Saturday, September 5, 2009

GTCDCS: Tư Tưởng Chính Trị


B. VINH DANH CUÔC ĐẤU TRANH CHÍNH TRI VÀ NGOẠI GIAO.

 

             1 -- Bài Học Nhật Bản: Canh Tân và Giáo Dục

             2-- Tư Tưởng Chính Trị.

             3-- Đấu tranh bất bạo động

             4-- Giáo dục bạo động đồng thi hành

             5-- Phan Bội Châu tự phán

             6-- Đấu tranh pháp lý

             7-- Hợp tác và thương nghị

             8-- Ấn Độ 1914: Một kinh nghiệm hợp tác

             9-- Việt Nam 1919: Một cơ hội bỏ lỡ

             10-- Đấu tranh chính trị và ngoại giao



2. Tư Tưởng Chính Trị.

 

            Muốn xây dựng một quốc gia tự cường, tự chủ, văn hiến và tiến bộ, các nhà giải phóng dân tộc, chủ trương 4 mục tiêu phục quốc là KHAI (HÓA) DÂN TRÍ, (CHẤN) HƯNG DÂN KHÍ, (ĐÔN) HẬU DÂN SINH và THỰC (ĐÀO TẠO) NHÂN TÀI. Muốn có độc lập chính trị, trước hết phải có độc lập tinh thần. Do đó cách mạng tư tưởng phải được tiến hành trước hết. Căn bản tư tưởng xây dựng trên Đạo Học Đông Phương và Khoa Học Tây Phương. Đó là phương pháp "Truyền Bá Tư Tưởng Học Thuật Đông Tây".


          Phan Boi Chau

              Theo Phan Bội Châu, "xây dựng một quốc gia cũng như xây cất một căn nhà. Phải lấy đạo học làm nền móng (tinh thần) và khoa học kỹ thuật làm kiến trúc (vật liệu). Không có nền móng, không xây được nhà; không có kiến trúc, không cất được nhà. Đạo Học (Đông Phương) và Khoa Học (Tây Phương) chẳng những không tương phản mà còn tương thành" --(Khổng Học Đăng, 1929).

 

              http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/tacgia/images/phamquynh.jpg


            Theo Phạm Quỳnh, "đối với Khoa Học ta nên có lòng công ích. Đối với Đạo Học, ta phải có dạ chân thành. Có Khoa Học mà không có Đạo Học thời như có vỏ mà không có ruột. Có Đạo Học mà không có Khoa Học thì như có ruột mà không có vỏ. Có vỏ mà thiếu ruột thì không thành lập được ở đời. Có ruột mà thiếu vỏ thì không xông pha được với đời. Điều hòa Khoa Học và Đạo Học, lòng công ích và dạ chân thành, là điều hòa Văn Hoá Đông Tây". (Nam Phong, 1924).

 

            Tại Hội Khuyến Học Nam Kỳ năm 1925, trong một buổi diễn thuyết về Đạo Đức và Luân Lý Đông Tây, Phan Chu Trinh nhận xét rằng vì học đạo Khổng Mạnh một cách lầm lạc cho nên hơn nghìn năm nay hết thảy những nước theo đạo hủ nho đều yếu hèn và đã đánh mất chủ quyền một cách nhục nhã.

 

            Để làm sáng tỏ Nho Học, ông so sánh học thuyết này với các thể chế chính trị đời nay:

            " Đạo Khổng Mạnh không phải là cách chuyên chế của nhà vua mà anh em mộng tưởng đâu. Đạo Khổng Mạnh dạy quân dân tịnh trọng (vua dân đều trọng) và rất bình đẳng; vua và dân đều cần có đạo đức luân lý, nghĩa là dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua cũng phải suy lòng đó yêu dấu dân như con đỏ vậy.

 

            "Sách Đại Học khuyên mọi người từ vua cho đến dân đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Sửa mình là việc lớn mà đức Khổng Tử buộc dân và vua phải như thế, chẳng là bình đẳng lắm ru? Cái chính thể ấy bên Âu Châu thực hành đã lâu rồi, nghĩa là cái chính thể Quân dân cộng-trị mà Tàu dịch ra là quân chủ lập hiến.

 

            "Hiện nay có nước Anh, nước Bỉ và nước Nhật đang theo chính thể ấy. Dân trí hai nước trên đã tiến tới nhiều, cho nên quyền vua cũng đã giảm bớt nhưng dân vẫn thương vua mà vua cũng yêu dân. Nước Nhật thì còn kém thua nhưng đã theo chính thể lập hiến thì trước sau rồi cũng tới nơi vậy.

 

            "Đến thời ông Mạnh, các vua chuyên chế thái quá thì ông lại xướng lên CHỦ NGHĨA DÂN CHỦ. Như ông nói rằng: "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Nghĩa là dân quí hơn hết, đất cát thứ nhì, vua là khinh. Ngày nay bên Pháp, bên Đức, bên Nga tuy chính thể của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng cũng đều thực hành cái chủ nghĩa dân chủ cả. Thế thì cái văn minh Âu Châu bây giờ có trái gì với đạo Khổng Mạnh đâu."


            http://www.viettouch.com/whois/pctrinh.jpg

 

            Phan Chu Trinh khuyên đồng bào trở về đạo đức cổ truyền:

 

            "Tôi nói đạo đức cũ không phải là con phải làm tôi mọi cho cha, vợ phải làm tôi mọi cho chồng, tôi phải làm tôi mọi cho vua đâu, mà chính là cái đạo đức trung dung của Khổng Mạnh, đem dùng vào đời nào, nước nào cũng được, không cổ, không kim, không đông, không tây. Đạo ấy ở trong những câu: "Sĩ khả sát, bất khả phục, Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất." (Kẻ sĩ có thể bị giết chứ không chịu khuất phục. Giàu sang không làm mê hoặc mình, nghèo hèn không làm đổi chí mình, uy lực không thể khuất phục mình.)


         

            Phạm Quỳnh cũng tin tưởng vào đạo Nho chân chính của các bậc chân nho, chứ không phải cái đạo tiểu thừa của bọn hủ nho đạo đức giả. Do đó, về mặt xây dựng nền móng tinh thần cho quốc gia, đạo Nho hay Đạo Làm Người phải được coi là căn bản:

 

            "Như cái thuyết nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, thì thật là giường mối của đạo đức luân lý muôn đời. Đem đạo nghĩa của thánh hiền mà phát huy cái tinh lý bao hàm trong mấy quan niệm thâm trầm mầu nhiệm đó, rồi xét xem nên ứng dụng ở đời thế nào, đó chẳng phải là một việc mà các nhà nho nên nhiệt thành đảm nhiệm dư?

 

            "Thuyết tu, tề, trị, bình há chẳng tiêu biểu cho một lý tưởng làm người rất thâm trầm và rất thiết thực dư? Thuyết này vừa kiêm được cả chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa gia tộc, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa thế giới, không cái nào mâu thuẫn với cái nào, hết thảy đều như hiệp tác với nhau theo một trật tự rất hợp với lẽ thiên nhiên.

 

            "Người ta trước hết phải tu thân, nghĩa là trau giồi cho nhân cách mình được hòan tòan, ấy là chủ nghĩa cá nhân. Rồi phải tề gia, nghĩa là cai quản trong gia đình cho có trật tự, đó là chủ nghĩa gia tộc, mà đã hàm có tính cách chủ nghĩa xã hội đôi chút, vì gia tộc là một tiểu xã hội. Rồi phải trị quốc, nghĩa là ra tham dự việc nước, lo vận mệnh chung cho quốc gia, cho xã hội, đó là chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa xã hội chân chính. Sau cùng phải bình thiên hạ, nghĩa là mưu sự hòa bình hạnh phúc cho loài người, đó là chủ nghĩa thế giới, chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa nhân đạo, hay chủ nghĩa bác ái, danh từ có khác, nhưng cái tôn chỉ cũng là một, là muốn cho cả thiên hạ được yên ổn sung sướng, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, chứ đừng tương tàn tương hại nhau nữa.

 

            "Ấy đạo Nho đại thừa nó rộng rãi sâu xa như vậy. Ai dám bảo rằng đạo ấy không hợp với thời đại này? Đạo ấy là đạo thiên cổ, lòai người còn sinh trưởng trên mặt đất này, thì đời nào, nước nào cũng thích hợp." (Nhà Nho, Nam Phong 5/1932)

 

            Phạm Quỳnh lấy gương nước Nhật để trình bầy tại sao người Nhật có tư tưởng đặc sắc và tinh thần tự lực tự cường.

 

            "Như trong đạo Khổng thì nước Nhật chỉ lấy cái phần đạo đức thuần túy, còn những chế độ chính trị thì bỏ hết, nhất là chế độ khoa cử đã di hại nước Tàu, nước Nam, và nước Cao Ly biết bao nhiêu mà kể. Chế độ khoa cử lung lạc tinh thần người ta bằng cái học phiền tóai, giáo dục thuần dùng trí nhớ, chỉ chủ có một mục đích, là dạy cho thuộc nhiều chữ sách để đi thi mà thôi. Chế độ đó ở nước Nam này rất thịnh hành, khiến cho bao nhiêu kẻ thượng lưu trí thức trong nước chỉ khuynh hướng về đường đi thi để làm quan, cho là ngọai giả không còn nghề gì xứng đáng nữa. Và phàm học vấn chỉ quanh quẩn trong mấy pho kinh truyện, đời ấy sang đời khác, bàn đi giải lại, biện luận chú thích hòai, cho là ngoại giả không còn cái gì đáng nghiên cứu nữa. Chế độ ấy vào trong tay người cầm quyền, hoặc vua chúa, thành một cái lợi khí chính trị rất mạnh để đàn áp kẻ thức giả". (Gương nước Nhật, Nam Phong 1/1930)

 

            Vận dụng cả Đạo Học cổ truyền (Đạo Làm Người) lẫn Khoa Học Kỹ Thuật tân tiến, chúng ta sẽ kiến tạo được một quốc gia văn minh, tiến bộ và dân chủ. Khoa học kỹ thuật chẳng những có tác dụng phát triển kinh tế, canh tân xã hội, mà còn để xây dựng một chế độ chính trị nhân bản và dân chủ. Với các kỹ thuật pháp lý rút ra từ luật học và chính trị học, chúng ta sẽ xây dựng được một chế độ Dân Chủ Pháp Trị với Thượng Tôn Luật Pháp, chống tệ sùng bái cá nhân và độc tài độc tôn, Tam Quyền Phân Lập chống chuyên chế và tập trung quyền lực với những hậu quả tất nhiên của nó là tham nhũng do sự thiếu kiểm soát và chế tài, và bất lực vì bè phái, phe đảng do những phần tử không được quốc dân tuyển chọn.

 

            Nếu các nhà lãnh đạo quốc dân như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Phạm Quỳnh biết kết hợp đấu tranh không bạo động và không vọng ngọai, thì    cuộc diện Việt Nam sẽ thay đổi hẳn, và Việt Nam rất có thể đã được độc lập từ 1946 như Phi Luật Tân, Syrie và Liban hay từ 1947 như Ấn Độ-Đại Hồi.

 

            Canh tân giáo dục để có độc lập tinh thần bằng cách nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và đào tạo nhân tài. Độc lập tinh thần là bước đầu của độc lập chính trị. Đó là mục tiêu giải phóng dân tộc.

 

            Đến đây có sự mâu thuẫn giữa đường lối đấu tranh bạo động võ trang và đường lối bất bạo động, đấu tranh chính trị và ngoại giao để giành lại tự trị trong giai đoạn đầu và độc lập trong giai đoạn sau.




Xem tiếp -- >     3-- Đấu tranh bất bạo động


Giải Thể Chế Độ Cộng Sản

Luật sư Nguyễn Hữu Thống