Saturday, September 5, 2009

GTCDCS: Đấu Tranh Pháp Lý

(tiếp theo)

                     Sách biên khảo

Giải Thể Chế Độ Cộng Sản

Luật sư Nguyễn Hữu Thống       

 

 

6. ĐẤU TRANH PHÁP LÝ


http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/tacgia/images/phamquynh.jpg

 

            Trong chiều hướng ôn hòa, Phạm Quỳnh chọn con đường đấu tranh chính trị và ngoại giao, đòi Pháp trả lại tự trị cho Việt Nam theo đúng tinh thần và điều khoản của Hiệp Ước Bảo Hộ Patenôtre (1884). Vì Hiệp Ước này chỉ cho người Pháp quyền bảo hộ (protéger) chứ không trao quyền cai trị và quản trị hành chánh (gouverner et administrer).

 

            Chiếu điều 1 Hiệp Ước Patenôtre, Việt Nam thừa nhận sự bảo hộ của Pháp. Từ nay Pháp được đại diện Việt Nam trong các tương quan quốc tế (relations extérieures).

 

            Điều 5 viết: "Tại Trung Kỳ, (Annam), một Tổng Khâm Sứ (Résident Général) thay mặt chính phủ Pháp để đại diện ngoại giao cho Việt Nam và đảm nhiệm chức vụ bảo hộ (protectorat). Tuy nhiên Tổng Khâm sứ không được can thiệp vào việc hành chánh địa phương tại các tỉnh (sans s'immiscer dans l'administration locale des provinces). Vị này sẽ được cư trú tại Nội Thành Huế với một đoàn vệ binh quân sự." (Il résidera dans la citadelle de Hué avec une escorte militaire).

 

            Các Điều 6 và 7 viết:

 

"Tại Bắc Kỳ, các công sứ được chỉ định bởi chính phủ Pháp. Họ không được can thiệp vào các công việc hành chánh địa phương tại các tỉnh. (Les Résidents éviteront de s'occuper des détails de l'administration intérieure des provinces). Các quan lại bản xứ mọi cấp sẽ tiếp tục cai trị và quản trị hành chánh dưới quyền kiểm soát của các công sứ." (Les fonctionnaires indigènes de tout ordre continueront à gouverner et à administrer sous leur contrôle).

 

          Đặc biệt Điều XVI Hiệp Ước viết:

 

 "Quốc vương Việt Nam vẫn tiếp tục điều khiển việc quản trị hành chánh địa phương tại các xứ (Trung Kỳ và Bắc Kỳ) ngoại trừ những hạn chế quy định trong Hiệp Ước này". (S.M. le Roi d'Annam continuera, comme par le passé, à diriger l'administration intérieure de ses États, sauf les restrictions qui résultent de la présente Convention).

           

3 năm sau, năm 1887 Pháp lập Liên Bang Đông Dương và Toàn Quyền Đông Dương để nắm toàn quyền cai trị. Đây là một vi phạm nghiêm trọng Hiệp Ước Bảo Hộ Patenôtre.

 

            Năm l922 tại Paris, trước Ban Đạo Lý Chính trị của Hàn Lâm Viện Pháp, Phạm Quỳnh đã nói lên tư tưỏng chính trị của mình, đòi có một quốc gia Việt Nam văn hiến, có truyền thống, có quốc hồn, quốc túy:

 

            "Dân Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng được đâu. Chúng tôi là một quyển sách đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai, đã mấy mươi thế kỷ nay. Quyển sách cổ ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp thời trang, nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên những dòng chữ cũ được. Vấn đề là phải giáo dục người Việt Nam cho vừa truyền được cái khoa học kỹ thuật cao thượng đời nay, vừa không đến nỗi làm chúng tôi mất giống đi, mất cái quốc tính của chúng tôi thành một dân tộc vô hồn, không còn có tinh thần đặc sắc gì nữa, như mấy cái thuộc địa cổ của người Pháp kia.

            "Nếu văn minh là cái vốn và là một truyền thống, thì chúng tôi tha thiết giữ nguyên cái vốn kiên trì cố gắng mà tổ tiên đã để lại. Chúng tôi không muốn với bất cứ giá nào bỏ mất quá khứ, cái quá khứ ngàn năm đã tạo ra chúng tôi ngày nay. Chúng tôi muốn giữ lấy cái bản tính quốc gia, cái cá tính lịch sử của chúng tôi".

-- (Thuyết Trình tại Paris, 1923)

 

            Theo Lê Văn Siêu, Phạm Quỳnh "là một nhà yêu nước, làm việc vì mình và cho mình thì ít, nhưng làm việc cho văn hóa thì nhiều hơn ai hết, ở hồi đầu thế kỷ". (Văn Học Sử thời kháng Pháp).

 

            Trong 3 thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, ngòai đường lối đấu tranh bạo động võ trang của Phan Bội Châu, còn có sách lược đấu tranh ôn hòa bất bạo động của Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh và Bùi Quang Chiêu. Phan Chu Trinh với thuyết Cộng Hòa Dân Chủ, Phạm Quỳnh và Bùi Quang Chiêu với chủ trương Quân Chủ Lập Hiến, đòi tự trị và độc lập cho Việt Nam. Ngoài ra còn có thuyết "Trực Trị" của Nguyễn Văn Vĩnh:

 http://www.nguyenvanvinh.net/Gia%20Dinh%20Ong%20NVV/Pict/ong%20co%20Vinh.jpg

            "Thấy ở nước ta, ba kỳ có 3 chế độ chính trị khác nhau. Nguyễn Văn Vĩnh mới chủ trương thuyết "Trực Trị". Người Pháp trực tiếp cai trị người Nam, như ở Nam Kỳ, không phải qua vua quan người Nam, thì dân được hưởng nhiều chế độ rộng rãi hơn. Phạm Quỳnh, trái lại, chủ trương thuyết Lập Hiến. Người Pháp nên thi hành đúng Hiệp Ước 1884, chỉ đóng vai bảo hộ, còn công việc trong nước thì vua quan người Nam tự đảm nhiệm lấy. Bấy giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan, không phải vì danh. Quốc dân biết Phạm Quỳnh hơn mấy Thượng Thư Nam Triều. Cũng không phải vì lợi, làm báo Nam Phong, Phạm Quỳnh được phụ cấp to hơn lương Thượng Thư. Phạm Quỳnh ra làm quan chỉ là để đổi lấy danh nghĩa Chính Phủ Nam Triều đòi Pháp trở lại Hiệp Ước 1884. Vậy một người yêu nước như Phạm Quỳnh sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị, chẳng qua chỉ là một việc miễn cưỡng trái với ý muốn, để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn, chứ thực lòng, là một người dân mất nước, ai không đau đớn, ai không khóc thầm". (Nguyễn Công Hoan: Đời Viết Văn của tôi (l97l)

 

            Phạm Quỳnh không tán thành thuyết Trực Trị và đòi có một quốc gia, một tổ quốc. Trong Thư ngỏ gởi Bộ Trưởng Thuộc Địa Paul Reynaud sang thăm Việt Nam năm 1931, ông viết:

 

            "Chúng tôi đang đi tìm Tổ Quốc, mà không thấy Tổ Quốc ở đâu. Tổ Quốc ấy đối với chúng tôi nhất định không phải là nước Pháp. Lời nói đó không hề có ý bất chính gì. Chính nó tiêu biểu cho sự thực chính xác. Người Việt Nam không thể coi nước Pháp làm Tổ Quốc được, vì trước đã có Tổ Quốc của mình rồi, mà Tổ Quốc đó nước Pháp có thể vì chúng tôi khôi phục lại bằng cách ban cho chúng tôi một hiến pháp, cho quan niệm quốc gia của chúng tôi được phát triển, cho chúng tôi cũng được sống như những người dân của một quốc gia xứng đáng". (Nam Phong, tháng 10-1931)

 

            Muốn khôi phục lại Tổ Quốc phải thâu hồi tự trị rồi độc lập cho quốc gia. Muốn có tự trị phải đấu tranh chính trị, đấu tranh pháp lý, đòi tôn trọng và thực thi Hiệp Ước Bảo Hộ Patenôtre 1884.

 

            Chiếu HIỆP ƯỚC BONARD (1862) Việt Nam nhượng cho Pháp 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ.         

 

            Chiếu HIÊP ƯỚC DUPRE (1874), Việt Nam nhượng cho Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ làm thuộc địa. Ngược lại, Pháp thừa nhận chủ quyền của quốc vương Việt Nam (tại Trung và Bắc Kỳ). Từ nay Việt Nam được độc lập đối với các quốc gia khác (như Trung Hoa: các ấn sắc phong của vua nhà Thanh cho vua Việt Nam bị tiêu hủy). Việt Nam thuộc quyền bảo hộ của Pháp nên không còn chịu thần phục Trung Hoa nữa. Quốc Vương Việt Nam được quyền bổ nhiệm sứ thần tại Paris.

 

            Về mặt an ninh quốc phòng, Pháp nhận yểm trợ Việt Nam chống ngoại xâm và nội loạn. Về mặt đối ngọai, Việt Nam thuận theo chính sách ngọai giao của Pháp. Nói tóm lại, ngọai trừ về ngoại giao và quốc phòng Việt Nam được toàn quyền tự trị về mặt nội bộ.

 

            Chiếu HIÊP ƯỚC BẢO HÔ PATENÔTRE (1884), quốc vương Việt Nam được tòan quyền quản trị Trung Kỳ (Pháp chỉ đặt một tòa Khâm Sứ tại Nội Thành Huế để tiện liên lạc). Tuy nhiên tại Bắc Kỳ, Pháp được quyền đặt các tòa Công Sứ tại mỗi tỉnh để kiểm soát việc cai trị của các quan lại Việt Nam. Dầu sao Pháp cam kết không trực tiếp can thiệp vào việc nội trị của Việt Nam. Pháp chỉ có quyền bảo hộ chứ không có quyền cai trị. Vua quan Việt Nam vẫn giữ quyền cai trị và quản trị hành chánh tại các tỉnh Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

 

            Năm 1885 chính phủ Mãn Thanh ký Hiệp Ứơc Thiên Tân để thừa nhận sự bảo hộ của Pháp tại Việt Nam.

 

            Với thời gian, Pháp không tuân hành các điều khỏan của Hiệp Ước 1884 và đã thực sự cai trị cả ba kỳ. Kể từ 1887, Liên Bang Đông Dương được thành lập. Chính phủ bảo hộ gồm có Tòan Quyền Đông Dương, Thống Đốc Nam Kỳ, Khâm Sứ Trung Kỳ, Thống Sứ Bắc kỳ và các Công Sứ tại các tỉnh. Từ đó chính phủ bảo hộ nắm thực quyền, triều đình Huế chỉ giữ hư vị, hữu danh vô thực. (Việt Nam mất quyền ngoại giao, quốc phòng và cả quyền hành chánh về mặt nội trị).

 

            Năm 1932, Phạm Quỳnh bỏ chức vụ chủ bút Nam Phong vào Huế làm Đổng Lý Văn Phòng cho vua Bảo Đại. Năm sau làm Thượng Thư Bộ Học và năm 1942 giữ chức Lại Bộ Thượng Thư (Thủ Tướng). Sau cuộc đảo chánh Nhật, thay mặt vua, Phạm Quỳnh đọc Tuyên Ngôn Việt Nam Độc Lập ngày 11-3-1945.

 

            Muốn hiểu rõ lập trường của Phạm Quỳnh về cuộc vận động giải phóng dân tộc, chúng ta hãy đọc bản phúc trình mật đề ngày 8-1-l945 của Khâm Sứ Trung Kỳ Haelewyn gởi Tòan Quyền Đông Dương Decoux:

 

            "Một lần nữa Lại Bộ Thượng Thư (Phạm Quỳnh) cực lực phiền trách chúng ta (người Pháp) đã trưng thu lúa gạo của dân để tiếp tế cho quân đội Nhật Bản. Phạm Quỳnh còn yêu cầu chúng ta phải tôn trọng lời hứa bằng cách trả lại Bắc Kỳ cho chính phủ Nam Trìêu trong một thời hạn ngắn nhất, để thiết lập tự trị cho Trung và Bắc Kỳ, biến chế độ bảo hộ thành chế độ Thịnh Vượng Chung (Commonwealth). Đồng thời chấm dứt chế độ thuộc địa Nam Kỳ, để thành lập quốc gia Việt Nam (độc lập và thống nhất)

 

            "Mặc dầu mọi vẻ nhã nhặn và mềm dẻo bên ngoài, Phạm Quỳnh là một phần tử không khoan nhượng trong mục tiêu giành độc lập cho Việt Nam. Chúng ta đừng nuôi hy vọng có thể lung lạc lòng yêu nước chân thành bất di bất dịch của ông ta. Hiện thời ông ta là một đối thủ thận trọng chừng mực nhưng kiên quyết trong vấn đề bảo hộ của Pháp. Do đó Phạm Quỳnh rất có thể trở thành một đối thủ bất khả quy của chúng ta nếu ông ta hưởng ứng lời hứa hẹn của Nhật Bản trong chủ thuyết Đại Đông Á...."

 

            Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. 3 quốc vương Việt Nam, Cao Miên, và Ai Lao cùng ra Tuyên Ngôn Độc Lập, Bảo Đại ngày 11-3-1945, Sihanouk ngày 13-3-1945 và Sisavangvong ngày 11-4-1945. Bốn năm sau, năm 1949, 3 nước Việt Nam, Ai Lao và Cao Miên cùng giành được độc lập do các Hiệp Định ký kết tại Paris:

             1) Hiệp Định Élysée ngày 8-3-1949 ký kết giữa Tổng Thống Vincent Auriol và quốc trưởng Bảo Đại để trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam.

            2) Hiệp Định ngày 20-7-1949 ký kết giữa Tổng Thống Vincent Auriol và quốc vương Ai Lao Sisavangvong theo "tinh thần Hiệp Định Élysée".

            3) Hiệp Định ngày 8-11-1949 ký kết giữa Tổng Thống Vincent Auriol và quốc vương Cao Miên Sihanouk chấm dứt chế độ bảo hộ thiết lập từ 1863.

           

 

Xem tiếp ---->         7-- Hợp tác và thương nghị

 


Giải Thể Chế Độ Cộng Sản

Luật sư Nguyễn Hữu Thống

 

B. Vinh Danh Cuộc Đấu Tranh Chính Trị và Ngoại Giao

              1 -- Bài Học Nhật Bản: Canh Tân và Giáo Dục

             2-- Tư Tưởng Chính Trị.

              3-- Đấu tranh bất bạo động

              4-- Giáo dục bạo động đồng thi hành

             5-- Phan Bội Châu tự phán

             6-- Đấu tranh pháp lý

             7-- Hợp tác và thương nghị

             8-- Ấn Độ 1914: Một kinh nghiệm hợp tác

             9-- Việt Nam 1919: Một cơ hội bỏ lỡ

             10-- Đấu tranh chính trị và ngoại giao