Friday, July 15, 2011

Tù cải tạo và Tù chính trị

(6-1975 – 6-2011)

TÙ CẢI TẠO VÀ TÙ CHÍNH TRỊ
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

THÁNG 6-1975: TẬP TRUNG TÙ CẢI TẠO

Hai tháng sau khi cưỡng chiếm Miền Nam, tháng 6-1975, Đảng Cộng Sản áp dụng chính sách tập trung các quân nhân, công chức, cán bộ phục vụ chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong các trại lao động khổ sai mệnh danh là trại cải tạo. Theo các tài liệu nghiên cứu và sưu tầm tại các cơ quan có thẩm quyền từ Hoa Kỳ đến Âu Châu thì có đến một triệu tù cải tạo đã bị giam giữ mà không bị truy tố và kết tội bởi tòa án. Ước chừng 165 ngàn tù cải tạo đã bỏ mình tại nơi rừng thiêng nước độc từ Nam chí Bắc.

(An estimated 1 million people were imprisoned in re-education camps without formal charges or trials. According to published academic studies in the United States and Europe, 165,000 people died in the Socialist Republic of Vietnam's re-education camps: Wikipedia, the free encyclopedia)

Ngoài ra còn có rất nhiều trí thức văn nghệ sĩ cũng đã bị giam giữ và hành hạ tại các trại tập trung như Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế,Nguyễn Viết Khánh, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Thanh Thương Hoàng, Trần Dạ Từ, Duyên Anh v..v… dưới danh nghĩa "biệt kích văn nghệ" và "sĩ quan biệt phái".

Bên cạnh chính sách "học tập cải tạo" còn có những vụ đàn áp trí thức văn nghệ sĩ và các tu sĩ trong mật trận "tòa án luật pháp".

HAI VÕ KHÍ CHIẾN LƯỢC CỦA CỘNG SẢN

Tuyên truyền dối trá và đàn áp khủng bố là hai võ khí chiến lược của CS để cướp chính quyền và củng cố chính quyền. Đây là một cặp song cổ kiếm phải sử dụng đồng thời, mất một là mất tất cả. Nếu chỉ có tuyên truyền đối trá, mà không có đàn áp khủng bố, thì CS sẽ tiêu vong. Trái lại nếu chỉ có đàn áp khủng bố, mà không thể tuyên truyền dối trá được nữa, thì CS cũng sẽ bị giải thể.

Lịch sử đã chứng minh điều đó. Tại Đông Đức và Lỗ Ma Ni trong thập niên 1980, bộ máy công an kìm kẹp cũng rất hung dữ. Nó có sự dã man của mật vụ Gestapo thời Hitler, và sự tàn ác của mật vụ KGB thời Stalin. Vậy mà khi người dân đã biết rõ mặt thật của CS và đứng lên đòi Dân Tộc Tự Quyết, thì võ khí đàn áp không còn hiệu nghiệm nữa.

Tại Liên Xô cũng vậy. Để chống lại âm mưu đảo chánh ngày 19-8-1991 của phe CS cực đoan, nhân dân đã đứng lên đòi giải thể CS. Quân đội xuất phát từ nhân dân, đã đứng về phía dân. Và công an mật vụ phải bó tay, không dám bắn vào đoàn người biểu tình.

Trong kỷ nguyên thông tin, tuyên truyền dối trá đã mất hiệu nghiệm. Và ngày nay, đàn áp khủng bố là võ khí chiến lược của Cộng Sản để củng cố chính quyền.

4 bậc thang đàn áp khủng bố là: thủ tiêu cá nhân, tàn sát tập thể, học tập cải tạo và tòa án luật pháp.

1) Thủ tiêu cá nhân

Mặc dầu không ngừng kêu gọi đoàn kết quốc gia, Đảng CS đã thủ tiêu những người quốc gia yêu nước có uy tín và hậu thuẫn vì họ là những đối thủ nguy hiểm của CS trên đường cướp chính quyền. Sau khi cướp được chính quyền tại Miền Bắc năm 1945, Cộng Sản đã thủ tiêu Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần văn Thạch, v...v... (trong nhóm Tân Tả Phái); Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Văn Ngà v...v... (trong các nhóm Lập Hiến); Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ (Hòa Hảo); Trương Tử Anh (Đại Việt), Lý Đông Á (Duy Dân); Khái Hưng, Nhượng Tống (Quốc Dân Đảng) v...v...

2) Tàn sát tập thể

Đồng thời với thủ tiêu cá nhân, Đảng CS còn tàn sát tập thể.

Tàn sát tập thể vì lý do tôn giáo, như việc sát hại các tín đồ Cao Đài và Hòa Hảo trong Chiến Tranh Đông Dương; tàn sát tập thể vì lý do đảng phái như việc sát hại các cán binh Quốc Dân Đảng, Đồng Minh Hội, Đại Việt, Duy Dân v...v... từ thập niên 1940; tàn sát tập thể vì lý do giai cấp như việc sát hại hơn 200 ngàn nông dân tiểu tư sản được đôn lên hàng địa chủ trong 5 đợt đấu tố cải cách ruộng đất trong thập niên 1950; tàn sát tập thể vì lý do chính kiến, như việc sát hại hơn 5 ngàn người quốc gia tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân. Vụ tàn sát tập thể Tết Mậu Thân của Đảng CS Việt Nam năm 1968 đã mở đường cho vụ tàn sát tập thể hơn 2 triệu người Cam Bốt của Đảng CS Khmer từ 1975.

3) Học tập cải tạo

Võ khí đàn áp khủng bố thứ ba là học tập cải tạo.

Mặc dầu không ngừng hô hào hòa giải và hòa hợp dân tộc, từ tháng 6-1975, Đảng CS đã bắt giam hằng trăm ngàn trí thức văn nghệ sĩ và quân cán chánh Việt Nam Cộng Hòa tại các trại tập trung, người thì 5, 7 năm, người thì 15, 17 năm. Đây là những trại lao động khổ sai và lao động cưỡng bách để đọa đầy thân xác và hủy diệt ý chí của tù cải tạo.

4) Tòa án Luật pháp

Võ khí đàn áp khủng bố thứ tư là tòa án luật pháp.

Thay vì để ban phát công lý cho người dân và bảo vệ con người về sinh mạng, tự do, danh dự và tài sản, tòa án và luật pháp đã được sử dụng như những công cụ đàn áp khủng bố để bắt giam độc đoán những người đấu tranh ôn hòa cho tự do, dân chủ, công lý và nhân quyền.

Từ 1975 họ đã truy tố:

a) Về tội phản nghịch hay hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, và đã kết án Luật Sư Nguyễn Khắc Chính tù chung thân năm 1975, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế 20 năm tù năm 1991, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt 15 năm tù năm 1993, và Giáo Sư Nguyễn Đình Huy 15 năm tù năm 1995.

b) Về tội tuyên truyền chống chế độ, và năm 1988 đã kết án 3 người con của cố Luật Sư Trần Văn Tuyên là Luật Sư Trần Tử Huyền, Trần Vọng Quốc và Trần Tử Thanh 3 năm tù, 12 năm tù và 5 năm tù.

c) Về tội phá hoại chính sách đoàn kết, và đã kết án Linh Mục Nguyễn Văn Lý 13 năm tù năm 2001 (cộng thêm 2 năm tù về tội vi phạm quyết định quản chế hành chánh). Năm 1995 Hòa Thượng Thích Quảng Độ cũng bị kết án 5 năm tù về tội này, chỉ vì đã tổ chức cứu trợ các nạn nhân lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long nhân danh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.


TỪ 1975: TRÍ THỨC DẤN THÂN VÌ ĐẠI NGHĨA

Trong vòng hai năm, từ 1975 đến 1977, có ít nhất 14 luật sư đã bị kết án và giam giữ tại trại cải tạo vì đã đứng lên tố cáo nhà cầm quyền vi phạm tự do nhân quyền.

Tháng 12-1975 Luật Sư Nguyễn Khắc Chính bị kết án tù chung thân trong vụ án Vinh Sơn. Trước đó, ngay sau khi Saigon thất thủ, Luật Sư Trần Chánh Thành đã quyên sinh vì không muốn sống trong ngục tù CS, dầu chỉ trong một ngày.

Năm 1976, sau khi bị di chuyển từ trại cải tạo Long Thành trong Nam, Luật Sư Trần Văn Tuyên đã tử tiết tại trại cải tạo Hà Tây ngoài Bắc.

Đồng thời với Luật Sư Trần Văn Tuyên, vị thủ lãnh sau cùng của Luật Sư Đoàn Saigon, hai vị thủ lãnh sau cùng của Luật Sư Đoàn Huế là các Luật Sư Vũ Đăng Dung và Lý Văn Hiệp cũng lâm quốc nạn. Thũ Lãnh Lý Văn Hiệp bị kết án và giam giữ 12 năm tù về tội tuyên truyền chống chế độ. Thủ Lãnh Vũ Đăng Dung cũng bị giam giữ 6 năm tại trại cải tạo Xuân Lộc vì đã cùng Luật Sư Trần Danh San hoạt động trong Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam.

Đồng thời với việc ban hành Hiến Chương 77 tại Tiệp Khắc, ngày 23-4-1977, tại khuôn viên Nhà Thờ Đức Bà Saigon, Luật Sư Trần Danh San tuyên đọc bản "Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Người Việt Nam Khốn Cùng". Anh bị giam giữ 10 năm tại trại cải tạo cùng với các Luật Sư Nguyễn Hữu Giao và Trần Nhật Tân. Thủ Lãnh Vũ Đăng Dung cùng các Luật Sư Triệu Bá Thiệp và Vũ Hùng Cương bị giam 6 năm; Các Luật Sư Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Hữu Doãn bị giam 18 tháng. Từ 1975 Luật Sư Ca Sĩ Khuất Duy Trác đã bị giam 12 năm, 6 năm về tội "sĩ quan biệt phái", và 6 năm về tội tuyên truyền chống chế độ.

Trong số 14 luật sư bị đọa đày tù hãm, đến 1995, 6 vị đã ra người thiên cổ: Trần Văn Tuyên, Vũ Đăng Dung, Lý Văn Hiệp, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hữu Giao và Nguyễn Hữu Doãn.

KHI CÁC HIỀN NHÂN ĐỨNG RA GÁNH VÁC VIỆC ĐỜI

Tại Á Phi cũng vậy.

Từ Đông Nam Á qua Trung Đông và Bắc Phi, trong ba thập niên 1930, 1940 và 1950, có ít nhất 10 luật sư đã đứng ra lãnh đạo thành công phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

1. Tại Phi Luật Tân, đầu thập niên 1930, 2 Luật Sư Quezon và Roxas đến Hoa Thịnh Đốn vận động Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết thông qua Đạo Luật Tydings-McDuffie Act để ban hành quy chế tự trị cho Phi Luật Tân năm 1935. Đạo luật này ấn định ngày độc lập của Phi sau 10 năm tự trị, vào đúng ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ 4-7-1945. Tuy nhiên đến ngày đó Chiến Tranh Thái Bình Dương chưa kết thúc nên Phi Luật Tân chỉ được độc lập ngày 4-7-1946, trễ mất một năm vì lý do chiến cuộc. Luật Sư Roxas là vị Tổng Thống đầu tiên của nước Cộng Hòa Phi Luật Tân.

2. Tại Ấn Độ và Đại Hồi, ngay từ Thế Chiến Thứ Nhất, 3 Luật Sư Gandhi, Nerhu và Jinnah đã phát động đấu tranh ôn hòa không bạo động và không vọng ngoại (Quốc Tế Cộng Sản) để giành được chủ quyền độc lập năm 1947, hai năm sau Thế Chiến Thứ Hai.

3. Tại Mã Lai và Tân Gia Ba, 2 Luật Sư Abdul Rahman và Lý Quang Diệu cộng tác với Chính Phủ Hoàng Gia Anh để tảo thanh các toán phiến cộng theo Mao Trạch Đông, và đã giành được độc lập cho quốc gia trong những năm 1957 và 1959.

4. Tại Nam Dương, cùmg với Tổng Thông Sukarno và Phó Tổng Thống Hatta, Luật Sư Sjahrir, trong chức vụ thủ tướng, đã thương nghị với Chính Phủ Lao Đông Hòa Lan và giành được độc lập cho quốc gia vào cuối năm 1949

5. Tại Liban, người lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc là Luật Sư Dabbas. Ông từng du học tại Paris nên biết rõ chủ trương của Đảng Xã Hội Pháp (cũng như Đảng Lao Động Anh) là giải phóng lao động và giải phóng thuộc địa. Trong hai năm 1947 và 1948, Thủ Tướng Lao Động Anh Clement Attlee đã trả độc lập cho 5 nước Á Châu là Ấn Độ, Đại Hồi, Miến Điện, Tích Lan và Palestine. Trước đó, năm 1946, Thủ Tướng Xã Hội Pháp Leon Blum đã trả độc lập cho Liban và Syrie. Và 3 năm sau, năm 1949, Tổng Thống Xã Hội Pháp Vincent Auriol cũng trả độc lập cho 3 nước Đông Dương Việt, Miên, Lào.

6. Tại Bắc Phi, Luật Sư Bourguiba thành lập Đảng Tân Hiến Pháp Tunisie, giành được quyền tự trị năm 1946 và độc lập năm 1956. Cũng như Gandhi, phương châm hành động của Bourguiba là "độc lập do hợp tác và thương nghị" (với Pháp).

7. Tại Nam Phi, Luật Sư Nelson Mandela từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê để theo chủ nghĩa Dân Chủ Xã Hội, và đã hóa giải được nạn kỳ thị chủng tộc cho người dân được hành sử Quyền Dân Tộc Tự Quyết "mỗi người một lá phiếu".

Tổng kết lại, tại 12 nước Á Phi, bằng đường lối đấu tranh ôn hòa, bất bạo động, các nhà trí thức xuất dương du học tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hòa Lan đã trở thành những anh hùng giải phóng dân tộc, đấu tranh không bạo động để phát triển và duy trì truyền thống dân chủ xuất phát từ Âu Mỹ. Kinh nghiệm lịch sử cho biết, nơi nào các bậc hiền nhân đứng ra gánh vác việc đời, thì ở đó đất nước thanh bình và người dân có tự do hạnh phúc.

Và sau đây là một tài liệu lịch sử: Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Ủy Ban Luật Gia Việt Nam nhân danh những người Việt Nam khốn cùng. Bản này đã được tuyên đọc ngày 23-4-1977 tại khuôn viên Nhà Thờ Đức Bà Saigon.

TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN CỦA NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM KHỐN CÙNG

"Chúng tôi những người Việt Nam khốn cùng, với tàn lực còn lại và với tinh thần tàn phế , quyết đấu tranh bằng con đường bất bạo động để kêu gọi lương tâm nhân loại, các lực lượng của thế giới văn minh, hãy lắng nghe những lời cầu cứu thảm thiết của những kẻ hấp hối.

- Tàn lực vì chúng tôi ăn đói và sẽ chết đói.

- Tinh thần tàn phế vì chúng tôi không được sống và suy tưởng như con người.

Chúng tôi buộc phải cúi đầu khom lưng tung hô vạn tuế chủ nghĩa – một chủ nghĩa đã lỗi thời và chống lại con người. Mặc dầu vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục dùng ngôn ngữ con người để thức tỉnh bọn đao phủ mù quáng và tham tàn. Vì chỉ có con đường bất bạo động mới tránh khỏi các cuộc thảm sát huynh đệ tương tàn và khỏi làm nhơ bẩn tấm lòng trong trắng của những người Việt Nam khốn cùng.

- Hỡi các nông dân trên thế giới hãy hướng về Việt Nam – nơi mà người nông dân phải cực nhọc suốt ngày với bụng đói. Hoa màu của họ bị tịch thâu nhân danh quy luật duy vật sử quan. Con trâu sau khi cày còn được nghỉ, chứ người nông dân Việt Nam buộc phải theo dõi các buổi học tập nhồi sọ vô tận.

- Hỡi các công nhân trên thế giới, các bạn có thấu hiểu thân phận của những người công nhân Việt Nam không? Người công nhân Việt Nam phải theo chế độ "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ". Và ngày nghỉ họ buộc phải làm gấp đôi để dâng lên đảng, lên lãnh tụ, mồ hôi, máu và nước mắt của họ. Quyền thiêng liêng nhất của công nhân là quyền đình công, quyền này đã bị tước đoạt. Mọi ý kiến và hành động phản lại khuôn mẫu sắt của đảng đương nhiên bị coi là phá hoại, gián điệp.

- Hỡi các nhà truyền giáo, các khoa học gia, các triết gia, các văn nghệ sĩ, các trí thức, những ai đang tụng kinh hãy ngừng lại, những ai đang say mê nghiên cứu trong tháp ngà hãy tung cửa ra; những ai đang sáng tác với ngòi bút hãy bẻ gãy nó đi, tất cả hướng về Việt Nam – nơi mà chùa và nhà thờ đã biến thành hội trường để tuyên truyền chính trị - nơi mà các định luật khoa học bị móp méo để thỏa mãn chủ nghĩa – nơi mà các văn nghệ sĩ chỉ còn một việc duy nhất là tung hô Nhà Nước theo lệnh của Đảng.

Các vị, và các vị hơn ai hết, đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho Lòng tin, Sự thật, Công lý, Hòa bình và Tiến bộ. Các vị không có thể làm ngơ quay lưng lại thảm họa Việt Nam trong đó có con người Việt Nam khốn cùng đang bị đày đọa trong xác thịt và câu thúc trong tinh thần. Thảm trạng này là do một thiểu số - bọn đảng viên và tay sai của chúng – muốn áp lên dân tộc khốn cùng này những ảo mộng điên khùng nhất, quỉ quái nhất mà nhân lọai chưa từng thấy. Các lực lượng văn minh trên thế giới hãy đứng dậy. Không còn chờ đợi gì nữa"!

Saigon ngày 23-4-1977

Luật Sư Trần Danh San Luật Sư Triệu Bá Thiệp


VÌ SAO CHÚNG TÔI TRANH ĐẤU

- "Chúng tôi đấu tranh để trả lại nụ cười cho trẻ thơ, các cơn đói đã giết chết nụ cười hồn nhiên của chúng. Chúng phải nói dối để cha mẹ chúng thoát khỏi các cuộc tra vấn của công an.

- Chúng tôi đấu tranh để giành lại sự ấm cúng kín đáo của gia đình. Nay, thay thế vào đó là các buổi sinh hoạt tập thể căn cứ trên nguyên tắc phê và tự phê để buộc chúng tôi phải lên án nhau. Thực chất của nó là Tòa Án Nhân Dân thu nhỏ, diễn ra hàng ngày dưới sự chủ tọa của công an khu phố.

- Chúng tôi đấu tranh để khỏi phải bị chứng kiến thảm trạng trong đó tiếng nói con người đã biến thành sự rên xiết vì sợ hãi và đói khổ. Quyền cuối cùng của con người là quyền than thân trách phận. Quyền này cũng bị tước đoạt vì làm như vậy có nghĩa là mất tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ riêng điều này cũng đủ để tống giam chúng tôi.

- Chúng tôi buộc phải đấu tranh vì đảng Cộng Sản Hà Nội buộc chúng tôi phải chấp nhận cái không thể chấp nhận được, bắt chúng tôi phải chịu đựng cái không thể chịu đựng được.

- Chúng tôi đấu tranh để giành lại hoa màu cho nông dân vì hoa màu của họ bị tịch thâu. Đó là cách duy nhất để thực hiện kế hoạch của Nhà Nước và tuân hành chỉ thị của Đảng. Nếu người nông dân muốn xin lại một phần ít, họ phải chứng tỏ là tín đồ trung thành của tôn giáo mới "Mácxít – Lêninít".

- Chúng tôi đấu tranh để giải phóng người công nhân. Họ phải thi hành chế độ "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ". Trong khi đó lương của họ bị cắt giảm qua các phong trào được gọi là "Thi đua Xã Hội Chủ Nghĩa".

- Chúng tôi đấu tranh cho các tu sĩ bị kết án là "con buôn thuốc phiện". Vì chủ nghĩa cộng sản coi tôn giáo là thuốc phiện của dân chúng.

- Chúng tôi đấu tranh cho các người đang bị giam trong các trại tập trung cải tạo, mà nạn nhân đầu tiên là các trí thức. Tội duy nhất của họ là muốn được sống và suy tưởng theo như Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Là những con người và là con người Việt Nam, chúng tôi muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc và thế giới, muốn thưởng thức văn học nghệ thuật nước nhà và các nền văn minh khác. Chúng tôi chỉ làm được điều này nếu có sự cho phép của cơ quan kiểm duyệt của đảng. Chúng tôi buộc phải tuân theo chính sách hộ khẩu. Mọi vi phạm sẽ đưa đến việc cắt hộ khẩu . Điều đó có nghĩa là chết đói. Để đổi lấy thẻ hộ khẩu, chúng tôi buộc phải sống trong tình trạng quản thúc, mọi di chuyển đều bị kiểm soát. Đó chính là bản chất của chính sách hộ khẩu.

Chính vì vậy, chúng tôi phải đấu tranh. Chúng tôi đấu tranh để bênh con người và các quyền bất khả xâm phạm của con người. Chúng tôi đấu tranh để giành lại sự tươi mát của tương lai.

Saigon ngày 23-4-1977

Luật Sư Trần Danh San Luật Sư Triệu Bá Thiệp



THÁNG 4-1980: NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI ĐÒI PHÓNG THÍCH TÙ CẢI TẠO

Trong Mùa Quốc Hận tháng 4-1980, tại tiền đình Tòa Thị Chính San Francisco, nhân danh Hội Luật Gia Việt Nam tại California, Luật Sư Nguyễn Hữu Thống đọc bản Thông Điệp Ngày Quốc Hận gởi Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Trong chuyến công du và thăm viếng đồng bào tại Thái Lan, trước thái độ tránh né của Phạm Văn Đồng muốn ném bùn sang ao, Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Nước đã trả lời câu chất vấn của báo Bangkok Tribune về việc Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt giam trái phép tại các trại cải tạo hàng trăm ngàn trí thức văn nghệ sĩ, quân nhân, công chức và cán bộ Việt Nam Cộng Hòa trong 5 năm vừa qua. Trong phần giải đáp, Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ ngụy biện rằng: "Những phần tử ngụy quân ngụy quyền này đáng lẽ đã bị thanh toán đồng loạt. Tuy nhiên do chính sách khoan hồng của Đảng và Chính Phủ, chúng tôi chỉ tập trung họ trong các trại cải tạo để giáo dục họ về đường lối chính sách quốc gia thay vì phải thẳng tay trừng trị".

Để phản bác luận điệu ngoan cố này, Luật Sư Nguyễn Hữu Thống tuyên đọc bản Thông Điệp Ngày Quốc Hận 1980 để cảnh giác Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ, về một số nguyên tắc pháp lý căn bản được coi là nền tảng tổ chức và sinh hoạt tại các quốc gia văn minh trên thế giới.

Đó là quyền của người dân được suy đoán là vô tội, quyền không bị tra tấn hành hạ, quyền được tỵ nạn chính trị và quyền tự do xuất ngoại.

1. QUYỀN ĐƯỢC SUY ĐOÁN LÀ VÔ TỘI

"Theo Điều 11 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, mọi người đều được quyền suy đoán vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai tại tòa án với đầy đủ bảo đảm cho quyền biện hộ.

Không ai có thể bị giam giữ và lưu đầy về một tội hình sự do những điều đã làm, nếu những điều này không cấu thành tội hình sự chiếu luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế. [Luật pháp quốc tế là những nguyên tắc luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc như Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị do Liên Hiệp Quốc biểu quyết thông qua năm 1966 và có hiệu lực chấp hành từ năm 1976].

"Đã từng hành nghề, Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ chưa thể quên nguyên tắc suy đoán vô tội của người dân. Quyền này phải được áp dụng cho hàng trăm ngàn quân-cán-chánh và trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Từ 1975, những người này không phạm tội hình sự nào nên không thể bị bắt giam, và làm lao động khổ sai để đọa đày thân xác tại các trại cải tạo. Trong chiến tranh vừa qua, họ chỉ tự vệ chính đáng khi thi hành nghĩa vụ công dân để bảo vệ đất nước và chế độ Cộng Hòa Dân Chủ chống chiến tranh xâm lược do phe Quốc Tế Cộng Sản phát động qua Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Ngày nay, vì địa vị và không tưởng nên lãng quên nguyên tắc này, Luật Sư Thọ là kẻ lầm đường lạc lối đã phản bội lời tuyên thệ khi gia nhập Luật Sư Đoàn Saigon, cam kết thượng tôn Luât Pháp, bảo vệ Công Lý và Nhân Quyền cùng những nguyên tắc hành nghề căn bản của người luật sư như Chính Trực, Vô Tư và Ôn Hòa.

2. QUYỀN KHÔNG BỊ TRA TẤN, GIAM GIỮ VÀ LƯU ĐẦY ĐỘC ĐOÁN

"Chiếu Điều 1 và Điều 5 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mọi người sinh ra tự do và bình đẳng, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái. Mọi người đều có quyền tự do thân thể và an ninh thân thể. Không ai có thể bị tra tấn hành hạ và bắt giam độc đoán. Không ai có thể bị câu thúc, lưu đầy hay hành quyết nếu không có bản án chung thẩm xác nhận tội trạng. Những quyền này phải được áp dụng cho các tù nhân chính trị Việt Nam Cộng Hòa mệnh danh là tù cải tạo.

"Giữa thập niên 1860, khi cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ kết thúc, những người thắng trận Miền Bắc đã không bắt giam, hành hạ, nhục mạ hay tước đoạt tự do, tài sản của đồng bào thất trận Miền Nam.

3. QUYỀN TỴ NẠN CHÍNH TRỊ VÀ QUYỀN TỰ DO XUẤT NGOẠI

"Chiếu Điều 14 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền: "Khi bị đe dọa đàn áp, về chính trị, người dân có quyền tìm nơi tỵ nạn, và được hưởng quyền tỵ nạn tại các quốc gia khác".

"Hơn nữa chiếu Điều 13 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền: "Ai cũng có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong lãnh thổ quốc gia. Ai cũng có quyền xuất ngoại và hồi hương". Đây là những quyền bất khả xâm phạm của con người.

"Ngày nay Chính Phủ Hà Nội đã trắng trợn vi phạm những quyền tự do căn bản nói trên bằng cách tước đoạt quyền tỵ nạn của các tù cải tạo, và quyền tự do xuất ngoại của hàng trăm ngàn thuyền nhân vượt biển đã phủ nhận cái sống để cầm cái chết ra đi.

"Hơn nữa hàng chục ngàn tù cải tạo có thân nhân tại hải ngoại, đã hoàn tất thủ tục đoàn tụ gia đình, nhưng hồ sơ của họ vẫn bị Nhà Nước ếm nhẹm hay bác bỏ vô cớ.


VÌ NHỮNG LÝ DO NÓI TRÊN

"Chúng tôi, Hội Luật Gia Việt Nam tại California gồm 106 hội viên, bằng Thông Điệp này, long trọng cảnh giác Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về các nguyên tắc pháp lý và đạo lý nêu trên. Đồng thời khuyến cáo Luật Sư Nguyễn HữuThọ hãy dùng thẩm quyền, nếu có, của mình để:

1. Tôn trọng Quyền Sống, Quyền Tự Do Thân Thể và An Ninh Thân Thể của người dân bằng cách Phóng Thích Tất Cả Các Tù Nhân Chính Trị hiện đang bị giam giữ và lưu đầy độc đoán trong các trại lao động khổ sai mệnh danh là trại cải tạo.

2. Tôn trọng Quyền Tỵ Nạn Chính Trị và Quyền Tự Do Xuất Ngoại để các tù nhân chính trị được đoàn tụ với các thân nhân tại quốc ngoại qua Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thiết lập và bảo trợ.

Cựu Kim Sơn ngày Chủ Nhật 27 tháng 4, 1980

Hội Luật Gia Việt Nam tại California


Bản Thông Điệp Ngày Quốc Hận1980 đã được thông tri cho các chính giới Hoa Kỳ và các đài truyền thanh quốc tế như BBC

Ngày 20-7-1979, 46 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc trong đó có Việt Nam đã tham dự "Hội Nghị Quốc Tế Thứ Nhất Về Những Người Tỵ Nạn Đông Dương" do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc triệu tập tại Geneva (UNHCR: United Nations High Commissioner for Refugees). Trước đó ngày 30-5-1979, Chính Phủ Hà Nội đã ký với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc Bản Cương Lĩnh Thỏa Ước về Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự ODP, cam kết tôn trọng quyền xuất cảnh của các tù cải tạo Việt Nam đã được phóng thích để được đoàn tụ với gia đình tại hải ngoại.

Bốn năm sau Bản Thông Điệp Ngày Quốc Hận 1980 của Hội Luật Gia, năm 1984 Tổng Thống Reagan cũng tố cáo Chính Phủ Hà Nội đã bắt giam độc đoán các tù nhân chính trị Việt Nam, đồng thời yêu cầu Hà Nội phóng thích tất cả các tù cải tạo còn bị giam giữ để họ được xuất cảnh và tái định cư tại Hoa Kỳ.

Ngày 30-7-1989, tại Hà Nội, Hoa Kỳ và Việt Nam ký Hiệp Ước để cho phép các cựu tù nhân chính trị lập thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ trong Chiến Dịch Nhân Đạo HO (Humanitarian Operation). Đây là một chương trình đặc biệt hay một thành phần của Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (Special Program or Orderly Departure Subprogram).

Tuy nhiên Nhà Cầm Quyền Hà Nội đã kiếm cớ trì hoãn thi hành Chương Trình ODP bằng cách không cấp chiếu khán xuất ngoại (exit permit) hay không cho phỏng vấn một số tù cải tạo mà họ liệt vào thành phần "nguy hiểm cho chế độ"(potentially dangerous to the system). Ngoài ra, các cán bộ thừa hành còn vận dụng mọi thủ thuật tham nhũng và hối mại quyền thế để tước đoạt nhà cửa của tù cải tạo.

Do đó ngày 23-7-1991, Hội Luật Gia Việt Nam đã lên tiếng phản kháng những hành động phi nhân và phi pháp này.


THÁNG 7-1991: ĐÒI LẠI NHÀ CỬA CỦA TÙ CẢI TẠO

"Chúng tội được biết một số cựu tù nhân chính trị Việt Nam được phép xuất cảnh sang Hoa Kỳ theo Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự đã bị nhà cầm quyền địa phương tước đoạt nhà cửa, viện lẽ họ thuộc thành phần nguy hiểm cho chế độ.

"Bị liệt vào thành phần nguy hiểm cho chế độ là các cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ cấp thiếu tá, các cựu sĩ quan cảnh sát quốc gia từ cấp trung úy và các viên chức hành chánh từ cấp trưởng ty, chủ sự v..v….

"Quyết định này đi ngược lại Quyết Định ngày 25-4-1989 của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, theo đó "chỉ có tòa án mới có thẩm quyền truyền tịch thâu nhà cửa của các bị cáo bị truy tố và kết án về tội xuất cảnh bất hợp pháp".

Hiện nay có hàng ngàn cựu tù nhân chính trị được phép xuất cảnh sang Hoa Kỳ đã bị các cán bộ Cộng Sản tước đoạt nhà cửa viện cớ họ thuộc thành phần nguy hiểm cho chế độ.

"Ngoài ra, một số thẩm phán cấp trung ương và địa phương cũng bị "đồng hóa" với các sĩ quan cấp tá, và đã bị cưỡng bách ký ủy quyền trao nhà cửa cho nhà nước quản lý.

"Trong khi đó một số cựu tù nhân chính trị khác đã bị làm khó dễ trong thủ tục xuất cảnh và thủ tục chứng minh quyền sở hữu, để rốt cuộc phải bán nhà rẻ mạt cho các cán bộ Cộng Sản để được ra đi đúng kỳ hạn.

"Đây hiển nhiên là những hành vi cưỡng đoạt tài sản do một số cán bộ cộng sản muốn chiếm hữu vô thường nhà cửa của tù cải tạo.

"Những hành vi này chứng tỏ nhà cầm quyền Hà Nội vẫn không từ bỏ chính sách trả thù và kỳ thị đối với những người Quốc Gia đã chiến đấu vì tự vệ chính đáng.

"Vả lại, chính sách cai trị bằng thông tư, chỉ thị và quyết định hành chánh thay đổi theo nhu cầu giai đoạn, thay vì bằng các đạo luật có tính tổng quát, phổ biến và liên tục. Hành động này vi phạm nguyên tắc Dân Chủ Pháp Trị và An Toàn Pháp Lý.

Vì những lý do nêu trên, bằng văn thư này, Hội Luật Gia Việt Nam:

1. Phản kháng Nhà Cầm Quyền Hà Nội về những vụ vi phạm quyền tư hữu, vi phạm nhân quyền và dân quyền của các tù nhân chính trị Việt Nam.

2. Phản kháng chính sách trả thù, kỳ thị của Nhà Cầm Quyền Hà Nội đối với các tù nhân chính trị Việt Nam. Chính sách này vẫn được thi hành mặc dầu từ nhiều năm nay họ không ngừng cổ võ "hòa giải dân tộc và xóa bỏ hận thù".

3. Phản kháng chính sách cai trị tiền hậu bất nhất của Nhà Cầm Quyền Hà Nội trong việc ban hành thông tư, chỉ thị và quyết nghị theo nhu cầu giai đoạn; thay vì bằng các đạo luật. Chính sách này vi phạm những nguyên tắc về Dân Chủ Pháp trị và An Toàn Pháp Lý.

Làm tại California ngày 23-7-1991

Hội Luật Gia Việt Nam tại California


THÁNG 6-1975: CỘNG SẢN VỪA ĐÁNH VỪA ĐÀM

Trở lại thời điểm 1975, hai tháng sau khi cướp được chính quyền tại Miền Nam, Cộng Sản áp dụng sách lược Vừa Đánh Vừa Đàm. (hay vừa đánh vừa đòi)

Theo sách lược này Cộng Sản đánh trí thức văn nghệ sĩ và quân cán chánh Việt Nam Cộng Hòa và đã giam giữ độc đoán hàng trăm ngàn người tại các trại cải tạo.

Tại các trung tâm đô thị, Cộng Sản đánh tư sản trong chính sách "cải tạo công thương nghiệp" để tịch thâu các cơ sở kinh doanh thương mại và các xí nghiệp công kỹ nghệ của người dân thành phố.

Tại nông thôn, Cộng Sản đánh nông dân trong chính sách "hợp tác hóa nông nghiệp" để tước đoạt ruộng đất của tư nhân và đầy ải người dân trong các nông trường tập thể mệnh danh là "vùng kinh tế mới".

Song song với chiến dịch đánh chiếm, Cộng Sản phát động chiến dịch hòa đàm để yêu sách và đòi hỏi.

Tháng 6-1975, tại Diễn Đàn Quốc Hội, Phạm Văn Đồng đưa hai đề nghị đòi Chính Phủ Hoa Kỳ:

- Thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội

- Thực hiện lời cam kết của Tổng Thống Nixon hứa trả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 3.3 tỉ mỹ kim để tái thiết hậu chiến chiếu Hiệp Định Paris 1973.

Những đề nghị này đáng bị bác bỏ vì vô căn cứ.

1. Đòi thiết lập bang giao là một cách nói để xin Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh thừa nhận chính phủ Cộng Sản. Yêu sách này đi trái truyền thống đạo lý và chính sách ngoại giao cố hữu của Hoa Kỳ áp dụng từ đầu thập niên 1930. Chiếu Chủ Thuyết Stimson, Hoa Kỳ không thừa nhận các quốc gia hay các chính phủ thiết lập bằng xâm lăng võ trang, thay vì bằng đường lối hòa bình do tổng tuyển cử tự do chiếu Nguyên Tắc Dân Tộc Tự Quyết.

Chấp hành Chủ Thuyết Stimson, năm 1931 khi Nhật Bản dùng võ lực đưa Phổ Nghi lên làm vua tại cái gọi là "Mãn Châu Quốc", Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh Anh, Pháp đã không thừa nhận nước Mãn Châu và Chính Quyền Phổ Nghi.

Trong trường hợp Hoa Kỳ thừa nhận Chính Phủ Hà Nội 2 tháng sau khi Cộng Sản xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa bằng võ lực, thì chẳng khác nào Hoa Kỳ xác nhận rằng năm 1975 Cộng Sản Bắc Việt đã thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hòa bình chứ không phải bằng xâm lăng võ trang. Như vậy có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ đồng lõa với Bắc Việt để ngụy biện rằng Cộng Sản không vi phạm Hiệp Định Paris 1973.

Cũng chiếu theo Chủ Thuyết Stimson, Hoa Kỳ không thừa nhận Chính Phủ Mao Trạch Đông sau khi Trung Cộng thôn tính võ trang lục địa Trung Hoa năm 1949. Cũng vì vậy Hoa Kỳ và đồng minh đã không cho Bắc Kinh tham dự Hội Nghị San Francisco 1951 để ký hòa ước tái thiết Nhật Bản.

2. Trong bài tường trình tại Quốc Hội, Phạm Văn Đồng viện dẫn Điều 21 Hiệp Định Paris 1973 để yêu cầu Hoa Kỳ thực thi lời cam kết của Tổng Thống Nixon hứa "trả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 3.3 tỉ mỹ kim để tái thiết Bắc Việt".

Đó là điều xuyên tạc.

Thật vậy, chiếu Điều 15 Hiệp Định Paris 1973 "sự thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở thương nghị và thỏa hiệp giữa Miền Bắc và Miền Nam, không bên nào cưỡng ép bên nào, không bên nào thôn tính bên nào, thời gian thống nhất sẽ do hai Miền Nam Bắc Việt Nam đồng thỏa thuận"(theo nguyên tắc nhất trí)

Nếu Điều 15 Hiệp Định Paris được thi hành nghiêm chỉnh thì Điều 21 mới có thể được viện dẫn.

Trái với lời xuyên tạc của Phạm Văn Đồng, Điều 21 minh thị qui định như sau:

"Sau một thời gian hòa giải với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng như với các dân tộc ở Đông Dương, theo chính sách truyền thống, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết hậu chiến tại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và trên toàn cõi Đông Dương".

Truyền thống hòa giải thân thiện này được xây dựng từ sau Thế Chiến II với Kế Hoạch Marshall 1947 để tái thiết hậu chiến Âu Châu. Kế hoạch này áp dụng chẳng những cho các quốc gia đồng minh như Anh, Pháp, mà còn cho các quốc gia thất trận như Đức, Ý v...v…

Theo tinh thần và bản văn Điều 21 "Sau khi Hiệp Định Paris 1973 được thi hành nghiêm chỉnh (và không bị vi phạm thô bạo bằng xâm lăng võ trang) Hoa Kỳ mong rằng sẽ có một giai đoạn hòa giải giữa các quốc gia tham chiến, và Hoa Kỳ sẽ góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh tại Đông Dương". ( gồm hai nước Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao).

Theo giới am hiểu, đầu thập niên 1970, Tổng Thống Nixon hứa sẽ viện trợ tái thiết Nam Việt 1 tỉ, Bắc Việt 1 tỉ và Miên, Lào mỗi nước 500 triệu mỹ kim, tổng cộng 3 tỉ mỹ kim (chứ không phải 3.3 tỉ mỹ kim như Phạm Văn Đồng cố ý lầm tưởng).

Dầu sao lời cam kết tái thiết 3 tỉ mỹ kim nếu có cũng không được qui định thành văn trong Hiệp Định Paris 1973. Do đó Hoa Kỳ không có nghĩa vụ pháp lý phải thi hành một lời hứa bên lề hội nghị.

Trong mọi trường hợp, vì Bắc Việt đã vi phạm thô bạo Điều 15 Hiệp Định Paris bằng xâm chiếm võ trang thay vì bằng đường lối hòa bình, nên họ không có quyền viện dẫn Điều 21 để đòi Hoa Kỳ phải tái thiết hậu chiến riêng cho Bắc Việt là kẻ đã xé bỏ Hiệp Định Paris hai năm sau khi Hiệp Định còn chưa ráo mực!

Dầu sao, về mặt pháp lý, nếu quả thật có nghĩa vụ tái thiết Bắc Việt thì nghĩa vụ này cũng đã bị giải tiêu chiếu nguyên tắc "Nghĩa Vụ Đồng Bất Thi Hành" (Exceptio Non Adimpleti Contractus).

Theo luật pháp phổ thông, thí dụ một người kết ước hứa bán một chiếc xe nhưng lại không giao xe cho người hứa mua, thì chiếu nguyên tắc "nghĩa vụ đồng bất thi hành", người hứa mua cũng không phải trả tiền mua xe cho người hứa bán.

Vì phe Phạm Văn Đồng đã không thi hành nghiêm chỉnh Điều 15 Hiệp Định Paris nên ông ta không có quyền viện dẫn Điều 21 yêu sách Hoa Kỳ bồi thường chiến tranh 3.3 tỉ mỹ kim cho Bắc Việt. Đây đúng là lý sự cùn của kẻ vừa đánh trống vừa ăn cướp!


PHÓNG THÍCH VÀ TÁI ĐỊNH CƯ TÙ CẢI TẠO: TỪ ODP ĐẾN H.O.

Với Hiệp Định Geneva 1954 chia đôi lãnh thổ, trong thời hạn 300 ngày hơn 1 triệu đồng bào Miền Bắc đã di tản vào Miền Nam trên những con tàu do chính phủ Quốc Gia Việt Nam cung cấp. Đây là một hình thức di tản hay Ra Đi Có Trật Tự.

Với sự tháo chạy của đồng minh tại Việt Nam, năm 1975, phong trào vượt biển bỏ nước ra đi đã diễn ra kinh hoàng và thê thảm trong một phần tư thế kỷ.

Theo cuốn Wikipedia số tháng 4-2011, trong hơn một phần tư thế kỷ, từ cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 2000, tổng số các "thuyền nhân vượt biển" (boat people) là 2 triệu người trong đó hơn 500 ngàn người đã bỏ xác dưới đại dương.

Về mặt trách nhiệm Việt Cộng là chánh phạm. Hoa Kỳ cũng có mặc cảm phạm tội vì đã rũ áo ra đi sau khi lôi kéo Việt-Miên-Lào vào Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai. Nhân loại văn minh vô cùng xúc động về những thảm họa chết chóc của hàng chục triệu con người tại Đông Nam Á.

Vấn đề thuyền nhân vượt biển là một vấn đề quốc tế đòi hỏi một giải pháp quốc tế.

Chính Phủ Hà Nội bị lên án nặng nhất vì đã gây tai họa vô lường cho 3 nước Đông Dương. Những mục tiêu giải phóng dân tộc và giải phóng thuộc địa chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền dối trá nhằm cướp chính quyền và bành trướng chủ nghĩa bá quyền tại Đông Dương.

Để lấp liếm tội ác, Hà Nội buộc lòng phải chấp nhận những chương trình kế hoạch của Liên Hiệp Quốc nhằm xoa dịu vết thương của các thuyền nhân vượt biển.

Do đó, ngày 30-5-1979, Hà Nội đã ký với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc Bản Cương Lĩnh Thỏa Ước về Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (Memorandum of Understanding of an Orderly Departure Program).

Và 2 tháng sau, tháng 7-1979, Hội Nghị Quốc Tế Thứ Nhất về Những Người Tỵ Nạn Đông Dương thiết lập Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP) dưới sự điều hành và phối hợp của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, với sự tham gia của 30 quốc gia sẵn sàng tiếp cứu những người tỵ nạn Đông Dương.

Theo Chương Trình ODP Hà Nội phải chấp thuận cho xuất cảnh những ai muốn bỏ Việt Nam đi định cư tại các quốc gia khác vì lý do nhân đạo hay để đoàn tụ gia đình. Đối tượng quan trọng nhất là hàng trăm ngàn tù nhân chính trị đang bị giam giữ và lưu đầy tại các trại lao động khổ sai và lao động cưỡng bách mệnh danh là trại cải tạo.

Đây là việc chẳng đặng đừng. Vì Hà Nội đã được gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1977 nên có nghĩa vụ phải tôn trọng Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, theo đó ai cũng có quyền tỵ nạn chính trị trong trường hợp bị đe dọa khủng bố. Điển hình là hàng trăm ngàn tù cải tạo hiện đang bị giam giữ đàn áp từ tháng 6-1975.

Và, ngày 20-7-1979, với sự tham dự của 46 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc (trong đó có Việt Nam), Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thiết lập Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP: Orderly Departure Program). Theo phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hơn 160 ngàn người Việt Nam sẽ có cơ hội được xuất cảnh mà không phải lủi trốn ra đi để chịu biết bao khổ ải với bão tố, hải tặc và kình ngư.

Mặc dầu vậy đến năm 1989, nghĩa là sau một thập niên, chỉ có khoảng 75 ngàn người đi theo diện ODP. Và trong thời gian này vẫn có hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ nước ra đi trên những con thuyền cũ kỹ chở quá tải. Có tàu chở tới 400 thuyền nhân vượt biển trong cuộc hành trình vượt 240 cây số về phía Đông để tới đường thủy đạo của các thương thuyền quốc tế.

[Ngày 1-5-1975 người viết bài này được xung vào ban truyền tin trên Con Tàu Định Mệnh Trường Xuân với gần 4 ngàn thuyền nhân vượt biển (4 người 1 thước vuông). Tàu hỏng máy do đặc công phá hoại nên không thể vượt quá 5 hải lý và Thuyền Trưởng Phạm Ngọc Lũy phải cho tàu trôi theo ven bờ biển vể phía Mã Lai, Tân Gia Ba. Sau 3 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển cả, ngày 3 tháng 5, Tàu Trường Xuân được một chiếc tàu Đan Mạch kéo về hải cảng Hồng Kông].

Như vậy Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự thiết lập năm 1979 đã không hoàn thành nhiệm vụ. Vì Hà Nội tìm mọi cách khước từ không cấp chiếu khán xuất cảnh cho các tù cải tạo. Và số thuyền nhân vượt biển vẫn đông gấp 3 lần số người tỵ nạn theo diện ODP.

Do đó 10 năm sau, tháng 6-1989 Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc lại, một lần nữa, triệu tập Hội Nghị Quốc Tế về Những Người Tỵ Nạn Đông Dương để thúc đẩy các quốc gia tham dự Hội Nghị Thứ Nhất, đặc biệt là Việt Nam, phải bằng mọi cách phát triển ODP nhằm đạt được mục tiêu tối hậu là bảo đảm sự di tản của những người tỵ nạn theo diện ODP dưới 3 hình thức:

1. Qua hệ thống thông thường tại Sở Di Trú Bộ Tư Pháp bằng đơn thỉnh nguyện (mẫu I-130) do các thân nhân tại quốc ngoại yêu cầu cho người tỵ nạn được đoàn tụ gia đình theo qui chế di dân (Immigrant).

2. Qua hệ thống ODP (như US ODP) giới thiệu với Hà Nội danh sách các cựu tù cải tạo được phép đến Sở Di Trú (Hoa Kỳ tại Bangkok) để được hưởng qui chế tỵ nạn và trở thành người di cư (Refugee).

3. Trong trường hợp đương sự không hội đủ tư cách tỵ nạn chính trị, Bộ Tư Pháp thường vẫn cho nhập cảnh với tư cách "tạm dung vì lý do lợi ích công cộng" (P.I.P: Public Interest Parole).

Trong 10 năm từ tháng 7-1979, Chính Phủ Hoa Kỳ đã kiên nhẫn và mềm dẻo thúc đẩy Nhà Cầm Quyền Hà Nội thi hành nghiêm chỉnh Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự cho người tỵ nạn được xuất cảnh dưới danh nghĩa di cư hay di dân.

Tuy nhiên từ đầu năm 1986 đến giữa năm 1989, Hà Nội kiếm cớ khước từ không phỏng vấn và cũng không cấp chiếu khán xuất ngoại cho những người tỵ nạn. Lý do là vì họ muốn nhắc lại lời yêu cầu của Phạm Văn Đồng đòi thiết lập bang giao và đòi 3.3 tỉ mỹ kim tái thiết hậu chiến.

Ba năm sau, ngày 30-7-1989 Hà Nội ký Thỏa Ước với Hoa Kỳ để thúc đẩy và phát triển Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP) bằng Chiến Dịch Nhân Đạo (HO: Humanitarian Operation). Cho các cựu tù cải tạo và gia đình được xuất cảnh và tái định cư tại Hoa Kỳ theo lời yêu cầu của Tổng Thống Reagan năm 1984.

Sở dĩ Hà Nội phải thay đổi chính sách vì có sự thay đổi về tình hình chính trị quốc nội và quốc tế:

1. Tháng 12-1978 Bắc Việt đem quân xâm chiếm Căm Bốt và chiếm đóng nước này trong 10 năm.

2. Tháng 2-1979, để tranh chấp bá quyền, Trung Cộng đem quân chiếm đóng 6 tỉnh biên giới Việt Hoa (tấn công từ Lạng Sơn và Lao Cai).

3. Năm 1984 Tổng Thống Reagan lên án sự bắt giam các quân-cán-chánh Việt Nam Cộng Hòa, đòi Hà Nội phải phóng thích tất cả các tù nhân chính trị và cho họ được xuất cảnh và tái định cư tại Hoa Kỳ.

4. Năm 1985 Tổng Bí Thư Gorbachev đưa ra chính sách cải tổ kinh tế và chính trị. Từ đó Liên Xô không còn chủ tâm duy trì Bức Màn Sắt tại Đông Âu trong Khối Minh Ước Warsaw. Thất bại trong Chiến Tranh Tinh Cầu (Star War), Mạc Tư Khoa khởi sự rút quân khỏi A Phú Hãn.

5. Năm 1986 Việt Nam lâm vào tình trạng phá sản về kinh tế. Và về chính trị, chế độ nghiêng ngả bên bờ vực thẳm. Không còn ảo tưởng về sự yểm trợ của Nga-Hoa, Hà Nội phải hướng về các quốc gia dân chủ trong Liên Hiệp Quốc đặc biệt là Hoa Kỳ.

Cũng vì vậy, phỏng theo mô hình của Gorbachev, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh cũng đề ra chủ trương Đổi Mới về kinh tế và mềm dẻo về ngoại giao.

6. Năm 1988, Hà Nội tuyên bố chấp thuận cho các cựu tù nhân chính trị được xuất cảnh và tái định cư tại nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Năm 1987, Tướng John Vessey đại diện Tổng Thống Reagan, và năm 1989, Thứ Trưởng Ngoại Giao Lawrence Eagleburger đại diện Tổng Thống Bush đã tiếp sức cho Phụ Tá Thứ Trưởng Ngoại Giao kiêm Giám Đốc Sở Tỵ Nạn Robert Funseth đẩy tới việc ký kết Thỏa Ước Mỹ-Việt để phóng thích các tù cải tạo và cấp giấy xuất cảnh để họ được định cư tại Hoa Kỳ cùng với gia đình.

7. Tháng 6-1989 Hội Nghị Quốc Tế về Những Người Tỵ Nạm Đông Dương ban hành Kế Hoạch Hành Động Toàn Bộ (CPA: Comprehensive Plan of Action) để đốc thúc và khai triển Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự ODP.

Trong phiên họp khai mạc Hội Nghị ngày 13-6-1989, Lawrence Eagleburger than phiền việc Hà Nội không thi hành nghiêm chỉnh Chương Trình ODP, không cấp chiếu khán xuất ngoại và không phỏng vấn tù cải tạo. Ngoài ra từ 1986 họ thường xuyên kiếm cớ đình chỉ thương nghị. [Để áp lực Hoa Kỳ phải thỏa mãn những yêu sách của họ].

Trong dịp này Lawrence Eagleburger nhắn nhủ Hà Nội 3 điều:

1. Phải nhận trách nhiệm cải tiến dân sinh và thực thi nhân quyền bằng những cải cách cần thiết về kinh tế, xã hội và chính trị cho người dân Việt Nam.

2. Thi hành nghiêm chỉnh Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự ODP và cho xuất cảnh mỗi tháng 6 ngàn người tỵ nạn Đông Dương hay 72 ngàn người một năm.

3. Thi hành nghiêm chỉnh Kế Hoạch Hành Động Toàn Bộ (CPA) ban hành ngày 14-6-1989, đặc biệt tôn trọng quyền tự do xuất ngoại của các tù cải tạo Việt Nam. (Kế Hoạch CPA còn đề cập đến nghĩa vụ của Hà Nội phải rút quân khỏi Căm Bốt sau 10 năm chiếm đóng. Và phải đái công chuộc tội và làm hết sức mình để người dân Căm Bốt được hưởng Quyền Dân Tộc Tự Quyết, đồng thời với sự giải thể chế độ cộng sản rừng rú Khmer Đỏ. Có như vậy Hoa Kỳ mới thảo luận về việc thiết lập bang giao với Hà Nội. Vấn đề tái thiết Đông Dương chưa thể đặt ra vào thời điểm này).

45 ngày sau, phỏng theo Kế Hoạch Hành Động Toàn Bộ, hai Chính Phủ Mỹ-Việt ký Hiệp Ước ngày 30-7-1989 cho các cựu tù cải tạo và gia đình được xuất cảnh để tái định cư tại Hoa Kỳ vì lý do nhân đạo.

Như vậy HIỆP ƯỚC VIỆT-MỸ NGÀY 30-7-1989 ĐÃ BỔ TÚC CHƯƠNG TRÌNH RA ĐI CÓ TRẬT TỰ (ODP) BẰNG CHIẾN DỊCH NHÂN ĐẠO (HO: HUMANITARIAN OPERATION).

H.O là một Chương Trình Đặc Biệt (Special Program) hay một thành phần của ODP (Subprogram). Được nhận vào danh sách H.O là các tù cải tạo đã bị giam giữ từ 3 năm trở lên. Cũng có tư cách H.O. để được xuất cảnh và tái định cư tại Hoa Kỳ nếu bị giam 1 năm tù cải tạo và được tu nghiệp tại Hoa Kỳ, hay đã cộng tác 1 năm với một cơ quan công quyền hay tư nhân Hoa Kỳ.

(Humanitarian Operation HO was set up to benefit former South Vietnamese who were involved in the former regime or worked for the US. They were to be allowed to immigrate to the US if they had suffered persecution by the communist regime after 1975).

Tháng 9-1989, danh sách H.O1 chỉ gồm 3 ngàn người (600 tù cài tạo và 2400 thân nhân). Thừa dịp này Hà Nội đòi "bồi thường chiến tranh" và "nuôi ăn tù cải tạo". Về việc này các luật gia Việt Nam khuyến cáo Hoa Thịnh Đốn không trợ cấp bằng tiền mặt cho Hà Nội, mà chỉ Viện Trợ Nhân Đạo (Humanitarian Aid: HA) trong phạm vi Chiến Dịch Nhân Đạo H.O (Humanitarian Operation). (Trước kia, năm 1987, Tướng John Vessey cũng đề nghị Hoa Kỳ viện trợ nhân đạo về y tế cho các thiếu nhi nạn nhân chiến cuộc tại Việt Nam).

Trong kế hoạch Viện Trợ Nhân Đạo, phương thức hợp lý là cung cấp các dụng cụ y khoa làm nhiều đợt, để trang bị các bệnh viện và các trung tâm y tế từ Bắc vào Nam nhằm xoa dịu những vết thương chiến tranh gây ra cho dân chúng do những vụ oanh tạc trong các Chiến Trận Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa trong Mùa Phục Sinh 1972, và Tập Kích Chiến Lược trong Mùa Giáng Sinh 1972.


Những Con Số Thống Kê

Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự năm 1979 và Chiến dịch H.O. năm 1989 trên nguyên tắc sẽ kết thúc vào tháng 9-1994. Tuy nhiên, trên thực tế, các tù cải tạo vẫn được xuất cảnh và tái định cư tại hải ngoại tới tháng 9-1997 do sự triển hạn Hiệp Ước Mỹ-Việt 1989.

Sau đây là tóm lược một vài con số thống kê về Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP), và Chiến Dịch Nhân Đạo (HO). Tài liệu tham chiếu là các bản phúc trình của Phó Ngoại Trưởng Lawrence Eagleburger và Phụ Tá Phó Ngoại Trưởng Robert Funseth hồi tháng 6 và tháng 11-1989 khi Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP), Kế Hoạch Hành Động Toàn Bộ (CPA) và Chiến Dịch Nhân Đạo (HO) đã được thông qua.

Ngoài ra còn có những phúc trình của Bộ Ngoại Giao, và của các chuyên viên và giám đốc ODP Hoa Kỳ (US ODP) tại Bangkok, Đà Lạt và Hà Nội. Trong phạm vi ngoài chính quyền còn có rất nhiều bản tin như của Wikipedia, của các cơ quan báo chí và trường đại học Nam Cali như Los Angeles Times và San Diego University:

- Tháng 6-1989 Robert Funseth cho biết năm 1979 khi Chương Trình ODP được ban hành, có 30 quốc gia nhận tiếp đón những người tỵ nạn Đông Dương. Và sẽ có hơn 160 ngàn người Việt Nam được xuất cảnh hợp pháp theo sự ước tính của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc.

- Tháng 6-1989 Lawrence Eagleburger cho biết, từ 1975 đến tháng 6-1989 có trên 1 triệu 500 ngàn người tỵ nạn Đông Dương đã được định cư tại các quốc gia đệ tam, trong đó hơn 900 ngàn người được nhận là cư dân Hoa Kỳ.

- Theo Robert Funseth, năm 1985 có 7,000 tù cải tạo còn bị giam giữ. Đến năm 1989 số tù cải tạo giảm còn 200 người.

- Vẫn theo Robert Funseth, từ 1975 đến 1989 (trong 14 năm) chỉ có 3000 người (gồm 600 tù cải tạo và 2400 thân nhân) được nhập cảnh Hoa Kỳ.

- Theo Los Angeles Times, tính đến năm 1990 số người tỵ nạn Việt Nam ra khỏi nước là 850,000 người, trong đó 800,000 người được định cư tại Hoa Kỳ.

- Năm 1991 con số này lên tới hơn một triệu người theo văn khố của Đại Học San Diego.

- Theo US ODP, năm 1992 là năm tích cực nhất với 220,000 người được xuất cảnh và tái định cư tại Hoa Kỳ, trong đó có 56,000 tù cải tạo và thân nhân.

- Đến năm 1993 có 67,400 tù cải tạo và thân nhân được xuất cảnh và tái định cư tại Hoa Kỳ, trong đó có 10,100 người nội trong năm 1993.

- Theo US ODP, đến tháng 6-1994 có 97,240 tù cải tạo và thân nhân đã được xuất cảnh và tái định cư tại Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có 80 ngàn tù cải tạo đang chờ được phái bộ Hoa Kỳ phỏng vấn.

- Trong bản Phúc Trình gởi Quốc Hội, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết dến tháng 8-1997 (sau 18 năm ban hành Chương Trình ODP 1979) có nửa triệu người Việt Nam, kể cả các tù nhân chính trị, đã được xuất cảnh và tái định cư tại Hoa Kỳ.

- Theo tài liệu của Đại Học San Diego thì đến năm 1997, tổng số những người Việt Nam bỏ nước ra đi là hai triệu ba trăm ngàn.

- Theo Wikipedia tổng số tù cải tạo bị giam giữ là khoảng 1 triệu người, trong đó 165,000 người đã tử tiết.

Và tổng số thuyền nhân vượt biển là 2 triệu người, trong đó 500,000 người đã tử vong.

Theo Robert Funseth kể từ 1979 là năm thiết lập Chương Trình Ra Đi Có Trật tự (ODP), trong hai năm kế tiếp 1980-1981 chỉ có 2,220 người xuất cảnh. Đến năm 1985 con số lên tới 13,371 người, ngang với số thuyền nhân vượt biển.

Tuy nhiên trong 3 năm sau, từ 1986 đến 1989, Hà Nội kiếm cớ đình chỉ hiệp thương, không phỏng vấn và cũng không cấp chiếu khán xuất cảnh cho tù cải tạo.

Mãi đến tháng 7-1989 khi ký Hiệp Ước Việt-Mỹ thiết lập Chiến Dịch Nhân Đạo H.O. Hà Nội mới hợp tác. Lúc này có 18,000 tù cải tạo (bị giam giữ từ 5 năm trở lên) được tái định cư tại Hoa Kỳ cùng thân nhân với tổng số là 72,000 người. Tính trung bình mỗi gia đình tù cải tạo có 4 người: 2 vợ chồng và 2 người con (lý tưởng là 1 trai, 1 gái).


VINH DANH TÙ CẢI TẠO

"Trong những cuộc thương thảo sơ khởi, vì hai bên không hy vọng đạt được một giải pháp chính trị toàn bộ, nên tất cả những hành động tiên khởi dẫn đến việc ký kết Thỏa Ước đều thuộc phạm vi Chiến Dịch Nhân Đạo (H.O: Humanitarian Operation). Từ đó, danh xưng H.O. được Cộng Đồng Việt Mỹ sử dụng để chỉ những cựu tù nhân chính trị Việt Nam hiện sinh sống tại Hoa Kỳ.

Đối với tôi, danh xưng H.O. biểu tượng cho lòng dũng cảm, tinh thần phục vụ và hy sinh. Thực sự, tất cả những H.O. đều là những vị anh hùng trong thời đại chúng ta.

Tướng John W. Vessey

(Trích văn thư ngày 10-6-1997 gửi Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam tại Minnesota)


VINH DANH QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA

Tháng tư 1973, thi hành Hiệp Định Paris, Quân Lực Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi Việt Nam.

Tháng tư 1975, Quân Đội Bắc Việt xâm chiếm Miền Nam Việt Nam bằng võ lực.

Mặc dầu vậy, Tướng William Westmoreland Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam đã nhận định như sau:

"Chúng ta (Hoa Kỳ) không thất trận tại Việt Nam. Nhưng chúng ta đã không giữ lới cam kết với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thay mặt Quân Lực Hoa Kỳ, tôi xin tạ lỗi với các bạn cựu chiến binh Quân Lực Miền Nam Việt Nam vì chúng tôi đã bỏ rơi các bạn"

(On behalf of the United States Armed Forces, I would like to apologize to the veterans of the South Vietnamese Armed Forces for abandoning you guys)...

Trong cuốn "No More Vietnams" Tổng Thống Richard Nixon quan niệm rằng:

"Từ tháng 2-1968 (Tết Mậu Thân) đến tháng 10-1972 (sau Mùa Hè Đỏ Lửa), Bắc Việt đã thực sự thua trận, nhưng họ làm ra vẻ thắng trận, trong khi Việt Nam Cộng Hòa đã thực sự thắng trận...

"Hoa Kỳ đã phản bội Đồng Minh và đã thất bại trong việc thực thi những điều cam kết bảo vệ Độc Lập Tự Do của Việt Nam Cộng Hòa. Đây là sự phản bội và thất bại không tiền khoáng hậu trong Lịch Sử Hoa Kỳ".


Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

(Thuyền nhân vượt biển hồi 1 giờ trưa ngày 30 tháng tư 1975.
Từ đó đến nay vẫn chưa có dịp về thăm quê hương)

Tháng 6-2011