Tuesday, April 7, 2009

Chính phủ Hồ Chí Minh không chính thống

Date: 01-Sep-2007 11:47

 

Thưa các bạn, nhân ngày 2 tháng 9, xin gửi các bạn hai bài viết về

ngày "giải phóng" và về chính quyền Hồ Chí Minh để các bạn

tùy nghi sử dụng. Thân mến, Nguyễn Hữu Thống.
 
                                            *

 

VỚI CÁC CHÍNH PHỦ VÀ QUỐC HỘI LIÊN HIỆP 1946

CHÍNH QUYỀN HỒ CHÍ MINH CÓ CHÍNH THỐNG KHÔNG?

 

Ls Nguyễn Hữu Thống

 

Sau cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến (Nghị Viện Nhân Dân) ngày 6-1-1946, mãi hơn 9 tháng sau, ngày 28-10-1946, Quốc Hội mới triệu tập các phiên họp khoáng đại để soạn thảo hiến pháp. Trong tình trạng khẩn cấp, Quốc Hội thông qua Hiến Pháp ngày 9-11-1946, sau hai tuần thảo luận và biểu quyết. Đây là một thời gian kỷ lục! Nói là soạn thảo cho phải phép, kỳ thực đây chỉ là sự thông qua. Hơn 1 tháng sau, ngày 19-12-1946, Hồ Chí Minh phát động chiến tranh võ trang, và toàn bộ Đảng và nhà nước CSõ rút ra khu.

 

 Để đạt được những mục tiêu chính trị giai đoạn, Đảng CS đã dùng Quốc Hội Lập Hiến ngày 6-1-1946 và các Chính Phủ Liên Hiệp ngày 2-9-1945 và 2-3-1946 làm bình phong cho Hồ Chí Minh có tư cách đại diện quốc gia để thương nghị với Pháp. Vậy mà, sau khi ký Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny ngày 6- 3-1946 và Thỏa Ước Tạm Thời Moutet ngày 14-9-1946, Hồ Chí Minh đơn phương hủy bãi các hiệp ước quốc tế và phát động chiến tranh võ trang trong 8 năm,  từ 19-12-1946 đến 20-7-1954. 

 

Bằng các thủ thuật giảo hoạt, Đảng CS đã đạt được mục tiêu chính trị do việc Pháp thừa nhận trên thực tế Chính Phủ Hồ Chí Minh trong hai hiệp ước Việt Pháp nói trên. Tuy nhiên, theo sách lược cố hữu của người Cộng Sản, ký hiệp ước không phải để thi hành hiệp ước, và ban hành hiến pháp cũng không phải để thực thi hiến pháp. Thực  chất Hiến Pháp ngày 9-11-1946 chỉ là một văn kiện hay phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu chính trị giai đoạn. Nếu quốc hội không đại diện cho các tầng lớp nhân dân và các chính đảng quốc gia,  thì hiến pháp cũng không nhằm thiết lập các định chế dân chủ và các tập tục sinh hoạt dân chủ.  Vấn đề đặt ra là, với sự thiết lập Quốc Hội Lập Hiến 1946 và các Chính Phủ Liên Hiệp, chính quyền Hồ Chí Minh có chính thống không?

 

Để giải quyết vấn đề, chúng ta cần biết rõ căn nguyên và đặt vấn đề trong bối cảnh lịch sử sôi động của Việt Nam từ thập niên 1930.

 

Sau cuộc Khởi Nghĩa Yên Báy năm 1930 các cán bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng  (VNQDĐ) bị tàn sát, thế lực của chủ nghĩa dân tộc bị tan rã. Thay vào đó và hưng khởi lên là chủ nghĩa cộng sản. Hồ Chí Minh rất vui  mừng khi thấy VNQDĐ thất bại. Điều đó hiện rõ trong ngữ khí của ông khi bình luận về ưu thế mới của Đảng CS:  "Từ sau cuộc khởi nghĩa đó, giai cấp tư sản (ám chỉ VNQDĐ) mất hết ảnh hưởng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc. Giai cấp công nhân cùng quần chúng nông dân lao động được tổ chức lại trong đảng tự do (chỉ cộng sản)". (Tưởng Vĩnh Kính: Hồ Chí Minh tại Trung Quốc.)

 

          Đầu năm 1930, Đảng CS Việt Nam được thành lập tại Hồng Kông. Sau đổi tên thành Đảng Cộng Sản Đông Dương (ĐCSĐD) theo chỉ thị của Quốc Tế CS. Qua năm sau Đảng được thừa nhận là thành viên của Quốc Tế CS, và được viện trợ mỗi tháng 5 ngàn quan Pháp để làm phương tiện họat động. (Tưởng Vĩnh Kính, sách đã dẫn)

 

          Tháng 5-1930, Đảng CSĐD phát động Chiến Dịch Sô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu chiến lược "Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ !". Đây không phải là đấu tranh giải phóng dân tộc như cuộc khởi nghĩa Yên Báy, mà là đấu tranh giai cấp để tiêu diệt các tầng lớp tư sản và tiểu tư sản, như trí thức, phú nông, địa chủ v...v....

 

Theo định nghĩa, địa chủ Miền Bắc là người có ba mẫu ta ruộng mà không tự tay canh tác (một mẫu ta =3600m2: 60m x 60m). Trong giai đoạn ấu trĩ Đảng CS đã để  lộ hình tích phủ nhận chủ nghĩa dân tộc. Họ không chủ trương đấu tranh giành độc lập vì quốc gia dân tộc, mà chỉ coi đó là một chiêu bài, một phương tiện, một cơ hội hay một chiến thuật để giành chính nghĩa và cướp chính quyền. Ra quân lần đầu, cuộc khởi nghĩa Sô Viết Nghệ Tĩnh hoàn toàn thất bại. Nó  không được quần chúng hưởng ứng, nhất là giới trí thức tiểu tư sản là tầng lớp lãnh đạo những cuộc cách mạng tại Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á.

 

Thời gian này Đảng CS đưa ra "Chính Cương Nguyễn Ái Quốc",  nói là để thực hiện cách mạng tư sản dân quyền. Thực  ra đây vẫn là đường lối đấu tranh giai cấp để tiêu diệt tư sản và tiểu tư sản nhằm thiết lập chế độ vô sản chuyên chính.

 

          Điều 1 Chính Cương chủ trương "lật đổ chế độ thực dân, phong kiến và tư sản" hiển nhiên không phải để làm cách mạng tư sản dân quyền.

 

          Điều 3  nhằm thành lập "chính phủ (Sô Viết) công nông binh" không có sự tham gia của các thành phần tư sản và tiểu tư sản.

 

          Điều 4 đòi "sung công các xí nghiệp tư doanh, ngân hàng, nhà máy" hiển nhiên để đánh phá tư sản và tiểu tư sản.

 

          Điều 5 nhằm "cải  cách và phân chia ruộng đất". Về mục tiêu này, chúng ta có kinh nghiệm máu xương. Trong 5 đợt đấu tố cải cách ruộng đất phát động đầu thập niên 1950, Đảng CS đã sát hại hơn 200.000 phú nông, địa chủ trong đó hơn 20% là trí thức tiểu tư sản. Chỉ cần có 3 mẫu ta hay 1 hec-ta ruộng (1 ha= 10.000m2: 100m x 100m) mà không tự  tay canh tác, cũng bị quy là địa chủ. Có người chỉ có 1.8 mẫu ta ruộng hương hỏa (6.500m2: 100m x 65m) cũng bị đấu tố, tịch thu ruộng đất, tài sản và nhà cửa (Dương Thu Hương: Những Thiên Đường Mù).

 

          Như vậy Chính Cương Nguyễn Ái Quốc không chủ trương cách mạng tư sản dân quyền. Nó chỉ sao chép nguyên văn 10 điều của Nghị Quyết Đại  Hội  6 Đảng CS Trung Quốc năm 1928. 

 

Trên trường quốc tế, trước nguy cơ tấn công của Quốc Xã Đức và Phát Xít Ý, tháng 4-1939, Stalin xin hợp tác với phe Đồng Minh Tây Phương (Anh, Pháp). Tại  Pháp các Đảng Xã Hội và CS kết hợp trong Mặt Trận Bình Dân. Thời gian này tại Saigon, phe Tân Tả Phái (Trốt Kít) của Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch đứng ra thành lập Mặt Trận Dân Chủ với phe Trung Hòa của Nguyễn An Ninh và phe CS của Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Văn Tạo.

 

Trong sách lược đấu tranh công khai, hợp pháp và bất bạo động, Tạ Thu Thâu xuất bản tờ Tranh Đấu đòi tự do báo chí, tự do tuyển cử, tự do nghiệp đoàn. Trong cuộc bầu cử Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ năm 1939, Liên Danh Tranh Đấu của Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch thắng Liên Danh Lập Hiến của Kỹ Sư Bùi Quang Chiêu (Chủ Tịch Đảng) và hai Luật Sư Vương Quang Nhường và Huỳnh Văn Chín.

 

          Cuối tháng 8-1939, phản bội Đồng Minh Tây Phương, Liên Xô trở mặt ký Hiệp Ước Bất Tương Xâm với Đức Quốc Xã. Ổn định mặt trận miền Đông, một tuần sau, ngày 1-9-1939, Hitler đem quân xâm chiếm Ba Lan. Từ đó Thế Chiến II bùng nổ. Tuân hành chính sách thân Đức Quốc Xã  của Mạc Tư Khoa, các đảng viên CS Pháp trở thành những kẻ phản bội Tổ Quốc. Thừa dịp này nhà cầm quyền Đông Dương đặt CS ra ngoài vòng pháp luật và thẳng tay đàn áp.

 

Năm 1938, khi công tác tại Diên An, Hồ Chí Minh gia nhập Đảng CS Trung Quốc. Hai năm sau, ông ký mật ước đặt Đảng CSĐD dưới quyền lãnh đạo của Đảng CS Trung Quốc qua Cục Tình Báo Á Châu của Quốc Tế CS. Từ đó Hồ Chí Minh được tài trợ mỗi tháng 50 ngàn quan kim để mưu sinh và làm công tác phí. Tháng  2-1941 ông về Cao Bằng lập chiến khu, và qua năm sau trở lại Hoa Nam cầu viện. Tháng  9-1942 ông bị bắt tại Quảng Tây vì tình nghi làm gián điệp cho Nhật (đến từ vùng Nhật chiếm đóng).

 

Lúc này tại Quảng Tây, các nhà cách mạng quốc gia đã thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội với Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, v...v... Tháng 9-1943, Nguyễn Hải Thần yêu cầu Tướng Trương Phát Khuê, Tư Lệnh Quân Khu 4, phóng thích Hồ Chí Minh. Được kết  nạp vào Đồng Minh Hội với tư cách ủy viên dự khuyết, Hồ Chí Minh làm tờ hối lỗi xin từ bỏ CS.  Ông còn chịu khó dịch ra tiếng Việt cuốn "Tam Dân Chủ Nghĩa" của Tướng Hầu Chí Minh. Nhờ thái độ mềm mỏng này, tháng 9-1944, ông được Tướng Trương Phát Khuê ủy nhiệm dẫn một phái bộ Đồng Minh Hội về Việt Nam trong kế họach "Hoa Quân Nhập Việt"(trong số 19 cán binh Đồng Minh Hội về nước có cô Đỗ Thị Lạc là bạn chung sống với Hồ Chí Minh).

 

Thay vì phải hoạt động dưới danh nghĩa Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh, Hồ Chí Minh đã tổ chức quần chúng và lập các đội võ trang tuyên truyền dưới danh xưng "Việt Nam Độc Lập Đồng Minh" (VNĐLĐM gọi tắt là Việt Minh). VNĐLĐM cũng là tên của một tổ chức do Hà Học Lãm thành lập trước kia tại Hoa Nam. Đó  là sách lược lấy tổ chức cuả địch làm tổ chức của mình. (Rất có thể tên Hồ Chí Minh  cũng là danh tính biến thể của Tướng Hầu Chí Minh, Giám Đốc Chính Trị Quân Khu 4, phụ trách yểm trợ Cách Mạng Đồng Minh Hội).

 

 Đầu năm 1945, Hồ Chí Minh làm công tác tình báo cho OSS, cơ quan tiền thân của CIA. Đại uý Patti và Thiếu Tá Thomas trong OSS khẳng định Hồ Chí Minh không phải là CS.

 

          Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Việt Nam ra Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 11-3, Chính Phủ Trần Trọng Kim tiếp thu chủ quyền độc lập từ tay người Nhật, và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thống nhất Nam, Trung, Bắc.

 

          Ngày 15-8-1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh. Theo Nghị Quyết Postdam, việc giải giới quân đội Nhật sẽ do Anh phụ trách từ vỹ tuyến 16 trở vào Nam, và do Trung Hoa phụ trách từ vỹ tuyến 16 trở ra Bắc. Thời gian này tại Việt Nam có sự khống khuyết lãnh đạo vì Quân đội Đồng Minh chưa tới, mà Chính Phủ Trần Trọng Kim đã xin từ chức. Lợi dụng thời cơ, Đảng CS cướp chính quyền  ngày 19-8-1945. Từ một cuộc mít tinh của công chức quốc gia tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, CS vận dụng thành  cuộc biểu tình tuần hành ủng hộ Việt Minh.

 

          Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình. Rồi công bố Chính Phủ Quốc Gia Liên Hiệp (Chính Phủ Việt Minh), với Hồ Chí Minh (khai thuộc Đảng Quốc Gia), Trần Huy Liệu và Lê Văn Hiến (Đảng Cộng Sản), Võ Nguyên Giáp (Hội Văn Hóa Cứu Quốc), Dương Đức Hiền và Vũ Đình Hòe (Đảng Dân Chủ trong Mặt Trận Việt Minh), Phạm Văn Đồng, Phạm Ngọc Thạch (khai không đảng phái), Chu Văn Tấn (khai là sắc dân thiểu số) v...v... Ngoại trừ Lê Văn Hiến (Cộng Sản) và Trần Huy Liệu (nguyên Việt Nam Quốc Dân Đảng), tất cả các lãnh tụ CS không nhận mình là CS. Đảng CS kết nạp Trần Huy Liệu để mạo nhận tư cách là thừa kế chính trị của VNQDĐ theo chủ nghĩa dân tộc. Mục đích để dối gạt đồng bào và che mắt các quốc gia Đồng Minh Mỹ, Anh, Pháp và Trung Hoa.  

                                                                            

          Hồ Chí Minh thành lập chế độ Cộng Hòa Dân Chủ với 3 tiêu ngữ của Chủ Nghĩa Tam Dân: Dân Tộc-Độc Lập, Dân Quyền-Tự Do, và Dân Sinh-Hạnh Phúc. Mục đích để giành chính nghĩa Giải Phóng Dân Tộc và Tự Do Dân Chủ, đồng thời tranh thủ cảm tình của Trung Hoa.

 

          Trong Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ (1776), theo đó "mọi người sinh ra bình đẳng và được Tạo Hóa ban cho những quyền bất khả chuyển nhượng như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Mục đích để giành chính nghĩa Tự Do Dân Chủ và tranh thủ cảm tình của Hoa Kỳ.

 

           Hồ Chí Minh còn viện dẫn Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp (1789), theo đó "con người sinh ra tự do và bình đẳng và phải mãi mãi được tự do và bình đẳng". Mục đích để giành chính nghĩa Tự Do Dân Chủ và tranh thủ cảm tình của Pháp.      Các đội võ trang tuyên truyền phóng đại rằng Chính Phủ Hồ Chí Minh được 3 quốc gia Đồng Minh thừa nhận là Hoa Kỳ, Trung Hoa và Liên Xô. Anh giữ  trung lập và Pháp là thiểu số sẽ phải phục tùng đa số. Họ còn rêu rao rằng Chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên nên không được Đồng Minh ủng hộ.

 

          Tuy nhiên, người CS có khôn mà không ngoan. Vì  sau khi xâm chiếm Ba Lan năm 1939, Stalin thiết lập Đế Quốc Sô Viết bằng cách sát nhập vào Liên Xô 3 nước Baltic là Lithuania, Estonia, và Latvia. Sau Thế Chiến II Mạc Tư Khoa phong tỏa 7 nước Đông Âu trong Bức Màn Sắt là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Albania, Bulgaria và Romania. Từ đó Chiến Tranh Lạnh hay Chiến Tranh Ý Thức Hệ bộc phát giữa Quốc Tế CS và Thế Giới Dân Chủ.

 

 Các nhà lãnh đạo phe Thế Giới Dân Chủ như Truman, Churchill và De Gaulle nhất quyết không trao Đông Dương cho ĐCSĐD, vì họ không muốn Stalin mở rộng bức màn sắt từ Đông Âu qua Đông Á. Tại Việt Nam, Pháp cũng không chịu trao Nam Kỳ cho Hồ Chí Minh vì Nguyễn Ái Quốc là cán bộ Quốc Tế CS phụ trách vùng Đông Nam Á. Cũng vì vậy mà sau khi CS cướp chính quyền tại Hà Nội, De Gaulle đã có kế hoạch phục chức cho Cựu Hoàng Duy Tân về nước chấp chính. Kế  hoạch  không thành vì Duy Tân tử nạn máy bay mùa Giáng Sinh 1945. (Nhiều người cho đây là vụ phá hoại: phi cơ rớt vì hết xăng).

 

          Để giải giới quân đội Nhật, đầu tháng 9, 1945 Quân Đội Trung Hoa kéo sang Việt Nam cùng với các lực lượng VNQDĐ và Cách Mạng Đồng Minh Hội. Phe Cách Mạng Quốc Gia thiết lập các căn cứ tại Hà Nội, Vĩnh Yên, Việt Trì, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Báy, Lao Cai, Lạng Sơn v.v...Họ đòi được tham dự vào công cuộc kiến thiết quốc gia theo Chiếu Thoái Vị ngày 25-8-1945 của Bảo Đại  yêu cầu Hồ Chí Minh áp dụng chính sách đoàn kết toàn dân, không phân biệt kỳ thị đối với các chính đảng quốc gia đã từng đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Ngày 30-8-1945, Hồ Chí Minh chấp nhận vô điều kiện Chiếu Thoái Vị qua lời Bộ Trưởng Tuyên Truyền Trần Huy Liệu: "Thưa Hoàng Thượng, nhân danh dân tộc Việt Nam, Chủ Tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận Chiếu Thoái Vị không một dè dặt nào".

 

          Lúc này Đảng CS Pháp thông báo cho Hồ Chí Minh biết Thủ Tướng De Gaulle đã có giải pháp quốc gia cho Việt Nam nên sẽ không thương nghị với CS. Do đó, ngày 11-11-1945, Hồ Chí Minh giả bộ giải tán Đảng CSĐD để thành lập "Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Các Mác" (với Trường Chinh làm tổng bí thư). Rồi mời các nhà lãnh đạo VNQDĐ và Đồng Minh Hội tham gia Chính Phủ Liên Hiệp để làm bình phong thương nghị với Pháp.

 

Tuyên Cáo Đoàn Kết ngày 24-12-l945 có nội dung như sau: "Chúng tôi Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh, thay mặt cho Việt Minh, Cách Mạng Đồng Minh Hội và Việt Nam Quốc Dân Đảng cùng ký tên công nhận những điều sau đây: độc lập trên hết, đoàn kết trên hết. Căn cứ vào thái  độ thân ái, tinh thành, cùng nhau thảo luận để giải quyết hết thảy những vấn đề khó khăn trước mắt. Ai dùng vũ lực gây nên những cuộc nội loạn sẽ bị quốc dân ruồng bỏ. Các bên phải đình chỉ công kích nhau bằng ngôn luận và hành động."

 

          Hai tuần sau, ngày 6-1-1946, Đảng CS tổ chức "bầu cử" Quốc Hội Lập Hiến, chiếm toàn thể 356 ghế nghị viên. Ngoài ra Đảng còn "dành" sẵn 18 ghế cho Nam Bộ và "nhường" thêm 50 ghế cho Quốc Dân Đảng và 20 ghế cho Đồng Minh Hội (tổng cộng 444 dân biểu).

 

          Ngày 2-3-1946, Chính Phủ Liên Hiệp ra mắt với Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch, Nguyễn Tường Tam làm Ngoại Trưởng và Cựu Hoàng Bảo Đại làm cố vấn tối cao.

 

          Sau khi Thủ Tướng De Gaulle từ chức, với  danh nghĩa chính phủ liên hiệp đoàn kết quốc gia, Hồ Chí Minh xin thương nghị với Pháp. Lúc này Pháp đã ký Hiệp Ước Trùng Khánh để trả lại Trung Hoa các tô giới  Thượng Hải và Quảng Châu Vân. Để bù lại, quân đội Pháp đuợc thay quân đội Trung Hoa sang Việt Nam giải giới quân đội Nhật tại miền Bắc vỹ tuyến 16.

 

          Ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh ký Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny theo đó Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do và tự trị trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp. Về mặt quân sự, 15 ngàn quân Pháp được trú đóng tại Việt Nam trong thời hạn 5 năm.

 

          Tháng 5-1946 Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và phái đoàn qua Pháp tham dự Hội Nghị Fontainebleau. Theo lời Trần Dân Tiên (Hồ Chí Minh) phái đoàn Việt Nam đáng lẽ do Ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam lãnh đạo, nhưng hôm trước khi đi "Bộ Trưởng Tam đã bỏ trốn". Sự kiện này cho biết, sau 2 tháng ra đời, Chính Phủ Liên Hiệp Đoàn Kết Quốc Gia đã yểu vong. Sau khi quân đội Pháp đổ bộ Bắc Việt và quân đội Trung Hoa triệt thoái, CS tấn công phá hủy các căn cứ và sát hại các cán binh Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội, bất chấp Chiếu Thoái Vị của Bảo Đại và Tuyên Cáo Đoàn Kết của Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh.

 

Cộng Sản  loan báo Ngoại Trưởng Nguyễn Tường Tam đã bỏ trốn từ tháng 5-1946. Trước đó, từ giữa tháng 3-1946, Cựu Hoàng Bảo Đại, Cố Vấn Tối Cao, đã tìm cách theo Thứ Trưởng Ngoại Giao Nghiêm Kế Tổ công du qua Trùng Khánh. Sau khi quân đội Trung Hoa triệt thoái khỏi Hà Nội hồi tháng 4-1946, để tránh bị CS đàn áp khủng bố, các nhà lãnh đạo Đồng Minh Hội và Quốc Dân Đảng kể cả Phó Chủ Tịch Nguyễn Hải Thần và  Phó Quân Ủy Vũ Hồng Khanh đã rút về Hoa Nam. Và Chính Phủ Quốc Gia Liên Hiệp thành lập ngày 2-3-1946 đã thực sự giải tán từ tháng 5-1946

 

 Tại Pháp, sau 2 tháng hòa đàm, Hội Nghị Fontainebleau bế tắc. Nửa đêm 14-9-1946, Hồ Chí Minh lặn lội đến nhà riêng Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Maurice Moutet để xin ký Thỏa Ước Tạm Thời Moutet. Theo thỏa ước này, Việt Nam cam kết tôn trọng tự do, tài sản và các hoạt động kinh tế, văn hóa của người Pháp, không tuyên truyền chống Pháp, không đàn áp khủng bố các thân hữu của Pháp, và sẽ gia nhập Liên Bang Đông Dương về tài chánh, hối đoái và viễn thông.

 

           CS ký Thỏa Ước Tạm Thời Moutet nhằm 2 tác dụng:

 

          1) Giữ thể diện cho Hồ Chí Minh khỏi bị đi không rồi lại về không.

          2) Hợp thức hóa trên thực tế Chính Phủ Hồ Chí Minh bằng một thỏa ước (dầu là tạm thời) do Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại ký. Trong khi Hiệp Ước Sơ Bộ ngày 6-3-1946 chỉ mang chữ ký của Sainteny, đại diện Cao Uỷ D'Argenlieu.

 

          Dầu sao, trong mọi trường hợp, đối với người CS,  ký hiệp ước với Pháp không phải để thi hành hiệp ước. Và ban hành Hiến Pháp cũng  không phải để thực thi hiến pháp.  Mà chỉ nhằm đạt được những mục tiêu chính trị giai đoạn.

 

          Quốc Hội Lập Hiến ngày 6-1-1946 chỉ thực sự bắt đầu thảo luận về dự án hiến pháp 9 tháng sau, vào ngày 28-10 -1946.

 

          Ngày 3-11-1946, do sự ủy nhiệm của Quốc Hội, Hồ Chí Minh thành lập Chính Phủ Liên Hiệp với Hồ Chí Minh làm chủ tịch kiêm ngoại trưởng, (chức vụ phó chủ tịch bị khống khuyết dầu trong Hiến Pháp 1946 có ghi chức vụ này). Đây không phải là chính phủ liên hiệp đoàn kết quốc gia. Ngoại trừ Chu Bá Phượng (VNQDĐ) giữ bộ Xã hội làm cảnh và Bồ Xuân Luật (Đồng Minh Hội) không giữ bộ nào, hơn 20 bộ trưởng và thứ trưởng trong Chính Phủ Hồ Chí Minh đều là đảng viên hay cảm tình viên của Đảng CS.

 

 

Ngày 9-11-1946, Quốc Hội biểu quyết thông qua  Hiến Pháp với 240 phiếu thuận (trong tổng số 444 dân biểu).  Hơn 200 dân biểu vắng mặt trong số đó có 18 dân biểu Nam Bộ chưa chỉ định và gần 70 dân biểu Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội đã bỏ trốn như trường hợp Nguyễn Tường Tam (ngoại trừ Chu Bá Phượng và Bồ Xuân Luật bị giam lỏng). Tất cả 240 dân biểu hiện diện đều là đảng viên hay cảm tình viên CS. Cũng như trong cuộc bầu cử ngày 6-1-1946, tất cả 356 dân biểu đều do "Đảng cử dân bầu".

 

Như vậy không thể chủ trương rằng Quốc Hội Lập Hiến ngày 6-1-1946 đại diện cho các tầng lớp nhân dân và các chính đảng quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc. Và các Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945, 2-3-1946 và 3-11-1946 không phải là những chính phủ liên hiệp các đảng phái tượng trưng cho sự đoàn kết quốc gia.

 

Vì những lý do nêu trên, dầu có Quốc Hội Lập Hiến 1946 và các Chính Phủ mệnh danh là Liên Hiệp, Chính Quyền Hồ Chí Minh vẫn không có tính hợp pháp, chính đáng hay chính thống. Từ  đó đến nay đã trên 60 năm. Và guồng máy độc tài đảng trị với ba khuyết tật nội tại tất yếu của nó là tham nhũng, bất công và bất lực, vẫn  không thay đổi.

 

          Ngày 19-12-1946, Đảng CS  hủy bãi các hiệp ước quốc tế  và phát động chiến tranh võ trang. Từ đó Hồ Chí Minh mất hết cảm tình của Chính Phủ, Quốc Hội và nhân dân Pháp. 

 

          Cũng vì vậy, từ 1947, Chính Phủ Pháp quyết định thương thuyết với phe Quốc Gia Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc. Trong 2 năm, từ 1947 đến 1949, Cộng Hòa Pháp đã ký với Quốc Gia Việt Nam 3 hiệp ước quốc tế:

 

1) Hiệp Ước Sơ Bộ Vịnh Hạ Long ngày 7-12-1947;

2) Tuyên Cáo Chung Vịnh Hạ  Long ngày 5-6-1948; và

3) Hiệp Định Elysée ngày 8-3-1949 ký kết giữa Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại.

Bằng các hiệp ước và hiệp định này, Cộng Hòa Pháp trao trả chủ quyền độc lập cho Quốc Gia Việt Nam. Để thống nhất ba miền, chiếu nguyên tắc Dân Tộc Tự Quyết, ngày 23-4-1949, Quốc Hội Nam Kỳ biểu quyết giải tán chế độ Nam Kỳ tự trị và sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất.

 

Từ sau Thế Chiến I, năm 1919 tại Hội Quốc Liên - tổ chức tiền thân của Liên Hiệp Quốc - Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã đề xướng quyền Dân Tộc Tự Quyết để khuyến cáo các Đế Quốc Tây Phương hãy từng bước trả tự trị và độc lập cho các thuộc địa Á Phi. Hưởng ứng đường lối này, năm 1919 Anh Quốc trả độc lập cho Canada tại Bắc Mỹ và cho A Phú Hãn tại Nam Á.

 

Đầu thập niên 1940, khi Thế Chiến II còn đang tiếp diễn, các cường quốc Tây Phương công bố Hiến Chương Đại Tây Dương năm 1941 và Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc năm 1942. Mùa xuân 1945, 50 quốc gia đồng minh thành lập Liên Hiệp Quốc và ban hành Hiến Chương Liên Hiệp Quốc để đề xướng nhân quyền và quyền Dân Tộc Tự Quyết theo đó các dân tộc bị trị sẽ được giải phóng.

 

Trung thành với những lời cam kết này, trong 3 năm, từ 1946 đến 1949, tất cả các Đế Quốc Tây Phương như Mỹ, Anh, Pháp và Hòa Lan đã lần lượt tự giải thể để trả độc lập cho 12 nước thuộc địa và bảo hộ tại Á Châu.

 

Độc lập năm 1946: Phi Luật Tân (thuộc Hoa Kỳ);

 Syria và Lebanon, (thuộc Pháp).

Độc lập năm 1947: Ấn Độ và Đại Hồi (thuộc Anh)

Độc lập năm 1948: Miến Điện, Tích Lan, và Palestine (thuộc Anh).

Độc lập năm 1949: Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao (thuộc Pháp);

và Nam Dương thuộc Hòa Lan).

 

Như vậy đấu tranh công khai, ôn hòa, hợp pháp, không bạo động và không liên kết với Quốc Tế CS là đường lối hữu hiệu nhất để giành lại độc lập cho quốc gia. Tuy nhiên Đảng CSVN đã phủ nhận nền độc lập này và đã phá hoại nền thống nhất này. Với sự yểm trợ của Quốc Tế Cộng Sản, Đảng CS đẩy tới chiến tranh võ trang trong suốt 30 năm - từ 1946 đến 1975 - khiến cho 3 triệu thanh niên nam nữ đã phải hy sinh thân sống trong 2 cuộc Chiến Tranh Đông Dương. Đây không phải là những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà là chiến tranh ý thức hệ giữa Quốc Tế CS và Thế Giới Dân Chủ. Kinh nghiệm dân gian cho biết nơi nào trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết.

 

Đặt quyền lợi của Đảng lên trên nguyện vọng của Nhân Dân, Đảng CS đã phản bội dân tộc trong các mục tiêu độc lập thống nhất, tự do dân chủ và công bằng xã hội.

Theo Công Pháp Quốc Tế, chủ quyền quốc gia

xuất phát từ người  Dân, chứ không từ một chính Đảng.

 

 Điều 21 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền khẳng định:

"Ý nguyện của người dân được coi là

căn bản của mọi quyền lực quốc gia".

 

Đó cũng là học thuyết Dân Quyền của Mạnh Tử từ Thế Kỷ thứ 4 trước Công Nguyên: "Dân Vi Quý, Xã Tắc Thứ Chi, Quân Vi Khinh, Đắc Hồ Kỳ Dân Nhi Vi Thiên Tử : Lấy Dân Làm Trọng, Nhà Nước Là Thứ Yếu Và Coi Nhẹ Chính Quyền. Ai Được Quốc Dân Tín Nhiệm Sẽ Được Cử Làm Nguyên Thủ Quốc Gia".

 

Và đó cũng là quan niệm Dân Chủ của Abraham Lincoln từ Thế Kỷ 19, chủ trương một chính phủ của dân, do dân và vì dân. Tại Việt Nam, từ hơn 60 năm, tất cả các Chính Phủ dầu là Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa đều là những Chính Phủ của Đảng, do Đảng và vì Đảng.

                                                         

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

Hoa Kỳ tháng 9, 2007

 

 

CHÚ THÍCH

Về cuộc Tổng Tuyển Cử bầu Quốc Hội Lập Hiến 1946

Mùa Thu 1945 khi còn là một thiếu niên tiền phong, người viết được theo đội du kích xã đi "giải phóng Hà Đông" để viết phóng sự cho tờ bích báo của làng. Lúc này Quản Dưỡng (VNQDĐ) chỉ huy trại lính khố xanh Hà Đông, không chịu buông súng quy hàng.

 

Đầu năm 1946, người viết lại có dịp theo dõi cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến ngày 6-1-1946 tại quê nhà. Trong đơn vị tuyển cử tỉnh Nguyễn Trãi (Hà Đông) cử tri được bầu 14 dân biểu trong một lá phiếu tập thể nhưng đơn danh (không phải liên danh) mang tên 14 cán bộ Việt Minh. Lá phiếu rất dài chia thành 15 ô vuông, 3 ô chiều ngang và 5 ô chiều dọc. 14 ô đầu đánh số từ 1 đến 14 đề tên các ứng cử viên chính thức. Ô thứ 15 phía tay phải cuối lá phiếu đề tên ứng cử viên dự khuyết cũng do Mặt Trận chỉ định.

 

          Cuộc đầu phiếu diễn ra công khai tại sân đình làng. Các cán bộ phụ trách hướng dẫn cử tri bỏ phiếu bằng cách gạch chéo ô thứ 15 để xóa tên ứng cử viên dự khuyết. Thông thường, muốn cho tiện việc, cán bộ tự tay cầm bút gạch chéo ô thứ 15 dùm cho cử tri. Trên thực tế, cử tri không hay biết tên tuổi, xuất xứ hay thành tích của các ứng cử viên.

 

Từ ngày ban hành Tuyên Cáo Đoàn Kết 24-12-1945, đến ngày bầu cử 6-1-1946, chỉ có 2 tuần. Với thời gian ngắn ngủi này các chính đảng quốc gia từ hải ngoại về nước không thể có điều kiện chuẩn bị ứng cử hay vận động tuyển cử. Trong khi đó, các chính đảng quốc gia ở trong nước như Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Duy Dân, các nhóm Lập Hiến và Tân Tả Phái đều bị đàn áp dã man. Hầu hết các lãnh tụ Đảng đều đã bị thủ tiêu như Trương Tử Anh (Đại Việt), Lý Đông A (Duy Dân), Khái Hưng (Quốc Dân Đảng), Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu (Lập Hiến), Tạ Thu Thâu (Tân Tả Phái) v...v..

..

Vì không có ứng cử viên nào khác nên lá phiếu chỉ in tên 14  ứng cử viên chính thức và 1 ứng cử viên dự khuyết của Việt Minh. Đây là một cuộc bầu cửø độc diễn. Nó không có tính kín, không tự do và không công bằng. Thực ra, vì cử tri không được quyền tuyển chọn nên không thể cho đó là cuộc "tuyển cử".

 

Trong suốt nhiệm kỳ 13 năm, từ 1946 đến 1959, Quốc Hội Lập Hiến không có sinh hoạt nào đáng kể ngoài việc ban hành hai Sắc Luật Cải Cách Ruộng Đất ngày 4-12-1953 và 14-6-1955 cho phép Đảng CS phát động đấu tố và sát hại hơn 200 ngàn trí thức và nông dân tiểu tư sản.