HIỆN TƯỢNG OBAMA
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
ĐẲNG QUÂN CƠ HỘI
Trong cuộc vận động tuyển cử mùa hè năm nay Barack Obama bỗng dưng biến thành một hiện tượng chính trị độc đáo trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như trên thế giới.
Anh xuất thân từ một gia đình trung lưu Mỹ-Phi, mẹ quê ở Kansas, cha gốc Kenya. Anh không thuộc giới thượng lưu quyền quý và cũng không có kinh nghiệm hành pháp và lập pháp như Kennedy. Anh mới chân ướt chân ráo bước vào Thượng Nghị Viện trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Vậy mà trong cuộc tuyển cử sơ bộ của Đảng Dân Chủ anh đã thắng Hillary Clinton cả về số phiếu lẫn số ngân khoản yểm trợ của tư nhân. Và hiện nay anh đang dẫn trước ứng cử viên Cộng Hòa John McCain trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Một số dư luận nhận định rằng rất có thể anh sẽ là người đầu tiên thực hiện giấc mơ của Abraham Lincoln theo đó tại Hoa Kỳ ai cũng có thể trở thành tổng thống, không phân biệt chủng tộc, mầu da, nam nữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc quốc gia, thành phần xã hội, tài sản, giòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
Nhờ tài ăn nói anh được sự yểm trợ của hệ thống sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ. Đó là một điểm son của chế độ lưỡng đảng tại một số quốc gia dân chủ tiên tiến như Anh, Mỹ, Đức, Áo, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Úc, Tân Tây Lan v...v...
Về phía Cộng Hòa, cách đây 40 năm, Richard Nixon cũng là người được thừa hưởng ân huệ của chế độ lưỡng đảng. Năm 1968, khi ra tranh cử tổng thống ông đã đắc cử vẻ vang, dầu rằng trong suốt thời gian 8 năm từ 1960, ông đã thất bại chua cay trước Tổng Thống Kennedy, và rồi trước Thống Đốc Brown tại California.
Năm 1968 nếu không có hậu thuẫn chính trị và sự yểm trợ nhân lực và tài lực của Đảng Cộng Hòa thì nhiều phần Nixon đã phải từ giã chính trường mặc dầu mọi khả năng, thiện chí, kiến thức, kinh nghiệm và thành tích trong 8 năm phụ tá Tổng Thống Eisenhower trong chức vụ Phó Tổng Thống từ 1952. Ông nổi tiếng từ sau vụ đấu lý với Khrushchev trong cuộc "tranh luận tại nhà bếp" về tương lai của hai chế độ Dân Chủ và Cộng Sản.
Năm 1967, với tư cách ứng cử viên đối lập, Nixon qua Việt Nam tham quan chiến trường và vận động tuyển cử trong các giới binh sĩ và viên chức Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam. Trong dịp này ông có mời người viết và Bác Sĩ Phan Quang Đán thuộc Quốc Hội Lập Hiến, cùng với Luật Sư Trần Văn Tuyên thuộc thành phần đảng phái đối lập, đến dùng bữa cơm chiều thân mật. Dáng người ông cao lớn, sức khỏe sung mãn, cười nói hồn nhiên, lịch duyệt và cởi mở. Đặc biệt là tinh thần hài hước, thái độ tích cực tràn đầy hy vọng và niềm tin mặc dầu đã từng đánh đâu thua đó liên miên trong suốt 8 năm.
Ngoài khả năng, kiến thức, kinh nghiệm và thành tích, yếu tố quyết định đem lại cho ông lạc quan, nghị lực và niềm tin phát sinh từ chế độ lưỡng đảng.
Obama cũng vậy. Nếu không có sự yểm trợ tích cực của Đảng Dân Chủ đối lập thì, với sự non trẻ, thiếu phương tiện và kinh nghiệm, Obama sẽ không thể hội đủ điều kiện chủ quan và hậu thuẫn quần chúng để mạo hiểm ra tranh cử với Hillary Clinton trong cuộc tuyển cử sơ bộ, và rồi đây với John McCain trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm nay.
Cách đây 4 năm, khi bước chân vào tòa nhà lập pháp liên bang, Obama chỉ là một luật sư không tên tuổi rất ít sinh hoạt tại tòa án, không có thành tích đáng kể trong đời sống công dân và cũng không có kinh nghiệm nghị trường. Hồ sơ thành tích lập pháp của anh chẳng những mỏng tanh, mà còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn và xé rào khi đầu phiếu.
Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ là cơ quan lập pháp gián tiếp góp phần tham gia họach định đường lối ngoại giao của Chính Phủ. Và cũng có quyền hiến định kiểm soát chính sách đối ngoại và sự thực thi chính sách này của Chính Phủ. Bình thường tại một quốc gia dân chủ, một người trí thức non trẻ, hay nói rõ hơn, một luật sư thiếu kinh nghiệm và uy tín không bao giờ dám ra ứng cử tổng thống. Nhất là tại Hoa Kỳ với chiến dịch vận động tuyển cử vô cùng khó khăn, phức tạp và tốn kém. (Sau khi thất cử, Bà Clinton còn mang nợ nần chồng chất). Vì vậy trong điều kiện chính trị và xã hội hiện nay, chúng ta không thể viện dẫn lời quyết đoán đầy mơ ước của Abraham Lincoln từ giữa thế kỷ 19, theo đó ai cũng có thể trở thành tổng thống.
Theo giới truyền thông và các viện nghiên cứu, người dân hoan nghênh hiện tượng Obama. Để biện hộ cho anh, nhiều người quan niệm rằng ngày nay tuổi trẻ không còn là một sở đoản mà là một tài năng. Anh ăn nói hùng hồn, thuyết trình hấp dẫn, có sức thuyết phục và lôi cuốn cử tri, đặc biệt là giới thanh thiếu niên. Cũng như Kennedy trước kia, Obama đã nói lên lý tưởng, nguyện vọng và hoài bão của người dân và đưa ra một thông điệp đầy cảm hứng về hy vọng và niềm tin để kết hợp lòng người còn đang ly tán.
Theo cuộc thăm dò dư luận hiện nay hơn 80% dân chúng Hoa Kỳ không tán thành chủ trương đường lối của Chính Phủ (Cộng Hòa) và của Quốc Hội (Dân Chủ). Sự khủng hoảng niềm tin bắt nguồn từ ngọn lửa chiến tranh và khủng bố cùng những khó khăn và suy thoái kinh tế. Đặc biệt là tâm trạng chán ghét chiến tranh với những kẻ thủ lợi nhờ chiến tranh và những mất mát do chiến tranh.
Trong tình trạng hoang mang dao động của các tầng lớp lao động và tiểu tư sản, Obama đề xướng thuyết Đổi Mới. Nhưng thế nào là đổi mới và đổi theo chiều hướng nào thì đó còn là vấn đề phải thảo luận.
LỰC BẤT TÒNG TÂM
Tuy nhiên kinh nghiệm cho biết, ngay tại các nước dân chủ pháp trị văn minh, trên phương diện lãnh đạo quốc gia, lời nói nhiều khi không đi đôi với việc làm, và chương trình kế hoạch đề xướng không phù hợp với thực tế, không được thực thi nghiêm chỉnh và cũng không đem lại kết quả trông đợi. Nhất là đối với các nhà lãnh đạo trẻ tuổi hăng say, nhiều cao vọng nhưng thiếu kinh nghiệm và hiểu biết để phán đoán nên không nhìn rõ những khó khăn phức tạp của vấn đề và những khía cạnh thực tiễn của vấn đề. Do đó họ dễ mắc vào tình trạng lực bất tòng tâm, lời nói thường đi quá việc làm, và tài sức không theo kịp cao vọng.
Ngoài ra còn có những tu chính và thay đổi lập trường từ giai đoạn vận động tuyển cử đến giai đoạn thực thi chính sách. Trong hiện vụ ngay cả trong thời gian vận động, để kích động sự yểm trợ của quần chúng, đã có lần Obama tuyên bố không cần nhận các kinh phí tuyển cử trong ngân sách quốc gia. Nhưng sau đó thấy mình cương vô lý, và việc này ra ngoài hệ thống, nên anh đã nuốt lời và sau đó đã tiếp nhận các ngân khoản tài trợ công.
Trở lại cuộc tranh cử tổng thống năm 1960, ai cũng cho rằng Nixon có ưu thế do khả năng, uy tín, kiến thức, kinh nghiệm và thành tích trong thời gian tham gia điều khiển guồng máy chính trị quốc gia gần một thập niên. Vả lại Nixon là một trong những ứng cử viên tổng thống có ý thức và am tường rõ nhất về chiến lược của Quốc Tế Cộng Sản trong thời chiến tranh ý thức hệ hay Chiến Tranh Lạnh.
Mặc dầu vậy, do những kỹ thuật truyền thông và bộ máy tuyên truyền của Đảng Dân Chủ đối lập, Kennedy đã thắng Nixon trong gang tấc. Lúc này, với sự xuất hiện của hệ thống truyền hình, hàng chục triệu cử tri nam nữ đã dành cảm tình cho Kennedy do tướng mạo khôi ngô tuấn tú, lời nói chân thành trau chuốt, đầy tin tưởng vào tiền đồ dân tộc. Điều đáng lưu ý là, thay vì đề cập đến những yêu cầu và quyền lợi của cử tri, ông đã mạnh dạn kêu gọi thế hệ trẻ phải dấn thân vì đại nghĩa để đem lại phồn vinh cho quốc gia, xứng đáng với vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến I và Thế Chiến II.
Tấm gương can trường của Kennedy đã phát hiện khi còn là một sĩ quan hải quân được tuyên dương trong thời chiến. Cũng như trong những vụ Liên Xô đặt hỏa tiễn tại Cuba, và phong tỏa Bá Linh. Vậy mà những thành tích này không xóa bỏ được những thất bại bi thảm trên trường ngoại giao quốc tế. Như vụ thất hứa với các chiến sĩ dân chủ Cuba trong cuộc Khởi Nghĩa Vịnh Con Heo.
Đặc biệt là, tại Việt Nam, do những báo cáo chủ quan và những nhận định hồ đồ của các cộng tác viên, Kennedy đã gây nên một vết nhơ trong lịch sử Hoa Kỳ khi dung túng vụ hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một trong những người quốc gia có khả năng đối đầu với Hồ Chí Minh và Quốc Tế Cộng Sản. Suốt một đời tận tụy vì đất nước, ông Diệm hằng nuôi dưỡng một niềm tin tôn giáo như Wilson, một quyết tâm chiến đấu như Churchill, và một ý thức sâu sắc về nguy cơ và chiến lược Cộng Sản như Lý Thừa Vãn.
Chúng ta không nghĩ Obama sẽ gặp những cơ hội và oan nghiệt của Kennedy. Dầu sao một số bình luận gia lại cho rằng Obama có nhiều sở đoản và nhược điểm có thể gây nên những khó khăn đe dọa tương lai chính trị của anh.
NHỮNG SỞ ĐOẢN VÀ NHƯỢC ĐIỂM.
Trên trường chính trị các nhà lãnh đạo tuổi trẻ tài cao thường có ý chí, quyết tâm và cao vọng. Vì quá tin vào thiện chí, khả năng và chính nghĩa theo đuổi, họ tự đặt cho mình những mục tiêu lý tưởng cao xa. Do đó họ dễ mắc bệnh chủ quan và thiếu thực tế. Obama cũng ở trong trường hợp này.
Sau khi đắc cử nghị sĩ nhiệm kỳ đầu tiên tại Illinois, Obama tự ví mình với Tổng Thống Lincoln là người cũng bước vào chính trường tại tiểu bang này. Anh thường nói : "Do sự khắc phục nghèo đói, sự trau giồi ngôn ngữ và pháp luật, cũng như khả năng vượt thoát mọi khó khăn và thất bại, Lincoln đã khiến tôi nhớ lại những giai đoạn tranh đấu gian nan của tôi". Đọc lại lịch sử Hoa Kỳ chúng ta thấy lời nhận định và so sánh này có phần quá đáng.
Thật vậy trong quá trình lập quốc và giữ nước, Lincoln có thể được xếp hạng trên cùng một bình diện với Washington là người chủ xướng thiết lập chế độ cộng hòa. Kế tiếp sự nghiệp của Washington, trong cuộc Nội Chiến Nam Bắc, Lincoln đã thành công trong việc cứu vãn sự tồn vong của quốc gia, bảo toàn sự thống nhất lãnh thổ, và củng cố chế độ cộng hòa. Đây là một đại hạnh, chẳng những cho Hoa Kỳ, mà cho toàn thế giới. Có như vậy nhân loại mới giữ được niềm tin về tính khả thi của chính thể dân chủ với "một chính phủ của dân, bởi dân và vì dân". Đó là sinh lộ của nhân loại văn minh từ thế kỷ 19 sau những lầm đường và lạc hướng của Cách Mạng Pháp do sự thiết lập chế độ vương quyền của dòng họ Napoleon.
Ngoài ra Lincoln còn kế tục sứ mạng của các nhà lập quốc Hoa Kỳ với phong trào giải phóng nô lệ, đem lại tự do và bình đẳng cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân. Cuộc giải phóng nô lệ của Tổng Thống Lincoln tại Hoa Kỳ hồi giữa thế kỷ 19 có thể coi là một thông điệp gửi cho Tổng Thống Wilson khi ông này đề xướng Quyền Dân Tộc Tự Quyết tại Hội Quốc Liên sau Thế Chiến I. Và tiếp nối phong trào giải phóng nô lệ là phong trào giải phóng thuộc địa trong đó các Đế Quốc Tây Phương đã lần lượt tự giải thể để trả chủ quyền độc lập cho các dân tộc bị trị tại Châu Á và Châu Phi từ sau Thế Chiến II.
Đặc biệt là, về mặt con người, Lincoln có những đặc tính về nhân bản và đức lý của mẫu người quân tử, như khiêm tốn, bao dung, vị tha và minh triết. Những đức tính này khó tìm thấy trong các giới lãnh đạo quốc gia trên thế giới hiện nay. Huống chi, với một người mới tập tễnh bước vào chính trường chưa đóng góp được gì cho quốc gia xã hội, chúng ta không thể tìm thấy ở Obama một căn bản tinh thần tương tự. Do đó nhiều người không chấp nhận thái độ của Nghĩ Sĩ Obama, mà họ cho là tự kiêu tự đại, khi anh tự ví mình với Tổng Thống Lincoln.
Trong cuộc vận động tuyển cử hiện nay Obama đã rập theo sách lược của Kennedy. Nhưng anh vẫn không đuổi kịp Kennedy cả về tác phong, diện mạo, lời ăn tiếng nói, lập trường tư tưởng, và nhất là những thành tích phục vụ quốc gia khi nhập ngũ, cùng những thử thách và thi gan với Cộng Sản tại Châu Âu và Châu Mỹ La Tinh.
Ngạn ngữ có câu " nói dễ làm khó", "có vào việc mới biết người thợ giỏi" (A l'oeuvre on connait l'artisan). Vì, như đã trình bày, lời nói không đi đôi với việc làm, và lực bất tòng tâm là hai sự kiện phổ biến trong sinh hoạt chính trị quốc gia.
Hơn nữa Obama cũng không thể sánh với Mục Sư Luther King, Jr., một chiến sĩ nhân quyền từng ấp ủ giấc mơ đem lại bình đẳng cho các sắc dân da mầu, trong tinh thần ôn hòa, bất bạo động, bằng cách đánh động lương tri các nhà lãnh đạo quốc gia đòi tôn trọng và thực thi nhân quyền và những quyền tự do cơ bản ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Trong khi đó, nhân một phút bốc đồng, Obama đã buông lời mạt sát "một số cử tri da trắng chỉ bám riết vào võ khí, tôn giáo và chủng tộc". Đây là một thái độ kỳ thị mầu da, kỳ thị tôn giáo và kỳ thị chủng tộc.
Ngoài ra Obama còn xuyên tạc sự thật khi khẳng định rằng "trong các cử tri người Mỹ gốc Phi Châu, số người bị giam giữ trong trại tù còn đông hơn số người vào đại học". Ai cũng ngạc nhiên về nhận đinh hồ đồ này. Chúng ta có cảm tưởng đây là lời tố cáo của một lãnh tụ thuộc phe cộng sản hay phe khủng bố chống Hoa Kỳ và Thế Giới Dân Chủ. Đây cũng là sự kết án toàn bộ hệ thống tư pháp giáo dục Hoa Kỳ, có lợi cho sự tuyên truyền của đối phương. Chỉ một lời xuyên tạc đáng tiếc này cũng có thể có tác dụng phủ nhận mọi công trình vận động của ứng cử viên Obama, mặc dầu mọi cố gắng của anh trong việc thuyết phục đồng bào các giới về chính sách hòa giải dân tộc bằng sự kết hợp lòng người.
Do đó nhiều người cho rằng sự lên án hệ thống tư pháp giáo dục quốc gia cũng như sự phỉ báng các thành phần da trắng, tôn giáo và chủng tộc là một thành kiến và kỳ thị đảo ngược (prejudice and reverse discrimination).
Vụ này khiến nhiều người nhớ lại thái độ cứng rắn của Obama khi anh công khai chống đối Mục Sư Jeremiah Wright tại Boston, và từ đó đã rời bỏ họ đạo và giáo đường. Một vài phần tử có hậu ý không quên nhắc lại rằng, thay vì là Barry Obama, anh có tên nguyên thủy là Barack Hussein Obama từ thời du học tại Nam Dương.
HIỆN TƯỢNG VÀ HUYỀN THOẠI
Sau cùng một số người có kinh nghiệm muốn cảnh giác Obama nên tránh việc sử dụng kỹ thuật tuyên truyền kiểu cộng sản để tự suy tôn và thần thánh hóa như trong trường hợp Hồ Chí Minh và Stalin.
Đối với các thiếu nhi, Obama có lần nói: "tên Obama có âm hưởng như mama". Tại Việt Nam các cán bộ tuyên truyền cũng rêu rao: "Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng? Nhắc đến tên bác là như nhớ tới mẹ hiền. Chỉ cần nghe tên bác là các em bỗng trở nên ngoan ngoãn!"
Ngay cả đối với Con Người Sắt Stalin, một văn công Việt Nam cũng dám viết: "Đối với các con thơ đang tập nói, tiếng đầu đời con gọi là "Xít-ta-lin!".
Chúng ta không nghĩ các cán bộ tuyển cử muốn biến hiện tượng Obama thành một huyền thoại.
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
(Tháng 8-2008)