Friday, May 8, 2009

Cảnh giác nhà cầm quyền Hà Nội

CẢNH GIÁC NHÀ CẦM QUYỀN HÀ NỘI

 

VỀ VIỆC ĐỊNH RANH THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM

 

Ủy ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền

 

 

Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

 

Từ khi biết sống hợp quần trong xã hội để thành lập quốc gia, con người đã biết đặt ra luật lệ để giải quyết các tương quan về quyền lợi và nghĩa vụ trong sinh hoạt cộng đồng.

Địa cầu gồm 3 phần đất và 7 phần nước.  Nếu có luật quốc tế tại các lãnh thổ thì cũng phải có luật biển cho miền lãnh hải hay hải phận.

Ngày 10-12- 1982, 119 quốc gia đã ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Muốn thành luật, Công Ước phải được đa số các quốc gia kết ước phê chuẩn. Ngày 16-11-1993, 60 quốc gia đã phê chuẩn Công Ước, và một năm sau, ngày 16-11-1994 Công Ước có hiệu lực chấp hành.

Danh từ lãnh thổ bao gồm cả lục địa, hải  phận và  không phận.

Tại vùng hải phận đường cơ sở (baseline) thông thường là lằn mức thủy triều xuống thấp.

Biển lãnh thổ (territorial sea) rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra khơi.

Cần phân biệt giữa biển lãnh thổ hải phận của quốc gia duyên hải (maritime zone).

                    Theo án lệ cố định của Tòa Án Quốc Tế The Hague, biển lịch sử (historic waters) chỉ là nội hải (internal waters). Muốn có biển lịch sử phải hội đủ 3 điều kiện:

a.     Quốc gia duyên hải đang hành sử chủ quyền;

b.    Sự hành sử chủ quyền có tính liên tục và trường kỳ;

c.     Các quốc gia kế cận và đối diện thừa nhận chủ quyền của quốc gia duyên hải.

(U.N. Secretariat, Juridical Regime of Historic Waters, 1962)

               Dầu sao, chiếu Điều 8 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, biển lịch sử chỉ là nội hải tọa lạc trên đất liền, về phía bên trong đường cơ sở của biển lãnh thổ.

Như vậy biển lịch sử của Trung Hoa hay Lưỡi rồng Trung Quốc cũng chỉ là nội hải. Nó không thể là Biển Nam Hoa hay Biển Đông Nam Á cách Hoa lục đến 2000 cây số.

Vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone: EEZ) rộng 200 hải lý để đánh cá chạy từ biển lãnh thổ ra khơi.

          Thềm lục địa (continental shelf) để thăm dò và khai thác dầu khí trùng điệp với vùng đặc quyền kinh tế để đánh cá, và cũng rộng 200 hải lý (370 km).  
 

Chiếu Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thềm lục địa pháp lý (legal continental shelf) của các quốc gia duyên hải dài 200 hải lý tính từ biển lãnh thổ ra khơi.

Ngoài ra còn có thềm lục địa địa chất (geological continental shelf) có thể kéo dài tối đa đến 350 hải lý (650 km), nếu về mặt địa chất và địa hình, đáy biển là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài khơi trên triền biển sâu đến mũi xa bờ nhất của nền lục địa (continental margin).

Đó là các yếu tố đặc thù (particulars) tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Tại Hoàng Sa, thềm lục địa địa chất nằm trên nền lục địa, chạy thoai thoải từ dãy Trường Sơn ra biển, phía đông Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Độ sâu nhất quanh đảo Hoàng Sa là 900m. Về mặt địa chất  và địa hình, đáy biển Hoàng Sa là sự tiếp nối tự nhiên của dẫy Trường Sơn từ Cù Lao Ré ra các đảo Tri Tôn, Hoàng Sa và Phú Lâm. Đây là những cao nguyên của lục địa Việt Nam trên mặt biển. Nếu nước biển rút xuống 900m thì toàn thể các hải đảo Hoàng Sa sẽ biến thành một dẫy hành lang chạy thoai thoải từ Trường Sơn ra Biển Đông.
 
Năm 1925, nhà địa chất học quốc tế, Tiến Sĩ Khoa Học A. Krempt, giám đốc Viện Hải Học Đông Dương, sau 2 năm nghiên cứu, phân chất đất đai, đo đạc, vẽ bản đồ các hải đảo và đáy biển đã lập phúc trình và kết luận rằng: "Về mặt địa chất các đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam" (Geologiquement, les Paracels font partie du Vietnam).
 
Trong khi đó từ quần đảo Hoàng Sa về Hoa lục có một rãnh biển sâu trên 2380m (1301fathoms). Vì đáy biển Hoàng Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài biển, Trung Quốc không có hy vọng đòi nới rộng thềm lục địa Trung Hoa từ 200 hải lý đến mức 350 hải lý như trường hợp Việt Nam.
 

Vả lại, về mặt vị trí,  các đảo Hoàng Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 17-15 Bắc, cách bờ biển Việt Nam khoảng 160 hải lý và cách Hoa lục tới 270 hải lý, nên thuộc thềm lục địa của Việt Nam.

Tại Trường Sa cũng vậy. Về mặt địa chất và địa hình đáy biển, Trường  Sa là sự tiếp nối tự nhiên từ lục địa Việt Nam ra ngoài biển. Tại bãi Tứ Chính (Vanguard Bank) nơi khai thác dầu khí, biển sâu không tới 400m, và tại vùng đảo Trường Sa và cồn An Bang (do Việt Nam chiếm cứ), độ sâu chỉ tới 200m. Bãi Tứ Chính cách bờ biển Việt Nam khoảng 190 hải lý và cách Hoa lục tới 800 hải lý. Về mặt vị trí, các đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12-8 Bắc (từ Cam Ranh xuống Cà Mâu), cách bờ biển Việt Nam 220 hải lý, và cách Hoa Lục tới 750 hải lý, nên thuộc hải phận của Việt Nam. 
 
Hơn nữa về mặt địa chất và địa hình đáy biển, quần đảo Trường Sa cách bờ biển Trung Quốc bằng một rãnh biển sâu hơn 4,630m (2531 fathoms). Vì đáy biển Trường Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài biển, Trung Quốc không có hy vọng đòi nới rộng thềm lục địa tại Trường Sa từ 200 hải lý đến mức 350 hải lý. Trong mọi trường hợp, các đảo Trường Sa cách Hoa lục quá xa (từ 700 đến 800 hải lý), vượt quá mức tối đa 350 hải lý dành cho thềm lục địa địa chất chiếu điều 76 Luật Biển.
 
Khác với vùng đặc quyền kinh tế đánh cá, thềm lục địa (dầu là pháp lý hay địa chất) thuộc chủ quyền tuyệt đối và đặc quyền chuyên hữu (exclusive and sovereign rights) của quốc gia duyên hải trong việc thăm dò và khai thác dầu khí. Các quốc gia duyên hải không phải chia dầu khí cho ai, dầu chưa khai thác hay không khai thác hết (các Điều 77 và 81Công Ước). Các quốc gia khác không được quyền đến thăm dò hay khai thác dầu khí nếu không có sự ưng thuận minh thị của quốc gia duyên hải. Mọi sự vi phạm bằng cách chiếm cứ, dầu có võ trang hay không, cũng đều bất hợp pháp và vô hiệu lực.
 
Hơn nữa, tại thềm lục địa, quyền của các quốc gia duyên hải có tính tuyệt đối và không tùy thuộc vào điều kiện phải có sự chiếm hữu (occupation), thăm dò (exploration), khai thác (exploitation) hay công bố minh thị (express proclamation). Do đó, mặc dầu không còn chiếm cứ các đảo Hoàng Sa từ 1974, Việt Nam vẫn không mất chủ quyền tuyệt đối và đặc quyền chuyên hữu tại quần đảo này.
 
Trong những năm 1974, 1988 và 1992 Trung Quốc  đã chiếm đóng võ trang một số đảo, cồn, đá, bãi tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những hành động vi phạm thô bạo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Dầu sao sự chiếm cứ bất hợp pháp này cũng không có tác dụng tước đoạt chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại thềm lục địa như các Điều 77 và 81 Công Ước đã quy định. Hành vi bạo hành dầu kéo dài bao lâu cũng không làm mất tính bạo hành của nó. Và sự bạo hành võ trang không được viện dẫn quy chế tiêu diệt thời hiệu theo luật lệ hiện hành tại các quốc gia văn minh trên thế giới.
 

          Đơn yêu cầu mở rộng thềm lục địa của Việt Nam

 

Chiếu Điều 4 Phụ Đính 2 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các quốc gia duyên hải có quyền đệ đơn tại Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf) để được hưởng quy chế thềm lục địa địa chất đến mức tối đa 350 hải lý, trong trường hợp nền lục địa của quốc gia duyên hải dài hơn thềm lục địa pháp lý (200 hải lý).

Thời hạn nạp đơn yêu cầu mở rộng thềm lục địa là 10 năm kể từ khi Công Ước có hiệu lực chấp hành (tháng 11-1994).

Qua năm 1995, nhân kỳ Đại Hội Khu Vực Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) họp tại Brunei, Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền đã gửi 7 vị nguyên thủ quốc gia trong Khối ASEAN một bản tường trình về vụ tranh chấp lãnh thổ tại Hoàng Sa Trường Sa trên bình diện công pháp quốc tế. (Lúc này Việt Nam đã gia nhập ASEAN). Trong phần kết luận, Ủy Ban Luật Gia yêu cầu Khối ASEAN công bố quyết nghị đồi danh xưng Biển Nam Hoa (South China Sea) thành Biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea). Đồng thời đề nghị Khối ASEAN triệu tập những cuộc đàm phán đa phương để giải quyết toàn bộ vấn đề tranh chấp tại Biển Đông Nam Á giữa các quốc gia hội viên của tổ chức này.

Riêng đối với phái đoàn Việt Nam, Ủy Ban Luật Gia cũng đề nghị nhà cầm quyền triệu dụng các luật gia và chuyên gia trong các tổ chức hải dương quốc tế (như Viện Hải Dương Đông Tây tại Hawaii) để lập bản tường trình về những yếu tố đặc thù liên quan đến địa lý, địa hình, địa chất tại Hoàng Sa và Trường Sa theo các tiêu chuẩn hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về khoa học kỹ thuật. Mục đích để kiện toàn hồ sơ yêu cầu Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa chấp thuận cho Việt Nam được mở rộng thềm lục địa từ 200 hải lý cho đến mức 350 hải lý.

Về thủ tục tố tụng Ủy Ban Luật Gia cũng đã lưu ý rằng thời hạn đệ đơn là 10 năm chiếu Điều 4 Phụ Đính 2 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Thời hạn này sẽ mãn vào tháng 11-2004.

Từ đó đến nay đã 14 năm, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn im lìm bất động. Hơn nữa, năm 2000, Chính phủ Hà Nội còn ký một hiệp ước bất bình đẳng về Hợp Tác Nghề Cá với Trung Quốc.  Trong hiệp ước này có điều khoản quy định rằng, khi dầu khí được phát hiện, hai bên sẽ khởi sự khai thác dầu khí chung tại thềm lục địa đồng thời với sự hợp tác đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế tại Vịnh Bắc bộ.
 

Theo những tin tức mới đây căn cứ vào những thỉnh nguyện của một số quốc gia hội viên, Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc đã đồng ý triển hạn cho các quốc gia kết ước hay gia nhập Công Ước trước ngày 13-5-1999 (như trường hợp Việt Nam) được có thời hạn 10 năm nghĩa là đến ngày 13-5-2009 để đệ đơn yêu cầu mở rộng thềm lục địa từ 200 hải lý đến 350 hải lý.

Quyết định này căn cứ vào hai sự kiện sau đây:

1.     Mặc dầu Công Ước đã có hiệu lực chấp hành từ tháng 11-1994, vậy mà 3 năm sau, mãi tới tháng 5-1997, các ủy viên trong Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa mới được tuyển chọn.

2.     Hơn nữa mãi tới ngày l3-5-1999, Ủy Ban Phân Định mới soạn thảo và công bố Bản Cương Lĩnh hướng dẫn các quốc gia hội viên về các tiêu chuẩn phải khai trình về mặt chuyên môn và khoa học kỹ thuật.
 

          Vì có sự chậm trễ 5 năm, Ủy Ban Phân Định đã đồng ý cho triển hạn thêm 5 năm (từ tháng 11-2004 đến ngày 13-5-2009) để các quốc gia hội viên đệ nạp hồ sơ.

          Điều đáng lưu ý là đơn thỉnh nguyện có thể chưa viện dẫn đầy đủ các dữ kiện và yếu tố theo các tiêu chuẩn ghi trong Cương Lĩnh về Khoa Học Kỹ Thuật của Ủy Ban Phân Định ngày 13-5-1999. Trong trường hợp này các quốc gia đệ đơn có thể xin dành quyền được xuất trình tài liệu về những yếu tố và dữ kiện bổ túc để kiện toàn hồ sơ.
 

          Cũng như năm 1995, hôm nay, một lần nữa, Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền lại cảnh giác và đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội sớm đệ nạp đơn thỉnh nguyện tại Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc trong thời hạn hạn luật định.  Mục đích để bảo vệ và tranh thủ tối đa chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại các thềm lục địa nơi tọa lạc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

          Cùng đồng bào trong và ngoài nước, Ủy Ban Luật Gia sẽ quan tâm theo dõi thái độ, hành động và tinh thần trách nhiệm của nhà cầm quyền Hà Nội trong nhiệm vụ lịch sử này.

 

                                              Làm tại Hải ngoại ngày 22-2-2009.

 

                              T.M. Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền

                                                  Luật Sư Nguyễn Hữu Thống