CÁO TRẠNG KẾT ÁN TRUNG QUỐC VỀ TỘI
CỐ SÁT DỰ MƯU
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
Anh mà giết em, thầy mà giết trò, cái cớ không phải một sớm một chiều, mà do những nguyên nhân sâu xa và tiềm ẩn. Tình nghĩa chỉ là giả nhân giả nghĩa, quyền lợi mới là thật.
Tháng 5, 1976 báo Saigon Giải Phóng, trong bài bình luậân việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng võ lực hồi tháng 1, 1974, đã viết như sau: "Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Quốc cũng vậy thôi !".
Trong ngôn từ ngoại giao, Bắc Kinh và Hà Nội vẫn tự nhận là anh em láng giềng, ï huynh đệ tương trợ, hòa bình hữu nghị, hợp tác bình đẳng.
Vậy mà, năm 1979, để giành giật ngôi vị bá quyền, Trung Quốc đã đem quân tàn phá 6 tỉnh biên giới Bắc Việt.
Năm 1988, khi Liên Xô còn đang bối rối vì cuộc Khởi Nghĩa Đông Âu, Trung Quốc thừa cơ kéo quân xâm chiếm một số đá bãi Trường Sa tại miền duyên hải Trung và Nam Việt.
Tại Hoàng Sa cũng vậy. Tháng 1, 1974, khi Hoa Kỳ rút khỏi chiến trường Việt Nam, Trung Quốc đem quân xâm chiếm các đảo Hoàng Sa thuộc nhóm Nguyệt Thiềm phía Tây Nam do Hải Quân Việt Nam Công Hòa chiếm đóng. Trong trận hải chiến Hoàng Sa, một số chiến sĩ hải quân đã hy sinh vì Tổ Quốc. Thiếu Tá Ngụy Văn Thà đã từ chối di tản, để tuẫn tiết với chiến hạm theo truyền thống của hải quân.
Ngày 8-1-2005 tại Vịnh Bắc Việt lính tuần duyên Trung Quốc dùng đại liên hạ sát 9 người, gây thương tích 7 người và bắt giữ 8 người. Các nạn nhân là những ngư dân Thanh Hóa đi đánh bắt tôm cá tại miền duyên hải Biển Đông là môi trường sinh sống đời đời. Việc bắn giết này không xẩy ra một sớm một chiều mà theo tiến trình từ nhiều thập niên.
TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ
Chính sách thôn tính Biển Đông của Trung Quốc khởi sự thi hành từ năm 1946. Sau Thế Chiến II, quân đội Nhật Bản rút lui, quân đội Trung Hoa đến giải giới và chiếm cứ các đảo Hoàng Sa thuộc nhóm Tuyên Đức phía Đông Bắc.
Sau đó Trung Quốc đặt tên vùng biển này là Đặc Khu Hành Chánh Hải Nam và đưa ra thuyết BIỂN LỊCH SỬ hay LƯỠI RỒNG TRUNG QUỐC để đòi chủ quyền toàn vùng Nam Hải.
Lưỡi Rồng Trung Quốc nằm sát bờ biển Việt Nam, cách Quảng Ngãi 40 hải lý, cách đảo Natuna Nam Dương 30 hải lý, và cách Palawan (Phi Luật Tân) 25 hải lý. Nó chiếm trọn 3 túi dầu khí Tứ Chính (Vanguard) của Việt Nam, Natuna của Nam Dương và Cỏ Rong (Reed Bank) của Phi Luật Tân.
Năm l951, tại Hội Nghị Hòa Bình Cựu Kim Sơn, 51 quốc gia đồng minh ký Hiệp Ước Hòa Bình Nhật Bản, theo đó Nhật Bản từ bỏ chủ quyền về Hoàng Sa Trường Sa, nhưng không nói để trả cho nước nào. Đại biểu Liên Xô đề nghị Hội Nghị biểu quyết trả cho Trung Hoa. Nhưng Hội Nghị đã bác bỏ thỉnh cầu này với 46 phiếu chống. Sau đó phái đòan Việt Nam do Thủ Tướng Trần Văn Hữu lên diễn đàn minh thị công bố chủ quyền lãnh hải của Việt Nam tại Hòang Sa Trường Sa, và không gặp sự phản kháng nào (Lúc này Tổng Thống Pháp Vincent Auriol đã ký với Quốc Trưởng Bảo Đại Hiệp Định Élysée 1949 để trả độc lập và thống nhất cho Quốc Gia Việt Nam).
Ngày 4-9-l958 Chính Phủ Trung Hoa ra tuyên cáo mở rộng biển lãnh thổ (territorial sea) từ 3 hải lý thành 12 hải lý để áp dụng cho tất cả các lãnh thổ và hải đảo của Trung Hoa kể cả Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Trong văn thư ngày 14-9-1958 gởi Chu Ân Lai, thay mặt Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng cam kết tôn trọng tuyên cáo này.
Đầu thập niên 1970, để phát động chiến dịch Xuân Hạ 1972, Bắc Việt huy động toàn bộ các sư đoàn chính qui vào chiến trường Miền Nam. Để bảo vệ an ninh quốc ngoại chống sự phản kích của Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ (như trong Chiến Tranh Triều Tiên), họ đã nhờ hơn 300 ngàn quân Trung Quốc mang quân phục Việt Nam sang đồn trú tại miền biên giới.
Thừa dịp này Trung Quốc tự động vẽ Vùng Biển Cấm "Hands-Off Area". Vùng biển cấm diện tích 7200 hải lý vuông, dài 120 hải lý từ vĩ tuyến 20 Bắc (Ninh Bình) đến vĩ tuyến 18 Bắc (Hà Tĩnh), rộng 60 hải lý, từ kinh tuyến 107 Đông (phía Việt Nam) đến kinh tuyến 108 Đông (phía Hải Nam).
Ngày nay với Hiệp Định Hợp Tác Nghề Cá năm 2000, Vùng Biển Cấm này có tên mới laø Vùng Đánh Cá Chung, rộng 61 hải lý, chạy từ vĩ tuyến 20 Bắc (Ninh Bình) đến vĩ tuyến 17 Bắc (Quảng Trị). Từ thập niên 1970 Trung Cộng vẫn coi Vùng Biển Cấm thuộc chủ quyền lãnh hải của họ.
Việc phân ranh hải phận Vịnh Bắc Việt được qui định theo 21 điểm tiêu chuẩn, không có ranh mốc cụ thể như tại đất liền. Vì nước biển mênh mông không để lại dấu vết, Trung Quốc có thể bắt giữ và bắn giết bất cứ ai, viện cớ đương sự đã xâm nhập bất hợp pháp hải phận của họ.
TRẦN THUẬT VỤ CỐ SÁT
Ngày 25-12-2004 các phái bộ Trung-Việt tổ chức liên hoan ngày kỷ niệm 4 năm ký kết Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ và Hiệp Ước Hợp tác Nghề Cá năm 2000).
Ngày 27-12-2004, Bắc Kinh loan báo đến ngày đó họ đã bắt giữ 80 ngư phủ Việt Nam về tội xâm nhập đánh cá bất hợp pháp tại hải phận Trung Quốc. Các ngư phủ phản đối, nói họ vẫn truyền nối hành nghề đánh cá tại vùng biển này từ đời ông, đời cha. Nhưng lính tuần duyên Trung Quốc trả lời đã có hiệp định mới phân ranh hải phận, và vùng biển này chính thức thuộc về Trung Quốc.
Các ngư phủ không chịu, đòi báo cáo lên đội biên phòng Việt Nam. Lính hải quân Trung Quốc cười ngạo nghễ, ném thuốc nổ gần tàu rồi lái tầu tuần duyên đâm vào các tàu đánh cá Việt Nam khiến một số ngư dân Việt Nam tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi bị chết, bị thương hay bị bắt giữ. Một số ngư dân khác tại Bình Định và Khánh Hòa cũng bị xua đuổi không được đến đánh cá tại vùng biển Hoàng Sa. Các báo chí và đài phát thanh không tường thuật các vụ tàn sát này.
Hai tuần sau, ngày 8-01-2005, tại Vịnh Bắc Bộ, 2 tàu tuần duyên Trung Quốc bao vây và bắn xối xả vào các tàu đánh cá Việt Nam làm 9 ngư dân Thanh Hóa bị thiệt mạng, 7 người bị thương và 8 người khác bị bắt đem đi.
Đây không phải là những hành vi tự phát lẻ loi của một số binh sĩ vô trách nhiệm, mà là cả một chính sách khủng bố của Trung Quốc để ngăn cấm ngư dân Việt Nam không được đến đánh cá tại vùng biển sâu dành cho Trung Quốc độc quyền đánh cá, thăm dò và khai thác dầu khí.
Từ Xâm Lấn Đến Tàn Sát
Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1982) quy định các quốc gia duyên hải được hưởng 200 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế để đánh cá đồng thời là thềm lục địa để khai thác dầu khí. Chiếu Điều 77 Công Ước thềm lục địa 200 hải lý để khai thác dầu khí thuộc chủ quyền tuyệt đối của quốc gia duyên hải, bất cứ sự chiếm cứ nào của ngoại bang cũng vô hiệu, nhất là chiếm cứ võ trang.
Vì Hoàng Sa tọa lạc cách lục địa Trung Hoa khoảng 270 hải lý, và Trường Sa cách bờ biển Hoa Lục hơn 750 hải lý, nên không thuộc chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc. Trong khi đó Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi lối 160 hải lýù, và Trường Sa chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 200 hải lý, nên chiếu Công Ước về Luật Biển, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Theo Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế, sự phân chia hải phận phải căn cứ vào những yếu tố địa lý như mật độ dân số, chiều dài bờ biển, vị trí và số hải đảo. Ngày nay dân số Bắc Việt đông gấp 6 lần dân số đảo Hải Nam, bờ biển Bắc Việt dài gấp 3 lần bờ đảo Hải Nam phía đối diện Việt Nam, và vùng biển Việt Nam có tới 2000 hòn đảo trong khi Trung Quốc chỉ có 5, 6 hòn. Như vậy Việt Nam phải được ít nhất 2/3 hải phận Vịnh Bắc Việt. Hiệp Ước Bắc Kinh (1887) ký kết giữa Việt Nam và Trung Hoa đã dành cho Việt Nam 63% và 37% cho Trung Quốc. Ngày nay theo sự phân ranh do 21 điểm tiêu chuẩn, Việt Nam chỉ còn 45% và đã mất hơn 20.000 km2 hải phận Vịnh Bắc Việt.
Như đã trình bầy, đầu thập niên 1970, với tư cách là người thầy đã cưu mang Bắc Việt trong chiến tranh thôn tính Miền Nam, Trung Quốc đã vẽ Vùng Biển Cấm, cấm địa hay cấm hải. Trong thời gian thương thảo từ thập niên 1970, theo lời Lê Công Phụng, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam, Trung Quốc "kiên trì đề nghị thành lập Vùng Đánh Cá Chung" đồng thời với việc phân định Vịnh Bắc Bộ.
Ngày nay mọi người mới nhìn thấy ý đồ của Trung Quốc: Vùng đánh cá chung chỉ là sự biến hình của vùng biển cấm.
Từ sau ngày 30-6-2004 khi Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt và Hiệp Ước Hợp Tác Đánh Cá có hiệu lực thi hành, Trung Cộng tự ban cho họ độc quyền thao túng tại Vùng Biển Cấm trong Vịnh Bắc Việt cũng như tại miền duyên hải Hoàng Sa tại Trung Việt. Theo ghi nhận của đội biên phòng Việt Nam thì nội trong năm 2004, riêng tại vùng biển Đà Nẵng, các tàu thuyền Trung Quốc đã xâm nhập hải phận Việt Nam 1017 lần. Vậy mà không thấy phản ứng gì về phía Việt Nam.
Thừa thắng xông lên, từ tháng 10 đến tháng 12/2004, Trung Cộng đã bắt giữ 80 ngư dân Việt Nam tại miền duyên hải Trung Việt và lái các tàu tuần dương có trang bị đại liên đâm vào các tàu đánh cá Việt Nam khiến một số ngư dân Đà Nẵng và Quảng Ngãi bị chết, bị thương hay bị bắt giữ.
Ngày 8-1-2005, tàu tuần duyên Trung Cộng lại dùng đại liên bắn chết 9 ngư dân Thanh Hóa, gây thương tích 7 người và bắt giữø 8 người khác tại một địa điểm gần Vùng Biển Cấm nói trên tại Vịnh Bắc Việt. Đây là những vụ cố sát có dự mưu của Trung Cộng trong đó Việt Cộng là kẻ đồng lõa bằng cách giúp phương tiện.
QUAN ĐIỂM PHÁP LÝ
Hiệp Ước Hợp Tác Nghề Cá do các nhân viên hành pháp lén lút ký kết, âm thầm phê duyệt và đột ngột ban hành. Hành vi này vi phạm Điều 84 Hiến Pháp theo đó chỉ có Quốc Hội mới có quyền phê chuẩn các hiệp ước quốc tế.
Hiệp Ước này thiết lập Vùng Đánh Cá Chung rộng 61 hải lý (mỗi bên 30.5 hải lý) gần đường trung tuyến là chỗ biển sâu có nhiều cá lớn và nhiều tiềm năng khai thác dầu khí. Vùng Đánh Cá Chung, từ Ninh Bình xuống Quảng Trị, chạy song song với bờ biển Việt Nam theo đường cánh cung. (Trong khi đó Vùng Biển Cấm lại có hình chữ nhật)
Theo Điều 3 Hiệp Ước, Điểm 1 ranh giới Vùng Đánh Cá Chung (tại Quảng Trị) có vĩ độ 17.23 Bắc, và kinh độ 107.34 Đông. Điểm 6 (tại Ninh Bình) có vĩ độ 20 Bắc và kinh độ 108. 42 Đông. Ở quãng giữa là Điểm 4 có vĩ độ 19. 08 Bắc và kinh độ 107. 41 Đông.
Theo lời khai của các nhân chứng như chủ tàu Nguyễn Văn Hoàn, vụ cố sát 9 ngư dân Việt Nam ngày 8-1-2005 xảy ra tại địa điểm có vĩ độ 19. 16 Bắc, và kinh độ 107. 06 Đông.
Như vậy địa điểm phạm pháp tọa lạc về phía Tây Vùng Đánh Cá Chung nên thuộc vùng nước của Việt Nam.
Theo Điều 9 Hiệp Ước, vấn đề thanh tra, kiểm soát hay vi phạm của ngư dân trong vùng đánh cá chung thuộc thẩm quyền của Ủy Ban Liên Hợp Nghề Cá.
Nếu sự vi phạm xảy ra trong vùng đánh cá chung nhưng còn nằm trong vùng nước của quốc gia nào thì quốc gia ấy vẫn có thẩm quyền xử lý (Điều 9).
Trong trường hợp hiện vụ địa điểm phạm pháp nằm ngoài vùng đánh cá chung về phía Tây (Việt Nam) nên không ai có thể phủ nhận thẩm quyền xử lý và tài phán của Việt Nam.
[Dầu cho rằng địa điểm phạm pháp nằm trong vùng đánh cá chung (61 hải lý) nhưng thuộc vùng nước của Việt Nam (30.5 hải lý về phía Tây đường trung tuyến) thì Việt Nam vẫn có thẩm quyền xử lý và tài phán về hình sự, hành chánh và dân sự] .
Trong hiện vụ, vì các tàu Trung Quốc đã chạy lấn sang vùng nước của Việt Nam mà không có giấy phép, nên nhà cầm quyền Việt Nam có quyền bắt giữ các tàu cá và ngư dân Trung Quốc vi phạm Hiệp Ước (Điều 7). Sau đó nhà cầm quyềnViệt Nam sẽ thông báo cho nhà cầm quyền Trung Quốc về kết quả xử lý theo đường hướng của Ủy Ban Liên Hợp Nghề Cá. Sự chế tài duy nhất là bắt giữ các thuyền viên và tàu cá để điều tra và xử lý. Dầu sao, trong mọi trường hợp, không được gây thương tích hay tử thương cho các ngư dân. Những người này phải được phóng thích nhanh chóng sau khi có sự bảo lãnh thích đáng. (Điều 9 khoản 2).
Trong vụ khủng bố ngày 8-1-2005, Trung Quốc đã bắn chết 9 ngư dân, gây thương tích cho 7 người, và bắt giữ tàu đánh cá của ông Nguyễn Phi Phường ở Thanh Hóa. Một tuần sau, ngày 15-1-2005, Trung Quốc lại tráo trở đổi giọng, bịa đặt rằng lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã bắn chết vài kẻ cướp có vũ khí và bắt sống 8 kẻ khác vì những người này định cướp tàu đánh cá của Trung Quốc. Độc đáo hơn nữa, các tàu đánh cá (tí hon) của Việt Nam đã nổ súng trước vào các tàu tuần duyên có trang bị súng đại liên của Trung Quốc!
Vừa đánh trống vừa ăn cướp, Trung Quốc muốn biến vụ cố sát của họ thành vụ cướp biển của hải tặc. Theo quy định của Ủy Ban Liên Hợp, đối với các ngư dân hoạt động bình thường, không được dùng võ khí để hăm dọa, bạo hành, đả thương hay cố sát. Các biện pháp xử lý chỉ có tính cách hành chánh như bắt giữ tàu cá và ngư dân vi phạm, nhưng phải trả tàu và trả tự do cho họ khi đã có sự bảo lãnh thích đáng.
Ngày 15-1-2005 sau một tuần theo dõi truyền thông quốc tế, thấy đuối lý, Trung Quốc đã bịa đặt ra vụ cướp biển để trốn tránh trách nhiệm. Thật ra họ đã giết người vô tội vạ trong chính sách "sát nhất nhân, vạn nhân cụ" (giết một số ngư dân vô tội khiến hàng vạn người khác sợ không dám đi đánh cá tại miền duyên hải xa bờ)
Trong bài "Hai Chiến Dịch Định Kỳ" phổ biến hồi tháng 6, 2002, để hưởng ứng Lê Chí Quang trong việc phát động Chiến Dịch Chống Chủ Nghĩa Bá Quyền Trung Quốc, chúng tôi trình rằng:
"Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1998) lên án những vi phạm tập thể thô bạo và có hệ thống, bắt nguồn từ sự bảo hộ, lệ thuộc hay áp chế, phương hại đến chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ. Sự lệ thuộc này đã tước đoạt của cả một dân tộc quyền được sử dụng các vùng lãnh thổ và hải phận trong mục tiêu an ninh quốc phòng, cũng như trong việc khai thác các tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên tại đất liền và biển cả.
"Lịch sử Việt Nam ngày nay muốn tái diễn cảnh thần phục Bắc Phương tưởng đã chấm dứt từ thiên niên kỷ thứ nhất. Đảng CS Việt Nam đã thú nhận rằng Trung Quốc là người thầy tin cẩn đã cưu mang họ nhiệt tình để họ có ngày hôm nay. Để bảo vệ quyền lợi và địa vị, họ đã thần phục Bắc Triều và đã táng tận lương tâm nhượng đất biên giới, bán nước Biển Đông và hiến dâng các hải sản và quần đảo cho Trung Quốc. Do những hành động này họ đã phạm tội phản quốc bằng cách cấu kết với Trung Cộng và giúp phương tiện cho Trung Cộng thôn tính Biển Đông, vi phạm chủ quyền quốc gia và vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
"Vì đồng bào trong nước không còn quyền phản kháng, đồng bào hải ngoại chúng ta phải phát động Chiến Dịch Chống Chủ Nghĩa Bá Quyền Trung Quốc bằng những cuộc mít tinh biểu tình tuần hành qui mô, phối hợp và đồng loạt trước các tòa đại sứ và tổng lãnh sự Trung Quốc và Việt Nam khắp nơi trên thế giới.
"Trọng tâm công tác của chúng ta là biểu dương lực lượng trong dịp Quốc Khánh Trung Quốc (tháng 10) hay trong dịp Tết Nguyên Đán (Chinese New Year). Để nuôi dưỡng và phát triển phong trào, Chiến Dịch Chống Chủ Nghĩa Bá Quyền sẽ được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần..."
Tháng 6-2004 Hiệp Ước Hợp Tác Đánh Cá có hiệu lực thi hành. Tháng 8-2004, trong bài "Phê duyệt không phê chuẩn", chúng tôi trình rằng:
"Hiệp ước này đã được chính phủ lén lút ký kết, âm thầm phê duyệt và đột ngột ban hành mà không công bố hiệp ước trước quốc dân.
"Sở dĩ họ phải dấu diếm vì họ cũng biết rằng hiệp ước này sẽ gây tai họa vô lường cho hàng triệu ngư dân miền duyên hải từ Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Đại tội của Đảng Cộng Sản là không theo kinh tế thị trường để phát triển miền duyên hải. Trước Thế Chiến II, Việt Nam là một trong những nước giàu thịnh nhất Đông Nam Á nên được mệnh danh là bao lơn Thái Bình Dương. Ngày nay với sự bán nước, dâng biển cho ngoại bang, số phận của các ngư dân miền duyên hải sẽ ngày càng đen tối.
"Nếu Chiến Dịch Chống Chủ Nghĩa Bá Quyền được phát động qui mô từ 2002, chúng ta đã có thể làm chùn tay kẻ xâm lược. Chính sách cố hữu của Cộng Sản là mềm nắn rắn buông. Sự phản kháng quyết liệt, đồng loạt và định kỳ của đồng bào hải ngoại trong những năm 2002, 2003 và 2004 sẽ có tác dụng làm nhụt bớt sự hung hãn của Trung Cộng trong việc dùng võ lực để thôn tính Biển Đông. Có điều chúng ta không ngờ là Trung Cộng lại có thể tàn ác và dã man như vậy! Trong khi đó Việt Cộng không biết thương dân, không bảo vệ dân, để mặc cho bọn bá quyền tàn sát lương dân vô tộïi. Đó là thái độ "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" của những kẻ bất nhân, bất lương và bất lực.
"Ngày nay Biển Đông đã nhuốm máu hồng. Chiến dịch Thôn Tính Biển Đông của Trung Quốc đã phát hiện một điều: Đảng Cộng Sản Việt Nam đã hiện nguyên hình là hèn yếu, nhu nhược cam tâm làm tay sai cho đế quốc Bắc Phương.
"Đây là lúc đồng bào trong nước và đồng bào hải ngoại đồng loạt đứng lên kết án Trung Quốc là kẻ chánh phạm về tội cố sát dự mưu, và kết án Đảng Cộng Sản Việt Nam là kẻ đồng lõa cố sát bằng cách giúp phương tiện, cấu kết với ngoại bang để ngoại bang sát hại đồng bào vô tội."
Sau 60 năm kinh nghiệm Cộng Sản, chúng ta ý thứùc rằng chế độ này không thể sửa chữa được. Nó phải bị giải thể và thay thế bằng chế độ Dân Chủ Pháp Trị trong đó người dân được hưởng quyền sống, quyền tự do, quyền làm chủ quốc gia và làm chủ đất nước.
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
Trong Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền
(Tháng 12-2007)