B. VINH DANH CUÔC ĐẤU TRANH
CHÍNH TRI VÀ NGOẠI GIAO.
1 -- Bài Học Nhật Bản: Canh Tân và Giáo Dục
2-- Tư Tưởng Chính Trị.
3-- Đấu tranh bất bạo động
4-- Giáo dục bạo động đồng thi hành
5-- Phan Bội Châu tự phán
6-- Đấu tranh pháp lý
7-- Hợp tác và thương nghị
8-- Ấn Độ 1914: Một kinh nghiệm hợp tác
9-- Việt Nam 1919: Một cơ hội bỏ lỡ
10-- Đấu tranh chính trị và ngoại giao
3. ĐẤU TRANH
BẤT BẠO ĐỘNG.
Theo Phạm Quỳnh:
"Một nước đã mất chủ quyền chính trị mà muốn thu phục lại, thời chỉ có hai cách: bạo động hay ôn hòa. Muốn bạo động phải có sức mạnh; đã có sức mạnh thời ngăn đừng bạo động cũng không được, mà chưa có sức mạnh thời giục bạo động cũng vô ích; sức mạnh không cần lý luận. Đến như ôn hòa thời thủ tục tuy phức tạp, nhưng tôn chỉ vẫn là một: bằng cách châm chước vận động để yêu cầu kẻ cầm quyền dần dần nhường lại cho mình từng quyền lợi một. Đã không có sức mạnh tất phải nhẫn nhục mà theo cách ôn hòa." (Nam Phong 7/1926)
Thực ra tại 14 nước thuộc địa Á Châu, đấu tranh ôn hòa không phải là giải pháp bất đắc dĩ, mà chính là giải pháp. Lịch sử đã chứng minh điều đó.
"Bất bạo động không phải là nhu nhược, thụ động, tiêu cực. Kinh nghiệm đấu tranh tại Ấn Độ cho biết bất bạo động là nghị lực tinh thần mạnh mẽ. Nó là câu trả lời cho những vấn đề then chốt của thời đại chúng ta về chính trị, xã hội và văn hóa. Nó là giải pháp cho nhu cầu của con người muốn vượt qua đàn áp và bạo hành mà không dùng đến khủng bố và bạo hành".-- (Martin Luther King Jr.)
"Ý nguyện tha thiết nhất của đồng bào tôi gắn liền với mục tiêu hữu nghị giữa các quốc gia, mặc dầu mọi bạo hành dã man của những cuộc tranh chấp trên thế giới. Chúng tôi muốn hòa bình và vì vậy không dùng đến bạo lực. Chúng tôi khao khát công lý vì thế kiên trì đấu tranh cho quyền sống của chúng tôi. Dân tộc chúng tôi không chọn bạo động, không chọn đổ máu. Cuộc đấu tranh cho nhân quyền và nhân phẩm của chúng tôi sẽ không bị ô nhiễm bởi căm hờn và thù hận". (Lech Walesa)
Đấu tranh ôn hòa bất bạo động đòi hỏi nhiều đức tính như kiên nhẫn và quyết tâm. Để nuôi dưỡng và phát triển phong trào, Phan Chu Trinh chủ trương "học" để canh tân và giáo hóa. Phạm Quỳnh khuyên các sinh viên "độc thư cứu quốc" để có độc lập tinh thần làm căn bản cho độc lập chính trị.
"Xã hội trông cậy vào kẻ sĩ rất nhiều; phụ thế trưởng dân cũng về phần kẻ sĩ, hưng bang kiến quốc cũng về phần kẻ sĩ; di phong dịch tục cũng về phần kẻ sĩ; duy trì thế giáo, phù thực cương thường cũng về phần kẻ sĩ; tác thành nhân tài, dẫn dụ hậu tiến cũng về phần kẻ sĩ. Kẻ sĩ là bậc tiên tri tiên giác, người hậu tri hậu giác không trông cậy vào kẻ sĩ thì trông cậy vào ai?" (Dương Bá Trạc: Tiếng Gọi Đàn)
Để giành lại tự chủ, Phan Bội Châu chủ trương khai dân trí, hưng dân khí và thực nhân tài. Ông kỳ vọng vào tầng lớp trí thức trong 6 Đại Ước Nguyện:
1) Thương yêu nhau và đoàn kết với nhau.
2) Dấn thân hành động cứu quốc.
3) Dấn thân thực hành công ích và công nghĩa.
4) Tôn trọng danh dự và đạo lý.
5) Có tinh thần tiến thủ, quyết tâm và mạo hiểm
6) Có kiến thức tiến bộ để xây dựng văn minh
-- (Tân Việt Nam, l907)
"Sự giàu mạnh của Nhật Bản không phải chỉ vì họ biết đóng tàu đúc súng, mà chính nhờ họ đã biết trau giồi đạo đức, sửa đổi luân lý". (Phan Chu Trinh).
"Sự hưng thịnh của một quốc gia không phải chỉ vì có nhiều tài sản, sức mạnh hay các lâu đài kiến trúc nguy nga. Mà nhờ có một số người có học thức bắt xứ ấy phải suy nghĩ, và một số người quả cảm bắt xứ ấy phải hành động". (Martin Luther)
Kể từ năm 1919 khi Tổng Thống Wilson nêu lên Quyền Dân Tộc Tự Quyết trong Chương Trình 14 Điểm tại Hội Quốc Liên, xu thế tất yếu của lịch sử là sự giải phóng tiệm tiến của các dân tộc bị trị Á Phi, từ chế độ thuộc địa, giám hộ qua tự trị và độc lập. Năm 1919 Canada, một thuộc địa của Anh đã chuyển từ quy chế tự trị (dominion) qua quy chế độc lập và được gia nhập Hội Quốc Liên.
Tại Phi Châu các chế độ giám hộ, tự trị và độc lập được tuần tự áp dụng tại các thuộc địa. Tại Á Châu, ngọai trừ 3 nước Đông Dương, tất cả các thuộc địa của Mỹ Anh Pháp Hoà Lan đều được tự trị và độc lập mà không phải dùng đến bạo động võ trang. Sớm nhất là Phi Luật Tân, Syrie và Liban (l946) và trễ nhất là Tân Gia Ba (l959).
4. GIÁO DỤC BẠO ĐỘNG ĐỒNG THI HÀNH.
Để cổ võ tinh thần trách nhiệm của giới sĩ phu, Phan Bội Châu đã viết 5 cuốn sách trong vòng 5 năm:
Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư,
Việt Nam Vong Quốc Sử,
Hải Ngoại Huyết Thư,
Tân Việt Nam và
Khuyến Quốc Dân Du Học.
Tại Đông Kinh, Phan Bội Châu tiếp xúc với những nhà Cách Mạng Trung Hoa như Lương Khải Siêu và Tôn Dật Tiên. Ngoài ra ông còn được sự trợ giúp của các vị lãnh tụ Đảng Cấp Tiến Nhật Bản như Đại Ôi Trung Tín và Khuyển Dưỡng Nghị. Bá Tước Đại Ôi Trung Tín đã được Quốc Hội Nhật Bản tấn phong làm thủ tướng chính phủ thời Thế Chiến Thứ Nhất khi Nhật Bản còn chiến đấu bên cạnh các quốc gia Đồng Minh Mỹ, Anh, Pháp. Tử Tước Khuyển Dưỡng Nghị cũng đã được chỉ định làm Thủ Tướng chính phủ đầu thập niên 1930. Năm 1932, ông bị ám sát vì phản đối chính sách đế quốc ngụy trang dưới chiêu bài Đại Đông Á của phe quân phiệt Nhật Bản.
Do sự giới thiệu của các lãnh tụ Đảng Cấp Tiến, 200 sinh viên Việt Nam được học quân sự tại trường Chấn Võ, và văn hóa tại trường Đồng Văn.
Năm 1908, với sự yểm trợ của Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu phát động đấu tranh bạo động từ Bắc vào Nam, như các vụ Hà Thành đầu độc, tập kích tại Nghệ An, bạo động tại Tuy Hòa, đồng thời với những cuộc biểu dương lực lượng tại Nam Kỳ của Thiên Địa Hội, Nhân Hòa Hội và Lương Hữu Hội. Chính phủ bảo hộ thẳng tay đàn áp và Hội Đồng Đề Hình đã tuyên 19 án tử hình. Ngoài ra Pháp còn yêu cầu Nhật Bản trục xuất Phan Bội Châu, Cường Để và 200 sinh viên Việt Nam trong phong trào Đông Du. Vì năm 1907, Pháp đã ký hiệp ước tài trợ cho Nhật một số ngân khỏan để bù vào những thâm thủng ngân sách do chiến tranh Nga Nhật gây ra. Phong trào Đông Du từ đó hoàn toàn tan rã.
Sau Cách Mạng Tân Hợi (1911), Phan Bội Châu giải tán Hội Duy Tân để thành lập Việt Nam Quang Phục Hội. Hưởng ứng chủ nghĩa Tam Dân, Phan Bội Châu chủ trương thành lập chế độ Cộng Hòa Dân Quốc. Mục đích để cầu viện Trung Hoa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Với chủ trương thiết huyết, năm 1913 Quang Phục Hội đã tổ chức những cuộc khủng bố bạo động như đặt bom tại khách sạn Hà Nội, ám sát Tuần Phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn, và toan mưu sát Toàn Quyền Albert Sarraut. Tại Saigon, các chiến hữu của Cường Để cũng vận động biểu tình trong vụ Phan Xích Long. Tòa Đề Hình đã tuyên 7 án tử hình đối với các đảng viên Phục Quốc, cùng 3 án tử hình vắng mặt đối với Phan Bội Châu, Cường Để và Nguyễn Hải Thần (người phụ trách ám sát Albert Sarraut). Đồng thời chính phủ Pháp đã vận động với Đô Đốc Quảng Đông Long Tế Quang để bắt giữ Phan Bội Châu trong 4 năm (từ 1913 đến 1917).
Trong Thế Chiến Thứ Nhất, Cường Để qua Đức cầu viện và Nguyễn Thượng Hiền đại diện Quang Phục Hội qua Thái Lan tiếp xúc với các nhân viên Tòa Đại Sứ Đức. Tuy nhiên cuộc cầu viện không thành vì năm 1918 Đức đã bị đồng minh đánh bại.
Xem tiếp---> 5-- Phan Bội Châu tự phán
Giải Thể Chế Độ Cộng Sản
Luật sư Nguyễn Hữu Thống, 2002