Saturday, September 5, 2009

Giải Thể Chế Độ Cộng Sản-- Kinh Nghiệm Đông Âu

Sách Biên Khảo


Giải Thể Chế Độ Cộng Sản

Luật sư Nguyễn Hữu Thống, 2002


Phần Thứ Hai: Kinh Nghiệm Đông Âu 

                                                                                                                         

            1. Ba nước Baltic

            2. Ba-Lan

            3. Hung Gia Lợi

            4. Đông Đức

            5. Tiệp Khắc

            6. Ba yếu tố dân chủ hóa


http://cache.eb.com/eb/image?id=64729&rendTypeId=4

 


PHẦN THỨ HAI: KINH NGHIỆM ĐÔNG ÂU.

 

1.     BA NƯỚC BALTIC

 

Cuộc đấu tranh giải thể Cộng Sản tại Đông Âu được phát động mạnh mẽ năm 1989 khi nhân dân 3 nước Baltic là Lithuania, Estonia và Latvia đứng lên đòi dân tộc tự quyết. Ba quốc gia này đã được độc lập từ sau Thế Chiến Thứ Nhất. Khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, Stalin đã ký hiệp ước bất tương xâm với Hitler để thôn tính và sát nhập 3 nước Baltic vào lãnh thổ Liên Bang Sô Viết. Mùa Xuân 1989 tại Ba Lan, dưới áp lực của công nhân và sinh viên, chính phủ Cộng Sản đã phải tổ chức tuyển cử tự do. Kết quả phe đối lập tòan thắng và một lãnh tụ đối lập đã được quốc hội chỉ định thành lập chính phủ. Thừa dịp này, nhân dân 3 nước Baltic biểu tình đấu tranh đòi độc lập. Sau hai năm chiến đấu kiên cường, 3 nứơc Baltic đã được giải phóng năm 1991 đồng thời với sự tan rã của Liên Bang Sô Viết.

           

2. BA LAN


Tại Ba Lan cuộc đấu tranh giải thể Cộng Sản được phát động năm 1956 với cuộc khởi nghĩa Poznan. Tuy nhiên Liên Xô đã đem quân đội và chiến xa đến dập tắt cuộc nổi dậy.

           http://www.topnews.in/files/pope-II.jpg http://media-2.web.britannica.com/eb-media/89/116189-004-575EB990.jpg

Dầu sao phong trào tranh đấu vẫn được tiếp diễn bởi những cuộc biểu tình của sinh viên đại học Warsaw năm 1968 và những cuộc đình công của công nhân trong thập niên 1970. Năm 1980, Công Đoàn Đoàn Kết phát động tổng đình công làm tê liệt guồng máy kinh tế quốc gia. Trước cao trào đấu tranh của quần chúng nhà cầm quyền Cộng Sản đã phải nhượng bộ và đã ký hiệp ước để công nhận tính hợp pháp của Công Đoàn Đoàn Kết. Nhờ có tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, phong trào dân chủ bộc phát mạnh mẽ trên tòan lãnh thổ. Đảng Cộng Sản đã phản ứng lại bằng cách ban hành lệnh thiết quân luật để đình chỉ thi hành các quyền tự do dân chủ năm 1981.

           

Năm 1983, nhân dịp về thăm quê hương, Đức Giáo Hoàng John Paul II kêu gọi nhà cầm quyền Ba Lan giải tỏa lệnh thiết quân luật và thừa nhận tính hợp pháp của Công Đoàn Đoàn Kết do Lech Walesa lãnh đạo. Cũng trong năm này, Walesa được trao tặng giải Nobel Hòa Bình. Giải này tuyên dương đường lối đấu tranh hòa bình của Công Đoàn Đoàn Kết là phù hợp với lương tri nhân loại.

           

Năm 1985, Gorbachev đưa ra chủ trương Cởi Mở, Đổi Mới Chính Trị và Tái Cấu Trúc Kinh Tế. Từ nay Liên Xô sẽ không can thiệp vào việc nội bộ của các nuớc Đông Âu trong Minh Ước Warsaw.

          

Năm 1988, những cuộc đình công và biểu tình tuần hành đại qui mô đã đưa đến việc triệu tập Hội Nghị Bàn Tròn và việc tổ chức tuyển cử quốc hội từng phần vào tháng 6, 1989. Kết quả Công Đoàn Đòan Kết tòan thắng tại hầu hết các đơn vị tuyển cử và Luật Sư Mazowiecki trong Công Đoàn Đòan Kết đã được chỉ định làm thủ tướng chính phủ. Qua năm sau, trong các cuộc tuyển cử địa phương, Công Đoàn Đòan Kết lại chiếm đại đa số phíêu. Ý thức trào lưu tiến hóa của lịch sử, và thông cảm với nguyện vọng của người dân, Tổng Thống kiêm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản, Jaruzelski đã tự ý rút lui. Và Walesa đã được quốc hội bầu làm tổng thống Ba Lan đầu tiên trong kỷ nguyên hậu Cộng Sản.

           

Cách Mạng Ba Lan là cuộc Cách Mạng Hoà Bình (Peaceful Revolution).

           

Trong bài diễn văn nhận giải Nobel Hòa Bình, Walesa viết: "Ý nguyện tha thiết nhất của đồng bào tôi gắn liền với mục đích gây tình hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi muốn Hòa Bình và vì vậy không chọn bạo động, không chọn đổ máu. Chúng tôi đòi Công Lý và vì vậy đã kiên trì đấu tranh cho quyền sống của con người. Vì Tự Do của chúng tôi không thể bị tước đoạt, nên chúng tôi phản kháng mọi sự bắt giữ các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, tù nhân nghiệp đoàn. Cuộc đấu tranh bảo vệ Nhân Quyền và Nhân Phẩm của chúng tôi sẽ không bị ô nhiễm bởi oán hờn và thù hận..."


 

            3. HUNG GIA LỢI

 

            Đồng thơì với cuộc khởi nghĩa Poznan tại Ba Lan, năm 1956, nhân dân Hung Gia Lợi cũng đã phát động cuộc khởi nghĩa Budapest. Và cũng như tại Ba Lan, phong trào đối kháng tại Hung Gia Lợi đã bị quân đội Liên Xô dập tắt.


http://images.travelpod.com/users/ambough/bellaitalia2007.1190052000.protest-for-freedom-x-liberty.jpg


            Trong hai thập niên 1970 và 1980, các trí thức văn nghệ sĩ, sinh viên và công nhân Budapest đã gia nhập vào các tổ chức đối kháng như nhóm Đối Thoại và Câu Lạc Bộ Danube. Năm 1987, các lực lượng dân chủ kết hợp trong Diễn Đàn Dân Chủ và đưa ra đường lối đấu tranh công khai, ôn hòa, hợp pháp và bất bạo động. Diễn Đàn Dân Chủ yêu cầu nhà cầm quyền đổi mới chính trị để trở lại chế độ Dân Chủ Đại Nghị như trước năm 1947. (Trong cuộc tổng tuyển cử tự do năm 1945, các Đảng Dân Chủ Xã Hội và Tiểu Tư Sản chiếm 60% số phiếu, trong khi đảng Cộng Sản chỉ được 15%. Năm 1947, với sự yểm trợ của mật vụ Liên Xô, đảng Cộng Sản đảo chính để nắm độc quyền lãnh đạo.)

        

   Đầu năm 1989, Đảng Cộng Sản Hung Gia Lợi công khai xám hối và nhìn nhận rằng cuộc Khởi Nghĩa Budapest 1956 không phải là phản động và phản quốc mà là một cuộc cách mạng đòi tự do dân chủ chống chế độ độc tài Stalin.


            Tháng 6, 1989, 300 ngàn người đã làm Lễ Cải Táng để phục hồi danh dự cho cố Thủ Tướng Imre Nagy bị hạ sát trong cuộc khởi nghĩa Budapest 1956. Tham dự lễ cải táng này, ngoài những người đối kháng trong Diễn Đàn Dân Chủ còn có các viên chức chính phủ, các đại biểu quốc hội, các đại diện các tôn giáo và các hội đoàn.


            Tháng 10, 1989 Đảng Cộng Sản Hung Gia Lợi tuyên bố giã từ Chủ nghĩa  Cộng Sản và đổi danh xưng là Đảng Xã Hội, để theo chủ nghĩa Dân Chủ Xã Hội của các Đảng Xã Hội Âu Châu như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Áo, Đức, Thuỵ Điển v.v... Sau đó chính phủ đã ban hành tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội. Các đảng Dân Chủ Xã Hội và Tiểu Tư Sản hoạt động từ trước năm 1947 nay được sinh hoạt trở lại. Lãnh tụ Cộng Sản Imre Pozsgay đã đến tham dự nhiều buổi hội thảo của nhóm Diễn Đàn Dân Chủ với tư cách quan sát viên. Sau đó, 2 phe thương nghị đã tổ chức tổng tuyển cử năm 1990. Kết quả Diễn Đàn Dân Chủ thắng phiếu Đảng Xã Hội (Đảng Cộng Sản cũ). Imre Pozsgay cùng phe lãnh đạo Cộng Sản  đã đồng loạt rút lui để nhường cho phe Dân Chủ đứng ra tái lập chế độ Dân Chủ Đại Nghị như trước năm 1947.


            Cách Mạng Hung Gia Lợi là cuộc Diễn Tiến Hoà Bình (Peaceful Evolution).


 

            4. TIỆP KHẮC


Cũng như Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc có truyền thống sinh hoạt dân chủ đại nghị. Năm 1946 trong cuộc tổng tuyển cử tự do Đảng Dân Chủ Cơ Đốc chiếm đại đa số phiếu, phe Cộng Sản chỉ được 6%. Và cũng như tại Hung Gia Lợi, với sự yểm trợ của mật vụ Liên Xô, năm 1948 phe Cộng Sản đã đảo chánh, hạ sát Ngoại Trưởng Masaryk để cướp chính quyền.


 Năm 1968 nhân dân Tiệp Khắc phát động cuộc Khởi Nghĩa Mùa Xuân Prague với sự tán trợ của Tổng Bí Thư Alexander Dubcek. Và cũng như tại Ba Lan và Hung Gia Lợi, Liên Xô đã đem quân đội với chiến xa đến đàn áp cuộc khởi nghĩa.


Năm 1975, 35 quốc gia Âu Châu và Bắc Mỹ ký Thỏa Ước Helsinki để xác nhận sự tôn trọng và thực thi nhân quyền. Qua năm 1976, hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền đã được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn để có hiệu lực chấp hành (Tiệp Khắc đã gia nhập 2 Công Ước này).

           

http://filipspagnoli.files.wordpress.com/2009/06/vaclav-havel-velvet-revolution.jpg


Năm 1977, Hiến Chương 77 được phổ biến với chữ ký của Patocka, Havel và Hajek. Có trên 200 người ký tên hưởng ứng Hiến Chương. Hiến Chương 77 yêu cầu chính phủ tôn trọng và thực thi những cam kết quy định trong thỏa ước Helsinki và trong hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Chính phủ đã phản ứng bằng cách bắt giam 3 người chủ xướng. Với chủ trương không bạo động và không nhượng bộ, mỗi năm có 3 đại biểu mới đứng ra công khai chịu trách nhiệm để phổ biến các tài liệu của Hiến Chương và sẵn sàng ngồi tù.

           

Tới năm 1989 có trên 1500 người đã tham gia Hiến Chương 77. Với chủ trương Tái Cấu Trúc của Gorbachev và với phong trào giải thể Cộng Sản tại Đông Âu, Cách Mạng Tiệp Khắc đã thành công. Tháng 11-1989 Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Milos Jackes từ chức và tháng 12/1989, người chủ xướng Hiến Chương 77, Vaclav Havel, được quốc hội Tiệp Khắc bầu làm tổng thống. Cuộc tổng tuyển cử tự do được tổ chức năm 1990. Quốc Hội mới đã tái tín nhiệm Havel trong chức vụ tổng thống và Alexander Dubcek, người anh hùng dân tộc lãnh đạo cuộc Khởi Nghĩa 1968 đã được bầu làm chủ tịch quốc hội.

          

Cũng như cuộc Cách Mạng Hung Gia Lợi, cuộc Cách Mạng Tiệp Khắc đã thành công nhờ tinh thần tranh đấu của nhân dân và cũng nhờ tinh thần tự giác của nhà cầm quyền Cộng Sản. Những người này đã ý thức trào lưu tiến hoá của lịch sử và đã thông cảm nguyện vọng chính đáng của nhân dân đòi quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Và phe Cộng Sản đã êm đềm rút lui để nhường chỗ cho những chính quyền dân chủ.

           

Cách Mạng Tiệp Khắc được gọi là Cách Mạng Nhung (Velvet Revolution).

           

Hiến Chương 77 viết: "Trách nhiệm bảo vệ những quyền tự do dân sự thuộc về chính quyền. Dầu sao bất cứ ai lo toan đến những vấn đề chung của đất nước cũng phải góp phần vào việc thượng tôn luật pháp và hiệp ước. Do đó, cả chính phủ và công dân đều bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế.

           

Ý thức về trách nhiệm liên đới này và tin tưởng vào sự dấn thân của công dân, chúng tôi soạn thảo Hiến Chương 77 và công bố trước quốc dân hôm nay: Hiến Chương 77 là sự kết hợp tự do, không nặng về nghi thức, được rộng mở cho tất cả mọi người thuộc mọi khuynh hướng, mọi tín ngưỡng và nghề nghiệp để cùng nhau đẩy tới sự tôn trọng nhân quyền và dân quyền trên đất nước chúng ta cũng như trên thế giới. Những quyền này đã được hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền bảo đảm cùng với Thỏa Uớc Helsinki, và cũng được quy định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

           

Hiến Chương 77 bắt nguồn từ sự đoàn kết và thân hữu của những người cùng chia sẻ những lý tưởng chung. Hiến Chương 77 không phải là một tổ chức chặt chẽ. Nó không có nội quy điều lệ, không có ban chấp hành và cũng không có danh sách hội viên. Bất cứ ai đồng quan điểm, cùng hoạt động hay tán trợ đều là người của Hiến Chương.

           

Hiến Chương 77 không phải là một tổ chức chính trị đối lập nên không đưa ra những đường lối chính trị hay xã hội. Nó chủ trương đối thoại xây dựng với nhà cầm quyền để nêu lên những vụ vi phạm nhân quyền, và đứng làm trung gian điều giải tranh chấp để tìm ra giải pháp..."

 

            5. ĐÔNG ĐỨC

           

Mùa hè 1989 nhà cầm quyền Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc không ngăn cản người dân Đông Đức muốn vượt thoát qua Tây Đức. Biên giới Hung Gia Lợi và Áo Quốc bỏ ngỏ. Cuộc vượt tuyến mang ý nghĩa phủ định chế độ Cộng Sản và làm thất thoát nhân lực về mặt kinh tế.

           

Tháng 10, 1989 nhân ngày kỷ niệm 40 năm thành lập Đông Đức, những cuộc biểu dương lực lượng đại quy mô đòi thống nhất đất nước trong tự do dân chủ báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Honecker. Tháng 11/1989, Bức tường Ô Nhục Bá Linh bị phá vỡ. Với tự do báo chí, những tin tức về các tệ đoan trong 40 năm Cộng Sản cầm quyền đã đưa đến những cuộc biểu tình tuần hành đại quy mô làm sụp đổ chế độ Cộng Sản. Đảng Dân Chủ Xã Hội Tây Đức đã góp phần đáng kể vào việc tái thống nhất đất nước.


http://english.ttu.edu/complit/images/1989-11-09_People_freed_from_communist_East_Germany_for_first_time_in_40_years_as_the_Berlin_Wall_is_torn_down_November_11_1989.jpghttp://www.english-online.at/history/collapse-communism/germans-standing-on-berlin-wall.jpg

 

Cuộc Cách Mạng Đức nhằm thực thi quyền Dân Tộc Tự Quyết.

          

Tổng kết lại có thể nói, biến cố lịch sử vĩ đại nhất trong hậu bán thế kỷ 20 là cuộc cách mạng bất bạo động năm 1989 để giải thể Cộng Sản Đông Âu. Cuộc biến động diễn ra quá mau như một chấn động: "Những gì cần tới 8 năm để xảy ra tại Ba lan, thì chỉ cần có 8 tháng để xảy ra ở Hung Gia Lợi và 8 ngày để xảy ra ở Đông Đức".


 

            Chúng ta hãy tóm tắt các sự kiện lịch sử:

          

1. Tại Ba Lan tháng 6, 1989, trong cuộc tuyển cử Quốc Hội từng phần, Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarity) đại thắng. Tôn trọng ý nguyện của cử tri, Đảng Cộng Sản phải ủy cho Luật Sư Mazowiecki thuộc Công Đoàn Doàn Kết đứng ra thành lập chính phủ. Qua năm 1990 trong cuộc tuyển cử địa phương, Công Đoàn Đoàn Kết lại chiếm đại đa số phiếu. Tướng Jaruzelski (là tổng thống và tổng bí thư  Đảng Cộng Sản) đã lặng lẽ rút lui, và Lech Walesa lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết đã được quốc hội bầu làm tổng thống đầu tiên trong kỷ nguyên hậu Cộng Sản.

           

Như vậy, kể từ năm 1981, khi Đảng Cộng Sản ban hành lệnh thiết quân luật cho đến năm 1989 khi Cộng Sản giải thể tại Ba Lan, thời gian là 8 năm.

           

Cách Mạng Ba Lan là cuộc Cách Mạng Hoà Bình.

          

2. Tại Hung Gia Lợi tháng 10, 1989 Đảng Cộng Sản giã từ chủ nghiã Mác Lê và đổi danh xưng là Đảng Xã Hội để theo chủ nghĩa Dân Chủ Xã Hội như tại Pháp, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Đức, Áo, Ý v...v...

           

Trong cuộc tổng tuyển cử tự do năm 1990, Diễn Đàn Dân Chủ đã thắng cử vẻ vang và chính quyền Cộng Sản đã êm đềm rút lui để nhường chỗ cho phe Dân Chủ tái lập chế độ Dân Chủ Đại Nghị.

          

Từ tháng 10, 1989 là ngày Đảng Cộng Sản giã từ chủ nghĩa Cộng Sản, tới tháng 6, 1990 là ngày chế độ Cộng Sản được giải thể, thời gian là 8 tháng.

          

Cách Mạng Hung Gia Lợi là cuộc Diễn Tiến Hoà Bình.

          

3. Tại Đức, tháng 11, 1989, Bức Tường Ô Nhục Bá Linh bị phá vỡ. Tháng trước, nhân ngày kỷ niệm 40 năm thành lập Đông Đức, một cuộc biểu tình đại qui mô đòi thống nhất đất nước trong tự do dân chủ báo hiệu sự sụp đổ của chính quyền Honecker. Sự việc diễn ra quá mau lẹ trong khoảng hơn 1 tuần hay 8 ngày.

           

Cuộc Cách Mạng Đức nhằm thực thi quyền Dân Tộc Tự Quyết.

          

4. Tại Tiệp Khác, tháng 12, 1989, lãnh tụ đối lập Havel, ngừơi chủ xướng Hiến Chương 77 được quốc hội bầu làm tổng thống. Những cuộc đấu tranh ôn hòa, bất bạo động diễn ra từ năm 1977, năm công bố Hiến Chương. Năm 1990, quốc hội Tiệp Khắc tái tín nhiệm tổng thống Havel. Và Alexander Dubeck, người anh hùng dân tộc trong cuộc Khởi Nghĩa 1968 đã được bầu làm chủ tịch quốc hội.

           

Cách Mạng Tiệp Khắc là cuộc Cách Mạng Nhung.


           

Từ các cuộc giải thể Cộng Sản tại Đông Âu, chúng ta có thể rút ra 2 kết luận:


1. Chế độ Cộng Sản không bị sụp đổ vì những cuộc tấn công từ bên ngoài, mà chỉ bị giải thể khi người dân trong nước không ai tha thiết bảo vệ chế độ nữa.


            2. Cuộc dân chủ hoá tại Đông Âu đòi hỏi 3 yếu tố:

            a) Yếu tố thứ nhất: Sức mạnh của nhân dân biểu dương qua những cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành, đình công v.v... như tại Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc.

            b) Yếu tố thứ hai: Một tổ chức đối lập mạnh mẽ như Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, Diễn Đàn Dân Chủ Hung Gia Lợi hay Hiến Chương 77 Tiệp Khắc.

            c) Yếu tố thứ ba: Tinh thần thể thao phục thiện và ý thức của những người CS phản tỉnh biết tôn trọng ý nguyện của đồng bào và quyền lợi của quốc gia như tại Hung Gia Lợi, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức.


            Đôi khi chỉ cần một trong 3 yếu tố là đủ để giải thể Cộng Sản. Nhưng thường khi phải có sự kết hợp của 2 hay 3 yếu tố để có sự chuyển quyền êm ái từ  Cộng Sản qua dân chủ. Tất cả tùy thuộc vào tinh thần tranh đấu của người dân và thiện chí cùng trình độ giác ngộ của nhà cầm quyền.

            Rất tiếc là tại Việt Nam hiện nay cả ba yếu tố nói trên đều chưa thấy xuất hiện.

 

(xem tiếp)


Phần Thứ Ba: Nguyên Nhân Bất Động 

                                                                                                                         

            1. Dân lực suy kiệt

            2. Dân tình chán nản

            3. Dân khí suy vi

            4. Dân trí bưng bít

5. Dân quyền chà đạp