Sách: Giải Thể Chế Độ Cộng Sản
Luật sư Nguyễn Hữu Thống
Phần thứ nhất: Nhận Định Tổng Quát:
1. Chiến tranh Cộng Sản
2. Truyền thống lịch sử
3. Quá trình phát triển
4. Phương diện tinh thần
5. Dân chủ Đa Nguyên
6. Dân tộc tự quyết
PHẦN THỨ NHẤT: NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
1. Chiến Tranh Cộng Sản
Trong chiến tranh Cộng Sản không có hiện tượng tự động bộc phát mà cũng không có hiện tượng tự động suy tàn.
Trong giai đoạn phát triển, Cộng sản không phải là cây nấm dại tự nhiên mọc trên thân cây gỗ mục. Nó là cả một công trình tổ chức, huấn luyện, đấu tranh trường kỳ và liên tục của phe Quốc Tế Cộng Sản đặt tổng hành dinh tại Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh.
Trong giai đoạn thoái trào Cộng Sản cũng không phải là những lá khô cằn cỗi lần lượt rơi rụng trước trận gió chiều thu. Cuộc đấu tranh giải thể Cộng Sản đã thực sự diễn ra từ 50 năm nay, với cuộc nổi dậy của nhân dân Đông Đức năm 1953, nhân dân Ba Lan và Hung Gia Lợi năm 1956, nhân dân Tiệp Khắc năm 1968, nhân dân Đông Âu và Trung Quốc năm 1989 và nhân dân Nga năm 1991.
Sự suy tàn của Cộng Sản Đông Âu không phải là điều kiện cần và đủ để giải thể các chế độ Cộng Sản Đông Á. Muốn giải thể Cộng Sản và xây dựng dân chủ phải hy sinh chiến đấu. Muốn khai hoa, kết quả trước hết phải trồng cây.
2. Truyền Thống Lịch Sử
Cuộc đấu tranh giải thể Cộng Sản được phát động trước tiên tại Đông Âu vì Âu Châu có truyền thống tự do dân chủ. Hơn nữa Âu Châu còn là trung tâm đấu tranh cách mạng, cách mạng Pháp năm 1789, cách mạng Âu Châu năm 1848, cách mạng Nga năm 1917. Ngoài ra Âu Châu còn là nơi bộc phát hai cuộc thế chiến năm 1914 và 1939 do cách mạng quốc gia cực đoan tại Đức.
3. Quá Trình Phát Triển
Các chế độ Cộng Sản Đông Âu được Liên Xô áp đặt sau Đệ Nhị Thế Chiến. Các lãnh tụ Cộng Sản Đông Âu do Liên Xô điều động trái với ý nguyện của quần chúng nên không có tính chính thống. Cũng như phe Cộng Sản Lenin đã dùng võ trang đảo chánh phe Dân Chủ Xã Hội Kerensky sau Cách Mạng Tháng Hai 1917, phe Cộng Sản Đông Âu, với sự yểm trợ của mật vụ Liên Xô đã thanh toán các lãnh tụ Dân Chủ Xã Hội và Dân Chủ Cơ Đốc để cướp lấy chính quyền. Vì vậy ngay từ khởi thủy họ không có chính nghĩa và không gây được tín nhiệm và hậu thuẫn quần chúng.
4. Về phương diện tinh thần
Người dân Âu Châu được hun đúc bởi truyền thống đấu tranh cho tự do dân chủ và thấm nhuần tư tưởng bình đẳng bác ái của nền văn hóa và giáo lý nhân bản nên thường có tinh thần:
a. Phóng khoáng cởi mở.
b. Ngay thẳng bộc trực.
c. Thể thao phục thiện và
d. Công bằng trọng pháp.
Trước cao trào đấu tranh của quần chúng và áp lực của các đảng viên cơ sở, phe lãnh tụ bảo thủ Đông Âu đã tự ý rút lui để nhường chỗ cho những chính quyền dân chủ.
Trong khi đó phe lãnh tụ Cộng Sản Á Châu đã tạo được nhiều thành tích trong Cách Mạng Cộng Sản ngụy trang dưới chiêu bài giải phóng dân tộc chống chế độ thuộc địa và bán thuộc địa. Do đó họ thường tự cao, tự đại, tự hào là "cán bộ mùa thu", "cán bộ vạn lý trường chinh", là "đỉnh cao của trí tuệ loài người".
Trên thực tế:
Thay vì phóng khoáng cởi mở, họ lại khép kín bảo thủ.
Thay vì ngay thẳng bộc trực, họ thường ngụy trang dối trá.
Thay vì thể thao phục thiện, họ lại bất phục ngoan cố.
Thay vì công bằng trọng pháp, họ thường bao che tham nhũng.
Tại Á Châu ngày nay phe lãnh tụ Cộng Sản thuộc thành phần già nua, thất học, ngoan cố và lạc hậu. Họ đã thẳng tay đàn áp phong trào đòi tự do dân chủ do sinh viên và nhân dân Trung Quốc phát động tại Thiên An Môn năm 1989, bất chấp sự phản kháng và phẫn nộ của nhân dân thế giới.
Cũng vì vậy cuộc đấu tranh giải thể các chế độ Cộng Sản Đông Á sẽ thập phần cam go với nhiều hy sinh, gian khổ, tù đày, chết chóc. Muốn thành công phải thập diện mai phục và đấu tranh toàn diện: đấu lý, đấu lực, đấu pháp, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chính trị, đấu tranh đòi tự do nhân quyền, đòi Dân Chủ Đa Nguyên.
5. Dân Chủ Đa Nguyên
Khi đưa ra kế hoạch dân chủ đa nguyên một số tác giả chủ trương Đảng Cộng Sản phải từ bỏ địa vị độc tôn và rút khỏi chính quyền để trả quyền quản trị đất nước cho quốc dân. Họ kêu gọi những phần tử tiến bộ trong và ngoài nước liên kết thành một lực lượng dân chủ đủ sức mạnh và hậu thuẫn để đối thoại với những người Cộng Sản cũ đã từ bỏ chuyên chính vô sản.
Về mặt kỹ thuật pháp lý, họ yêu cầu nhà nước Cộng Sản phải xoá bỏ Điều 4 Hiến Pháp giành độc quyền lãnh đạo cho Đảng Cộng Sản. Đồng thời Đảng Cộng Sản phải rút ra khỏi chính quyền và đặt các lực lượng trấn áp như công an mật vụ ra ngòai các sinh hoạt chính trị quốc gia.
Điều đáng chú ý là các tác giả đã không đề cập dến nguyên nhân nào đã thúc đẩy và ép buộc đảng Cộng Sản Việt Nam phải:
1) Tu chính Hiến Pháp
2) Rút khỏi chính quyền và
3) Phục viên công an mật vụ
Chúng ta không quên rằng, trong khi các chế độ Cộng Sản Đông Âu đều do Liên Xô áp đặt sau Thế Chiến Thứ Hai thì các đảng Cộng Sản Á Châu đã lồng cuộc Cách Mạng Cộng Sản trong chiêu bài Giải Phóng Dân Tộc chống chế độ thuộc địa và bán thuộc địa. Trong quá trình tranh đấu họ đã phải hy sinh gian khổ, nằm gai nếm mật ròng rã ba bốn mươi năm mới có cơ hội cướp được chính quyền. Nay không thể bỗng dưng vô cớ họ chịu tự ý "từ bỏ địa vị độc tôn và rút khỏi chính quyền". Phải có một nguyên nhân hay động lực đặc biệt như cuộc Cách Mạng Quốc Dân hoạ chăng họ mới chịu nhượng bộ và rút lui.
Chiếu nguyên tắc Dân Tộc Tự Quyết chỉ có quốc dân mới đủ thẩm quyền để quyết định về chế độ chính trị của quốc gia. Ngược lại cũng chiếu nguyên tắc Dân Tộc Tự Quyết nếu quốc dân không bầy tỏ ý nguyện công khai và rõ rệt, các cường quốc trong thế giới dân chủ cũng không có lý do can thiệp vào nội bộ của các quốc gia khác.
Do đó muốn đưa cách mạng tới thành công, quốc dân phải biểu dương ý chí đấu tranh đòi giải thể Cộng Sản, bảo đảm tự do dân chủ cho các đảng phái công khai hoạt động, đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí để dân chúng ý thức và am hiểu các vấn đề liên quan tới việc xây dựng một chế độ dân chủ qua tổng tuyển cử.
Cuộc biểu dương lực lượng có thể diễn ra duới hình thức mít tinh và biểu tình tuần hành trong tinh thần:
1) KHÔNG BẠO ĐỘNG vì bạo động sẽ biện minh cho đàn áp
2) KHÔNG OÁN THÙ vì toàn dân toàn quân đều là nạn nhân của một thiểu số lãnh đạo ngoan cố và lạc hậu. Và
3) KHÔNG SỢ HÃI vì đây là điều kiện tiên quyết để tranh đấu và thành công.
Nói tóm lại muốn giải thể Cộng Sản và xây dựng Dân Chủ trước hết phải có cuộc nổi dậy của quốc dân lên án chế độ và chủ nghĩa Cộng Sản.
Trước khi được hành sử quyền Tự Do Dân Chủ, Quốc Dân phải hành sử quyền Dân Tộc Tự Quyết.
6. Dân Tôc Tự Quyết
Dân Tộc Tự Quyết (DTTQ) là quyền của người dân được tự do lựa chọn chế độ chính trị của quốc gia và tự do lựa chọn các đại biểu của mình trong chính quyền để thực thi chế độ đó.
a) Năm 1949 đồng bào Miền Nam đã hành sử quyền Dân Tôc Tự Quyết để giải tán chế độ Nam Kỳ Tự Trị và sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất chiếu Hiệp Định Elysée năm 1949 ký kết giữa Tổng Thống Pháp và Quốc Trưởng Việt Nam.
b) Năm 1962 nhân dân Algerie đã hành sử quyền Dân Tôc Tự Quyết để bãi bỏ chế độ thuộc địa và lựa chọn chế độ độc lập.
c) Năm 1992 nhân dân Nam Phi đã hành sử quyền Dân Tôc Tự Quyết để chấm dứt chế độ kỳ thị chủng tộc và sau đó đã bầu Luật Sư Mandela làm tổng thống và cựu Thống Đốc De Klerk làm phó tổng thống.
Tại Việt Nam, Algerie và Nam Phi, nhà cầm quyền người Pháp và người Anh đã tôn trọng tinh thần thể thao và phục thiện để thuận theo trào lưu tiến hóa của lịch sử và cho phép người dân được hành sử quyền Dân Tôc Tự Quyết bằng cách sử dụng lá phiếu để nói lên ý nguyện của mình.
Ngày nay nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam ý thức xu thế tất yếu của thời đại và thông cảm với ý nguyện của nhân dân để tổ chức trưng cầu dân ý, họ sẽ thấy ít nhất 95% dân chúng đòi giải thể chế độ Cộng Sản để thiết lập Dân Chủ Pháp Trị và Kinh Tế Thị Trường. Tuy nhiên vì bản tính bất phục và ngoan cố, vì quyền lợi và địa vị cá nhân và phe đảng, nhà cầm quyền Cộng Sản đã không cho người dân hành sử quyền Dân Tôc Tự Quyết bằng cách sử dụng lá phiếu để lựa chọn chế độ chính trị quốc gia. Do đó trong điều kiện hiện tại Dân Tôc Tự Quyết chỉ có thể được biểu hiện bằng những cuộc biểu dương lực lượng dưới hình thức mít tinh, biểu tình, tuần hành, trong tinh thần không bạo động, không oán thù và không sợ hãi.
Trước hết chúng ta hãy duyệt lại những kinh nghiệm giải thể Cộng Sản tại Đông Âu.
(xem tiếp phần kế)
Phần Thứ Hai: Kinh Nghiệm Đông Âu
1. Ba nước Baltic
2. Ba-Lan
3. Hung Gia Lợi
4. Đông Đức
5. Tiệp Khắc
6. Ba yếu tố dân chủ hóa