Saturday, September 5, 2009

Chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc -- Hai chiến dịch định kỳ

Chống Chủ Nghĩa Bá Quyền Trung Quốc
Hai Chiến Dịch Định Kỳ

http://www.lmvntd.org/hndh122002/nhthong.jpg

L.S. Nguyễn Hữu Thống

Để phát động phong trào chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc, đồng thời tố cáo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhượng đất bán nước cho ngoại bang, chúng ta có thể tổ chức hai chiến dịch định kỳ:

1) Đồng bào hải ngoại biểu dương lực lượng bằng mít tinh và biểu tình tuần hành tại các tòa đại sứ Trung Quốc để lên án chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc trong việc lấn đất biên giới và chiếm nước Biển Đông của Việt Nam.

2) Đồng bào quốc nội tập hợp tại tiền đình Quốc Hội yêu cầu các đại biểu không phê chuẩn Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt vì đây là một hiệp ước bất công, vô lý, vi phạm pháp lý và vi phạm đạo lý.

Trong thời gian qua, người Việt hải ngoại đã kết đoàn và phối hợp hành động trong nhiều mục tiêu công tác có chính nghĩa và có sự đồng thuận như:

- Chiến dịch vớt người vượt biển

- Chiến dịch đòi lại tài sản cho các giáo hội và tư nhân

- Chiến dịch yểm trợ các nhà lãnh đạo tinh thần đòi tự do tôn giáo, và yểm trợ các chiến sĩ dân chủ đòi tự do nhân quyền.

Mới đây, để thay mặt đồng bào trong nước không còn quyền được nói, đồng bào hải ngoại đã phát động chiến dịch tố cáo phe lãnh đạo CS đã phản bội tổ quốc bằng cách nhượng đất bán nước cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.

TRUYỀN BÁ SỰ THẬT.

Tại quốc nội ngày nay, vì bị bưng bít và tuyên truyền xuyên tạc, rất nhiều người không hay biết việc Đảng Cộng Sản đã nhượng đất bán nước cho ngoại bang. Vì sự nhượng đất diễn ra tại miền rừng núi hoang vu và nước Biển Đông thì mênh mông xa vời.

Trong khi đó bộ máy tuyên truyền vĩ đại của Đảng Cộng Sản đã trình bày xuyên tạc rằng, do sự tương nhượng, hai bên đã đạt được một thỏa ước phân ranh địa giới công bằng để thay thế Hiệp Ước (Thiên Tân) của phe thực dân phong kiến không quan tâm đến quyền lợi của nhân dân (?)

Và tại Vịnh Bắc Việt, sự quân phân hải phận theo đường trung tuyến (thay thế đường Brévié) là hợp tình hợp lý (Việt Nam 53%, Trung Quốc 47%).

Vì vậy đồng bào hải ngoại về thăm quê hương có nghĩa vụ phải thông tin khách quan và truyền bá sự thật cho gia đình, bạn bè, lối xóm hay biết rằng:

1) Trong những năm 1999 và 2000, Đảng CS Việt Nam đã ký Hiệp Ước Biên Giới và Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt để nhượng cho Trung Quốc khoảng 800 km2 đất 6 tỉnh biên giới, và khoảng 14.000 km2 hải phận Bắc Việt.

2) Trong điều kiện chính trị hiện nay, với làn sóng dân chủ dâng cao, Đảng CS đã mất chính nghĩa, mất nhân tâm, và mất hậu thuẫn quần chúng. Hơn nữa họ đã lường gạt và phản bội đồng bào trong các mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc. Do đó, trong ý đồ củng cố quyền lực và địa vị, họ đã lén lút nhượng đất bán nước cho Tàu Cộng Sản để xin được che chở và bảo vệ. Cũng như trong thế kỷ 16, Mạc Đăng Dung giết vua cướp ngôi, bị quốc dân phủ nhận và kết án, đã tự trói mình đến quỳ lạy tại Ải Nam Quan, dâng 5 động và một châu cho Tàu phong kiến để xin được che chở và bảo vệ.

3) Trái với lời giải thích của Đảng CS, hai hiệp ước Việt Trung về lãnh thổ và lãnh hải là những hiệp ước bất công, vô lý, vi phạm pháp lý, vi phạm đạo lý và vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

a) Bất công là vì Trung Quốc đã lợi dụng tình thế, dùng áp lực buộc Đảng CS Việt Nam phải hợp thức hóa một tình trạng đã rồi, gây nên bởi sự lấn chiếm bạo hành của các sắc dân thiểu số Trung Hoa, kéo sang Việt Nam định cư lập bản bất hợp pháp từ thời Chiến Tranh Đông Dương.

b) Vô lý là vì nó không đếm xỉa đến quyền lợi quốc gia, và đã hủy bãi Hiệp Ước Thiên Tân (1885), theo đó Việt Nam và Trung Hoa đã căn cứ vào những yếu tố địa lý và dân sinh để vẽ bản đồ và cắm ranh mốc tại miền biên giới. Hiệp ước công bằng này đã có tác dụng đem lại an ninh và ổn cố cho hai quốc gia từ trên một thế kỷ. Vậy mà ngày nay, bỗng dưng vô cớ, không có chiến tranh võ trang, không có tranh chấp biên giới, hai Đảng CS Việt Nam và Trung Quốc đã tự tiện hủy bỏ Hiệp Ước Thiên Tân, để ký Hiệp Ước Biên Giới (1999), theo đó Việt Nam đã nhượng cho Trung Quốc gần 800 km2 cùng một số địa danh và thắng cảnh như Ải Nam Quan, Suối Phi Khanh tại Lạng Sơn, Thác Bản Giốc tại Cao Bằng v...v...

c) Vi phạm pháp lý (legally wrong) là vì nó đi trái với sự phân ranh hợp lý của Hiệp Ước Brévié (1887), theo đó hải phận Vịnh Bắc Việt được chia theo tỷ lệ 64% cho Việt Nam và 36% cho Trung Hoa. Chiếu Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1982) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết tham gia, sự phân ranh thềm lục địa và hải phận của hai quốc gia kế cận hay đối diện phải căn cứ trước hết vào những yếu tố địa lý, như mật độ dân số và chiều dài bờ biển. Hiện nay số dân cư ngụ tại Bắc Việt đông gấp 6 lần số dân sinh sống tại đảo Hải Nam. Và bờ biển Bắc Việt dài gấp 3 lần bờ đảo Hải Nam phía tiếp giáp Việt Nam.


Theo luật pháp và án lệ, tại miền bờ biển, hễ đã có đất thì phải có nước; có nhiều đất hơn thì được nhiều nước hơn; có nhiều dân hơn thì cần nhiều nước hơn. Cũng vì vậy mà vùng biển này có danh xưng là Vịnh Bắc Việt (Gulf of Tonkin).
Hơn nữa đối với Việt Nam, Vịnh Bắc Việt có tầm quan trọng mật thiết về kinh tế, ngoại thương, chiến lược, và an ninh quốc phòng.


Trong khi đó, ngoài Vịnh Bắc Việt, Hải Nam còn có biển Đông Hải thông sang Thái Bình Dương. Về mặt kinh tế, để khai thác dầu khí và đánh cá, dân chúng Hải Nam còn được hưởng thêm 200 hải lý thềm lục địa (hay vùng đặc quyền kinh tế) về phía đông bờ đảo trông sang Thái Bình Dương. Trong khi người dân Bắc Việt chỉ được từ 55 đến 80 hải lý thềm lục địa để khai thác dầu khí và đánh cá.


Đặc biệt là về mặt địa chất, các thủy tra thạch kết tụ các chất hữu cơ do nước phù sa sông Hồng Hà chảy ra Biển Đông từ cả triệu năm nay. Đây là vùng có dầu khí. Không có con sông lớn nào từ đảo Hải Nam hay lục địa Trung Hoa chảy ra Biển Đông cho phép Trung Hoa khai thác các túi dầu khí tại vùng này.


Căn cứ vào những yếu tố nói trên, Hiệp Ước Brévié đã giành cho Việt Nam gần 2/3 hải phận Bắc Việt (64%). Như vậy, khi ký Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt năm 2000, Đảng CS Việt Nam đã nhượng cho Trung Quốc 11% hải phận Bắc Việt, khoảng 14.000km2 nước Biển Đông.


Đó là sự bất công quá đáng đối với Việt Nam. Lý do là vì Đảng CS Việt Nam đã dâng biển để thần phục Trung Quốc. Cũng có thể một phần vì không am tường pháp luật, họ đã nhượng bộ quá đáng, gây thiệt hại nặng nề cho quốc gia dân tộc.

d) Vi phạm đạo lý (immoral) là vì hai hiệp ước nhượng đất bán nước đã đi trái với những nguyên tắc của Luật Quốc Tế Nhân Quyền
Sau Thế Chiến Thứ Hai, để đem lại hòa bình và an ninh cho các quốc gia, Liên Hiệp Quốc ban hành Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948). 50 năm sau, Liên Hiệp Quốc khai triển những nguyên lý về tự do nhân quyền trong Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1998).
6 mục tiêu và nguyên tắc chỉ đạo các tương quan giữa các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc là bình đẳng, hợp tác, hữu nghị, hòa bình, công lý, và tự do (trong đó có tự do kết ước, không bạo hành, không áp bức, không thôn tính và không lấn chiếm). Những nguyên tắc này được xác nhận bởi Công Ước Dân Sự Chính Trị và Công Ước Kinh Tế Xã Hội Văn Hóa (1966) mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đã ký kết tham gia.


Khi ký hai hiệp ước nhượng đất bán nước nói trên, Đảng CS Việt Nam đã chịu thần phục Trung Quốc do áp bức và cưỡng chế, trái với tinh thần bình đẳng, công lý và tự do kết ước. Ngoài ra họ còn có hậu ý muốn dựa vào Trung Quốc để duy trì quyền lực. Cũng vì vậy họ đã hy sinh quyền lợi của dân tộc để bảo vệ quyền lợi của Đảng. Trong khi đó Trung Quốc đã dùng uy lực của kẻ đàn anh, người gia trưởng, giám hộ để xâm nhập, lấn chiếm đất đai, tạo nên tình trạng đã rồi theo luật rừng xanh. Và với thế thượng phong sẵn có, họ buộc Đảng CS đàn em phải hợp thức hóa tình trạng đã rồi, và hủy bỏ các hiệp ước quốc tế Hoa Việt ký kết từ thế kỷ 19.

e) Vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia (aggression to territorial integrity).
Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền trong Phần Mở Đầu đã lên án những vi phạm tập thể thô bạo và có hệ thống, bắt nguồn từ sự đô hộ, lệ thuộc hay áp chế, phương hại đến chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ. Sự lệ thuộc này đã tước đoạt của cả một dân tộc quyền được sử dụng các vùng lãnh thổ và hải phận trong mục tiêu an ninh quốc phòng, cũng như trong việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên tại đất liền và biển cả.


Lịch sử Việt Nam ngày nay muốn tái diễn cảnh thần phục Bắc Phương tưởng đã chấm dứt từ thiên niên kỷ thứ nhất. Đảng CS Việt Nam đã thú nhận rằng: "Trung Quốc đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí mà còn là người thầy tin cẩn, đã cưu mang chúng ta nhiệt tình, để chúng ta có ngày hôm nay." Do đó họ đã đánh mất một phần chủ quyền quốc gia và đã để Trung Quốc xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

 

VẬN ĐỘNG TẠI HẢI NGOẠI: CHỐNG CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN.

Ý thức rằng các Hiệp Ước Biên Giới và Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt sẽ không được Tòa Án Quốc Tế hay Liên Hiệp Quốc cứu xét vì không có sự khiếu tố của các quốc gia kết ước (Việt Nam và Trung Quốc) hay của các quốc gia đệ tam có quyền lợi bị thiệt hại.

Do đó chúng ta không nên kỳ vọng vào các Tòa Án Quốc Tế hay các tổ chức tài phán của Liên Hiệp Quốc như Tòa Án Trọng Tài, Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa v...v... Cần phải đưa nội vụ ra Tòa Án Dư Luận, Tòa Án Quốc Dân, Tòa Án Lịch Sử.

Vấn đề không phải là khiếu kiện (trừ phi chúng ta có một chính phủ dân cử trong tương lai để đặt lại vấn đề phân ranh biên giới và hải phận), mà là đấu tranh chính trị, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, giành lại quyền dân tộc tự quyết.

Tại hải ngoại chúng ta có thể phát động Chiến Dịch Chống Chủ Nghĩa Bá Quyền bằng những cuộc mít tinh biểu tình tuần hành quy mô, phối hợp và đồng loạt trước các tòa đại sứ Trung Quốc khắp nơi trên thế giới. Đó cũng là phương thức để cung cấp tin tức cho báo chí và truyền thông quốc tế loan tin về trong nước.

Trọng tâm công tác của chúng ta là biểu dương lực lượng trong dịp Quốc Khánh Trung Quốc (Tháng 10) hay trong Tết Nguyên Đán (Chinese New Year). Để nuôi dưỡng và phát triển phong trào, các chiến dịch Chống Chủ Nghĩa Bá Quyền sẽ được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần.

VẬN ĐỘNG TẠI QUỐC NỘI:
KHÔNG PHÊ CHUẨN HIỆP ƯỚC VỊNH BẮC VIỆT

Vấn đề chủ yếu là phải có sự tham dự của đồng bào trong nước. Cho đến nay chỉ có những bản kiến nghị của các trí thức văn nghệ sĩ hay những cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng để đòi cải thiện dân sinh, chống tham nhũng và bất công xã hội. Đây là lúc chúng ta phát động phong trào quần chúng biểu dương lực lượng để đấu tranh chính trị công khai, ôn hòa và hợp pháp, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động từ nông thôn về đô thị.

Ý thức rằng những việc nan giải phải được khởi sự bằng những việc giản dị. Và những việc đại sự thường được bắt đầu bằng những việc tế vi. Hiện nay Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt chưa được quốc hội phê chuẩn. Do đó đồng bào các giới, đặc biệt là các bô lão và đảng viên kỳ cựu có thể, với tư cách cử tri, tụ tập tại tiền đình quốc hội đệ trình các đại biểu của địa phương mình (tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ v...v...) thỉnh nguyện thư yêu cầu quốc hội không phê chuẩn Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt. Thỉnh nguyện thư không phê chuẩn sẽ được thông tri đến chủ tịch quốc hội,
các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế (có ấn bản ngoại ngữ).

Khi quốc hội họp phiên khoáng đại, cử tri tại nhiều đơn vị tuyển cử địa phương có thể tụ tập đông đảo tại tiền đình quốc hội để yêu cầu quốc hội không phê chuẩn Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt. Cuộc biểu dương lực lượng sẽ diễn ra định kỳ, theo từng khóa họp thường niên của quốc hội.

Nhà cầm quyền khó có thể đàn áp thẳng tay những cuộc vận động ôn hòa và hợp pháp nói trên. Điều cốt yếu là các cử tri lập kiến nghị phải thuộc lớp sĩ phu bô lão, cựu chiến binh, thương phế binh, cha mẹ liệt sĩ, và có nhiều tuổi đảng. Như vậy nếu có sự đàn áp thì hậu quả sẽ không thể lường được. Đó là chiến dịch bật một que diêm để nấu bánh chưng, vô thưởng vô phạt. Nếu có biến động, lửa sẽ nhờ gió mà nổi lên, và có thể đốt cháy cả một khu rừng.

Hai Chiến Dịch Định Kỳ Chống Chủ Nghĩa Bá Quyền và Chống Phê Chuẩn Hiệp Ước sẽ được tiến hành đồng thời với hai Chiến Dịch Trường Kỳ Truyền Bá Sự Thật và Truyền Bá Dân Quyền.

L.S. NGUYỄN HỮU THỐNG
Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam
Hoa Kỳ 2003