cùng theo một mục đích như nhau." (bảo vệ biên thùy của Thế Giới Dân Chủ).

 

Từ 1955, trong kế hoạch thôn tính miền Nam, Đảng CS lại tuyên truyền rằng Hoa Kỳ đem quân sang để thống trị Miền Nam.

 Đó cũng là một luận điệu tuyên truyền xuyên tạc. Vì từ ba thập niên 1950 - 1970, Hoa Kỳ đem quân tham chiến tại Đại Hàn và Việt Nam, không phải để thống trị hai nước này, mà để bảo vệ biên thùy của Thế Giới Dân Chủ.

Về việc giải thể đế quốc, Hoa Kỳ đã đi tiền phong trong việc giải phóng thuộc địa và đã trả độc lập cho Phi Luật Tân từ 1946. (Phi Luật Tân đã được tự trị từ 1935). 

Nói tóm lại, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, Đảng CS đã dùng ngụy chủ nghĩa dân tộc để giành chính nghĩa và cướp chính quyền.  Họ đã phủ nhận nền độc lập và phá hoại nền thống nhất do những người Quốc Gia yêu nước đã tranh thủ được từ 1949. 

 

Và hai cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài từ 1949 đến 1975 là những cuộc chiến tranh vô ích, vô lý và vô nghĩa.

 

Đại hạnh của Ấn Độ là có Gandhi  theo chủ nghĩa dân tộc.

Đại bất hạnh của Việt Nam là có Hồ Chí Minh theo chủ nghĩa cộng sản.

Sau vụ Sô Viết Nghệ Tĩnh, đầu thập niên 1930, Quốc Tế Cộng Sản đã phê bình gay gắt Đảng Cộng Sản Đông Dương là ''chưa nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của chủ nghiã dân tộc cải lương, không đấu tranh chống chủ nghiã dân tộc cải lương. Vì chủ nghĩa dân tộc cải lương là một lực lượng hết sức nguy hiểm nhằm phá hoại phong trào cách mạng vô sản. Và độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản sẽ không được thực hiện nếu không xoá bỏ hoàn toàn chủ nghĩa dân tộc cải lương.  Bản thân Đảng phải giáo dục và kiểm tra hàng ngũ bằng cuộc đấu tranh thường xuyên với chủ nghiã dân tộc cải lương, coi đó là hình thức phản cách mạng của giai cấp tư sản. Không làm mất uy tín của chủ nghiã dân tộc cải lương thì cách mạng ruộng đất và cách mạng phản đế không thể thắng được."

 

          Cũng trong thời gian này, Đảng Cộng Sản đã cảnh giác các cán bộ đảng viên ''chớ hiểu lầm rằng ta kỷ niệm Yên Báy là ta tán đồng chủ nghĩa dân tộc. Ta nên nhân dịp kỷ niệm này để giãi tỏ trước đại quần chúng công nông trong toàn xứ biết rằng chủ nghĩa Cộng Sản và chủ nghĩa Dân Tộc là một trời một vực và không bao giờ hai chủ nghĩa ấy có thể dung hợp được''.

          Trong khi Quốc Tế Cộng Sản lên án Gandhi là tay sai của Đế Quốc Anh theo chủ nghiã dân tộc cải lương, thì Hồ Chí Minh cũng phê phán Phan Chu Trinh là  "chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương. Điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.''(Trần Dân Tiên)

          Đó là quan niệm của Đảng Cộng Sản về chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên sau này Hồ Chí Minh đã giảo hoạt và ngụy trang dưới chiêu bài giải phóng dân tộc và dùng chủ nghĩa dân tộc như một sách lược để giành chính nghĩa và cướp chính quyền.

 

          Trong lời tựa cuốn Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, một kẻ ngụy trang chủ nghĩa dân tộc của Tưởng Vĩnh Kính, Hoàng Lý Lục nhận định rằng Hồ Chí Minh đã phỏng theo sách lược ngụy chủ nghĩa dân tộc của Mao Trạch Đông:

 

 ''Chủ nghĩa CS mà hưng khởi lên được, một mặt nương nhờ vào làn sóng chủ nghĩa dân tộc, nhưng mặt khác lại âm mưu tiêu diệt thế lực chủ nghĩa dân tộc. Trong khi Trung Cộng khoác áo chủ nghĩa dân tộc để giành chính nghĩa, rồi lợi dụng chiến tranh Trung-Nhật để tăng cường lực luợng, thiết lập khu giải phóng thì Hồ Chí Minh cũng đề ra những mặt trận dân tộc (Việt Minh), mặt trận liên hiệp (Liên Việt), mặt trận giải phóng (Miền Nam), để đẩy tới chiến tranh võ trang và phá hoại các đảng phái quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc. Ông theo nguyên tắc cơ bản là bất cứ điều gì phù hợp với quyền lợi của ông, ông sẽ không ngần ngại lợi dụng, bất cứ cái gì làm trở ngại cho sự phát triển lực lượng của ông, ông sẽ dùng mọi cách để bài trừ hay tiêu diệt. Ông lớn mạnh không phải do sự quảng bá chủ nghĩa CS.  Ông dùng rất nhiều tên giả, tổ chức giả, lấy chủ nghĩa dân tộc để ngụy trang nhằm mục tiêu cướp chính quyền.  Tất cả hành động của ông  chỉ để tổ chức và phát triển đảng.  Đến như Việt Nam có đạt được độc lập hay không thì chỉ là vấn đề thứ yếu mà thôi".

 

Hồ Chí Minh đã suốt đời vận dụng chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên trong những ngày cuối đời khi sắp về chầu tổ Cộng Sản, trong chúc ngôn ông không lý vấn đến cội nguồn dân tộc và nguồn gốc tổ tiên, ông mong ước được về với Các Mác và Lê Nin bên kia thế giới.

 

Vậy mà ngày nay trong chiến địch Đổi Mới, Đảng Cộng Sản một lần nữa lại vận dụng chủ nghĩa dân tộc, truyền thống dân tộc, văn hóa dân tộc, bản sắc dân tộc và nếp sống ân nghĩa của dân tộc:

"Đền Hùng và Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh biểu tượng cho sự quí mến cội nguồn và nếp sống ân nghĩa của dân tộc."  Đó là khẩu hiệu tuyên truyền chiến lược của Đảng CS.

Đối với họ, Hồ Chí Minh, người có công lập Đảng, có thể sánh ngang với Hùng Vương, người có công lập Quốc. Trong giai đoạn thoái trào, Đảng CS đã dùng huyền thoại Hồ Chí Minh làm cái phao cấp cứu.      

 

2.  Về mục tiêu tự do dân chủ.

          Đảng CS hứa hẹn rằng, sau khi hòa bình vãn hồi, họ sẽ thiết lập một chế độ dân chủ gấp triệu lần chế độ dân chủ Tây Phương.  Đây cũng là một luận điệu tuyên truyền dối trá.

          Về chủ thuyết, Đảng CS không chủ trương thực thi tự do dân chủ cho người dân.  Mục tiêu chiến lược của họ là thiết lập một chế độ độc tài vô sản, hay đúng hơn, một chế độ độc tài của Đảng để thống trị vô sản và nhân dân.  Họ không tôn trọng bất cứ một quyền nào trong số 26 dân quyền căn bản như tự do thân thể, tự do cư trú và đi lại, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do văn hóa, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do lập đảng, tự do tuyển cử v...v...

 

  Kết quả là sau hơn 60 năm cướp chính quyền, Đảng CS đã biến Việt Nam thành một trong những nước phản dân chủ nhất thế giới, kém cả Congo, Mông Cổ và Cao Miên. 

Theo The World Factbook 2009-2010 do Central Intelligence Agency ấn hành:

a.     Cộng Hòa Congo (được Pháp trả độc lập năm 1960) là quốc gia theo chế độ dân chủ đa nguyên kiểu Pháp với trên 10 chính đảng công khai hoạt động.

b.    Mông Cổ theo chế độ đại  nghị lưỡng đảng với Đảng Dân Chủ và Đảng Nhân Dân Cách Mạng.

c.     Cao Miên cũng theo chế độ đa đảng với các  Đảng Nhân Dân của Hun Sen và Chea Sin, Đảng Bảo Hoàng của Norodom Rannarridth, Đảng Quốc Gia của Sam Raingsy. 

               Trong khi đó Việt Nam vẫn là một nước cộng sản độc tài và độc đảng.

 

3.      Về mục tiêu mưu cầu hạnh phúc.

 

      Đảng CS hứa hẹn sẽ thực thi cải cách ruộng đất để chia ruộng cho người cày đem lại công bằng xã hội cho người dân. Thật ra đây chỉ là một cuộc đấu tranh giai cấp để tiêu diệt trí thức và nông dân tiểu tư sản.

            Đầu thập niên 1950, trong 5 đợt đấu tố cải cách ruộng đất, Đảng CS đã sát hại hơn hai trăm ngàn trí thức và nông dân tiểu tư sản được đôn lên hàng địa chủ.  Chỉ cần có 2 hecta ruộng mà không tự tay canh tác, cũng bị đấu tố, tịch thâu ruộng đất, tài sản và nhà cửa.  Năm 1956, họ chia cho bần cố nông mỗi người chừng 2 sào ruộng (mỗi sào là 360m2).  Để rồi 2 năm sau, năm 1958, họ lại trở mặt thâu hồi lại tất cả ruộng đất đã phát cho bần cố nông trong chính sách tập sản hóa ruộng đất hay hợp tác hóa nông nghiệp.  Theo chủ thuyết, Đảng CS không công nhận quyền tư hữu và không chủ trương chia ruộng cho tư nhân.  Do đó "người cày có ruộng" là khẩu hiệu tuyên truyền dối trá trắng trợn nhất của CS.

 

           Tới Thế Chiến II, Việt Nam là một trong những quốc gia giàu thịnh nhất Đông Nam Á được mệnh danh là "bao lơn Thái Bình Dương", Saigon là "Hòn Ngọc Viễn Đông". Vậy mà ngày nay sau hơn 60 năm CS cướp chính quyền, Việt Nam trở thành một trong 20 nước nghèo đói nhất thế giới.  

Theo Time Almanac năm 2011 trích dẫn từ Bách Khoa Toàn Thư Anh Quốc (Encyclopedia Britannica), lợi tức bình quân mỗi đầu người tại Việt Nam năm 2008 là 890 mỹ kim (hay  2,4 mỹ kim một ngày, với tổng lợi tức quốc gia 77 tỉ mỹ kim cho trên 86 triệu dân).

 

 

Cũng trong năm 2008, Congo có lợi tức bình quân mỗi đầu người 1,970 mỹ kim, hơn gấp đôi Việt Nam.

Và tại Mông Cổ, cũng trong năm này, lợi tức bình quân mỗi đầu người là 1,680 mỹ kim, gần gấp đôi tại Việt Nam.

Dầu sao đó chỉ là những con số lý thuyết. Trên thực tế, tại Việt Nam, do những bất công và bất bình đẳng xã hội trầm trọng nên lợi tức thực sự của người dân trung bình tại nông thôn chỉ bằng nửa con số lý thuyết 2,4 mỹ kim, nghĩa là chỉ được hơn 1 mỹ kim một ngày.

 

Nói tóm lại, từ hơn 60 năm nay, Đảng CS đã dùng chiêu bài giải phóng dân tộc để giành chính nghĩa và cướp chính quyền.  Võ khí chiến lược số 1 của cộng sản là tuyên truyền dối trá.

          Về mục tiêu độc lập thống nhất, CS dùng ngụy chủ nghĩa dân tộc.

          Về mục tiêu tự do dân chủ, CS dùng ngụy chủ nghĩa xã hội. Và ngày nay Việt Nam còn kém xa Congo, Căm Bốt và Mông Cổ.

 

Về mục tiêu mưu cầu hạnh phúc, CS dùng chính sách ngụy cải cách ruộng đất và ngụy công bằng xã hội. Và ngày nay người dân Việt Nam còn nghèo đói hơn cả người dân Congo và Mông Cổ.

          Để chống lại sự tuyên truyền dối trá, chúng ta phát động phong trào truyền bá sự thật lịch sử và sự thật xã hội để chứng minh rằng Đảng CS  không có công giành độc lập, và không có công thống nhất đất nước.  Ngoài ra họ còn phản bội đồng bào trong các mục tiêu tự do hạnh phúc và công bằng xã hội.

 

          Trong cuốn Nhật Ký Rồng Rắn, Trần Độ đã vạch trần chính sách tuyên truyền dối trá cố hữu của Đảng CS:

          "Đặc điểm bao trùm của chế độ chính trị xã hội này là nói một đàng làm một nẻo.  Nói thì dân chủ vì dân, mà làm thì chuyên chính phát xít, nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, nói vậy mà không phải vậy.  Đặc điểm này tạo ra một xã hội dối lừa, lãnh đạo dối lừa, Đảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, bằng cấp giả dối, giáo dục giả dối, đến gia đình cũng lừa dối...  Các vị lãnh đạo nói nhiều điều tốt đẹp là nói theo dân mà thôi.   Dân căm ghét tham nhũng thì lãnh đạo hò hét "kiên quyết chống tham nhũng".  Dân yêu cầu dân chủ, [đổi mới] thì lãnh đạo thêm chữ dân chủ, [đổi mới] vào khẩu hiệu [tuyên truyền] chiến lược.  Nhưng nói thêm chữ thì chưa có ý nghĩa gì.  Vì ta vốn nói một đàng làm một nẻo.  Người trí thức và người dân chỉ thấy những lời nói tốt đẹp kia là vô nghĩa..."

 

 

II. ĐÀN ÁP KHỦNG BỐ.

 

Võ khí chiến lược số 2 của CS là đàn áp khủng bố. Đây là một trong hai song cổ kiếm phải sử dụng đồng thời, mất một là mất tất cả.

          Nếu CS không thể tuyên truyền dối trá, nếu mọi người biết rõ mặt thật của CS thì không còn ai tha thiết bảo vệ chế độ nữa và CS sẽ tiêu vong.  Trong trường hợp này, đàn áp khủng bố sẽ mất hiệu lực.

 

  Lịch sử đã chứng minh điều đó. Tại Đông Đức và Lỗ Ma Ni năm 1989, bộ máy công an kìm kẹp cũng rất hung dữ.  Nó có sự dã man của mật vụ Gestapo thời Hitler, và sự tàn ác của mật vụ KGB thời Stalin.  Vậy mà khi người dân đã biết rõ mặt thật của CS và đứng lên đòi Dân Tộc Tự Quyết thì võ khí đàn áp không còn hiệu nghiệm nữa. 

Tại Liên Xô cũng vậy.  Để chống lại mưu toan đảo chánh ngày 19-8-1991 của phe CS cực đoan, nhân dân đã đứng lên đòi giải thể CS.  Quân đội xuất phát từ nhân dân đã đứng về phía dân.  Và công an mật vụ phải bó tay không dám bắn vào đoàn người biểu tình.

         

5 bậc thang đàn áp khủng bố là:  thủ tiêu cá nhân, tàn sát tập thể, học tập cải tạo, tòa án luật pháp, và quản chế hành chánh.

 

1) Thủ tiêu cá nhân:

Mặc dầu không ngừng kêu gọi đoàn kết quốc gia, Đảng CS đã thủ tiêu những người quốc gia yêu nước có uy tín và hậu thuẫn vì họ là những đối thủ nguy hiểm của CS trên đường cướp chính quyền.  Sau khi cướp được chính quyền năm 1945, họ đã thủ tiêu Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần văn Thạch, v...v... (trong nhóm Tân Tả Phái); Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Văn Ngà v...v... (trong các nhóm Lập Hiến); Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ (Hòa Hảo); Trương Tử Anh(Đại Việt), Lý Đông Á (Duy Dân); Khái Hưng, Nhượng Tống (Quốc Dân Đảng) v...v..

 

2)     Tàn sát tập thể:

          Đồng thời với thủ tiêu cá nhân, Đảng CS còn tàn sát tập thể.

Tàn sát tập thể vì lý do tôn giáo, như việc sát hại các tín đồ Cao Đài và Hòa Hảo trong Chiến Tranh Đông Dương; tàn sát tập thể vì lý do đảng phái như việc sát hại các cán bộ đảng viên Quốc Dân Đảng, Đồng Minh Hội, Đại Việt, Duy Dân v...v... từ thập niên 1940; tàn sát tập thể vì lý do giai cấp như việc sát hại 200.000 trí thức và nông dân tiểu tư sản trong 5 đợt đấu tố cải cách ruộng đất trong thập niên 1950; tàn sát tập thể vì lý do chính kiến, như việc sát hại 5 ngàn người quốc gia tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân.  Vụ tàn sát tập thể Tết Mậu Thân của Đảng CS Việt Nam năm 1968 mở đường cho vụ tàn sát tập thể 2 triệu người Cam Bốt của Đảng CS Khmer từ 1975.

 

3)     Học tập cải tạo: 

Cường độ đàn áp thứ ba là chính sách học tập cải tạo mà họ dịch là re-education (cải huấn).  Danh từ này tự nó đã dối trá.  Vì các tù nhân chính trị không phạm tội hình sự nào nên không cần phải cải huấn. Mặc dầu không ngừng hô hào hòa giải và hòa hợp dân tộc, từ 1975 Đảng CS đã bắt giam hằng trăm ngàn quân cán chánh và trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại các trại tập trung, người thì 5, 7 năm, người thì 15, 17 năm.  Đây là những trại lao động khổ sai và lao động cưỡng bách để đọa đầy thân xác và hủy diệt ý chí của các tù nhân chính trị.

 

4) Luật pháp Tòa án.

          Thay vì để ban phát công lý cho người dân và bảo vệ con người về sinh mạng, tự do, danh dự và tài sản, tòa án và luật pháp được sử dụng như những công cụ đàn áp khủng bố để bắt giam độc đoán những người đấu tranh ôn hòa cho tự do, công lý, dân chủ và nhân quyền.

 

           Từ 1975 họ đã truy tố:

 

a)    Về tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, và đã kết án Nguyễn

Khắc Chính 20 năm tù (giảm án từ tù chung thân năm 1976), Linh Mục Phạm Ngọc Liên 20 năm tù năm 1987, Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ 20 năm tù (giảm án từ tử hình năm 1988), Nguyễn Đan Quế 20 năm tù năm 1991, Đoàn Viết Hoạt 15 năm tù năm 1993, Nguyễn Đình Huy 15 năm tù năm 1995.

           b) Về tội tuyên truyền chống chế độ và đã kết án 3 người con của cố Luật Sư Trần Văn Tuyên: Trần Vọng Quốc 12 năm tù, Trần Tử Thanh 5 năm tù và Trần Tử Huyền 3 năm tù năm 1988; Đoàn Thanh Liêm 12 năm tù năm 1992. Năm 1996 Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu và Nguyễn Kiến Giang đã bị kết án 2 năm tù, 1 năm tù và 15 tháng tù treo về tội tiết lộ bí mật nhà nước, thay vì tội tuyên truyền chống chế độ, dầu rằng họ đã công khai phủ định chế độ Cộng Sản.

           c) Về tội phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia, và năm 1995 đã kết án Hòa Thượng Thích Quảng Độ 5 năm tù vì đã tổ chức cứu trợ các nạn nhân lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long mà không có giấy phép của nhà nước.  Trong năm này Hoàng Minh Chính đã bị kết án 1 năm tù cũng về tội này.

          5) Quản chế hành chánh.

Từ sau vụ án Lê Hồng Hà (1996), trong 5 năm không thấy có vụ án chính trị nào.  Vì từ năm1997 Đảng Cộng Sản đã ban hành quy chế quản chế hành chánh để bắt giữ phòng ngừa, quản thúc tại gia những người đối kháng, cấm họ không được hành nghề, không được di chuyển, không được tiếp xúc với quần chúng, không được trả lời phỏng vấn và không được tham gia chính quyền.  Bằng phương pháp này Đảng Cộng Sản đã biến đất nước thành một nhà tù lớn, trong đó nhà nước không phải nuôi ăn các tù nhân.

 

          Sau vụ Đại Khủng Bố ngày 11-9-2001, khi Hoa Kỳ và đồng minh còn đang bối rối, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lợi dụng thời cơ, leo thang khủng bố từ bậc 5 (quản chế hành chánh) lên bậc 4 (tòa án luật pháp).

Một tháng sau, tháng 10-2001 họ đã kết án Linh Mục Nguyễn Văn Lý 15 năm tù về 2 tội phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia và vi phạm quyết định quản chế hành chánh vì đã tố cáo Đảng CS đàn áp tôn giáo.

Cuối năm 2001 khi hay biết có sự nhượng đất biên giới và bán nước Biển Đông cho Trung Cộng, các nhà trí thức trẻ trong Nhóm Dân Chủ như Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình cùng các vị lão thành cách mạng như Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Trần Dũng Tiến  đã đồng thanh tố cáo Đảng Cộng Sản phản bội Tổ Quốc.

 

Để trả đũa Đảng Cộng Sản đã thẳng tay đàn áp:

* Tháng 11- 2002, họ kết án Lê Chí Quang 4 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước sau khi viết bài "Hãy Cảnh Giác Bắc Triều!"

Tiếp theo đó Đảng CS còn truy tố và kết án 3 người về tội gián điệp:

* Tháng 12-2002 Nguyễn Khắc Toàn bị kết án 12 năm tù vì đã tổ chức những vụ khiếu nại khiếu kiện, mít tinh biểu tình tại Hà Nội để đòi lại ruộng đất cho nông dân hai miền Nam Bắc;

* Tháng 6-2003 Phạm Hồng Sơn bị kết án 13 năm tù (sau giảm còn 5 năm) vì đã dịch cuốn "Thế Nào Là Dân Chủ?" từ mạng lưới thông tin của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ; 

* Tháng 12-2003 Nguyễn Vũ Bình bị kết án 7 năm tù vì đã gởi bản điều trần đến Quốc Hội Hoa Kỳ tố cáo những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, đòi thực thi chế độ đa đảng, và đòi thành lập Đảng Tự Do Dân Chủ đối lập với Đảng CS.

Ngoài ra Đảng CS còn truy tố thêm 7 người về tội gián điệp, nhưng sau đã cải tội danh thành lợi dụng quyền tự do dân chủ:

* Tháng 11-2003, 3 người cháu của Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Vũ Việt và Nguyễn Trực Cường bị phạt 32 tháng tù, và Nguyễn Thị Hoa bị 4 tháng 8 ngày tù vì đã tàng trữ các tài liệu nhân quyền và cung cấp cho người Việt hải ngoại những tin tức về vụ các Phật tử chuẩn bị đón Hòa Thượng Thích Huyền Quang từ Quảng Ngãi vào Saigon;

* Cũng trong tháng này Trần Dũng Tiến bị phạt 10 tháng tù vì đã đích danh tố cáo Đỗ Mười và Lê Đức Anh bao che tham nhũng;

* Tháng 7-2004 Phạm Quế Dương và Trần Khuê, hai phát ngôn viên của Hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng và Nhóm Dân Chủ đã bị phạt 19 tháng tù.

 * Cũng trong tháng này Nguyễn Đan Quế bị phạt 30 tháng tù  vì đã tố cáo Đảng CS giữ độc quyền thông tin.

* Và trong tháng 11-2004 và tháng 4-2005 Mục Sư Nguyễn Hồng Quang bị kết án 3 năm tù về tội "ngăn cản nhân viên công lực hành sự" thay vì tội lợi dụng quyền tự do tôn giáo hay tội gián điệp. 5 đồng sự là các Truyền Đạo Phạm Ngọc Thạch bị phạt 2 năm tù, Lê Thị Hồng Liên và Nguyễn Văn Phương mỗi người 1 năm tù, và 2 anh em Nguyễn Hiếu Nghĩa và Nguyễn Thành Nhân mỗi người 9 tháng tù.

          Trước đó 2 tháng, ngày 15/9/2004, Chính Phủ Hoa Kỳ đã liệt kê Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần phải đặc biệt quan tâm, vì đã thường xuyên và thô bạo vi phạm quyền tự do tôn giáo.  Muốn tránh tiếng đàn áp tôn giáo, Viện Kiểm Sát đã truy tố các giáo sĩ và truyền đạo Tin Lành về tội thường phạm cưỡng ép "chống người thi hành công vụ".

Tổng kết lại sau vụ Đại Khủng Bố ngày11-9-2001, trong 3 năm, từ tháng 10-2001 đến tháng 11-2004, Tòa Án Việt Nam đã truy tố và kết án 18 tù nhân tôn giáo và tù nhân chính trị bằng những tội danh giả tạo bịa đặt, và cưỡng ép lố bịch.

          Ngày 30-3 2007 họ còn truy tố và kết án Linh Mục Nguyễn Văn Lý 8 năm tù về tội "tuyên truyền chống  nhà nước". Hai tháng sau họ lại kết án các Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân 5 năm và 4 năm tù cũng về tội này.

 

THẬP DIỆN MAI PHỤC

 

          Từ sau cuộc Cách Mạng Đông Âu năm 1989 và Phong Trào Giải Thể Cộng Sản tại Liên Bang Sô Viết năm 1991, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã gia tăng đàn áp đối lập bằng công an, tòa án và luật pháp.

          Vì không được quyền tranh luận trước tòa, từ năm 1991 đến nay, Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền đã đệ trình quốc dân biện minh trạng để bào chữa cho 22 tù nhân lương tâm. Ngoài ra Ủy Ban còn công bố bản Thất Điều Trần để biện hộ cho tất cả các bị can bị bắt giữ trong dịch gián điệp. Vì gián điệp là một tội cưỡng ép lố bịch nên sau này tòa án đã phải cải thành tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ".  Đây lại là một tội danh bịa đặt giả tạo không tìm thấy trong các bộ hình luật của các quốc gia dân chủ văn minh.

          Trong phần kết luận bản Thất Điều Trần Ủy Ban Dân Quyền nhận định rằng ngày nay Cộng Sản sợ 7 điều (Cộng Sản Hữu Thất Cụ).  7 điều Cộng Sản sợ chính là 7 mặt trận đấu tranh của chúng ta để giải thể Cộng Sản và xây dựng Dân Chủ.

 

1)       Cộng Sản sợ internet, sợ tin tức, sợ ý kiến:  Chúng ta phát động mặt trận truyền thông.

2)       Cộng Sản sợ dư luận quốc tế, sợ mất chính nghĩa, sợ mất viện trợ đầu tư:  Chúng ta phát động mặt trận quốc tế vận.

3)       Cộng Sản sợ đối lập chính trị: Chúng ta phát động phong trào tổ chức, phát triển và kết hợp các lực lượng dân chủ ở trong nước và hải ngoại, đồng thời phối hợp đấu tranh trong ngoài.

4)       Cộng Sản sợ sự thật. Họ sợ sự thật lịch sử vì họ không có công giành độc lập và không có công thống nhất đất nước. (Vì Việt Nam đã được độc lập và thống nhất từ 1949 chiếu Hiệp Định Elysée). Ngoài ra họ còn phản bội đồng bào trong các mục tiêu tự do dân chủ và mưu cầu hạnh phúc.

Cộng Sản sợ sự thật xã hội, vì chế độ của họ vừa độc tài tham nhũng vừa bất công bất lực:  Chúng ta phát động mặt trận truyền bá sự thật, phục hồi sự thật lịch sử để giành chính nghĩa tự do dân chủ, tranh thủ hậu thuẫn quần chúng và hậu thuẫn quốc tế.

5)       Cộng Sản sợ tự do dân chủ, như tự do tư tưởng, tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do lập đảng, tự do tuyển cử: Chúng ta phát động mặt trận đấu tranh đòi tôn trọng và thực thi những quyền tự do căn bản của người dân được ghi trong Hiến Pháp và trong Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền.

Cộng Sản sợ dân chủ. Họ đã kết án Phạm Hồng Sơn 5 năm tù chỉ vì đã phổ biến những kiến thức dân chủ của nhân loại văn minh:  Chúng ta phát động mặt trận truyền bá dân chủ, phổ biến ý thức dân chủ và những kỹ thuật pháp lý để thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị, dân chủ đại nghị, dân chủ đa đảng.

6)       Cộng Sản sợ nhân quyền:  Chúng ta phát động mặt trận truyền bá nhân quyền, đấu tranh đòi thực thi nhân quyền và phản kháng những vi phạm nhân quyền, đồng thời  đòi phóng thích các tù nhân lương tâm và tranh thủ từng tù nhân lương tâm.

7). Cộng Sản không chấp nhận quyền sở hữu tư nhân. Họ đã vi phạm thô bạo tài sản ruộng đất của nông dân bằng cách đàn áp, bắt bớ hàng ngàn "dân oan" khiếu kiện. Kinh nghiệm lịch sử cho biết những cuộc biểu tình phản kháng nhà cầm quyền tham nhũng tước đoạt tài sản và những phương tiện mưu sinh của những phần tử nghèo túng trong xã hội thường là ngòi lửa châm mồi cho những cuộc tổng nổi dậy nhằm lật đổ các chế độ độc tài cộng sản hay độc tài quân phiệt.

Ngoài 7 mặt trận nói trên, trong Sách Lược Thập Diện Mai Phục, chúng ta còn phát động 3 mặt  trận:

8)    Mặt trận tự do tôn giáo đấu tranh đòi phóng thích các tù nhân tôn giáo đã bị giam giữ hay quản thúc độc đoán, đòi lại quyền sinh hoạt tự trị cho các giáo hội, và đòi lại các cơ sở tài sản của giáo hội để hoằng dương đạo pháp về văn hóa giáo dục và từ thiện nhân đạo.

9)    Mặt trận bảo toàn lãnh thổ tố cáo phe lãnh đạo Cộng Sản phản bội Tổ Quốc bằng cách nhượng đất biên giới và bán nước Biển Đông cho Trung Quốc; phủ nhận Hiệp Ước Biên Giới Việt Trung, Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ và Hiệp Ước Hợp Tác Nghề Cá; chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc, và đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

10)  Mặt trận luật pháp tòa án phối hợp các mặt trận đấu tranh để hóa giải võ khí đàn áp khủng bố của Cộng Sản.Vì ngày nay với sự thiết lập Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, 3 loại đàn áp khủng bố dã man nhất là thủ tiêu cá nhân, tàn sát tập thể và lao động cải tạo sẽ cấu thành những tội chống nhân loại thuộc thẩm quyền Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Do đó ngày nay luật pháp tòa án là võ khí chiến lược căn bản của Cộng Sản để đàn áp đối lập và củng cố chính quyền. 

 

Trong các vụ án gián điệp Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn và Nguyễn Vũ Bình có sự phối hợp giữa mặt trận luật pháp tòa án với mặt trận quốc tế vận và mặt trận truyền thông.

Trong phong trào phản kháng những vụ giam giữ hay quản thúc độc đoán các nhà lãnh đạo tôn giáo như  Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, Đạo Trưởng Lê Quang Liêm v...v... có sự phối hợp giữa mặt trận luật pháp tòa án và mặt trận tự do tôn giáo.

 Trong phong trào phản kháng vụ kết án Lê Chí Quang, Phạm Quế Dương và Trần Khuê có sự phối hợp giữa mặt trận luật pháp tòa án và mặt trận bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống nhượng đất bán nước và chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc.

Bằng Sách Lược Thập Diện Mai Phục chúng ta sẽ hóa giải hai võ khí chiến lược của Cộng Sản là tuyên truyền  dối trá và đàn áp khủng bố.

 

DIỄN BIẾN HÒA BÌNH

 

           Trong sách lược Thập Diện Mai Phục chúng ta chủ trương đấu tranh 10 mặt để giải thể Cộng Sản và xây dựng Dân Chủ.

        Ngày nay Hoa Kỳ và các đồng minh muốn phát triển các tương quan ngoại giao, kinh tế và văn hóa với Hà Nội để hy vọng thực hiện lộ trình diễn biến hòa bình, cho Việt Nam hội nhập vào cộng đồng các quốc gia dân chủ trên thế giới.

          Đó cũng là ước vọng của chúng ta.

          Mọi người kỳ vọng rằng, với sự phát triển kinh tế thị trường, giao lưu văn hóa và trao đổi tin tức ý kiến, rồi đây dân trí sẽ mở mang, đời sống kinh tế của người dân sẽ thoát khỏi sự kiềm tỏa của nhà nước, và ý thức dân chủ sẽ khai thông kỷ nguyên hòa bình và tiến bộ.

        Kinh nghiệm Đông Âu cho biết, nhờ có trao đổi tin tức ý kiến, người dân lần lần hiểu rõ bản chất của Cộng Sản. Và khi họ đã biết rõ mặt thật Cộng Sản, thì không còn ai tha thiết bảo vệ chế độ nữa, và chế độ đã tiêu vong. Tại Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc và Bảo Gia Lợi, chế độ Cộng Sản đã bị giải thể bằng diễn biến hòa bình.

         Như đã trình bầy, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Âu Châu thường có tinh thần thể thao phục thiện. Sau những cuộc tổng tuyển cử tự do khi thấy người dân không còn tín nhiệm chế độ nữa thì họ đã lặng lẽ rút lui.

 

         Việc này sẽ không xẩy ra tại Việt Nam. 

         Vì những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam không suy nghĩ và hành động như những người Cộng Sản Âu Châu. Họ không bao giờ dám tổ chức trưng cầu dân ý hay tuyển cử tự do để biết rõ nguyện vọng của người dân.           Thay vì có tinh thần thể thao phục thiện, họ lại bất phục ngoan cố.  Thay vì ngay thẳng bộc trực, họ lại ngụy trang dối trá.  Thay vì công bằng trọng pháp, họ lại bao che tham nhũng.  Họ không phải là những người yêu nước và không đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của đảng phái.  Họ chỉ giả nhân giả nghĩa, lợi dụng tài sản quốc gia và các ngân khoản viện trợ để trang bị bộ máy công an nhằm đàn áp đối lập và củng cố chính quyền.

          Hơn nữa họ rất sợ giao lưu văn hóa và trao đổi tin tức ý kiến với thế giới dân chủ. Họ chỉ lợi dụng giao lưu văn hóa một chiều để tuyên truyền dối trá cho cái gọi là "sự nghiệp giải phóng dân tộc" và "sự nghiệp đổi mới" nhằm tạo huyền thoại Hồ Chí Minh, và gây uy tín cho Đảng Cộng Sản được độc quyền lãnh đạo quốc gia.

          Như vậy nếu có đổi mới thì cũng chỉ là thay đổi về hình thức, chứ không thay đổi về thực chất.

          Trong điều kiện này, nếu chúng ta chỉ kỳ vọng vào diễn biến hòa bình, mà không hy sinh tranh đấu, thì đến năm 2015 - nghĩa là 70 năm sau khi Cộng Sản cướp chính quyền - xã hội của chúng ta cũng sẽ không bằng xã hội Việt Nam Cộng Hòa đầu thập niên 1970.

           Do đó phương châm hành động của chúng ta vẫn là:

                               Hãy tự giúp mình rồi Trời sẽ giúp ta.

Hãy hy sinh và chiến đấu rồi đồng minh sẽ giúp ta.

           Diễn biến hòa bình không phải là điều kiện cần và đủ để giải thể Cộng Sản. Diễn Biến Hòa Bình phải được tiến hành đồng thời với Thập Diện Mai Phục.

          Chúng ta hãy giữ vững Niềm Tin.

 

  Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

Trích tác phẩm "Giải Thể Chế Độ Cộng Sản", 2002

bản Anh ngữ: Restoring The Historic Truth

 

 

 

Tác giả đã xuất bản những tác phẩm về Dân Chủ và Nhân Quyền:

 

-        Chủ Nghỉa Dân Chủ Xã Hội (1957)

-        Nền Dân Chủ Trong các Tân Quốc Gia (1960)

-        Giải Thể Chế Độ Cộng Sản (2002)

-        Restoring The Historic Truth (2003)

-        Luật Quốc Tế Nhân Quyền (1998)

-        Cẩm Nang Nhân Quyền (1998)

-        Hiến Chương Nhân Quyền Cho Việt Nam (2005)

 

·       Tài liệu thảo luận này được trích từ các bài Thuyết Trình Giải Thể Cộng Sản trong những  năm 2000-2005. Với tính trung thực, giản dị, dễ hiểu và dễ nhớ, tài liệu này được soạn thảo và cập nhật hóa để dành riêng cho các sinh viên ở trong nước, các sinh viên Việt Nam tại hải ngoại,  và các sinh viên Việt Nam du học tại hải ngoại.

 

Tài Liệu Thảo Luận Tháng Tư với chủ đề "3 Chu Kỳ Lịch Sử" sẽ được phổ biến vào trung tuần tháng 4-2011