Friday, May 8, 2009

Tiếng Dân tròn 6 tuổi (07-2008)

TIẾNG DÂN TRÒN 6 TUỔI

 

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

 

            Chúng tôi xin hân hạnh thay mặt các anh chị em để chúc mừng Tuần Báo Tiếng Dân vừa tròn 6 tuổi. Chúng tôi được biết ban chủ trương Tiếng Dân gồm quý anh Nguyễn Thiếu Nhẫn, Kiêm Ái, Đặng Thiên Sơn và Trần Minh Xuân đã cùng chung hoạt động, không phải trong 6 năm mà 16 năm, từ 1992 khi các anh phát động Phong Trào Quốc Dân Xóa Bỏ Huyền Thoại Hồ Chí Minh gọi tắt là "NO HO".

 

            Kết hợp được một số văn hữu đồng quan điểm trong hàng chục năm là điều đáng quý. Hơn nữa sự kết hợp danh tính và bút hiệu của các anh có thể truyền lại cho các bạn trẻ một bài học về nhân văn và đức lý.

 

Thật vậy:
 
Trong tuổi thiếu niên nhiều nhiệt huyết  và cao vọng, các bạn thanh niên nên khiêm tốn học lấy chữ nhẫn, để có kiên nhẫn và kiên trì chờ cơ hội và tạo thời cơ.
 
Tới tuổi tráng niên, với những kinh nghiệm và gian lao thử thách  trên đường đời, các bạn sẽ học được tính bao dung và lòng kiêm ái coi người trong bốn biển đều là anh chị em.
 

Tới tuổi trung niên, tứ thập nhị bất hoặc, các bạn không còn bị mê hoặc bởi những bả danh vọng thường tình, mà có thể tập trung tri thức và minh triết để tạo dựng những công trình và sự nghiệp tinh thần nhiều khi bền vững như thiên sơn.

 

Khi đó các bạn sẽ đạt được hoài bảo đem lại cho xã hội và đồng bào một mùa xuân quang minh và an lạc.

 

Nếu Tiếng Dân đã xuất hiện trên diễn đàn ngôn luận tại Miền Bắc Cali năm 2002, thì cách đây trên 80 năm, đầu thập niên 1920, chúng ta đã có Báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh là chiến hữu của nhà cách mạng Phan Chu Trinh và là Viện Trưởng Viện Dân Biểu Trung Kỳ.

 

Lập trường của Huỳnh Thúc Kháng trong báo Tiếng Dân cũng là lập trường của Phan Chu Trinh. Đó là chủ nghĩa Dân Tộc, đối lập như nước với lửa với chủ nghĩa Quốc Tế Cộng Sản của Hồ Chí Minh.

Về mặt canh tân giáo dục, Phan Chu Trinh chủ trương khai thông dân trí, chấn hưng dân khí và đề xướng dân quyền. Nếu người dân có ý thức dân quyền thì mọi việc sẽ được hanh thông.

 

Về mặt đối ngoại, đồng quan điểm với Gandhi, Cụ Phan chủ trương hợp tác thương nghị với đế quốc, đồng thời vận động dân chúng đứng lên đấu tranh đòi quyền Dân Tộc Tự Quyết để tranh thủ tự trị trong giai đoạn đầu và độc lập trong giai đoạn sau. Đó là đường lối đấu tranh công khai, ôn hòa, không bạo động võ trang, và không liên kết với Quốc Tế Cộng Sản.

 

Nhìn lại lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc từ thập niên 1920, chúng ta nhìn nhận rằng đó là con đường khôn ngoan, hợp lý và hữu hiệu nhất. Đường lối này biết vận dụng thời cơ và đi đúng trào lưu tiến hóa của Lịch Sử:

 

Sau Thế Chiến I, năm 1919, tại Hội Quốc Liên, tổ chức tiền thân của Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Hoa Kỳ Wilson đề xướng quyền Dân Tộc Tự Quyết và khuyến cáo các Đế Quốc Tây Phương từng bước trả tự trị và độc lập cho các thuộc địa Á Phi. Tuân theo khuyến cáo này, năm 1919 Đế Quốc Anh trả độc lập cho Canada tại Bắc Mỹ và cho A Phú Hãn tại Nam Á.

 

Qua Thế Chiến II, vấn đề Dân Tộc Tự Quyết lại được đặt ra vô cùng gay go. Thế Chiến II được mệnh danh là cuộc chiến đấu của Văn Minh chống Dã Man. Đặc biệt chống lại sự thống trị của Đế Quốc Đức Quốc Xã thiết lập từ Đông Âu qua Tây Âu, từ Ba Lan, Hung Gia Lợi qua Hòa Lan, Bỉ và Pháp. Tại Á Châu, Phát Xít Nhật cũng đã thành lập Đế Quốc Đại Đông Á chạy từ Triều Tiên, Mãn Châu, Đài Loan, Phi Luật Tân đến Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba. Miến Điện và Đông Dương. Muốn đánh đổ các đế quốc mới Đức, Ý, Nhật phải tranh thủ được cảm tình và sự tham gia tích cực của các dân tộc bị trị. Muốn thế phải giải thể các đế quốc cũ và đề cao chính nghĩa giải phóng dân tộc.

 

 Theo đường lối này các Đế Quốc Tây Phương như Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hòa Lan minh thị cam kết sẽ giải phóng các thuộc địa khi chiến tranh kết thúc. Quyền Dân Tộc Tự Quyết đã được xác nhận trong 3 Bản Hiến Chương và Tuyên Ngôn Quốc Tế đầu thập niên 1940:

 

1/  Hiến Chương Đại Tây Dương (1941) tại New-Foundland (Canada), Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc (1942) tại Hoa Thịnh Đốn, và Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945). Mùa Xuân 1945, tại Hội Nghị San Francisco, 50 quốc gia đồng minh đã thành lập Liên Hiệp Quốc nhằm đề xướng Nhân Quyền cho con người và thực thi quyền Dân Tộc Tự Quyết cho các quốc gia.

 

Tôn trọng cam kết này, sau khi Thế Chiến II kết thúc, chỉ trong vòng 3 năm, từ 1946 đến 1949, tất cả các Đế Quốc Tây Phương như Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hòa Lan đã lần lượt tự giải thể để trả độc lập cho 12 thuộc địa Á Châu:

 

Năm 1946 Hoa Kỳ trả độc lập cho Phi luật Tân, và Pháp trả độc lập cho Syrie và Liban.

Năm 1947 và 1948, Anh trả độc lập cho 5 thuộc địa Á Châu là Ấn Độ, Đại Hồi, Miến Điện, Tích Lan và Palestine.

Năm 1949, Pháp trả độc lập cho Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao, và Hòa Lan trả độc lập cho Nam Dương.

 

Như vậy, bằng đường lối đấu tranh ôn hòa, không bạo động võ trang, và không liên kết với Quốc Tế Cộng Sản, các nhà cách mạng quốc gia theo Chủ Nghĩa Dân Tộc tại Á Châu đã giành được chủ quyền độc lập cho quốc gia từ 1 đến 4  năm sau Thế Chiến II. Đó là con đường đấu tranh khôn ngoan của Gandhi và Phan Chu Trinh.

 

Riêng tại Việt Nam, tháng 3-1949, tại Điện Elysée Paris, Tổng Thống Pháp Vincent Auriol đã ký với Quốc Trưởng Bảo Đại Hiệp Định Elysée để trả độc lập cho Việt Nam. Đây là một hiệp định đặc biệt chưa từng thấy trong lịch sử ngoại giao quốc tế. Vì chính Tổng Thống Auriol đã tự tay ký hiệp định này, với sự kiến thị của Thủ Tướng Henri Queille, của Ngoại Trưởng Georges Bidault và của Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Marius Moutet.

 

Nhân danh Cộng Hòa Pháp, Tổng Thống Auriol long trọng trao trả độc lập cho Việt Nam trước quốc dân Việt Nam, trước quốc dân Pháp và trước cộng đồng quốc tế. Và với tư cách Chủ Tịch Liên Hiệp Pháp, Tổng Thống Auriol yêu cầu Quốc Gia Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Pháp trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị, là 3 nguyên tắc chỉ đạo của Liên Hiệp Quốc.

 

Lúc này Hồ Chí Minh đã phát động chiến tranh võ trang với sự yểm trợ của Quốc Tế Cộng Sản. Và từ 1949 Mao Trạch Đông đã thôn tính Lục Địa Trung Hoa và quân đội Trung Cộng đã tiến sát biên thùy Việt Nam. Nếu năm 1949 Việt Nam không gia nhập Liên Hiệp Pháp (như Syrie và Liban), thì quân đội Liên Hiệp Pháp phải rút lui.

 

 Và như vậy rất có thể qua năm 1950, cũng như tại Triều Tiên, vì không có quân đội đồng minh Tây Phương trú đóng, phe Bắc Việt, với các chí nguyện quân Trung Cộng, sẽ có thể thôn tính Miền Nam bằng võ lực. Cũng như tại Nam Hàn năm 1950, chỉ trong vòng 1 tuần lễ, Bắc Hàn đã xâm chiếm toàn thể lãnh thổ Nam Hàn từ thủ đô Hán Thành đến Mũi Phú San phía cực nam bán đảo Triều Tiên.
 
Do đó, vì lý do an ninh quốc phòng cũng như vì sự tồn vong của quốc gia, Quốc Trưởng Bảo Đại đã chấp thuận đề nghị của Tổng Thống Auriol để Quốc Gia Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Pháp. Từ ngày đó Quân Đội Pháp chiến đấu tại Việt Nam không còn là quân đội viễn chinh, mà để bảo vệ biên thùy của Việt Nam, đồng thời là biên thùy của Liên Hiệp Pháp và của Thế Giới Dân Chủ. Đó là nói về vấn đề độc lập quốc gia.

 

Về mặt thống nhất đất nước, một tháng sau Hiệp Định Elysée, tháng 4-1949, Quốc Hội Nam Kỳ đã biểu quyết giải tán chế độ Nam Kỳ tự trị để sát nhập Nam Phần  vào lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất.

 

Mặc dầu vậy, Hồ Chí Minh đã phủ nhận nền độc lập này, và đã phá hoại nền thống nhất này. Vì Hiệp Định Elysée không cho Đảng Cộng Sản độc quyền lãnh đạo quốc gia. Và Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân Miền Bắc chiến đấu võ trang trong suốt 40 năm, (từ 1949 đến 1989). Kết quả là hơn 10 triệu thanh niên nam nữ Việt Nam đã phải hy sinh thân sống trong 3 cuộc Chiến Tranh Đông Dương, không phải để giành độc lập và thống nhất cho quốc gia, mà để cho Đảng Cộng Sản có cơ hội cướp chính quyền. Trên bình diện dân tộc, đây là những cuộc chiến tranh vô lý, vô nghĩa và vô ích... Kinh nghiệm dân gian cho biết nơi nào trâu bò húc nhau thì ruồi nuỗi chết. Đó là đại tội của Hồ Chí Minh muốn đặt quyền lợi của Đảng Cộng Sản lên trên quyền lợi của quốc gia dân tộc.

 

Đại hạnh của Ấn Độ là có một Gandhi theo Chủ Nghĩa Dân Tộc. Đại bất hạnh của Việt Nam  là có Hồ Chí Minh theo Chủ Nghĩa Quốc Tế Cộng Sản.

Để vạch trần tội ác của Hồ Chí Minh, từ đầu thập niên 1990, các anh em trong nhóm Tiếng Dân đã phát động Phong Trào Quốc Dân Xóa Bỏ Huyền Thoại Hồ Chí Minh.

 

Ngày nay từ trong nước ra hải ngoại ai cũng biết rõ bộ mặt giả nhân giả nghĩa của họ Hồ.

 

Từ thập niên 1950, phe lãnh đạo Cộng Sản đã hiện nguyên hình là những kẻ độc tài, tham nhũng, bất công và bất lực. Mới đây người dân đã phát hiện rằng Đảng Cộng Sản đã phản bội tổ quốc bằng cách nhượng đất  bán nước cho ngoại bang, và hiến dâng các tài nguyên cùng các nguồn lợi  thiên nhiên của đất nước cho Đế Quốc Bắc Phương. Năm 1958, qua văn thư của Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh với tư cách Chủ Tịch Đảng và Chủ Tịch Nước đã nhượng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng.

 

Mặc dầu vậy Đảng Cộng Sản vẫn ra công xây dựng và củng cố Huyền Thoại Hồ Chí Minh. Vì đó là cái phao cấp cứu của Đảng Cộng Sản trong giai đoạn thoái trào hiện nay.

 

Do đó muốn giải thể chế độ cộng sản để xây dựng chế độ tự do dân chủ cho Việt Nam, một trong những mục tiêu thiết yếu là phải đấu tranh trên bình diện tư tưởng và phục hồi sự thật lịch sử để giải tỏa Huyền Thoại Hồ Chí Minh và giải tỏa hào quang của Đảng Cộng Sản.

 

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

(20-7-2008)