Theo Phan Bội Châu, "xây dựng một quốc gia cũng như xây cất một căn nhà. Phải lấy đạo học làm nền móng (tinh thần) và khoa học kỹ thuật làm kiến trúc (vật liệu). Không có nền móng, không xây được nhà; không có kiến trúc, không cất được nhà. Đạo Học (Đông Phương) và Khoa Học (Tây Phương) chẳng những không tương phản mà còn tương thành" --(Khổng Học Đăng, 1929).
KHÔI PHỤC ĐẠO LÀM NGƯỜI
Nhuệ Hồng Nguyễn Hữu Thống
Song song với việc phát huy 10 tình cảm tự nhiên trong Đạo Làm Người như tình gia đình, tình thầy trò, tình bạn bè, tình lối xóm, tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu dân tộc, yêu nhân loại, yêu thiên nhiên và yêu súc vật, chúng ta phải phát huy 5 lý tưởng truyền thống của dân tộc như tinh thần đại đồng, tinh thần nhân bản, tinh thần dân chủ, tinh thần hiếu hoà và tinh thần bao dung.
Mục đích để khôi phục Niềm Tin và khôi phục Đạo Làm Người.
PHÁT HUY NHỮNG LÝ TƯỞNG TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC
Đạo ở gần, sao tìm đâu xa?
Việc giản dị, sao tìm chỗ khó?
(Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn. Sự tại dị, nhi cầu chư nan).
Chỉ những kẻ đau khổ hoạn nạn, những cô thần nghiệt tử lúc nào cũng lao tâm khổ trí mới thấu tình đạt lý. (Độc cô thần nghiệt tử cố đạt)
Năm 1905, sau khi Nhật thắng Nga tại Lữ Thuận, cụ Sào Nam Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du để cầu ngoại viện và học hỏi tại chỗ sự phú cường của Nhật Bản, một quốc gia đồng văn với Việt Nam. Lấy "tri hành hợp nhất" của nho gia Vương Dương Minh làm chủ thuyết, từ thế kỷ trước, Minh Trị Thiên Hoàng đã canh tân Nhật Bản theo biểu hiệu "nhật nhật tân, hựu nhật tân" của Khổng Tử (ngày ngày đổi mới, càng ngày càng thêm mới).
Trong 20 năm hoạt động tại hải ngoại, cụ Phan đã kết giao với một số nhân sĩ Nhật Bản như Đại Ôi Trung Tín và Khuyển Dưỡng Nghị cùng các nho sĩ Trung Hoa như Lương Khải Siêu và Tôn Trung Sơn. Năm 1925, do sự chỉ điểm của Hồ Chí Minh, cụ bị Pháp bắt tại Thượng Hải, rồi bị an trí hành chánh tại Huế. Trong thời gian quản thúc, cụ biên soạn cuốn Khổng Học Đăng (Đèn Khổng Học), kêu gọi quốc dân noi gương người Nhật đổi mới xứ sở bằng tân học (khoa học, kỹ thuật), đồng thời bảo tồn các giá trị tinh thần trong đạo học cổ truyền.
Phan tiên sinh nhắn nhủ đám sinh viên hậu bối:
''Học cũ là nền tảng mà học mới là tài liệu, hai bên vẫn có thể giúp nhau làm nên một tòa nhà hoa mỹ. Tác giả viết sách này là muốn điều hòa học cũ với học mới. Những ai chưa đọc sách này mà đã có thành kiến, hoặc bài bác học cũ, hoặc công kích học mới, thì xin chớ đọc. Ai đọc sách này phải lập chí và tự nhủ rằng: thánh hiền là ta, ta là thánh hiền. Ta chỉ là hậu tiến của cổ nhân mà thôi.''
TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ
Muốn xây dựng một quốc gia tự cường, tự chủ, văn hiến và tiến bộ, các nhà giải phóng dân tộc, chủ trương 4 mục tiêu phục quốc là
KHAI (HÓA) DÂN TRÍ,
(CHẤN) HƯNG DÂN KHÍ,
(ĐÔN) HẬU DÂN SINH và
THỰC (ĐÀO TẠO) NHÂN TÀI.
Theo Phan Bội Châu, "xây dựng một quốc gia cũng như xây cất một căn nhà. Phải lấy đạo học làm nền móng (tinh thần) và khoa học kỹ thuật làm kiến trúc (vật liệu). Không có nền móng, không xây được nhà; không có kiến trúc, không cất được nhà. Đạo Học (Đông Phương) và Khoa Học (Tây Phương) chẳng những không tương phản mà còn tương thành" --(Khổng Học Đăng, 1929).
Theo Phạm Quỳnh, "đối với Khoa Học ta nên có lòng công ích. Đối với Đạo Học, ta phải có dạ chân thành. Có Khoa Học mà không có Đạo Học thời như có vỏ mà không có ruột. Có Đạo Học mà không có Khoa Học thì như có ruột mà không có vỏ. Có vỏ mà thiếu ruột thì không thành lập được ở đời. Có ruột mà thiếu vỏ thì không xông pha được với đời. Điều hòa Khoa Học và Đạo Học, lòng công ích và dạ chân thành, là điều hòa Văn Hoá Đông Tây".-- (Nam Phong, 1924).
Tại Hội Khuyến Học Nam Kỳ năm 1925, trong một buổi diễn thuyết về Đạo Đức và Luân Lý Đông Tây, Phan Chu Trinh nhận xét rằng vì học đạo Khổng Mạnh một cách lầm lạc cho nên hơn nghìn năm nay hết thảy những nước theo đạo hủ nho đều yếu hèn và đã đánh mất chủ quyền một cách nhục nhã. Để làm sáng tỏ Nho Học, ông so sánh học thuyết này với các thể chế chính trị đời nay:
"Đạo Khổng Mạnh không phải là cách chuyên chế của nhà vua mà anh em mộng tưởng đâu. Đạo Khổng Mạnh dạy quân dân tịnh trọng (vua dân đều trọng) và rất bình đẳng; vua và dân đều cần có đạo đức luân lý, nghĩa là dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua cũng phải suy lòng đó yêu dấu dân như con đỏ vậy.
"Sách Đại Học khuyên mọi người từ vua cho đến dân đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Sửa mình là việc lớn mà đức Khổng Tử buộc dân và vua phải như thế, chẳng là bình đẳng lắm ru? Cái chính thể ấy bên Âu Châu thực hành đã lâu rồi, nghĩa là cái chính thể Quân dân cộng-trị mà Tàu dịch ra là quân chủ lập hiến.
"Hiện nay có nước Anh, nước Bỉ và nước Nhật đang theo chính thể ấy. Dân trí hai nước trên đã tiến tới nhiều, cho nên quyền vua cũng đã giảm bớt nhưng dân vẫn thương vua mà vua cũng yêu dân. Nước Nhật thì còn kém thua nhưng đã theo chính thể lập hiến thì trước sau rồi cũng tới nơi vậy.
"Đến thời ông Mạnh, các vua chuyên chế thái quá thì ông lại xướng lên CHỦ NGHĨA DÂN CHỦ. Như ông nói rằng: "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Nghĩa là dân quí hơn hết, đất cát thứ nhì, vua là khinh. Ngày nay bên Pháp, bên Đức, tuy chính thể của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng cũng đều thực hành cái chủ nghĩa dân chủ cả. Thế thì cái văn minh Âu Châu bây giờ có trái gì với đạo Khổng Mạnh đâu."
Phan Chu Trinh khuyên đồng bào trở về đạo đức cổ truyền:
"Tôi nói đạo đức cũ không phải là con phải làm tôi mọi cho cha, vợ phải làm tôi mọi cho chồng, tôi phải làm tôi mọi cho vua đâu, mà chính là cái đạo đức trung dung của Khổng Mạnh, đem dùng vào đời nào, nước nào cũng được, không cổ, không kim, không đông, không tây. Đạo ấy ở trong những câu: "Sĩ khả sát, bất khả phục, Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất." (Kẻ sĩ có thể bị giết chứ không chịu khuất phục. Giàu sang không làm mê hoặc mình, nghèo hèn không làm đổi chí mình, uy lực không thể khuất phục mình".
Phạm Quỳnh cũng tin tưởng vào đạo Nho chân chính của các bậc chân nho, chứ không phải cái đạo tiểu thừa của bọn hủ nho đạo đức giả. Do đó, về mặt xây dựng nền móng tinh thần cho quốc gia, đạo Nho hay Đạo Làm Người phải được coi là căn bản:
"Như cái thuyết nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, thì thật là giường mối của đạo đức luân lý muôn đời. Đem đạo nghĩa của thánh hiền mà phát huy cái tinh lý bao hàm trong mấy quan niệm thâm trầm mầu nhiệm đó, rồi xét xem nên ứng dụng ở đời thế nào, đó chẳng phải là một việc mà các nhà nho nên nhiệt thành đảm nhiệm dư?
"Thuyết tu, tề, trị, bình há chẳng tiêu biểu cho một lý tưởng làm người rất thâm trầm và rất thiết thực dư? Thuyết này vừa kiêm được cả chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa gia tộc, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa thế giới, không cái nào mâu thuẫn với cái nào, hết thảy đều như hiệp tác với nhau theo một trật tự rất hợp với lẽ thiên nhiên.
"Người ta trước hết phải tu thân, nghĩa là trau giồi cho nhân cách mình được hòan tòan, ấy là chủ nghĩa cá nhân. Rồi phải tề gia, nghĩa là cai quản trong gia đình cho có trật tự, đó là chủ nghĩa gia tộc, mà đã hàm có tính cách chủ nghĩa xã hội đôi chút, vì gia tộc là một tiểu xã hội. Rồi phải trị quốc, nghĩa là ra tham dự việc nước, lo vận mệnh chung cho quốc gia, cho xã hội, đó là chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa xã hội chân chính. Sau cùng phải bình thiên hạ, nghĩa là mưu sự hòa bình hạnh phúc cho loài người, đó là chủ nghĩa thế giới, chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa nhân đạo, hay chủ nghĩa bác ái, danh từ có khác, nhưng cái tôn chỉ cũng là một, là muốn cho cả thiên hạ được yên ổn sung sướng, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, chứ đừng tương tàn tương hại nhau nữa.
"Ấy đạo Nho đại thừa nó rộng rãi sâu xa như vậy. Ai dám bảo rằng đạo ấy không hợp với thời đại này? Đạo ấy là đạo thiên cổ, lòai người còn sinh trưởng trên mặt đất này, thì đời nào, nước nào cũng thích hợp." --(Nhà Nho, Nam Phong 5/1932)
Phạm Quỳnh lấy gương nước Nhật để trình bầy tại sao người Nhật có tư tưởng đặc sắc và tinh thần tự lực tự cường.
"Như trong đạo Khổng thì nước Nhật chỉ lấy cái phần đạo đức thuần túy, còn những chế độ chính trị thì bỏ hết, nhất là chế độ khoa cử đã di hại nước Tàu, nước Nam, và nước Cao Ly biết bao nhiêu mà kể. Chế độ khoa cử lung lạc tinh thần người ta bằng cái học phiền tóai, giáo dục thuần dùng trí nhớ, chỉ chủ có một mục đích, là dạy cho thuộc nhiều chữ sách để đi thi mà thôi. Chế độ đó ở nước Nam này rất thịnh hành, khiến cho bao nhiêu kẻ thượng lưu trí thức trong nước chỉ khuynh hướng về đường đi thi để làm quan, cho là ngọai giả không còn nghề gì xứng đáng nữa. Và phàm học vấn chỉ quanh quẩn trong mấy pho kinh truyện, đời ấy sang đời khác, bàn đi giải lại, biện luận chú thích hòai, cho là ngoại giả không còn cái gì đáng nghiên cứu nữa. Chế độ ấy vào trong tay người cầm quyền, hoặc vua chúa, thành một cái lợi khí chính trị rất mạnh để đàn áp kẻ thức giả".-- (Gương nước Nhật, Nam Phong 1/1930)
Vận dụng cả Đạo Học cổ truyền (Đạo Làm Người) lẫn Khoa Học Kỹ Thuật tân tiến, chúng ta sẽ kiến tạo được một quốc gia văn minh, tiến bộ và dân chủ. Khoa học kỹ thuật chẳng những có tác dụng phát triển kinh tế, canh tân xã hội, mà còn để xây dựng một chế độ chính trị nhân bản và dân chủ. Với các kỹ thuật pháp lý rút ra từ luật học và chính trị học, chúng ta sẽ xây dựng được một chế độ Dân Chủ Pháp Trị với Thượng Tôn Luật Pháp, chống tệ sùng bái cá nhân và độc tài độc tôn, Tam Quyền Phân Lập chống chuyên chế và tập trung quyền lực với những hậu quả tất nhiên của nó là tham nhũng do sự thiếu kiểm soát và chế tài, và bất lực vì bè phái, phe đảng do những phần tử không được quốc dân tuyển chọn.
Nếu các nhà lãnh đạo quốc dân như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Phạm Quỳnh biết kết hợp đấu tranh không bạo động và không vọng ngọai, thì cuộc diện Việt Nam sẽ thay đổi hẳn, và Việt Nam rất có thể đã được độc lập từ 1946 như Phi Luật Tân, Syrie và Liban hay từ 1947 như Ấn Độ-Đại Hồi.
Canh tân giáo dục để có độc lập tinh thần bằng cách nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và đào tạo nhân tài. Độc lập tinh thần là bước đầu của độc lập chính trị. Đó là mục tiêu giải phóng dân tộc.
Việt Nam ngày nay đang lên cơn sốt phát triển. Với sự thao túng của kinh tế thị trường giả hiệu, mặt trái của nó đã phát hiện những tệ đoan trầm trọng như tham lam, ích kỷ, xa hoa, phóng đãng. Muốn đem lại quân bình cho xã hội và hạnh phúc cho con người, hơn bao giờ hết, Việt Nam phải biết phục hồi những giá trị tinh thần truyền thống của nho giáo, như tinh thần đại đồng, tinh thần nhân bản, tinh thần dân chủ, tinh thần hiếu hòa và tinh thần bao dung. Đó là những nền móng tinh thần để dựng nước.
1. TINH THẦN ĐẠI ĐỒNG.
"Muốn thi hành Đại Đạo phải coi thiên hạ là của chung. Tuyển chọn người hiền năng, giảng điều tín nghĩa, dậy điều hòa thuận. Cho nên người dân không chỉ thân riêng cha mẹ mình, không chỉ thương riêng con mình. Cho người già có chỗ nương thân trọn đời, người trai tráng có việc làm, và trẻ thơ được dưỡng dục đến trưởng thành. Chăm sóc người góa phụ, trẻ mồ côi, kẻ tàn phế. Thanh niên có chức phận, phụ nữ có gia đình. Tài sản không hoang phí ngoài ruộng đất, mà hà tất phải tàng trữ làm của riêng tư? Tài lực do thân mình làm ra, mà hà tất chỉ để phục vụ quyền lợi riêng mình? Vì vậy mưu mô quỷ quyệt không thi thố được, trộm cướp phi pháp không lộng hành được. Từ đó cửa ngõ không cần đóng kín. Đó là đời Đại Đồng."-- (Kinh Lễ).
Các quốc gia dân chủ Tây Phương đã thiết lập chế độ an sinh xã hội để nuôi dưỡng người già, trẻ thơ, người tàn phế, người thất nghiệp. Tại Hoa Kỳ ngày nay, người già có chỗ nương thân trọn đời; trẻ thơ được dưỡng dục đến trưởng thành; kẻ tàn phế, người thất nghiệp được hưởng trợ cấp. Vậy mà nạn trộm cướp, bạo hành, sát nhân, ma tuý, du đãng vẫn lộng hành. Con người có cơm ăn áo mặc, nhưng vẫn thiếu an vui hạnh phúc. Lý do là vì nhà nước quá chú trọng về kinh tế mà xao lãng Đạo Lý, đặt quyền lợi trước Lễ Nghĩa.
Các nhà thức giả kỳ vọng rằng rồi đây, nhân loại sẽ bước vào kỷ nguyên Đại Đồng khi Khoa Học Tây Phương phối hợp với Đạo Học Đông Phương. Khu vực Á Châu Thái Bình Dương sẽ là nơi thực thi nền tổng hợp Đông Tây đem lại Thái Hòa cho nhân loại.
2. TINH THẦN NHÂN BẢN. (Giá trị con người trong vũ trụ)
"Lửa và nước có khí mà không có sinh. Cây cỏ có sinh mà không có biết. Muông chim có biết mà không có nghĩa. Con người có khí, có sinh, có biết, lại có nghĩa, nên được coi là quý nhất trong thiên ha." --(Tuân Tử)
"Người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của quỷ thần, là cái khí tinh tuý của ngũ hành." (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ)-- (Lễ Ký).
Nhờ có tinh thần linh diệu và khí chất tinh tuý, con người có giá trị tôn quý trong vũ trụ, được sánh ngang với trời đất trong ba ngôi tam tài Thiên, Địa, Nhân. Trời sinh ra người, phú cho người cái tính sáng suốt, thì đạo làm người là phải cố gắng theo đạo trời mà tiến đến chỗ chí thiện, chí mỹ. Cái tính sáng suốt ấy được gọi là minh đức hay lương tri, tức là khiếu tri giác mẫn tiệp giúp con người hiểu được tinh thần và chân lý của vạn vật.
3. TINH THẦN DÂN CHỦ (Dân vi quý- Quân vi khinh)
"Người ta sinh hoạt ở đời không thể không quần tụ. Quần tụ mà không định phận trên dưới thì tranh đoạt nhau. Tranh đoạt nhau thì loạn, loạn thì khốn cùng. Cho nên định phận là cái lợi lớn của thiên hạ, mà đấng nhân quân (chính quyền) là cái then chốt để cai quản phận trên dưới. Đã có nhân quần phải có nhân quân để giữ trật tự xã hội. Quân giả là cái nguồn của dân, nguồn trong thì nước trong, nguồn đục thì nước đục. Thi nhân với thiên hạ thì ai cũng yêu, thi nghĩa với thiên hạ thì ai cũng quý. Thiên hạ trọng bậc nhân quân, thì bậc nhân quân cũng phải coi thiên hạ là của chung. Nếu họ chỉ biết thủ lợi riêng và làm điều bạo ngược, thì trái với thiên đạo. Trời sinh ra dân không phải vì vua. Trời lập ra vua là bởi vì dân. Khi vua tàn bạo, người dân có quyền phế bỏ. Giết vua tàn bạo cũng như giết đứa độc phu (tru bạo quốc chi quân, nhược tru độc phu). Lấy nhân nghĩa mà trị thiên hạ thì yên, lấy tàn bạo mà trị thiên hạ thì nguy. Quân là thuyền, dân là nước. Nước chở thuyền, nhưng nước lại đánh đắm thuyền..."-- (Tuân Tử)
"Vua coi dân như tay chân thì dân coi vua như lòng dạ. Vua coi dân như chó ngựa, thì dân coi vua như người dưng. Vua coi dân như cỏ rác, thì dân coi vua như giặc thù. Người làm hại nhân là tặc, người làm hại nghĩa là tàn. Tàn tặc là kẻ không ra gì. Ta chỉ nghe nói giết tên Trụ, chứ không nghe nói giết vua vậy..."-- (Mạnh Tử)
Một số tôn giáo chủ trương vua là con Trời (thiên tử) thay Trời trị dân, vua muốn điều gì là Trời muốn điều ấy. Nho giáo trái lại quan niệm Trời với người đồng một thể, hễ dân muốn điều gì là Trời muốn điều đó. Muốn biết Thiên Ý, cứ xem ở Dân Tâm.
''Trời bao giờ cũng thương dân, dân muốn điều gì, Trời cũng chiều theo''. (Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất tòng chi). (Kinh Thư)
"Trời trông thấy cũng vì dân trông thấy. Trời nghe thấy cũng vì dân nghe thấy. Trời sáng suốt là vì dân sáng suốt. Trời minh định thiện ác là vì dân minh định thiện ác. Trên Trời dưới dân thông đạt với nhau... Trời không thân riêng với ai, chỉ giúp người có đức. Mệnh Trời không trao mãi cho ai, thiện thì được, bất thiện thì mất..."--(Kinh Thư)
"Thuận đạo Trời thì còn, trái đạo Trời thì mất.'' (Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong)-- (Mạnh Tử)
Làm trái lòng dân là trái mệnh Trời. Vua Thang đánh vua Kiệt, vua Vũ diệt vua Trụ là để cứu dân phạt kẻ có tội (điếu dân phạt tội).
Trời với dân tương quan mật thiết với nhau, do đó trong thiên hạ, dân quý hơn cả. Vì có dân mới có nước, có nước mới có vua. Dân là gốc, nên phải lấy dân làm quý, vua làm khinh.
"Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Đắc hồ kỳ dân nhi vi thiên tử''-- (Mạnh Tử)... LẤY DÂN LÀM TRỌNG, NHÀ NƯỚC LÀ THỨ YẾU VÀ COI NHẸ CHÍNH QUYỀN. AI ĐƯỢC LÒNG DÂN, SẼ ĐƯỢC LÀM VUA. Lincoln cũng quan niệm tương tự như vậy khi chủ trương "một chính phủ của dân, bởi dân và vì dân".
DÂN VI QUÝ đưa ra những chủ trương đường lối thực tiễn để mưu cầu hạnh phúc cho dân, tạo bình đẳng cơ hội cho dân trau giồi giáo dục kỹ thuật để tự lực mưu sinh, phát huy văn hóa đạo đức để nâng cao nhân phẩm, gây cho dân ý thức về nghĩa vụ và quyền lợi để tự làm chủ lấy mình (tự do) và làm chủ xã hội (dân chủ).
Theo quan niệm XÃ TẮC THỨ CHI, nhà nước là một công cụ để điều hòa quyền lợi và nghĩa vụ của các tầng lớp dân chúng. Do đó không thiết lập tư bản nhà nước hay đế quốc nhà nuớc để tước đoạt tự do và tài sản của dân. Không tổ chức công an mật vụ để trấn áp dân. Không xây dựng quân đội hùng mạnh để thực thi nghĩa vụ quốc tế, đi gây hấn và xâm lấn các quốc gia hiếu hòa lân bang.
Do quan niệm QUÂN VI KHINH, nhân dân có quyền truất phế các chính quyền chuyên chế, bất lực hay tham nhũng. Nếu gặp phải hôn quân bạo chúa, nhân dân có quyền dùng võ trang tiêu diệt kẻ tham quyền cố vị. Trong chế độ dân chủ pháp trị, nhân dân có thể thay đổi chính phủ trong vòng ôn hòa và hợp pháp bằng cách sử dụng lá phiếu trong các cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng.
Nhắc lại chủ trương Dân Vi Quý của Nho Giáo, chúng ta mới ý thức câu "Đạo ở gần, sao tìm đâu xa? Việc giản dị, sao tìm chỗ khó?" (Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn. Sự tại dị, nhi cầu chư nan).
4. TINH THẦN HIẾU HÒA (Thiện chiến giả phục thượng hình)
Thời Chiến Quốc các nước chỉ chú trọng vào việc kinh doanh thủ lợi, bắt dân đi lao công khổ sai để khai phá rừng hoang làm giàu cho vua chúa. Có phương tiện trong tay, vua chúa tuyển mộ quân lính, mua sắm võ khí để tranh quyền cuớp nước, gây nên cảnh chinh chiến tàn sát dân lành.
''Đời nay người thờ vua nói rằng: ta vì vua mà khai phá ruộng đất, làm đầy kho tàng. Họ tự nhận là lương thần, đời xưa coi họ là dân tặc. Vua không theo đạo nhân mà giúp cho giầu có, tức là giúp cho tên Kiệt vậy. Đời xưa làm cửa ải để chống tàn bạo (ngoại xâm), đời nay làm cửa ải để làm điều tàn bạo (đàn áp bóc lột dân).
"Có người nói: ta giỏi bày trận, ta giỏi chinh chiến, như thế là đại tội. Không giúp ông vua làm điều nhân chính mà làm điều cường chiến. Chiến tranh giành đất, xác người đầy đồng; tấn công vây thành, xác người đầy thành, thế là đem đất ăn thịt người, tội ấy đem xử tử còn chưa hết tội! Kẻ thiện chiến phải tội đại hình! (Thiện chiến giả phục thượng hình). Kẻ bắt dân đi lao công khai phá rừng hoang làm giàu cho vua chúa phải chịu tội thứ''-- (Mạnh Tử).
Ngày nay những kẻ cầm quân, coi binh sĩ như cỏ rác, đẩy một lúc hàng vạn người vào chỗ chết trong chiến thuật biển người (thảo thảo chi binh), không biết phải phạt về tội gì? (Giãi thây trăm họ làm công một người: Nguyễn Du)
5. TINH THẦN BAO DUNG (Thiên Hạ Đồng Quy Nhi Thù Đồ)
Trong khi tại miền Tây Á những cuộc chiến tranh tôn giáo và chủng tộc vẫn diễn ra triền miên thì tại miền Đông Á, với truyền thống bao dung về tín ngưỡng, ba đạo Phật-Khổng-Lão đã đồng thời phát triển trong hàng chục thế kỷ. Đó là tinh thần "tam giáo đồng nguyên", "tam giáo đồng tôn".
Theo Khổng Tử, thiên lý tuy biến hóa theo trăm đường ngàn lối nhưng rút cuộc chỉ thuộc về một mối mà thôi. "Thiên hạ lo gì nghĩ gì? Thiên hạ rồi đây sẽ quy về một mối dầu theo những con đường khác nhau." (Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ). Vì trăm lo chẳng qua chỉ hướng về một mục đích: đem lại tự do, thanh bình, an vui và hạnh phúc cho toàn thể loài người (nhất trí nhi bách lự)- (Kinh Dịch).
"Đạo, theo Khổng Tử, rộng như trời đất, che chở muôn loài, chuyển vần như bốn mùa, sáng rõ như mặt trời, mặt trăng. Vạn vật cùng hóa dục mà không tương khắc, các tôn giáo cùng hành đạo mà không tương phản." (đạo tịnh hành nhi bất tương bội)- (Trung Dung).
Không chủ trương độc tôn, Khổng Tử cũng không bài bác các tín ngưỡng khác. Vì ''công kích các tôn giáo khác chỉ có hại cho đạo mà thôi'' (công hồ dị đoan, tư hại giã dĩ: Luận ngữ).
TÍN NGHĨA VÀ QUYỀN MƯU
Trong việc lập quốc, nho gia dựa vào trào lưu đương thời mà chia làm ba lối: "Lấy nghĩa mà lập là theo vương đạo; lấy tín mà lập là theo bá đạo; lấy mưu mô quỷ quyệt mà lập là vong quốc" (nghĩa lập nhi vương, tín lập nhi bá, quyền mưu lập nhi vong).
"Hô hào cả nước làm giàu, mà không vụ nghĩa, thủ tín, chỉ cốt vụ lợi. Trong thì gạt dân để cầu lợi nhỏ, ngoài thì dối các nước bạn để tìm lợi lớn. Trong thì không lo phẩm chất tài hóa của mình, mà chỉ muốn tài hoá của người. Như thế thì ai cũng lấy giả dối mà đối đãi với nhau. Người trên gạt người dưới, người dưới dối người trên, gây nên chia rẽ. Các địch quốc sẽ khinh thường mình và các nước bạn sẽ nghi ngờ mình. Dùng mãi mưu mô quỷ quyệt sẽ đưa đất nước tới nguy biến. Đó là con đường vong quốc. Lý do là vì không dùng tín nghĩa mà chỉ dùng quyền mưu vậy." --(Tuân Tử)
Dùng quyền mưu có thể cướp được chính quyền, nhưng không thể xây dựng được một quốc gia tiên tiến với dân giàu, nước mạnh và xã hội văn minh.
NHO HỌC VÀ PHÁT TRIỂN
Trong thế kỷ 18 mệnh danh là Thế Kỷ Ánh Sáng, một số triết gia, nhà văn, nhà giáo Âu Châu đề nghị chọn Nho Học làm mẫu mực cho văn hoá Tây Phương. Đối chiếu với các tôn giáo cuồng tín và quá khích làm đảo lộn đời sống tâm linh và xã hội đương thời, họ công nhận và đề cao nền giáo lý nhân bản, bao dung và duy lý của Khổng Tử.
Triết gia Leibnitz người Đức, nhiệt liệt ca tụng Kinh Dịch mà ông đã nghiên cứu và từ đó rút ra những nguyên lý khoa học, như thuyết nhất nguyên về bản chất trong sinh học và thuyết lưỡng thể về toán học.
Văn hào Voltaire người Pháp, phổ biến các giáo lý Nho học và sáng tác vở kịch "Đạo Đức Khổng Giáo" gồm 5 hồi.
Trong số các học giả, nhà văn, nhà thơ Tây Phương chịu ảnh hưởng và tán dương Khổng Tử, ta còn có thể kể Goethe (Đức), Diderot (nhóm Bách Khoa Pháp), Alexander Pope, Charles Lamb, Bertrand Russell (Anh), và John Dewey (Hoa Kỳ).
Bàn về nguyên nhân sự phát triển kinh tế vượt bực hiện nay của một số quốc gia Đông Nam Á, các tác giả Thomas và Dorothy Hoober viết: Các giá trị tinh thần của Nho Giáo là những động lực đem tới sự thành công rực rỡ về kinh tế tại các quốc gia thuộc Vòng Đai Thái Bình Dương.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã trở thành một siêu cường kinh tế. Nối gót không xa là bốn con hổ Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông và Tân Gia Ba.
Tại các quốc gia này, các giá trị tinh thần của Nho Giáo được phổ biến và áp dụng trong đời sống hàng ngày. Tôn trọng kỷ cương là nguyên tắc. Người dân chịu khó làm việc chuyên cần và nhiều giờ tại các xí nghiệp và văn phòng. Phương châm là hợp tác chủ thợ. Mọi quyết định quan trọng phải được sự tán đồng của cả hai bên. Nhưng một khi đã có quyết nghị, thì tất cả mọi người phải góp sức cộng tác để đạt được mục tiêu.
Các công nhân viên thường tự nguyện làm thêm giờ và nhiều khi họ phải hy sinh cả những ngày nghỉ có trả lương để hòan thành công việc. Tại nhiều xí nghiệp, mỗi buổi sáng, chủ thợ cùng hát bài "xưởng ca", và công ty được coi như một đại gia đình.
Dầu sao gia đình cổ truyền vẫn là đơn vị căn bản trong xã hội. Tinh thần chung là thân thiện và hòa thuận. Tỷ lệ phạm pháp rất thấp tại các quốc gia Vòng Đai Thái Bình Dương. Lý do là vì ai cũng muốn bảo toàn danh dự gia đình, không dám làm điều gì trái phép sợ gây tai tiếng cho dòng họ.
Sự tôn kính các bậc huynh trưởng không chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình. Thầy giáo rất được trọng nể. Học trò coi thầy cô như cha mẹ và kỷ luật học đường được tôn trọng một cách tự nhiên.
Trong khi các công nhân viên xí nghiệp làm việc chuyên cần thì các học sinh, sinh viên, học hành chăm chỉ. Ước vọng của họ là được trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng, cũng như tổ phụ họ khi xưa mơ ước được thi đỗ, có bảng vàng đề tên.
Trong thế giới tân tiến hiện nay, Khổng Tử vẫn nói lên những lời minh triết đầy thuyết phục. Như từ thuở xa xưa, người dân chỉ mong ước được sống trong một xã hội kỷ cương, có sự hòa đồng giữa con người và thiên nhiên, và giữa người với người, có tình nhân ái, lương thiện, nghĩa lý và trung tín.
Theo Khổng Tử, muốn giải quyết thỏa đáng những vấn đề quốc gia xã hội, trước hết con người phải biết tu thân. Từ 25 thế kỷ nay, những nguyên lý tinh thần của nho giáo vẫn giữ nguyên giá trị. Dầu là một tôn giáo hay triết học, Khổng Giáo vẫn duy trì được sức mạnh tinh thần và trường tồn với thời gian.
Nhuệ Hồng Nguyễn Hữu Thống
(Ngày Khánh Đản Khổng Phu Tử 2004)