Tuesday, April 7, 2009

Ngày Xuân nói chuyện Nước Non

Cùng các bạn trẻ trong và ngoài nước

 

NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN NƯỚC NON

 

  Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

 

Cuối năm ngoái tôi đã gửi các bạn bài Biển Đông Dậy Sóng để trình bày những vấn đề địa lý và pháp lý tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

          Hôm nay,  nhân dịp Xuân về,  tôi muốn nói với các bạn về những vấn đề đất nước, trong đó có nhiều điều mà từ trước đến nay các bạn chưa từng được nghe hay đọc tới. Đây là những sự thật lịch sử các bạn có thể kiểm chứng tại các thư viện và văn khố Paris. Cho đến nay những điều này vẫn được coi là cấm kỵ mà người ta cố tình che dấu hay xuyên tạc từ 6 thập kỷ nay.

 

Năm 1975, hồi 1 giờ trưa ngày 30 tháng tư, tôi rời Saigon để vượt thoát trên con tàu định mệnh Trường Xuân. Từ đó đến nay đã 33 năm, vẫn chưa có dịp về thăm Saigon.

 

Năm 1953, với chiến dịch cải cách ruộng đất, tôi giã từ Hà Nội vào Nam tìm Tự Do. Từ đó đến nay đã 54 năm, cũng chưa có dịp về thăm Hà Nội. Trong bao nhiêu năm, ngày đêm lòng vẫn tưởng nhớ quê hương:

 

Quê nhà xa cách trải bao thu,

Nhân sự giờ đây đã xác xơ.

Duy nước Hồ Gươm ngoài song cửa

Gió Xuân không đổi sóng thời xưa.

 

Đầu Xuân năm nay, xuống Nam Cali gặp lại bạn bè, tôi có cảm tưởng về thăm quê cũ. Trở lại quê hương, gặp bà con lối xóm, nói chuyện làng mạc, gặp các thân hữu, bàn chuyện nước non.

 

Mà ngày nay xã hội xác xơ, nhân sự quản lý tồi dở, lấy của công làm của riêng, chiếm đoạt nhà đất, tư hữu của dân. Về tinh thần, nhân tâm ly tán, người dân  ngậm đắng nuốt cay trong cảnh  nội xâm.

 

Trên biển cả lại có nạn ngoại xâm, do những hành vi của kẻ cầm quyền đã nhượng đất dâng biển cho ngoại bang để củng cố địa vị. Trong cuộc mạn đàm, các thân hữu phàn nàn rằng, trên khắp quê hương, cũng như trước thềm công lý, luật pháp áp dụng chỉ là Luật Rừng Xanh.

 

Tại miền lãnh hải, nói về chủ quyền, chỉ thấy có sự xâm lấn, chiếm đoạt, cá lớn nuốt cá bé. Trong cuộc hội thoại chúng tôi đưa ra thực trạng mạnh được yếu thua, để kết thúc bằng hai phủ định:

 

Về mặt quốc nội, phủ định Luật Rừng Xanh, độc tài toàn trị của phe nhân sự cầm quyền. Về mặt quốc tế, tại Biển Đông, phủ định Thuyết Cá Lớn Nuốt Cá Bé của phe bá quyền. Vì con người không phải là cầm thú nên chúng ta không chấp nhận Luật Rừng Xanh. Và vì con người không phải là tôm cá nên chúng ta bác bỏ Thuyết Cá Lớn Nuốt Cá Bé.

 

Địa cầu gồm 3 phần đất và 7 phần nước. Do đó nếu có Công Pháp Quốc Tế tại các đại lục, thì cũng có Công Ước về Luật Biển trên các đại dương. Từ Thế Chiến II, để thay thế Luật Rừng Xanh, nhân loại văn minh đề xướng Quyền Dân Tộc Tự Quyết áp dụng cho các quốc gia, và ghi quyền này trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền.

 

Từ đầu thập niên 1980, để thay thế Thuyết Cá Lớn Nuốt Cá Bé, Liên Hiệp Quốc ban hành Công Ước về Luật Biển để áp dụng tại miền duyên hải, với sự giám sát và chế tài của Tòa Án Quốc Tế The Hague cũng như của Tòa Án về Luật Biển, Hội Đồng Trọng Tài và Uỷ Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc.

 

Với trào lưu tiến hóa của lịch sử, với trình độ ý thức của con người, và với sự kết hợp của các quốc gia trên thế giới trong mối tương quan toàn cầu hóa, Luật Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đã xây dựng những định chế cho các xã hội văn minh tiến bộ thay thế những chính sách lạc hậu, phi nhân dùng chiến tranh xâm lược lấn chiếm các lãnh thổ và lãnh hải.

 

Cuối thập niên 1930, tại Âu Châu, vận dụng Luật Rừng Xanh, Đức Quốc Xã dùng võ trang xâm chiếm một giải lục địa bao la chạy từ Ba Lan, Tiệp Khắc đến Hòa Lan, Pháp Quốc. Cũng trong thời gian này, dưới chiêu bài Đại Đông Á, Phát-xít Nhật thôn tính Mãn Châu, Triều Tiên, Trung Hoa, Phi Luật Tân, Miến Điện, Việt Nam, Nam Dương v...v....

 

Phủ định thuyết mạnh được yếu thua, dưới sự hướng dẫn của Hoa Kỳ và Anh Quốc, nhân loại văn minh đã đứng lên tranh đấu. Thế Chiến II được gọi là "Chiến Tranh Bảo Vệ Văn Minh Chống Dã Man". Nhằm khôi phục nền tự chủ cho các quốc gia bị chiếm đóng, đồng thời giải phóng các quốc gia bị trị.

 

Hai năm sau khi cuộc chiến bùng nổ, năm 1941, các Quốc Gia Đồng Minh Tây Phương triệu tập Hội Nghị New-Foundland (Canada) để công bố Hiến Chương Đại Tây Dương. Nhằm đánh bại phe xâm lược dã man để bảo vệ Văn Minh và Văn Hiến. Ngoài ra Hội Nghị còn đề xướng Quyền DânTộc Tự Quyết nhằm phục hồi chủ quyền độc lập cho các nước thuộc địa và bảo hộ.

 

Qua năm 1942, tại Hoa Thịnh Đốn, các Quốc Gia Đồng Minh Tây Phương còn công bố Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc để tái xác nhận mục tiêu thực thi Quyền Dân Tộc Tự Quyết cho các nước bị trị Á Phi  khi chiến tranh kết thúc.

 

Cũng trong năm này, tại Diễn Đàn Quốc Hội Hoa Kỳ, Tổng Thống Franklin Roosevelt đề ra 4 quyền tự do cơ  bản là:

- Quyền tự do ngôn luận,

- Quyền tự do tín ngưỡng,

- Quyền được giải thoát khỏi sự túng thiếu

   về kinh tế, và

- Quyền được giải thoát khỏi sự sợ hãi, sợ hãi
  do nạn xâm lược bên ngoài và chuyên chế bên trong (ngoại xâm và nội xâm).

 

Mùa Xuân 1945, với sự suy tàn của Phe Trục Đức-Ý-Nhật, 50 quốc gia đồng minh triệu tập Hội Nghị Cựu Kim Sơn để thành lập Liên Hiệp Quốc. Tháng 6-1945 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc được ban hành để xây dựng hòa bình cho các quốc gia trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị. Đồng thời đề xướng quyền tự quyết cho các dân tộc, và tuyên dương nhân quyền cho tất cả mọi người.

 

3 năm sau, ngày 10-12-1948, Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền để thừa nhận phẩm giá và những quyền của con người, cũng như quyền bình đẳng của đại gia đình nhân loại được sống trong hòa bình, công lý và tự do.

Năm 1966, với sự biểu quyết Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa, Liên Hiệp Quốc san định Luật Quốc Tế Nhân Quyền.

 

Luật Quốc Tế Nhân Quyền là văn kiện pháp lý quan trọng nhất trong thời đại chúng ta. Hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền là hai hiệp ước quốc tế quan trọng nhất trong lịch sử loài người.

 

Quan trọng nhất trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền là Quyền Dân Tộc Tự Quyết. Quyền này được tuyên dương trong Điều 1 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, cũng như trong các Điều 1 của hai Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị, và về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa.

 

Về mặt quốc tế, Dân Tộc Tự Quyết dành cho các nước bị trị quyền được thu hồi độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ.

 

Về mặt quốc nội, Dân Tộc Tự Quyết là quyền của người dân được tự do lựa chọn chế độ chính trị của quốc gia, như quân chủ lập hiến, cộng hòa dân chủ hay dân chủ xã hội. Hơn nữa đây cũng là quyền của người dân được hành sử quyền tự do tuyển cử, để lựa chọn các đại biểu của mình trong chính quyền để thực thi chế độ đó.

 

Sau Thế Chiến I, năm 1919, tại Hội Quốc Liên, tổ chức tiền thân của Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Hoa Kỳ Wilson đề xướng Quyền DânTộc Tự Quyết và khuyến cáo các Đế Quốc Tây Phương hãy từng bước trả tự trị và độc lập cho các thuộc địa Á Phi.

 

Hưởng ứng khuyến cáo này, cũng trong năm 1919, Anh Quốc trả độc lập cho Canada tại Bắc Mỹ và A Phú Hãn tại Nam Á. Qua năm 1935 Phi Luật Tân được tự trị trong Khối Cộng Đồng (Commonwealth).  Qua năm sau, 1936, Pháp trao trả quyền tự trị (autonomy) cho 2 nước bảo hộ Syria và Lebanon.

 

Sau Thế Chiến II, năm 1946, các Quốc Gia Đồng Minh Tây Phương khởi sự thực thi Quyền Dân Tộc Tự Quyết quy định trong Hiến Chương Đại Tây Dương, Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc và Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

 

Và chiếu Nguyên Tắc Dân Tộc Tự Quyết trong vòng 3 năm, từ 1946 đến 1949, các Đế Quốc Tây Phương Mỹ, Pháp, Anh, Hà Lan đã lần lượt tự giải thể để trả độc lập cho 12 nước thuộc địa và bảo hộ tại Á Châu.

 

- Độc lập năm 1946: Phi Luật Tân thuộc Hoa Kỳ; Syria và Lebanon thuộc Pháp.

- Độc lập năm 1947: Ấn Độ và Đại Hồi thuộc Anh.

- Độc lập năm 1948: Miến Điện, Tích Lan và Palestine thuộc Anh,

- Độc lập năm 1949: Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao thuộc Pháp, và Nam Dương thuộc Hà Lan.

 

Hoa Kỳ đi tiền phong trong phong trào giải phóng thuộc địa. Nguyên là một cựu thuộc địa, Hoa Kỳ có truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhân dân Hoa Kỳ thường có cảm tình đối với những cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc Á Phi.

 

Năm l934 Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Luật Tydings-McDuffie Act thừa nhận Phi Luật Tân là một quốc gia tự trị (dominion) từ 1935. Trong đạo luật này có khoản quy định rằng, 10 năm sau, đúng ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ (4-7-1945), Phi Luật Tân sẽ được độc lập. Tuy nhiên, tới ngày đó, vì Chiến Tranh Thái Bình Dương chưa kết thúc nên Phi Luật Tân chỉ được tuyên bố độc lập ngày 4-7-1946 (chậm một năm vì lý do chiến cuộc).

 

Nếu Hoa Kỳ có truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, thì Pháp cũng là quốc gia có truyền thống Tự Do, Bình Đẳng và Bác Ái tiến bộ nhất trong lịch sử loài người. Năm 1936 khi Mặt Trận Bình Dân Pháp nắm chính quyền, Thủ Tướng Xã Hội Léon Blum ký hiệp ước để trả tự trị cho Syria và Lebanon. Và 10 năm sau, năm 1946, quân đội Liên Hiệp Pháp rút lui để trả độc lập cho hai quốc gia này.

 

3 năm sau, năm 1949, Tổng Thống Xã Hội Pháp Vincent Auriol đã ký 3 Hiệp Định tại Paris để trả độc lập cho 3 nước Đông Dương, Việt Nam, Ai Lao và Cao Miên. Sau các Đế Quốc Hoa Kỳ và Pháp, đến lượt Đế Quốc Anh bắt đầu tự giải thể. Tới Thế Chiến II, Anh Quốc đã thành lập một đế quốc lớn nhất từ cổ chí kim, chạy từ Bắc Mỹ qua Âu Châu, Phi Châu, Á Châu và Úc Châu. Người ta thường nói "mặt trời không bao giờ lặn trên Đế Quốc Anh". Vậy mà chỉ  2, 3 năm sau Thế Chiến II, trong những năm 1947 và 1948, Đế Quốc Anh đã tự giải thể để trả độc lập cho 5 nước thuộc địa và giám hộ tại Á Châu là Ấn Độ, Đại Hồi, Miến Điện, Tích Lan và Palestine.

 

Riêng về Việt Nam,  ngày 8-3-1949, tại điện Élysée Paris, Tổng Thống Vincent Auriol đã ký với Quốc Trưởng Bảo Đại Hiệp Định Élysée để trao trả độc lập cho Việt Nam chiếu theo những nguyên tắc đã được hai bên chấp thuận trong Hiệp Ước Sơ Bộ Vịnh Hạ Long tháng 12-1947 và Tuyên Cáo Chung Vịnh Hạ Long tháng 6-1948.

 

          Thông thường, theo thủ tục ngoại giao, các hiệp ước quốc tế chỉ mang chữ ký của các ngoại trưởng. Riêng Hiệp Định Élysée đã được chính Tổng Thống Vincent Auriol tự tay ký, với sự kiến thị của Thủ Tướng Henri Queille, của Ngoại Trưởng Georges Bidault, và của Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Paul Coste-Floret. Đây là một hiệp ước đặc biệt có một không hai trong lịch sử ngoại giao.

 

          Nhân danh Cộng Hoà Pháp, Tổng Thống Auriol long trọng trao trả độc lập cho Việt Nam trước quốc dân Việt Nam, trước quốc dân Pháp và trước cộng đồng thế giới. Và nhân danh Chủ Tịch Liên Hiệp Pháp, Tổng Thống Auriol yêu cầu Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Pháp trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị, cũng như các nước trong Liên Hiệp Anh và Liên Hiệp Quốc.

 

Theo quy chế Liên Hiệp Pháp, từ nay biên thùy của Việt Nam là biên thùy của Liên Hiệp Pháp mà cả Việt Nam và Pháp cùng có nghĩa vụ phải bảo vệ. Và cũng kể từ nay, quân đội Pháp đồn trú tại Việt Nam không còn là quân đội viễn chinh của Đế Quốc Pháp mà với danh nghĩa Quân Đội Liên Hiệp Pháp để bảo vệ biên thùy của Việt Nam đồng thời là biên thùy của Liên Hiệp Pháp và biên thùy của Thế Giới Dân Chủ. Năm 1949, biên thùy của Thế Giới Dân Chủ chạy từ Tây Đức qua Đại Hàn và Việt Nam.

 

           Hiệp Định Élysée 1949 gồm 4 điểm chính:

 

          1) Về mặt chủ quyền, Việt Nam được thống nhất và độc lập trong Liên Hiệp Pháp với  toàn quyền tự trị về mặt quốc nội. Vấn đề thống nhất sẽ được nhân dân Miền Nam quyết định qua Quốc Hội Địa Phương chiếu Nguyên Tắc Dân Tộc Tự Quyết.

 

          2) Về mặt ngoại giao, Việt Nam được quyền nhận và cử các phái bộ ngoại giao tại các quốc gia thân hữu theo chính sách ngoại giao chung của Liên Hiệp Pháp.

 

          3) Về mặt quốc phòng, Việt Nam có quân đội riêng được huấn luyện bởi các chuyên gia Pháp. Trong thời chiến tranh, để đối phó với những cuộc nội loạn và ngoại xâm, hai nước sẽ chiến đấu chung và sẽ thành lập một Bộ Tham Mưu Hỗn Hợp trong đó một tướng lãnh Pháp sẽ là Tư Lệnh Hành Quân và một tướng lãnh Việt Nam làm Tham Mưu Trưởng.

 

Từ tháng 1-1949 Tưởng Giới Thạch đã rút ra Đài Loan và quân đội Mao Trạch Đông đã tiến chiếm Bắc Kinh.  Với cuộc chiến phát động từ 1946 và với sự yểm trợ của Liên Xô và Trung Quốc từ 1949, cùng với quân lực Việt Nam, quân đội Pháp có nghĩa vụ chiến đấu để bảo vệ biên thùy của Việt Nam dưới danh nghĩa Quân Đội Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương.

 

          4) Về mặt kinh tế và văn hóa, Việt Nam sẽ ưu tiên tuyển dụng các chuyên viên kỹ thuật người Pháp để phát triển kinh tế quốc gia. Các trường công lập và tư thục cũng như các viện nghiên cứu của Pháp được tiếp tục hoạt động về văn hóa giáo dục và khoa học kỹ thuật. (Nguyễn Khắc Ngữ: Bảo Đại, các Đảng Phái Quốc Gia và sự thành lập Chính Quyền Quốc Gia Việt Nam).

 

          Vấn đề thống nhất có tính ưu tiên. Do đó để thực thi Quyền Dân Tộc Tự Quyết, một tháng sau Hiệp Định Élyseé, Chính Phủ Pháp tổ chức bầu cử Quốc Hội Địa Phương Nam Kỳ với 40 dân biểu Việt và 14 dân biểu Pháp. Việt Minh quyết liệt chống bầu cử. Họ đe dọa sẽ xử tử các ứng cử viên và các cử tri tham gia bầu cử. Mặc dầu vậy, ngày 10-4-1949, Quốc Hội Địa Phương Nam Kỳ đã được thành lập.

 

          Về vấn đề sát nhập Nam Kỳ vào Quốc Gia Việt Nam, cuộc biểu quyết lần đầu không đem lại kết quả vì số phiếu ngang nhau (25 phiếu thuận và 25 phiếu chống). Tuy nhiên trong cuộc biểu quyết lần thứ hai ngày 23-4-1949, vấn đề thống nhất đã được thông qua với 45 phiếu thuận và 6 phiếu chống. Điều đáng ghi nhận là, ngoài 40 dân biểu người Việt còn có thêm 5 dân biểu người Pháp đã bỏ phiếu giải tán chế độ Nam Kỳ Tự Trị để sát nhập Nam Phần vào Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất. (Nguyễn Khắc Ngữ, sách đã dẫn).

 

          Hơn một tháng sau, ngày 6-6-1949, theo thủ tục khẩn cấp,  Quốc Hội Pháp phê chuẩn Hiệp Định Élysée về vấn đề  trao trả Nam Kỳ cho Quốc Gia Việt Nam,  chấm dứt chế độ thuộc địa của Pháp tại Việt Nam.

 

Từ ngày đó, về mặt quốc tế công pháp, các hiệp ước thuộc địa và bảo hộ ký kết giữa Việt Nam và Pháp hồi cuối thế kỷ 19,  như Hiệp Ước Bonard (1862) nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Hiệp Ước Dupré (1874) nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ  (để  thiết lập chế độ thuộc địa tại Miền Nam), và Hiệp Ước Patenôtre (1884) thiết lập chế độ bảo hộ tại Trung và Bắc Kỳ, đã bị Hiệp Định Élysée 1949 bãi bỏ. Và cũng kể từ ngày  8-3-1949,  các bản Tuyên Ngôn Việt Nam Độc Lập ngày 11-3-1945 và ngày 2-9-1945 đã  trở thành hiện thực.

 

Bốn tháng sau, Tổng Thống Vincent Auriol lại ký với Quốc Vương Sisavangvong Hiệp Định ngày 20-7-1949 để trả độc lập cho Ai Lao "theo tinh thần Hiệp Định Élysée".  Và cũng 4 tháng sau đó, Tổng Thống Vincent Auriol còn ký với Quốc Vương Sihanouk Hiệp Định ngày 8-11-1949 để trả độc lập cho Cao Miên.

 

          Như vậy là trong năm 1949, ba nước Đông Dương Việt Miên Lào đã thu hồi độc lập quốc gia và thống nhất đất nước bằng đường lối chính trị và ngoại giao, không bạo động, không võ trang và nhất là không liên kết với Quốc Tế Cộng Sản. Đó cũng là đường lối đấu tranh giành độc lập tại 11 nước Á Châu khác là Phi Luật Tân, Syria, Lebanon, Ấn Độ, Đại Hồi, Miến Điện, Tích Lan, Palestine, Nam Dương, Mã Lai và Tân Gia Ba....

 

          Trong 3 năm, từ 1948 đến 1950, để ngăn chận làn sóng đỏ, Đồng Minh Tây Phương đã phân công như sau:

 

          1) Năm 1948 tại Mã Lai, quân đội Hoàng Gia Anh tảo thanh các chiến khu của phe Cộng Sản theo Mao Trạch Đông. Sau 4 năm dẹp loạn, Chính Phủ Anh đã trao quyền tự trị cho Đảng Quốc Gia của Abdul Rahman năm 1952, và 5 năm sau, năm 1957 Mã Lai được hoàn toàn độc lập. Hai năm sau đó, năm 1959, dưới sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu, Tân Gia Ba được dộc lập do chính sách liên lập với Mã Lai trong Liên Bang Mã Lai Á.

 

          2) Cũng trong năm 1948 tại Nam Dương, Cộng Sản phát động chiến đấu võ trang để phá thương nghị của Đảng Quốc Gia do Sukarno lãnh đạo. Dưới áp lực của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, Hội Nghị Bàn Tròn The  Hague được triệu tập, và ngày 27-12-1949 Hoà Lan đã ký hiệp ước trao trả độc lập cho Nam Dương.

 

          3) Năm 1949, 3 nước Đông Dương được độc lập trong Liên Hiệp Pháp do các Hiệp Định ký kết tại Paris với các Quốc Vương Việt Miên Lào.  Từ đó quân đội Pháp, dưới danh nghĩa Liên Hiệp Pháp, có nghĩa vụ bảo vệ biên thùy của Đông Dương, đồng thời là biên thùy của Liên Hiệp Pháp. 4) Năm 1950 tại Triều Tiên, trước sự xâm lăng của Bắc Hàn với sự yểm trợ của Liên Xô và Trung Quốc, Quân Lực Hoa Kỳ và Đồng Minh tham chiến dưới danh nghĩa Quân Đội Liên Hiệp Quốc để bảo vệ biên thùy của Nam Hàn đồng thời là biên thùy của Thế Giới Dân Chủ. Tháng 2-1953, trước diễn đàn Quốc Hội Hoa Kỳ, Tổng Thống Eisenhower nhận định: "Người Pháp chiến đấu tại Việt Nam và người Mỹ chiến đấu tại Triều Tiên cùng theo một mục đích như nhau" (bảo vệ biên thùy của Thế Giới Dân Chủ). Từ 1947, theo lời Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Marshall "Mỹ, Anh, Pháp,  Hà Lan  cùng đi trên một con thuyền".

 

          Hai cuộc chiến tranh Mã Lai và Nam Dương có tính cục bộ vì ở xa Liên Xô và Trung Quốc. Hai cuộc chiến tranh Đông Dương và Triều Tiên có tính quốc tế vì có sự tham gia trực tiếp bằng nhân lực và hỏa lực của các Đế Quốc Trung Sô. 15 triệu người đã bị hy sinh do tham vọng của phe Quốc Tế Cộng Sản đòi "giải phóng hai bán đảo Đông Dương và Triều Tiên" sau khi nhuộm đỏ lục địa Trung Hoa.

 

          Hiệp Định Élysée 1949 là bước khởi đầu trong tiến trình chuyển quyền tự trị và độc lập cho Việt Nam. Để thay thế chế độ thuộc địa bằng chế độ tự chủ cần phải có một thời gian chuyển tiếp. Điều kiện đặc thù là Việt Nam đang còn là bãi chiến trường của một cuộc chiến tranh võ trang quốc tế.

 

          Từ tháng 12-1949, Tổng Thống Hoa Kỳ Truman đã thông qua Nghị Quyết của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để yểm trợ chính trị, viện trợ quân sự và kinh tế trực tiếp cho Việt Nam nhằm ngăn chặn làn sóng đỏ.

 

          Ngày 2-2-1950 Quốc Hội Pháp phê chuẩn Hiệp Định Élysée 1949 cùng toàn bộ 12 Phụ Ước và 30 Đính Ước Bổ Túc.

 

          Cũng trong tháng này Hoa Kỳ, Anh Quốc và Thái Lan chính thức thừa nhận Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam  là cơ quan đại diện hợp pháp của nhân dân Việt Nam.  

 Mặc dầu vậy Hồ Chí Minh  đã phủ nhận nền độc lập và thống nhất  do Hiệp Định Élysée 1949 trả cho Việt Nam. Và Đảng Cộng Sản buộc toàn dân phải tiếp tục chiến đấu võ trang, để được độc quyền yêu nước, độc quyền kháng chiến, độc quyền thương nghị với Pháp, và rồi độc quyền lãnh đạo quốc gia.

 

          Để vận động toàn dân tham gia chiến đấu, Đảng Cộng Sản tuyên truyền rằng Pháp đem quân trở lại Việt Nam để tái lập chế độ thuộc địa. Do đó họ phải chiến đấu chống Pháp để giành lại độc lập cho quốc gia. Đây chỉ là luận điệu tuyên truyền xuyên tạc.  Vả lại chính Hồ Chí Minh đã ký Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny tháng 3-1946 cho phép 15 ngàn quân Pháp trở lại đồn trú tại Việt Nam.

 

Chiếu theo Hiệp Định Eùlysée 1949, Quân Đội Pháp không còn là quân đội viễn chinh của Đế Quốc Pháp, mà đã tham chiến tại Việt Nam dưới danh nghĩa Quân Đội Liên Hiệp Pháp để bảo vệ biên thùy của Việt Nam đồng thời cũng là biên thùy của Liên Hiệp Pháp.

 

          Từ sau Thế Chiến II chế độ thuộc địa tại Á Châu đã cáo chung. Chính Phủ Pháp đã quyết định không tái lập chế độ thuộc địa tại Á Châu, và tán thành nguyện vọng độc lập của nhân dân Syria, Lebanon, Việt Nam, Ai Lao và Cao Miên theo lời cam kết trong Hiến Chương Đại Tây Dương và Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa tại Hội Nghị Cựu Kim Sơn tháng 4-1945 thành lập Liên Hiệp Quốc, cũng như Anh, Mỹ, Hà Lan, Pháp đã cam kết cải tiến chính sách đối với các dân tộc bị trị. Do đó Pháp phải hoàn thành nghĩa vụ này đối với các dân tộc Á Phi.

 

Và năm 1946, Pháp đã trả độc lập cho Syria và Lebanon. Trong năm 1947, Pháp đã đăng ký 3 nước Đông Dương Việt-Miên-Lào là những quốc gia độc lập tại Liên Hiệp Quốc đồng thời với Ấn Độ và Đại Hồi (Everyone's United Nations, ấn bản 1986, trang 332). Tuy nhiên Liên Xô đã dùng quyền phủ quyết để bác đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc của 3 nước Đông Dương.

 

Và năm 1949, bằng các Hiệp Định ký kết tại Điện Elysée Paris, Tổng Thống và Quốc Hội Pháp đã chính thức thừa nhận chủ quyền độc lập và sự thống nhất của Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao.

 

          Mặc dầu vậy, Hồ Chí Minh đã phủ nhận nền độc lập này và đã phá hoại nền thống nhất này. Lý do là vì Hiệp Định Élysée không cho Đảng Cộng Sản độc quyền lãnh đạo quốc gia. Và họ vẫn tiếp tục chiến đấu võ trang trong suốt 30 năm để ký Hiệp Định Geneva chia đôi đất nước và cướp chính quyền tại Miền Bắc năm l954. Và rồi, họ lại tiếp tục chiến đấu võ trang để cướp chính quyền tại Miền Nam năm l975.

 

          Tấm bản đồ Việt Nam ông cha chúng ta đã tạo lập nên hồi đầu thế kỷ 19. Sau này, vì hèn yếu và nhu nhược, chúng ta đã phải nhượng cho Pháp 6 tỉnh Miền Nam. Năm 1949 đồng bào Miền Nam đã hành sử  Quyền Dân Tộc Tự Quyết để thu hồi sự toàn vẹn lãnh thổ và bồi đắp tấm bản đồ từ Nam Quan đến Cà Mâu. Tuy nhiên, bằng chiến tranh võ trang, Hồ Chí Minh đã cầm tay xé đôi tấm bản đồ năm 1954 để cướp chính quyền tại Miền Bắc. Và rồi, cũng bằng chiến tranh võ trang, vi phạm thô bạo Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973, năm 1975, Đảng Cộng Sản đã cướp chính quyền tại Miền Nam. Rồi họ lấy băng keo dán 2 mảnh dư đồ lại và tuyên truyền rằng Hồ Chí Minh có công thống nhất đất nước.
 

          Trên đây là những sưu tầm và nhận định của một người nghiên cứu sử học và luật học, chứ không phải của một cán bộ tuyên truyền cho một chủ thuyết hay một chế độ chính trị nào.

 

          Các bạn trẻ Việt Nam hãy kiểm chứng và suy ngẫm về những sự kiện lịch sử nói trên để có những hành động kịp thời và thích đáng.

 

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

      (Tháng 3-2008)